Một ngày lang thang ở Hà Nội, giữa ồn ào phố xá, bạn sẽ thấy bất ngờ khi trên con phố Thụy Khuê, xen lẫn với những cao tầng hiện đại, vẫn còn đó những cổng làng cổ kính, rêu phong, mà thoạt nhìn như lạ, như quen. Từng nét văn hóa lưu cữu lại trên những nếp cổng làng, những chi tiết chạm trổ trên tường đã loang lổ mảnh vỡ của thời gian.
Đi dọc con đường Thụy Khuê từ dốc Bưởi xuống, những nếp cổng làng dần dần xuất hiện ở bên tay trái. Nhiều du khách vô cùng hứng thú khi cứ cách tầm vài trăm mét là lại có một chiếc cổng xuất hiện, có cổng thì to lớn, bề thế mà có cổng lại đơn sơ, mộc mạc hơn, hai xe đi, người trước nhường người sau.
Chiếc cổng đầu tiên xuất hiện là cổng đình làng Yên Thái, ngay ngã tư chợ Bưởi trên đường Thụy Khuê.
Cổng làng mang những cái tên dân dã, chỉ cần đọc lên đã thấy vẻ bình dị, cổ xưa: cổng Yên Thái, cổng Hồ Khẩu, cổng Hầu, cổng Giếng, cổng Chùa, cổng Đông, cổng Cái, cổng Xanh (Canh)…
Gần ngay tiếp đó là cổng Giếng, là một lối vào khác làng Yên Thái. Giếng Yên Thái có nước trong nổi tiếng, đã đi vào câu ca dao:
“Giếng Yên Thái vừa trong vừa mát
Đường Yên Thái gạch lát dễ đi.”
“Gió đưa cành trúc la đà
Tiếng chuông Trấn Vũ, canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói tỏa ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ.”
Trên cổng làng Yên Thái là bức đại tự được treo 4 chữ vàng “Mỹ Tục Khả Phong” do triều đình Tự Đức năm thứ 19 ban cho, mang ý nghĩa là làng có phong tục tốt đẹp. Bên cạnh đó là bảng tưởng nhớ ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về thăm nơi đây vào năm 1946.
Qua cổng phải giữ nếp làng. Đi qua cổng làng, bước chân trên mặt đường lát gạch đỏ đan xếp nghiêng lối lá dừa cũ kỹ, người ta như thấy một nếp sống hoàn toàn khác đằng sau đó, hơi thở của phố thị dường như phải dừng lại dưới bậc tam cấp của cổng làng. Người lạ cứ bước chân qua cổng là phải tự khắc biết “nhập gia tùy tục”.
Nằm liền kề dọc theo trục phố Thụy Khuê ngày nay, theo thứ tự tiếp đó là làng An Thọ. Làng gồm có 3 cổng, cổng đình An Thọ, cổng Hầu và cổng Xanh.
Trước đây, ngay ở cổng vào làng có nhiều vị quan văn, trí thức một thời, cáo lão hồi hương về nghỉ lập đình tại đây, tự hào về tài học đã viết nên đôi câu đối: Tô Thuỷ tuần hoàn văn phái viễn/ Lý thành tả trĩ bút phong cao.
Cổng Xanh ở đầu ngõ 514 Thụy Khuê. Ngày xưa, cổng có chức năng là ngăn chặn sự xâm nhập của giặc cướp, đó là sự ra đời của tên gọi cổng Canh, bây giờ gọi chệch thành cổng Xanh.
Cổng làng Đông Xã ở ngõ 444 Thụy Khuê theo người dân kể xưa còn có 5 bậc lên xuống nhưng theo thời gian đã phá bỏ để thuận tiện đi lại hơn. Cổng với dòng chữ “An Đông chính lộ” còn khá nguyên vẹn khắc ở chính giữa. Cổng mang đặc trưng của làng quê ngày xưa với câu đối hai bên.
Cách đó ngay 20m là đình Đông Xã, lối đi vào phía bên trong là chùa Mật Dụng và sân đình. Đây là một di tích lịch sử đã được xếp hạng văn hóa.
Làng Hồ Khẩu là làng có nhiều cổng nhất tại đất Kẻ Bưởi này, với 3 cổng lớn bề thế, vững chãi. Trước đây, cổng chính của làng chỉ được mở ra khi có lễ hội hoặc dịp quan trọng. Giờ đây nó đã trở thành nơi họp chợ của người dân. Qua thời gian những cổng phụ của làng Hồ Khẩu đã được xây bằng để dễ dàng cho xe máy đi lại nhưng riêng cổng chính của làng Hồ Khẩu thì vẫn giữ nguyên bậc tam cấp để cho người dân có thể đi bộ mà vẫn giữ gìn được nét văn hóa đặc trưng.
“Điểm đặc biệt của những cái cổng làng nơi đây là chúng đều mang trong mình nét đặc trưng riêng biệt, không cái nào giống cái nào. Từng cái cổng, mái ngói rêu phong, gạch lát đỏ, bậc tam cấp đều mang những nét văn hóa bản sắc Việt và nét đặc trưng của từng làng từng cổng”, ông Dũng, một “bậc cao niên” gắn bó dưới những nếp cổng làng ấy cũng được ngót 70 năm, chia sẻ.
Vô tình gặp ông Dũng dưới một chiếc cổng khi đang thăm thú chốn này, được ngồi uống nước cùng ông, nghe ông kể những câu chuyện về từng cổng làng mà thấy lòng mình như lắng lại, chiêm nghiệm về một thời bao cấp đã xa. Cũng như các cổng làng trầm tịch, con người ở đất Kẻ Bưởi này cảm giác họ sống cũng “chậm” hơn, khoan thai hơn so với những người dân phố thị ngoài kia. Cảnh trí đã vậy nên lòng người theo đó cũng thanh nhã. Đặc biệt, họ còn vô cùng tự hào về những chiếc cổng làng mang đậm giá trị văn hóa ấy, luôn cố gắng gìn giữ và điểm tô thêm cho nó rạng rỡ hơn.
Cổng Giáp Bắc ở số 378 Thụy Khuê. Cổng nằm phía bên trái tam quan đình, với đôi câu đối miêu tả nét đẹp của người dân trong làng.
Cổng Giáp Đông nằm ở số 324 Thụy Khuê. Năm 1994, cổng Giáp Ðông được dân làng Hồ Khẩu phục dựng lại nhân dịp kỷ niệm 40 năm giải phóng Thủ đô.
Phố Thụy Khuê, ngoài các cổng làng đặc sắc còn có rất nhiều đình chùa cổ. Những di tích nổi tiếng có thể kể đến như: đền Đồng Cổ có từ thời Lý; đền Vệ Quốc thờ Vệ Quốc đại vương; đình An Thái, đình Đông Xã… đều đã được xếp hạng di tích lịch sử quốc gia.
Dù trải qua bao nhiêu thăng trầm, biến chuyển của xã hội, cuộc sống thì các cổng làng nơi đất Kẻ Bưởi xưa vẫn luôn giữ được những nét văn hóa truyền thống. Với người dân trên phố Thụy Khuê, cổng làng vẫn luôn giữ một vị trí quan trọng trong tiềm thức của mình. Họ luôn cố gắng gìn giữ và bảo tồn cái nét văn hóa đặc biệt ấy, để cho dù có đi đâu xa, mỗi khi trở về, đưa chân bước qua cổng làng người ta vẫn thấy xuyến xao…
Theo Nhân Dân