Quảng bá trang phục truyền thống Việt Nam bằng công nghệ

13:30 | 14/12/2021

Trong thời đại công nghệ hiện nay, nhiều giá trị truyền thống có khi bị quên lãng. Tuy nhiên, trong dòng chảy ấy vẫn có những người trẻ tích cực tìm cách bảo tồn văn hóa truyền thống của cha ông. Số hóa di sản, tìm tòi hình thức thể hiện mới là cách mà nhóm các bạn trẻ sinh viên Đại học FPT đang làm với dự án “Đồng bào Việt phục”, giúp trang phục của 54 dân tộc Việt Nam, văn hóa Việt được lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.


Hình ảnh trang phục dân tộc Pà Thẻn trong dự án “Đồng bào Việt phục” do nhóm các bạn trẻ sinh viên FPT thực hiện. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Ứng dụng công nghệ vào bảo tồn văn hóa

Thời gian qua, việc ứng dụng công nghệ số vào lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa đã cho thấy cách làm hiệu quả, góp phần tăng cường quảng bá, phát huy giá trị các di sản trong đời sống đương đại. Khi di sản được số hóa đã có nhiều người tiếp cận dễ dàng hơn, trong đó có giới trẻ. Đó cũng là cách làm phù hợp với thời đại công nghệ số ngày nay.

“Đồng bào Việt phục” là một dự án sách kết hợp với công nghệ thực tế ảo tăng cường AR (Augmented Reality), minh họa trang phục truyền thống của 54 dân tộc Việt Nam của nhóm các bạn sinh viên Đại học FPT. Điểm nổi bật tạo nên sự khác biệt của dự án này là chỉ cần mở camera trên điện thoại, quét mã QR trên trang sách sẽ xuất hiện hình ảnh nổi của các nhân vật trong trang phục dân tộc truyền thống di chuyển ngay trên màn hình điện thoại với hoạt động và âm thanh sinh động. Trong đó, mỗi trang sách không chỉ mang đến các bộ nam phục và nữ phục truyền thống của mỗi dân tộc, đặc biệt là dân tộc thiểu số (DTTS), mà còn cung cấp thông tin chất liệu, họa tiết, ý nghĩa của trang phục đó với người đọc.

Ban đầu, dự án vốn là đồ án tốt nghiệp của nhóm ba sinh viên thuộc Đại học FPT. Tuy nhiên, sau khi nhận được những đánh giá tích cực từ Hội đồng bảo vệ đồ án, tháng 9-2021, những bạn trẻ này đã phát triển đề tài thành dự án cộng đồng phi lợi nhuận từ góc độ lịch sử – văn hóa. Từ đó, dự án đã thu hút được nhiều bạn trẻ cùng lý tưởng tham gia vào nhằm phát triển dự án theo quy mô lớn hơn. Bạn trẻ Thúy Nhàn, đại diện nhóm sinh viên Đại học FPT thực hiện dự án “Đồng bào Việt phục” cho biết: “Khi tiếp cận với đồng bào các DTTS Việt Nam, trang phục là cái mà ta có thể nhận biết một cách nhanh và rõ nét nhất về nét đẹp cũng như văn hóa của họ. Với ý nghĩa “Nét đẹp bên ngoài được hình thành từ bên trong”, nhóm chúng tôi mong muốn thông qua nền tảng thực tế ảo, những bộ trang phục của các dân tộc sẽ truyền tải thông tin về 54 dân tộc anh em cũng như sự đa dạng văn hóa sắc tộc ở Việt Nam”.

Người trẻ đam mê gìn giữ văn hóa truyền thống

Có thể thấy, những năm gần đây, phong trào tìm hiểu trang phục truyền thống, phục dựng cổ phục ngày càng được các bạn trẻ quan tâm. Tuy nhiên, các hoạt động này đa phần đều là trang phục truyền thống của dân tộc Kinh. Trong khi đó, các DTTS sinh sống ở miền núi, vùng cao, vùng biên giới sở hữu những bộ trang phục truyền thống đẹp, độc đáo, với những nét hoa văn phong phú, đặc sắc. Do đó, dự án “Đồng bào Việt phục” của nhóm sinh viên Đại học FPT thực sự mang đến một nét lạ, cách tiếp cận mới mẻ, bổ sung vào nhu cầu tiếp cận thông tin của giới trẻ trong thời đại công nghệ số.

Với những kỹ năng, kiến thức đã được học và tình yêu những giá trị văn hóa dân tộc, các bạn trẻ trong nhóm đã tích cực bắt tay vào thực hiện dự án “Đồng bào Việt phục”. Tuy nhiên, khi các bạn trẻ bắt tay vào việc thì lại có quá nhiều công đoạn phức tạp. Để hoàn thiện sản phẩm, nhóm mất hơn 15 tuần với những công đoạn phác thảo, tìm thông tin, thiết kế và áp dụng AR làm video demo. Bạn trẻ Thúy Nhàn cũng cho biết thêm: “Khó khăn lớn nhất của dự án là việc tìm kiếm được những nguồn thông tin chính thống và chính xác nhất về từng DTTS trong số 54 DTTS Việt Nam. Khi tìm kiếm trên Internet, có rất nhiều nguồn thông tin khác nhau, thậm chí là sai lệch. Có những tư liệu nói về dân tộc này những lại nhầm sang trang phục dân tộc khác, thậm chí, còn đính kèm trang phục đã biến tấu. Vì định hướng của dự án đang hướng về mặt giáo dục nên vì thế những thông tin liên quan về kiến thức trang phục, văn hóa của các dân tộc vẫn còn cần bổ sung và hoàn thiện. Ngoài ra, một khó khăn cho nhóm nữa là tìm ra nội dung, hay những nét vẽ thế nào để tiếp cận dễ dàng hơn với người trẻ, mang tính xu hướng, gần gũi để độc giả quan tâm và hứng thú hơn”.

Trang layout của sách còn giới thiệu những nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc. Trong ảnh là đồng bào Hà Nhì với nhà trình tường – nét văn hóa độc đáo của dân tộc. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Dù không có chuyên gia nghiên cứu đồng hành cùng dự án, nhưng nhóm các bạn trẻ may mắn nhận được nhiều hỗ trợ từ thầy cô, các anh chị trong giới ủng hộ, cố vấn mỹ thuật. Để có được sản phẩm hoàn thiện như ngày hôm nay, nhóm đã phải liên tục chỉnh sửa, thêm nhiều chi tiết khác để hoàn thiện cả về thông tin lẫn hình ảnh. Kết quả, nhóm đã làm nên một sản phẩm artbook với 108 hình ảnh minh họa trang phục truyền thống của 54 dân tộc, 200 trang layout thể hiện thành công trang phục nam, nữ của 54 dân tộc. Hiện nay, toàn bộ 108 hình minh họa của 54 dân tộc đã được đăng tải trên trang Facebook “Đồng bào Việt phục”, giúp người dùng Internet có thể tiếp cận mọi lúc, mọi nơi.

Với mong muốn dùng cách nhìn của người trẻ để khám phá những giá trị văn hóa truyền thống của ông cha, dự án còn có định hướng và đang lên kế hoạch cho việc phát hành sách trong thời gian tới. Và xa hơn nữa, nhóm còn mong muốn có thể tổ chức những buổi triển lãm về văn hóa của các dân tộc, nhằm thu hút những người có cùng sở thích sưu tầm, tìm hiểu những giá trị văn hóa truyền thống. Các bạn trẻ của nhóm “Đồng bào Việt phục” luôn hy vọng với những cách khám phá mới mẻ, thú vị, dự án sẽ góp một phần đưa những nét đẹp văn hóa truyền thống đến với nhiều bạn trẻ nói riêng, người Việt Nam nói chung hay thậm chí quảng bá văn hóa Việt ra thế giới.

Theo Biên phòng

Video hay

Cùng chuyên mục

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Thủ tướng: Xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, tiến thẳng lên hiện đại

Thủ tướng: Xây dựng lực lượng Cảnh sát cơ động trong sạch, vững mạnh, chính quy, tinh nhuệ, tiến thẳng lên hiện đại

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Quyết liệt, kịp thời, đồng bộ, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành với tinh thần ‘5 quyết tâm’, ‘5 bảo đảm’, ‘5 đẩy mạnh’

Quyết liệt, kịp thời, đồng bộ, hiệu quả trong chỉ đạo, điều hành với tinh thần ‘5 quyết tâm’, ‘5 bảo đảm’, ‘5 đẩy mạnh’

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo chống hạn, mặn ở ĐBSCL

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chỉ đạo chống hạn, mặn ở ĐBSCL