‘Quốc triều chánh biên toát yếu’ – cuốn sách ghi lại dấu ấn thăng trầm của triều đại quân chủ cuối cùng tại Việt Nam

15:12 | 17/11/2021

Cuốn sách “Quốc triều chánh biên toát yếu” do Quốc sử quán triều Nguyễn biên soạn được Công ty Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam giới thiệu đến bạn đọc.


Đây là một tài liệu quan trọng về triều Nguyễn – triều đại quân chủ cuối cùng của Việt Nam, ghi lại nhiều dấu ấn thăng trầm của lịch sử, đặc biệt là cuộc xâm lược của người Pháp giữa thế kỷ XIX. Sách đã được dịch ra chữ quốc ngữ, cấp cho các trường học theo chỉ của vua Khải Định năm thứ tám (1923). Đến nay, công trình này vẫn là tài liệu hữu ích cho giới nghiên cứu và độc giả phổ thông.

“Quốc triều chánh biên toát yếu” đã chứng minh với hậu thế rằng dù trong những giai đoạn khó khăn, các đời vua triều Nguyễn vẫn đề cao việc phát triển nguồn sử liệu bằng cách liên tục cho biên soạn các công trình sử học. Thành quả của nỗ lực này chính là sự xuất hiện của “Hoàng Việt hình luật”, “Đại Nam thực lục”, “Hình bộ tiểu sách”, “Khâm định Việt sử cương mục”, “Minh Mạng chính yếu”…

Quốc triều chánh biên toát yếu
Bìa sách Quốc triều chánh biên toát yếu.

Từ năm 1821 đến 1945, Quốc sử quán là nơi biên soạn lịch sử chính thức duy nhất tại nước ta. Khi Quốc sử quán được đưa vào hoạt động, việc đầu tiên vua Minh Mạng muốn làm là biên soạn một bộ sử biên niên với chỉ dụ: “Nước phải có sử để làm tin ở đời này mà truyền lại đời sau”. Trong 125 năm hoạt động của Quốc sử quán, di sản tiền triều để lại cho hậu thế chính là những bộ sử sách đồ sộ. Nhưng sự phức tạp và khối lượng thông tin khổng lồ từ chúng vô hình trung lại khiến bạn đọc khó có thể tiếp cận được. Vì vậy, việc biên soạn lại sử sách theo cách thức giản lược là một yêu cầu cần thiết.

“Quốc triều chánh biên toát yếu” chép từ thời đế vương Gia Long đến Đồng Khánh hoàng đế theo xu hướng tóm tắt, không nghiên cứu hay bình luận. Chương đầu từ 1778 đến 1802 với những cuộc binh biến, bảy chương sau cho thấy một triều đại mới trên đà phát triển, đạt được những thành công rực rỡ rồi đi đến giai đoạn rối ren, bất ổn.

Cuốn sách là một công trình tỉ mỉ, có tính bao quát, là nguồn sử liệu quý giá tái hiện sự phát triển của quốc gia trong hơn một thế kỷ. Mở đầu công trình bằng giai đoạn gian truân của Gia Long Hoàng đế để nối liền đất nước, tác phẩm đã cho thấy sự thống nhất về chính trị là tiền đề quan trọng để thúc đẩy sự phát triển của quốc gia ở tất cả mọi mặt. Việc ghi chép, sắp xếp các sự kiện theo dòng thời gian đồng nhất cho thấy triều đình có sự chuyển dịch dần từ khi quan võ chiếm thế thượng phong đến khi đất nước yên bình, quan văn chiếm phần ưu thế.

Năm 1858, dưới triều Tự Đức, Pháp nổ súng xâm lược Việt Nam. Từ đó về sau liên tiếp là những cuộc hoà hoãn, thương thảo giữa triều đình và phía Pháp nhưng không đem lại kết quả nào. Đến cuối thời Đồng Khánh (1888) Pháp ngày càng lấn sâu vào nền chính trị Việt Nam. Sự bối rối của triều đình trước ngoại bang, việc lưỡng lự nên đánh hay hòa được nêu vắn tắt qua các sự kiện chính yếu. Trong khoảng thời gian nhạy cảm này, “Quốc triều chánh biên toát yếu” ghi chép thông tin vắn tắt, súc tích về nguồn gốc, hành trạng các nhân vật lịch sử, từ quan đại thần đến các bậc trí thức, thủ lĩnh khởi nghĩa. Vì thế, các cuộc khởi nghĩa chống Pháp xuất hiện một cách trung thực, không thành kiến hay hạ thấp nhân vật nào.

Thể hiện một bức tranh toàn cảnh, khách quan về kinh tế – chính trị – văn hóa – quân sự trong hơn một thế kỷ của Việt Nam, tác phẩm biểu thị những giai đoạn thăng trầm khác nhau của vương triều quân chủ cuối cùng; làm nổi bật hình ảnh một quốc gia có nền văn hiến lâu đời, nền văn hóa đa dạng. Công trình này, cũng như những sử liệu được soạn thảo suốt triều đại nhà Nguyễn, là nguồn tư liệu vô cùng quan trọng để khẳng định chủ quyền của dân tộc. Những chiếu chỉ, lời dụ được ghi chép nhằm khẳng định sự tồn tại, hoạt động của người Việt tại các vùng cương vực xa xôi.

Với hậu thế, cuốn sách có giá trị sử liệu to lớn khi cung cấp một tầm nhìn bao quát về xã hội đương thời dựa trên những quyết sách của thiên tử. Lối viết sử lược biên ngắn gọn của cuốn sách giúp người đọc dễ dàng nắm bắt cả một triều đại trong 500 trang sách súc tích thay vì phải dành cả đời để nghiên cứu 500 quyển “Đại Nam thực lục”.

Quốc sử quán triều Nguyễn được đưa vào hoạt động vào năm 1821 dưới triều Minh Mạng và là cơ quan chuyên trách việc nghiên cứu, lưu trữ sử liệu, biên soạn các bộ sử chính thống của triều đình. Trong 125 năm tồn tại, Quốc sử quán triều Nguyễn là cơ quan văn làm sử lớn nhất, chặt chẽ, thành công nhất trong nền sử học quân chủ Việt Nam…

T/h

Video hay

Cùng chuyên mục

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Thủ tướng: Xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, tiến thẳng lên hiện đại

Thủ tướng: Xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, tiến thẳng lên hiện đại

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Quyết liệt, kịp thời, đồng bộ, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành với tinh thần ‘5 quyết tâm’, ‘5 bảo đảm’, ‘5 đẩy mạnh’

Quyết liệt, kịp thời, đồng bộ, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành với tinh thần ‘5 quyết tâm’, ‘5 bảo đảm’, ‘5 đẩy mạnh’

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo chống hạn, mặn ở ĐBSCL

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo chống hạn, mặn ở ĐBSCL

Thủ tướng khảo sát, dự lễ khởi công, khánh thành 4 dự án trọng điểm tại Thừa Thiên Huế

Thủ tướng khảo sát, dự lễ khởi công, khánh thành 4 dự án trọng điểm tại Thừa Thiên Huế