Cuốn sách “Đề Thám – Thời kỳ huy hoàng” cung cấp thêm cho bạn đọc một sử liệu tham khảo với nhiều thông tin sinh động, cụ thể, đặc biệt có cả tư liệu ảnh và bản đồ.
Nhân dịp 110 năm ngày mất của cụ Đề Thám, nhân vật lịch sử được mệnh danh là “hùm thiêng Yên Thế”, ngày 27/8 tới đây, Nhã Nam và Viện Pháp tại Hà Nội phối hợp tổ chức buổi tọa đàm ra mắt tác phẩm “Đề Thám – Thời kỳ huy hoàng”.
Theo thông tin từ Ban tổ chức, buổi tọa đàm ra mắt sách diễn ra vào 9h30-11h ngày 27/8/2023 tại số 10 ngõ 2 Nguyên Hồng, quận Đống Đa, Hà Nội với sự tham dự của Tiến sĩ sử học Vũ Đức Liêm, Tiến sĩ văn học Mai Anh Tuấn.
Cuốn sách “Đề Thám – Thời kỳ huy hoàng” vốn có nhan đề gốc là “L’homme du jour. Le De Tham” (Người đương thời. Đề Thám), được xuất bản năm 1909 tại Hà Nội.
Cuốn sách “Đề Thám – Thời kỳ huy hoàng” cung cấp thêm cho bạn đọc một sử liệu tham khảo với nhiều thông tin sinh động
Đây là một trong những tài liệu ra đời sớm, có tính thời sự nói về cụ Đề Thám, về các cuộc đối kháng quân sự giữa chính quyền Pháp và đội quân Yên Thế. Tác giả biên soạn tài liệu này là Maliverney, chủ bút báo Tương lai Bắc Kỳ (L’Avenir du Tonkin).
Cuốn sách tập hợp các bức điện báo, các thông tin báo chí và bài phân tích về chiến dịch hành quân chống Đề Thám của quân Pháp từ tháng 1 đến tháng 3/1909. Trong mắt quân Pháp, Yên Thế là một vùng không dễ tiếp cận, tiềm ẩn nhiều hiểm nguy trắc trở, nghĩa quân cũng như người dân Yên Thế là những con người khó quy hàng, còn Đề Thám thực sự là một “hùm thiêng”, thoắt ẩn, thoắt hiện, không sao khuất phục nổi.
“Đề Thám – Thời kỳ huy hoàng” gồm ba nội dung chính: thứ nhất, giới thiệu nguồn gốc, tiểu sử Đề Thám và các hoạt động của ông trước năm 1909; thứ hai, các bài báo, điện tín của phóng viên báo Tương lai Bắc Kỳ gửi về từ Yên Thế; thứ ba, một số bài phóng sự, ký sự trận chiến năm 1909 tại Yên Thế.
Cuốn sách này được viết bởi góc nhìn, quan điểm và tâm thế của người Pháp nên các tác giả luôn giữ giọng điệu “thực dân” khi đánh giá Đề Thám lẫn cuộc kháng chiến do ông chỉ huy.
Trong quá trình chuyển ngữ, nhóm biên soạn gặp rất nhiều khó khăn để biên tập chính xác các địa danh, nhân danh. Các địa danh, nhân danh do tác giả Pháp ghi lại, thường là giữ nguyên phiên âm tiếng Việt không dấu, có khi dựa vào trí nhớ, lời kể, nên không thể coi là chính xác tuyệt đối. Địa bàn hoạt động của Đề Thám cũng rất rộng, bao gồm các tỉnh Bắc Giang, Thái Nguyên, Lạng Sơn, nên nhiều đơn vị như làng, xóm, thôn hoặc châu bản hiện nay đã đổi tên hoặc không còn tồn tại.
Mặc dù vậy, cuốn sách “Đề Thám – Thời kỳ huy hoàng” cung cấp thêm cho bạn đọc một sử liệu tham khảo với nhiều thông tin sinh động, cụ thể, đặc biệt có cả tư liệu ảnh và bản đồ, về Đề Thám và khởi nghĩa Yên Thế.
Hoàng Hoa Thám (1858-1913), hay được biết nhiều hơn dưới tên gọi Đề Thám, là một nhật vật nổi bật trong lịch sử Việt Nam giai đoạn cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Là thủ lĩnh chỉ huy cuộc khởi nghĩa Yên Thế khiến chính quyền thực dân Pháp mất rất nhiều công sức đánh dẹp, Đề Thám nhận được sự quan tâm rất lớn của công chúng trên cả phương diện quân sự, chính trị cũng như thông tin đời tư.
Câu chuyện Đề Thám tiếp tục kéo dài trong giới sử học Pháp cho đến những năm gần đây, trong đó có thể kể đến công trình “Le De Tham 1846-1913: Un résistant vietnamien à la colonisation française” (Đề Thám 1846-1913: Một nghĩa sĩ Việt Nam chống lại chế độ thuộc địa Pháp, 2007) của Claude Gendre.
T.Toàn
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/ra-mat-cuon-sach-ve-cu-de-tham–hum-thieng-yen-the-post261819.html