Quảng Nam: Nhật Bản hỗ trợ Quảng Nam tu sửa di tích Chùa Cầu

9:30 | 28/03/2022

Ngày 26/3, tại TP Hội An, UBND tỉnh Quảng Nam và tổ chức JICA Nhật Bản tại Việt Nam đã tổ chức ký kết “Hỗ trợ chuyên gia Nhật Bản về dự án tu bổ di tích Chùa Cầu”.

Chùa Cầu (hay còn gọi là cầu Nhật Bản, tên chữ do chúa Nguyễn Phúc Chu ban tặng là Lai Viễn Kiều) đã được các thương nhân, kiều dân Nhật Bản tại Hội An xây dựng cách đây 400 năm.

Di tích đặc biệt này đã trở thành biểu tượng đẹp của sự giao lưu văn hóa, mối quan hệ gắn bó lâu dài giữa đất nước Nhật Bản với thành phố Hội An nói riêng và giữa 2 quốc gia Việt Nam – Nhật Bản nói chung.

Lễ ký kết “Hỗ trợ chuyên gia Nhật Bản về dự án tu bổ di tích Chùa Cầu” (Ảnh: T.H).

Trải qua thời gian, dù được bao thế hệ người dân Hội An gìn giữ song như một quy luật tất yếu, Chùa Cầu cũng không tránh khỏi sự xuống cấp, vì thế việc tu bổ di tích này hiện đang là một vấn đề cấp thiết.

Trước tình hình đó, các cấp chính quyền địa phương đã tiến hành triển khai các hoạt động nhằm tu bổ di tích Chùa Cầu và nhận được sự hỗ trợ giúp đỡ quý báu của Nhật Bản về mặt chuyên môn kỹ thuật và kinh nghiệm.

Di tích Chùa Cầu có tuổi đời khoảng 400 năm tuổi (Ảnh: C.B).

Ông Trần Văn Tân – Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam cho hay, với tính chất đặc biệt là biểu trưng di sản văn hóa Hội An, biểu tượng cho tình hữu nghị lâu đời giữa Việt Nam – Nhật Bản, việc tu bổ phải tiến hành hết sức thận trọng, cần có sự hỗ trợ của các nhà khoa học, các chuyên gia trong và ngoài nước, đặc biệt là kinh nghiệm từ Nhật Bản.

Đây là một sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với kết quả khoa học tu bổ di tích, và đặc biệt hơn nữa là càng làm gắn kết chặt chẽ thêm mối quan hệ hữu nghị lâu đời giữa 2 đất nước Việt Nam và Nhật Bản“, Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam phát biểu.

Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam tin tưởng với sự hỗ trợ của các chuyên gia Nhật Bản về chuyên môn kỹ thuật và kinh nghiệm, chắc chắn di tích Chùa Cầu ở phố cổ Hội An sẽ được tu bổ đạt kết quả tốt nhất, những giá trị của di tích sẽ được bảo tồn một cách chân xác, toàn vẹn và đảm bảo bền vững lâu dài trong tương lai.

Ông Shimizu Akira – Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam cho hay, theo đề nghị hợp tác của thành phố Hội An dựa trên quá trình hợp tác lâu dài với JICA, JICA dự kiến sẽ hỗ trợ dự án tu bổ Chùa Cầu do tỉnh Quảng Nam và thành phố Hội An làm chủ đầu tư, thông qua các hoạt động phái cử chuyên gia và tình nguyện viên Nhật Bản.

Theo ông Shimizu Akira, đến nay, JICA đã và đang tích cực hỗ trợ một cách liên tục và đa dạng đối với việc bảo tồn phố cổ Hội An trong hơn 20 năm qua. Trước khi Hội An được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào năm 1999, JICA đã phái cử 5 chuyên gia hỗ trợ kỹ thuật về bảo tồn và tu bổ công trình kiến trúc truyền thống đến Hội An. Từ năm 2003, đã phái cử 11 tình nguyện viên Nhật Bản tới làm việc tại Trung tâm Quản lý Bảo tồn Di sản văn hóa Hội An.

Kết quả của sự hợp tác lâu dài này là việc tu bổ các công trình kiến trúc truyền thống và bảo tồn toàn bộ các dãy phố của khu vực phố cổ đều đã được tiến hành một cách thuận lợi.

Ngoài ra, JICA đã thực hiện dự án viện trợ không hoàn lại nhằm cải thiện chất lượng nước và môi trường vệ sinh tại khu vực Chùa Cầu, nỗ lực hỗ trợ một cách toàn diện nhằm bảo vệ môi trường của khu vực này.

Trưởng Đại diện Văn phòng JICA Việt Nam tin tưởng với những thành quả hợp tác này sẽ được phát huy trong việc tu bổ Chùa Cầu. JICA hy vọng việc tu bổ Chùa Cầu sẽ giúp thúc đẩy kinh tế của TP Hội An thời kỳ hậu Covid-19.

Năm 2023 là năm kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và Nhật Bản. Chúng tôi hy vọng rằng Chùa Cầu – biểu tượng của lịch sử giao lưu Việt – Nhật được tu bổ thành công sẽ là bước ngoặt lớn, giúp thu hút thêm nhiều khách du lịch hơn, và công trình này sẽ trở thành cầu nối thúc đẩy hơn nữa giao lưu giữa hai nước Việt Nam và Nhật Bản nói chung, và giữa TP Hội An và Nhật Bản nói riêng“, ông Shimizu Akira phát biểu.

Được biết, tỉnh Quảng Nam chi ngân sách hơn 20 tỷ đồng để tu bổ chùa Cầu. Công trình do UBND TP Hội An làm chủ đầu tư. Trong đó, chi phí xây dựng 13,2 tỷ đồng; quản lý dự án 403 triệu đồng; tư vấn đầu tư xây dựng 1,7 tỷ đồng, dự phòng 3,6 tỷ đồng và chi phí khác gần 1,1 tỷ đồng.

Việc tu bổ di tích Chùa Cầu dự kiến triển khai thi công vào giữa năm 2022 này. Thời gian thực hiện dự án đến năm 2023.

 

 

(theo Dantri)

Video hay


Cùng chuyên mục

Hội thảo Quốc gia về “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh”

Hội thảo Quốc gia về “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh”

HÀ TĨNH: Có hay không việc xây dựng không theo quy hoạch, lấn chiếm đất tại Đền Truông Bát?

HÀ TĨNH: Có hay không việc xây dựng không theo quy hoạch, lấn chiếm đất tại Đền Truông Bát?

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN