Chương trình hành động của Ban thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 22-3-2018, thay mặt Bộ Chính trị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành Nghị quyết số 23-NQ/TW về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ngành công nghiệp tỉnh Quảng Ninh phát huy thế mạnh
Thời gian qua, ngành công nghiệp của tỉnh Quảng Ninh đã từng bước phát huy tiềm năng, thế mạnh, phát triển đúng hướng, có đóng góp lớn trong phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Quảng Ninh. Đặc biệt đóng góp lớn vào thu ngân sách, giải quyết việc làm.
Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế: Phát triển chưa bền vững, công nghệ còn lạc hậu, vẫn để xảy ra thất thoát tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường. Cơ cấu ngành nghề, nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng cho yêu cầu của công nghiệp hóa, tự động hóa; năng lực dự báo, sản xuất kinh doanh, quản trị DN còn hạn chế.
Chưa chú trọng tập trung phát triển các ngành công nghiệp nền tảng, như công nghiệp chế biến, chế tạo và công nghiệp vật liệu mới. Tính liên kết, phối hợp trong sản xuất còn chưa chủ động, chặt chẽ.
Do vậy, công nghiệp Quảng Ninh thiếu cạnh tranh quốc gia, chưa có nhiều sản phẩm chủ lực tham gia sâu vào các chuỗi sản xuất của khu vực và quốc tế; giá trị gia tăng hầu hết trong các sản phẩm công nghiệp của Quảng Ninh đều chiếm tỷ trọng rất thấp; nguồn lực chưa được tập trung, thiếu những động lực cho công nghiệp phát triển.
Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên là do chính sách phát triển công nghiệp có một số nội dung chưa đủ mạnh và phù hợp với tình hình thực tế; việc lựa chọn phát triển các ngành công nghiệp còn dàn trải; chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ thiếu đồng bộ; chính sách phát triển nguồn nhân lực ngành công nghiệp chưa được tập trung, chú trọng.
Mục tiêu đến năm 2030, phấn đấu hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa góp phần đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, trong đó một số ngành công nghiệp của tỉnh Quảng Ninh có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Tầm nhìn đến năm 2045, phấn đấu trở thành tỉnh công nghiệp phát triển hiện đại góp phần đưa Việt Nam trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại.
Xây dựng chính sách quy hoạch phát triển công nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm gắn với quy hoạch phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh Quảng Ninh và Quy hoạch chung xây dựng vùng tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn 2050; Chính sách phân bố không gian và chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp;
Chính sách phát triển các ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp nền tảng; Chính sách tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển; Chính sách phát triển DN công nghiệp; Chính sách phát triển nguồn nhân lưc công nghiệp; Chính sách khoa học và công nghệ cho phát triển công nghiệp;
Chính sách khai thác tài nguyên, khoáng sản và chính sách bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu trong quá trình phát triển công nghiệp; Chính sách hợp tác quốc tế và phát triển công nghiệp; Nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng, hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong xây dựng và triển khai thực hiện chính sách phát triển công nghiệp.
Về tổ chức thực hiện định hướng phát triển
Cấp ủy Đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, các Sở, ban, ngành, cơ quan khối Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội tỉnh Quảng Ninh quán triệt Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị “về định hướng xây dựng chính sách phát triển công nghiệp quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045” và Chương trình hành động này đến toàn thể cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên, tổ chức và DN; đồng thời xây dựng chương trình, kế hoạch, lộ trình thực hiện phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, đặc điểm cụ thể của từng cấp, ngành, đơn vị và có tính khả thi cao.
Đảng đoàn HĐND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo xây dựng, giám sát việc thực hiện các cơ chế chính sách và các nhiệm vụ, giải pháp triển khai Chương trình hành động. Ban cán sự đảng UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo UBND tỉnh cụ thể hóa Chương trình hành động này và tổ chức thực hiện đảm bảo tiến độ, hiệu quả, phù hợp với thực tế.
Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Kinh tế Trung ương tổ chức hướng dẫn, tuyên truyền sâu rộng về nội dung Nghị quyết và kết quả thực hiện.
Văn phòng Tỉnh ủy chủ trì, phối hợp với các ban xây dựng đảng và các cơ quan liên quan theo dõi việc tổ chức thực hiện Chương trình hành động và định kỳ báo cáo kết quả với ban Thường vụ Tỉnh ủy.
Theo Phapluatxahoi