Hình tượng Quan Vũ hoàn toàn là một sản phẩm của trí tưởng tượng.
Uy phong lẫm liệt mắt phượng mày ngài, mặt đỏ râu dài, tay cầm thanh long yển nguyệt đao, cưỡi ngựa xích thố là một trong những hình tượng quen thuộc nhất với người Á Đông và đây cũng là hình ảnh được dùng để thờ phụng trong đền miếu. Hình ảnh này phổ biến đến mức sau này các bộ phim về Tam Quốc đều dựa trên hình ảnh này để tạo hình Quan Vũ. Khi bộ phim điện ảnh “Quan Vũ” (The Lost Bladesman) do Chân Tử Đơn đóng vai Quan Vũ với tạo hình mặt trắng, râu ngắn, rất nhiều người đã lên tiếng phản đối kịch liệt, vì họ cho rằng đó là sự bôi bác hình ảnh của một Quan Công mà họ tôn thờ. Nhưng trên thực tế, hình ảnh Quan Vũ mà chúng ta thấy hiện nay là một sản phẩm hoàn toàn của trí tưởng tượng của đời sau. Nếu dùng những yếu tố khoa học và lịch sử để lý giải thì hoàn toàn không hề quá khó để kiểm chứng sự ngụy tạo này.
Hình ảnh nhân vật Quan Vũ trên phim
Tạo hình Quân Vân Trường của Chân Tử Đan trong phim
Thứ nhất: Tác phẩm sử ký “Tam Quốc Chí” của Trần Thọ được biên soạn vào thế kỷ thứ 3 sau công nguyên không có dòng nào miêu tả ngoại hình của Quan Vũ là mắt phượng, mày ngài, mặt đỏ, râu dài. Tạo hình này chỉ xuất hiện trong tác phẩm tiểu thuyết dã sử “Tam Quốc Diễn Nghĩa” của La Quán Trung ở thế kỷ thứ 14.
Thứ hai: Tạo hình của Quan Vũ trong “Tam Quốc Diễn Nghĩa” của La Quán Trung kỳ thực được dựng nên dựa trên lối vẽ mặt mang tính ước lệ tượng trưng của nghệ thuật ca kịch thời Nguyên-Minh. Mặt đỏ tượng trưng cho lòng trung nghĩa, râu dài tượng trưng cho nam tính oai phong. Thanh long yển nguyệt đao tượng trưng cho rồng xanh hộ mạng chứng tỏ Quan Vũ là người thần. Đây là hình ảnh marketing rất tốt về mặt chính trị và tôn giáo mà các triều đại phong kiến đã tận dụng trong suốt nhiều thế hệ.
Thứ ba: Vũ khí thanh long yển nguyệt đao của Quan Vũ cũng như phương thiên họa kích của Lữ Bố, trượng bát xà mâu của Trương Phi đều là hư cấu. Những nhà khảo cổ học đã chứng minh rằng, trình độ đúc binh khí thời Tần-Hán không thể chế ra được những vũ khí như thế, nhất là cây đao của Quan Vũ. Hầu hết các chiến tướng thời Đông Hán đều sử dụng giáo hoặc kích giống loại tìm được trong mộ binh sĩ bằng đất nung “binh mã dũng” đời Tần. Thanh long đao đến đời Đường mới có.
Thứ tư: Ngựa Xích Thố của Quan Vũ cũng là hư cấu nốt. Trước khi về tay Quan Vũ, ngựa Xích Thố thuộc về Tào Tháo. Trước khi về với Tào Tháo, ngựa Xích Thố là vật cưỡi của Lữ Bố. Đổng Trác dùng ngựa Xích Thố dụ Lữ Bố về với mình năm 190. Quan Vũ tử trận năm 220, nghĩa là 30 năm sau khi Xích Thố được nhắc tới lần đầu. Trên thực tế, tuổi thọ của loài ngựa thường không quá 30 năm. Tuổi thọ của ngựa chiến còn ngắn hơn, thường chỉ 15-20 năm. Cho dù Xích Thố sống được 30 năm thì nó cũng không thể tiếp tục tham gia chiến trận thời điểm Quan Vũ chết vì đã quá già yếu. Tam Quốc Chí của Trần Thọ chỉ nhắc tới Xích Thố của Lữ Bố chứ không hề nói Quan Vũ từng cưỡi Xích Thố. Chi tiết Tào Tháo tặng ngựa Xích Thố cho Quan Công là hư cấu của La Quán Trung để đề cao Quan Vũ.
Quan Vũ cưỡi ngựa Xích Thố. Ảnh minh họa.
Cuối cùng: Quan Vũ trong Tam Quốc Diễn Nghĩa thường được miêu tả như một nam tử hán đại trượng phu thấy sắc không động lòng. Gia đình riêng của Quan Vũ cũng ít được nhắc tới. Trên thực tế, Quan Vũ cũng như các quan lại thời phong kiến cũng tam thê tứ thiếp. Theo Tam Quốc Chí của Trần Thọ, Quan Vũ có hai người vợ, hai người thiếp và bốn con: Quan Bình, Quan Hưng, Quan Phụng (hay còn gọi là Quan Ngân Bình, chính là người con gái mà Tôn Quyền muốn hỏi cưới cho con trai mình) và Quan Sách (nhân vật Dương Hùng trong Thủy Hử lấy biệt hiệu là Bệnh Quan Sách). Tam Quốc Diễn Nghĩa đã hư cấu Quan Bình là con nuôi của Quan Vũ, trong khi trên thực tế Quan Bình là con ruột. Đặc biệt Tam Quốc Chí của Trần Thọ có chép truyện Quan Vũ lúc đánh Lữ Bố đã cướp được Đỗ Thị, vợ của Tần Nghi Lộc, bộ tướng của Lữ Bố. Thấy Đỗ Thị có nhan sắc, nên Vũ muốn giữ lại cho mình, nhưng Tào Tháo đã phỗng tay trên của Vũ khiến Vũ hết sức bất mãn. Điều này chứng tỏ Quan Vũ ngoài đời thực cũng háo sắc như ai.
Qua những dẫn chứng nêu trên, hình tượng anh hùng của Quan Vũ được phỏng đoán là trải qua một giai đoạn dài của nền phong kiến Trung Quốc trọng Nho giáo. Đến thời La Quán Trung, tác giả tiểu thuyết Tam quốc diễn nghĩa đã “nâng tầm” Quan Vân Trường lên ngang với bậc thánh nhân, bằng những điển tích, những sự kiện không có thật trong lịch sử.
LLL