Podcast trở thành một xu thế của báo chí, từ trung ương tới địa phương, báo chí đã nỗ lực ứng dụng nền tảng số này. Tuy nhiên để tạo ra một tác phẩm Podcast hấp dẫn, ngoài kỹ thuật thì đòi hỏi mỗi phóng viên cần kỹ năng sản xuất chương trình, có cách tác nghiệp, tìm kiếm khai thác đề tài…
Mở rộng lựa chọn đề tài, thu hút thêm đối tượng độc giả
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của các cơ quan báo chí giai đoạn hiện nay là tăng cường ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong việc tự động hóa các quá trình sản xuất, sáng tạo ra các loại hình sản phẩm thông tin, các loại hình dịch vụ, kênh tiếp cận mới với độc giả.
Hàng loạt sản phẩm báo chí hiện đại, sử dụng công nghệ mới đã và đang được triển khai, trong đó có podcast. Nền tảng này nói về thuật ngữ chỉ những tệp âm thanh kỹ thuật số được đăng tải trên internet, với đa dạng chủ đề thú vị như: radio, âm nhạc, sách nói, phỏng vấn, một cuộc tọa đàm về đề tài nào đó, ký sự hoặc các dạng tin tức thời sự…
Podcast loại hình báo chí mới được nhiều cơ quan báo chí ứng dụng. Ảnh minh họa
Sản phẩm của podcast thường được phân phối lên các trang, mục trên báo điện tử của các cơ quan báo chí hiện nay. Nội dung được tiếp cận cũng tự do, đa dạng, thú vị và gần gũi hơn đối với người nghe.
Podcast có nhiều lợi thế về sử dụng trang thiết bị đơn giản, không cần ghi hình chỉ cần âm thanh giúp phóng viên không cần thiết phải tiếp cận trực tiếp tại hiện trường. Không cần ê kíp với nhiều người, có trường hợp có thể tận dụng điện thoại để ghi âm cuộc điện để có thể thu lại âm thanh với những thông tin cần thiết.
Phóng viên có thể lựa chọn nhiều đề tài mới lạ, thú vị mà không cần mất quá nhiều thời gian công sức, việc dựng file podcast sẽ dễ dàng hơn khi không cần thiết kế các đồ họa hiệu ứng truyền hình bắt mắt, công phu.
Điều đặc biệt là podcast đang trở thành xu hướng mà nhiều cơ quan báo chí từ trung ương tới địa phương đang áp dụng, cũng là phương tiện hữu ích giúp mở rộng đối tượng độc giả, đặc biệt là các độc giả trẻ. Giúp người nghe tiếp cận thông tin mọi lúc mọi nơi, trên nhiều thiết bị khác nhau, thậm chí độc giả vừa làm việc bình thường vừa có thể nghe được. Người nghe chỉ có thể chủ động hơn trong việc chọn lọc thông tin để có thể tiếp cận được những nội dung có giá trị. Ở bất cứ đâu người nghe cũng như tua lại những đoạn thông tin mà người dùng muốn nghe.
Nhà báo Lê Đạt (Báo Kinh tế và Đô thị) cho biết: “Tôi cho rằng loại hình podcast này ngày càng được đón nhận rộng rãi trên các nền tảng tin tức. Trong nhiều tháng gần đây chúng tôi luôn dành thời gian để làm các tác phẩm dạng podcast, trước đó Ban biên tập đã dành thời gian hướng dẫn, tập huấn, mặc dù là thể loại báo chí mới nhưng làm nhiều lần, một người biết chia sẻ cho nhiều người, mọi người trong cơ quan cùng nhau phối hợp, chia sẻ kinh nghiệm vì thế việc tạo các tác phẩm podcast đã được duy trì thường xuyên. Cũng từ đó chúng tôi thu hút được thêm đối tượng bạn đọc.
Các sản phẩm podcast trên báo Kinh tế và Đô thị.
“Hàng ngày chúng tôi lựa chọn các chủ đề hoặc đi dự các sự kiện, hội nghị hội thảo sẽ lựa chọn những vấn đề độc giả quan tâm nhất để làm một tác phẩm podcast hấp dẫn, mang tính thời sự. Bản thân tôi thấy, làm podcast không khó, mình cố gắng tìm kiếm đề tài, lựa chọn nhân vật phỏng vấn, biết cách dùng hiệu ứng âm thanh, tận dụng công cụ chuyển đổi văn bản thành giọng nói, chỉnh sửa cho hoàn chỉnh sẽ rút ngắn được thời gian sản xuất” – nhà báo Lê Đạt chia sẻ thêm.
Lựa chọn những nhân vật quyết định độc giả nghe tiếp hay dừng lại
Thực tế cho thấy đã có nhiều cơ quan báo chí phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam để tổ chức lớp học kỹ năng sản xuất chương trình podcast cho phóng viên. Trong đó phóng viên ngoài việc trang bị cho mình kỹ thuật về âm thanh, về cắt ghép xây dựng một tác phẩm phát thanh hoàn chỉnh còn được học cách ứng biến khi nhân vật phản ứng, cách thuyết phục để nhân vật mở lòng trả lời, chia sẻ với mình.
Đối với những tác phẩm podcast dạng phóng sự phát thanh, có thời lượng 10 đến 20 phút, phóng viên phải xây dựng kịch bản, lựa chọn nội dung nhân vật. Thể loại này khá phức tạp, cần đầu tư thời gian, công sức, không thể làm vội vàng.
Là người thường xuyên có những tác phẩm podcast trên báo điện tử VnExpress, phóng viên Quảng Hường cho biết, “chúng tôi thường chọn nhân vật, họ cũng là người tự kể chuyện, nên điều khó khăn nhất là tìm được người biết kể chuyện, và kể chuyện có cảm xúc”.
Nếu như ở một số loại hình báo khác, phóng viên có thể dùng ngôn từ của phóng viên để diễn đạt lại đúng ý nhân vật, nhưng ở podcast thì không. Thông thường, chúng tôi cần trích dẫn nguyên văn và chính xác ý của người nói. Do đó, rất cần nhân vật diễn đạt dễ nghe, dễ hiểu, ai cũng hiểu ngay từ lần đầu tiên nghe. Đặc biệt, người nói cần có cảm xúc.
Trong số hàng trăm, hàng nghìn nhân vật Quảng Hường đã lựa chọn, không ít nhân vật khi phỏng vấn báo chí, họ thường vật trả lời không đầu, không cuối, không gãy gọn ý, thậm chí giật cục. Nếu lược bỏ phần câu hỏi của phóng viên, thính giả sẽ không hiểu nhân vật đang nói gì, trong hoàn cảnh nào.
Nhiều tác phẩm Podcast hấp dẫn trên báo điện tử VnExpress.
Để có một tác phẩm podcast chất lượng, phóng viên Quảng Hường cho rằng: “Thái độ, tâm trạng, cảm xúc của chính người trong cuộc sẽ làm “sống lại” lại sự kiện, vấn đề được nhắc tới là rất quan trọng. Yếu tố này tác động tới việc độc giả sẽ nghe tiếp hay dừng lại. Giải pháp khi gặp vấn đề này, chúng tôi thường đề nghị, thoả thuận trao đổi rõ với nhân vật trước khi trả lời. Nếu câu trả lời chưa ổn, phóng viên có thể đề nghị họ nói lại chi tiết hơn với lý do “muốn hiểu kỹ hơn”. Bên cạnh đó phóng viên cũng có danh sách các nhân vật dự phòng để thay thế khi cần thiết, cố gắng lựa chọn những nhân vật tốt nhất có thể”.
Để có được một tác phẩm podcast chất lượng, mỗi phóng viên sẽ có những cách làm của riêng mình, làm sao để mỗi một tác phẩm podcast ngày càng chất lượng hơn, “kéo” bạn đọc, độc giả đến với báo nhiều hơn, giữ chân độc giả lâu hơn.
Có thể khẳng định, làm phát thanh trên nền tảng podcast tưởng chừng như rất đơn giản, nhưng để có những tác phẩm thật sự chất lượng, mang đến sự thú vị, hấp dẫn cho mọi đối tượng nghe đó là một quá trình sáng tạo, sự đầu tư công phu và nghiêm túc. Ở đó cần có sự kết hợp của mọi kỹ năng báo chí, kỹ năng sản xuất chương trình báo chí, lựa chọn kỹ thuật âm thanh, kỹ năng lựa chọn đề tài, lựa chọn phỏng vấn nhân vật… chứ không chỉ đơn thuần là quan sát và phản ánh.
Lê Tâm
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/phong-vien-chu-dong-doi-moi-nang-cao-chat-luong-sang-tao-noi-dung-chuong-trinh-podcast-post258701.html