Thái Nguyên – Gạo nếp Vải “bảo vật” của huyện miền núi Phú Lương được ví như “hạt ngọc” trời ban, đang dần được khẳng định chất lượng cũng như giá trị kinh tế của loại gạo này. Việc phát triển thương hiệu Gạo nếp vải cũng đang rất được chú trọng.
Giống lúa đặc biệt
Giống lúa nếp Vải rất đặc biệt khi cả năm chỉ trông một vụ vào tháng 6 và thu hoạch vào cuối tháng 9, đầu tháng 10 (âm lịch). Cho ra thành phẩm là những hạt gạo có hương thơm, vị ngậy, đậm, chất gạo dẻo của giống nếp này, khiến ai cũng phải mê mẫn khi thưởng thức. Dù chỉ trồng một vụ, nhưng bà con nông dân ở các xã Ôn Lương, Phủ Lý, Hợp Thành, Yên Đỗ, Yên Trạch vẫn có thu nhập khá và nâng cao chất lượng cuộc sống người nông dân.
Trao đổi với PV, Ông Ma Văn Kốp, Phó Trưởng phòng NN&PTNT huyện Phú Lương cho biết: “Toàn huyện hiện có hơn 130 ha diện tích giống lúa nếp Vải, so với các loại giống lúa khác lúa nếp Vải dễ chăm sóc, có đặc tính cứng nên cây không bị đổ và có khả năng chống chịu tốt với các loại sâu bệnh”.
“Để nâng cao năng suất và hiệu quả cây trồng thì phòng đã luôn sát sao quan tâm nắm bắt thời tiết và tình hình sâu bệnh để chỉ đạo về các địa phương hướng dẫn người dân cách gieo trồng cũng như cách thức phòng bệnh được tốt nhất cho năng xuất cao, trung bình đạt 1,2 -1,5 tạ/sào (1 sào bắc bộ bằng 360m2 – PV), cùng với đó là định hướng các địa phương sản xuất theo mô hình VietGap để nâng cao giá trị sản phẩm” – Ông Kốp cho biết thêm.
Cũng theo lãnh đạo phòng, xã Ôn Lương là trong những địa phương đi đầu trong việc sản xuất Gạo nếp Vải với quy mô lớn, cùng với đó là sự hoạt động năng nổ của các HTX đã đưa gạo nếp Vải – được ví như những “hạt ngọc” được đến gần hơn với người tiêu dùng. Năm 2021, sản phẩm của HTX Nông sản nếp Vải Ôn Lương đã đạt OCOP 3 sao.
Từ gạo nếp Vải, bà con đã chế biến ra nhiều loại đặc sản khác nhau như bánh dầy, cơm cháy, cốm,…”
Mở rộng quy mô – hướng theo tiêu chuẩn VietGap!
Tiếp nối đà thành công của xã Ôn Lương, xã Phủ Lý cũng đang dần nhân rộng mô hình sản xuất, cho đến nay toàn xã Phủ Lý đã có gần 240 hộ tham gia sản xuất, gần 40ha diện tích lúa nếp Vải được gieo trồng. Ước tính mỗi năm xã Phủ Lý đưa ra thị trường gần 6 tấn Gạo nếp Vải.
Ông Hoàng Thanh Đóa, chủ tịch xã Phủ Lý cho biết “Nhận thấy được tiềm năng của gạo nếp Vải, hiện nay địa phương đang mở rộng quy mô sản xuất, định hướng người dân sản xuất theo mô hình VietGap từ đó hướng tới OCOP để từ đó thu lại kinh tế cao cho bà con nông dân, năm 2020 người dân xã Phủ Lý đã bước đầu áp dụng sản xuất theo mô hình VietGap để người dân nhận được những hỗ trợ tốt nhất”.
Cũng theo lãnh đạo xã, trước kia địa phương chỉ có khoảng 15ha diện tích gieo trồng giống lúa nếp Vải, nhưng đến nay toàn xã đã tăng lên 40ha. Mục tiêu tới đây sẽ thành lập HTX để vươn tầm gạo nếp Vải xã Phủ Lý nói riêng và huyện Phú Lương nói chung. Hướng tới xây dựng gạo nếp Vải Phủ Lý đạt OCOP.
Chia sẻ với PV, chị Tống Thị Nguyệt (xóm Hiệp Hòa, xã Phủ Lý) cho biết: “Gia đình tôi có 14 sào trồng gạo nếp Vải, trước kia theo cách truyền thống, mỗi sào sẽ mất gần 3 Kg giống cây, nhưng từ khi được cán bộ phòng, xã hướng dẫn kỹ thuật, tổ chức tập huấn, hỗ trợ giống, phân bón… và thường xuyên quan tâm, nhắc nhở mỗi khi đến mùa sâu bệnh. Đến nay, mỗi sào gia đình chỉ mất hơn 0,5 Kg giống, sản lượng cũng cao hơn so với cách làm truyền thống rất nhiều”.
Nếu như trước kia, 1 kg gạo nếp vải có giá 18.000 đồng/Kg thì nay, từ khi áp dụng mô hình VietGap đã giúp giá thành sản phẩm được tăng lên gần gấp đôi, đạt 35.000 đồng – 40.000 đồng/Kg.
Cùng vượt khó…
Bên cạnh những thuận lợi, người dân cũng gặp phải một số khó khăn về nguồn nước để phục vụ tưới tiêu.
Để khắc phục tình trạng đó, người dân xã Phủ Lý đã cùng nhau tuyên truyền những hộ dân có ao nước ở đầu nguồn không lãng phí, không tháo ao bán cá trong mùa vụ để hỗ trợ và đồng hành cùng nông dân. Điều đó đã khắc phục tạm thời về nguồn nước để để bà con nông dân yên tâm sản xuất.
Bà con nông dân cũng thể hiện rõ mong muốn sản phẩm Gạo nếp Vải Phú Lương tiếp tục được lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa để nhiều người biết đến giúp thúc đẩy tăng gia sản xuất và mở rộng quy mô sản xuất nhằm phát triển kinh tế địa phương.
Nguyễn Kiên – BCK17/ Văn hiến Việt Nam