Hiện tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh còn hết sức nan giải. Việc phát triển các loại hình vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, thân thiện môi trường được cho là một trong những giải pháp để cải thiện tình trạng trên.
Ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường còn hết sức nan giải
Thông tin từ Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Trần Hữu Bảo cho biết, theo Quy hoạch Giao thông Vận tải Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, diện tích đất giao thông/diện tích đất xây dựng đô thị phải đạt từ 20 – 26% cho đô thị trung tâm.
Trong đó tỷ lệ đất dành cho giao thông tĩnh đạt 3 – 4%; tập trung ưu tiên phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng, bảo đảm thị phần khu vực đô thị trung tâm đến năm 2030 đạt khoảng 50 – 55% tổng nhu cầu đi lại và sau năm 2030 đạt 60 – 70% tổng nhu cầu đi lại.
Những ngày nắng nóng, lưu lượng phương tiện di chuyển đông đúc trên các tuyến đường của Hà Nội khiến không khí càng trở nên ngột ngạt.
Thời gian qua, thành phố Hà Nội đã đầu tư, đưa vào khai thác nhiều công trình hạ tầng giao thông như: Vành đai 2 trên cao và dưới thấp đoạn Ngã Tư Sở – Ngã Tư Vọng, hầm chui Lê Văn Lương, cầu vượt Chùa Bộc – Phạm Ngọc Thạch,…
Cùng với đó mạng lưới vận tải công cộng đa phương thức trên địa bàn thành phố đã được hình thành gồm tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông, đường sắt Nhổn – ga Hà Nội đang được đầu tư xây dựng, 153 tuyến buýt, trong đó có 9 tuyến buýt điện và 10 tuyến sử dụng năng lượng sạch CNG.
Ngoài ra mạng lưới xe buýt tiếp cận đến 30/30 quận, huyện, thị xã, 512/579 xã, phường, thị trấn, kết nối 7 tỉnh, thành lân cận như Hưng Yên, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Dương, Vĩnh Phúc,… Tỷ lệ bao phủ của vận tải công cộng ghi nhận những tín hiệu tích cực.
Tuy nhiên ông Trần Hữu Bảo cũng đánh giá, trong bối cảnh lượng phương tiện hoạt động trên địa bàn Thủ đô tăng mạnh nhưng tỷ lệ đất dành cho giao thông còn thấp, tình trạng ùn tắc còn diễn biến tương đối phức tạp.
Thống kê cho thấy, số lượng phương tiện ở Thủ đô hiện tại là hơn 7,9 triệu xe bao gồm 1,1 triệu ô-tô; 6,6 triệu xe máy,… Tốc độ tăng trưởng bình quân của phương tiện giai đoạn 2019 – 2022 là trên 10%/năm đối với ô-tô, trên 3%/năm đối với xe máy.
Chưa kể tham gia giao thông tại Hà Nội còn có 12 triệu phương tiện từ các tỉnh, thành khác nhau. Tỷ lệ diện tích đất dành cho giao thông trên diện tích đất xây dựng đô thị mới của Hà Nội mới đạt khoảng 10,3%, tỷ lệ khách tham gia vận tải công cộng mới đạt 18,5%. Ùn tắc giao thông là khó tránh khỏi.
Tổ chức Y tế thế giới đã nhiều lần khẳng định, ô nhiễm không khí từ phương tiện giao thông là “kẻ giết người” thầm lặng. Ước tính có khoảng 30% các trường hợp tử vong do ung thư phổi có liên quan đến ô nhiễm không khí.
Tại Việt Nam, cơ quan chức năng và giới khoa học nhận định, giao thông vận tải đang là một trong những hoạt động chủ yếu gây phát thải khí nhà kính lớn thứ 3 chỉ sau ngành năng lượng và nông nghiệp, chiếm 18,38% tổng lượng khí thải vào bầu khí quyển hàng năm.
Quá trình hoạt động của các phương tiện giao thông phát thải lượng lớn các chất như bụi, CO, NOx, SOx, hơi xăng dầu, bụi chì, benzen… gây ô nhiễm môi trường không khí. Đặc biệt trong những ngày thời tiết nắng nóng cùng với lưu lượng giao thông tăng cao sẽ khiến bầu không khí tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh,… trở nên ngột ngạt, ảnh hưởng không nhỏ tới chất lượng cuộc sống của người dân.
Tối ưu vận tải công cộng khối lượng lớn, thân thiện môi trường
Nhiều chuyên gia khẳng định để nhanh chóng giảm thiểu tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh cần dốc sức đầu tư cho mạng lưới vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn thân thiện với môi trường như đường sắt đô thị, xe buýt điện và giảm thiểu phương tiện cá nhân.
Chủ tịch HĐTV, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội Vũ Hồng Trường cho hay, theo khảo sát tuyến đường sắt đô thị Cát Linh – Hà Đông hiện có trên 50% lượng khách sử dụng vé tháng, coi đường sắt đô thị là phương tiện di chuyển chính hằng ngày.
Phát triển vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, thân thiện môi trường góp phần giảm thiểu ùn tắc giao thông, bảo vệ sức khỏe người dân. Ảnh minh họa.
Thói quen đi bộ cũng đã hình thành trong đông đảo hành khách, thậm chí có người chấp nhận đi bộ đến trên 1km để tới nhà ga.
Tuy nhiên trên thực tế, nhiều dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh chưa đáp ứng được tiến độ đề ra đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả đầu tư, phục vụ nhu cầu đi lại của người dân.
Về vận tải xe buýt, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội Nguyễn Trọng Thông cho rằng, chủ trương phát triển xe năng lượng xanh trên lĩnh vực công cộng là xu thế tất yếu của các đô thị phát triển, sử dụng loại hình phương tiện này sẽ tốt cho môi trường, khí hậu,…
Từ năm 2021 đến nay, Hà Nội đã đưa vào thí điểm khai thác 9 tuyến xe buýt điện do Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái Vinbus vận hành. Những tuyến buýt “xanh” này đã mang lại hiệu quả tích cực cho mạng lưới vận tải hành khách công cộng cũng như môi trường của thành phố.
Tổng Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ vận tải sinh thái Vinbus Nguyễn Công Nhật cho biết, 9 tuyến xe buýt điện của đơn vị đã thực hiện trên 20,3 triệu km vận hành, giảm phát thải hơn 18 nghìn tấn khí CO2, phục vụ gần 32 triệu lượt hành khách.
Tuy nhiên sau một thời gian thí điểm, xe buýt điện cũng đang gặp những khó khăn, thách thức rất lớn, đặc biệt là do những bất cập trong cơ chế, chính sách. Nhà đầu tư xe buýt điện chưa tiếp cận được vốn vay ưu đãi của Hà Nội. Giá thành một chiếc xe buýt điện cao gấp 3 – 3,5 so với xe buýt thường nên chi phí lãi vay chiếm khoảng 10 – 11% tổng chi phí.
Chia sẻ với những khó khăn doanh nghiệp gặp phải trong quá trình thí điểm triển khai xe buýt nhiên liệu sạch phục vụ vận tải hành khách công cộng, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Hà Nội Nguyễn Phi Thường nhận định, khó khăn đầu tiên đối với xe buýt điện nói riêng và mạng lưới xe buýt nói chung là thiếu kịch bản rõ ràng, dẫn đến nhiều bất cập.
Nhất là với việc chuyển đổi mạng lưới xe buýt sang sử dụng phương tiện xanh theo đúng lộ trình mà Chính phủ đề ra. Đây là lúc rà soát đánh giá, định hình lại mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt. Phải có lộ trình cụ thể, rõ ràng cho doanh nghiệp chuẩn bị chuyển đổi phương tiện sang xe buýt nhiên liệu sạch. Lộ trình phải phù hợp, khả thi.
Cùng với các phương tiện giao thông xanh đang từng bước phát triển, tại Hà Nội trong những năm gần đây, phong trào sử dụng xe đạp vừa để cải thiện sức khỏe cũng như bảo vệ môi trường đã thu hút được nhiều người tham gia.
Thế Anh
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/phat-trien-van-tai-cong-cong-khoi-luong-lon-than-thien-moi-truong-post257982.html