Phan Bội Châu và Asaba Sakitaro: Những người đặt viên đá tảng cho tình hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản

15:37 | 22/09/2023

Trong loạt sự kiện được tổ chức tại Việt Nam nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1973-2023) và kỷ niệm 118 năm khởi phát phong trào Đông Du (1905-2023), có triển lãm chuyên đề mang tên “Tình bạn”.


Tình bạn ấy là mối quan hệ rất đỗi đặc biệt giữa chí sĩ Phan Bội Châu và bác sĩ Asaba Sakitaro,những người đã được khẳng định là “những người đặt viên đá tảng cho tình hữu nghị Việt Nam- Nhật Bản”.

Tình bạn lớn, trong sáng và cao cả
Cách đây tròn 10 năm, Trung tâm sản xuất phim truyền hình (VFC) của Đài THVN thực hiện một dự án mà theo lãnh đạo VFC là rất ư đặc biệt mang tên “Người cộng sự”. “Người cộng sự” là dự án đặc biệt bởi thời điểm đó, theo đạo diễn Đỗ Thanh Hải, người chịu trách nhiệm chỉ đạo sản xuất phía VN, đó lần đầu tiên VFC hợp tác sản xuất với một đơn vị làm phim chuyên nghiệp của Nhật, có sự đầu tư quy mô về nhân lực và tài chính”. Nhưng đặc biệt hơn nữa là việc “Người cộng sự” là câu chuyện một tình bạn lớn, tình bạn đã làm sáng lên mối quan hệ Việt- Nhật: chí sĩ Phan Bội Châu và bác sĩ Asaba Sakitaro.

Theo đó, “Người cộng sự” kể câu chuyện về doanh nhân người Nhật Bản Tetsuya Suzuki – đang sống cùng với cô con gái duy nhất của mình là Sakura và chuẩn bị kết hôn với Liên, cô gái người Việt Nam. Tetsuya đang gặp nhiều khó khăn. Trong công việc dự án hợp tác kinh doanh của anh tại Việt Nam chưa đạt được thỏa thuận để triển khai. Mối tình của anh và Liên gặp khó khăn bởi sự cản trở của cô con gái nhỏ. Tetsuya quyết định làm cuộc hành trình để đi tìm hiểu về con người Việt Nam – những người mà anh sẽ gắn bó lâu dài trong công việc và cuộc sống.

Hành trình dẫn dắt anh đến với nhà chí sĩ yêu nước Việt Nam Phan Bội Châu và khám phá ra tình bạn đẹp giữa chí sĩ Phan Bội Châu và bác sĩ Asaba Sakitaro – trong giai đoạn Phan Bội Châu mạo hiểm sang Nhật để tìm đường giải thoát đất nước khỏi ách đô hộ thực dân Pháp cách nay 100 năm…Hai người với hai ngôn ngữ khác nhau từ hai nền văn hóa khác nhau nhưng đã gắn bó và có được một tình bạn đặc biệt. Tại Nhật Bản, hiện nay, vẫn có một tấm bia đá được dựng lên để minh chứng cho tình bạn chân thành của Phan Bội Châu và bác sỹ Asaba Sakitaro.

Diễn viên Noriyuki Higashiyama (vai bác sĩ Asaba Sakitaro – trái) và Huỳnh Đông (vai Phan Bội Châu) trong phim Người cộng sự. Ảnh: VTV

Về tình bạn chí sĩ Phan Bội Châu và bác sĩ Asaba Sakitaro, cách đây 11 năm, ngày 5/11, tại Trường ĐH Waseda (Tokyo, Nhật Bản), trong khuôn khổ hội thảo “Phan Bội Châu, Asaba Sakitaro và quan hệ Nhật Bản – Việt Nam trong thời đại mới”, ông Harada Hideyuki (thị trưởng Fukuroi) trong phát biểu của mình cho biết, Phan Bội Châu sớm nghĩ muốn xây dựng đất nước và chống lại đế quốc Pháp thì phải có tri thức nên đã đưa gần 200 trí thức yêu nước sang Nhật học tập về khoa học tự nhiên lẫn kỹ thuật quân sự từ năm 1905.

Tại đây, Phan Bội Châu và du học sinh Việt Nam đã được bác sĩ Asaba Sakitaro giúp đỡ rất nhiều bởi ông cảm kích việc làm vì đất nước, vì dân Việt Nam. Theo lời ông Harada Hideyuki, thời điểm đó, bác sĩ Asaba Sakitaro đã dành số tiền khá lớn lúc bấy giờ là 1.700 yên (lương công chức lúc này chỉ có 10 yên/tháng) để hỗ trợ các du học sinh. Sau đó, từ áp lực của Pháp, năm 1908 Phan Bội Châu và nhiều du học sinh đã về nước rồi sang Trung Quốc tiếp tục hoạt động cách mạng. Một số người ở lại cũng được ông Asaba Sakitaro giúp đỡ. Đến năm 1910 ông bị bệnh mất. Hai người mất liên lạc nhau từ đó.

Còn PGS.TS Phạm Xanh, trong bài viết “Phan Bội Châu và Asaba Sakitaro, từ người cộng sự trở thành người đặt nền móng cho tình hữu nghị Việt Nam – Nhật Bản”, dẫn câu chuyện của một du học sinh Việt Nam tại Nhật Bản thời kỳ 1905 tên Nguyễn Thái Bạt.

Theo đó, “giữa năm 1907, Phan Bội Châu được Nguyễn Thái Bạt dẫn đường về quê nhà bác sĩ Asaba Sakitarô thăm và cảm ơn lòng nghĩa hiệp của bác sĩ. Bên những chén rượu hàn huyên trong bữa cơm đãi khách của gia đình bác sĩ, Phan Bội Châu và Asaba Sakitarô, hai con người cùng sinh một năm, ở hai đất nước xa lạ, lúc bằng miệng, khi bút đàm, trao đổi, sẻ chia những tư tưởng, tình cảm của những trí thức vì đại nghĩa của dân tộc, bỗng dưng trở nên đôi bạn thân thiết và hơn nữa là người cộng sự. Được biết, Asaba Sakitaro sau khi tốt nghiệp khoa Y, ông có ý định sang Đức tiếp tục nghiên cứu để nâng cao trình độ, nhưng do phổi yếu, ông đành bỏ ý định du học và ở lại mở bệnh viện giúp bà con trong vùng. Có lẽ vì thế mà ông có thiện cảm với lưu học sinh và phong trào du học Nhật Bản của thanh thiếu niên Việt Nam”.

“Hào hiệp chưa từng có xưa nay, nghĩa lớn bao trùm cả trong ngoài”
Trong một bài viết về tình cảm người Nhật đối với phong trào Đông du và du học sinh Việt Nam, tác giả Nguyễn Thúc Chuyên cũng viết: Trong giới trí thức người Nhật giúp đỡ tận tình phong trào Đông Du và du học sinh phải kể đầu tiên là bác sĩ Thiển Vũ Tá Hỷ Thái Lang (Asaba Sakirato). Một con người mà Phan Bội Châu đã đánh giá rằng “Hào hiệp chưa từng có xưa nay, nghĩa lớn bao trùm cả trong ngoài”.

Lòng “thương người như thể thương thân” của bác sĩ Sakirato được cụ Phan Bội Châu kể trong Niên biểu đại thể như sau: … Một lần bác sĩ đi trên hè phố, thấy một em học sinh đói lả, ngồi co ro, ông bèn đem về nhà cho ăn uống, nuôi nấng, dạy bảo… dần dà ông mới biết đó là một du học sinh Việt Nam tên là Nguyễn Thái Bạt, một thời gian sau ông làm thủ tục giấy tờ bảo lãnh cho Bạt vào học trường Đồng Văn thư viện (Dobun Shoin), thậm chí còn đứng ra trang trải cả tiền học phí. Khi Phan Bội Châu thấy trong quỹ của du học sinh do “Công hiến hội” quản lý không còn một đồng xu, túng thiếu quá, thông qua trò Bạt, Phan Bội Châu đã viết một bức thư “ăn xin” (khất cái) gửi cho bác sĩ Sakirato. Đáp lại lời cầu khẩn của Phan Sào Nam, bác sĩ đã gửi tặng 1.700 yên. Đây là một số tiền lớn (hơn số tiền lương của một hiệu trưởng trường tiểu học trong 7 năm).

Khi phong trào Đông Du tan rã, một số học sinh Việt Nam không chịu về nước, đã thay tên đổi họ giả danh người Hoa, trốn tránh, sống tại Bệnh viện của ông, có người ở hằng năm, làm bạn chơi đùa với cô Yukie, con gái của bác sĩ Asaba Sakirato. Có lần cảnh sát hình sự khu vực Odawara (nơi có bệnh viện tư của bác sĩ) vào bệnh viện tìm bắt du học sinh Việt Nam, nhưng họ đều được ông giúp trốn thoát.

Hiện nay hậu duệ Asaba còn lưu giữ được một số ảnh, trong đó có hai bức do lưu học sinh Việt Nam tặng, một bức ảnh nữa có hình cụ Phan Bội Châu chụp chung với một số người khi cụ đến dựng bia tưởng niệm nhớ đến vị ân nhân…

Một bác sĩ khác tên là Hayagawa, đã cưu mang du học sinh Nguyễn Thức Canh sau khi phong trào Đông Du tan rã, chính ông bác sĩ này đã làm cho anh yêu nghề thầy thuốc, nên sau này Nguyễn Thức Canh đã sang Đức học trường Đại học Y khoa ở Berlin.

Theo nhiều tài liệu, trước khi rời Nhật Bản, ngày 8/3/1909, Phan Bội Châu đến chào Asaba và cảm ơn tấm lòng hào hiệp của bác sĩ. Cụ Phan không ngờ đó là cuộc gặp gỡ cuối cùng. Một năm sau, vào ngày 25/9/1910, bác sỹ Asaba Sakitarô mất tại nhà riêng vì bệnh lao phổi. Theo đúng lời hứa trước nấm mồ của ân nhân, năm 1918, Phan Bội Châu quay lại và lên kế hoạch làm Bia Tri ân bác sĩ Asaba Sakitaro. Bia cao 2,7m, rộng 0,87m được đặt trên một bệ đá cao trên 1m, dựng trong khuôn viên chùa Giôrin, cạnh ngôi mộ của bác sĩ Asaba Sakitarô. Bia đá là vật chứng duy nhất và thuyết phục ghi nhận và khẳng định “Phan Bội Châu và Asaba Sakitarô trở thành những người đặt viên đá tảng cho tình hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản”.

Hà Anh

Nguồn: Congluan.vn

https://www.congluan.vn/phan-boi-chau-va-asaba-sakitaro-nhung-nguoi-dat-vien-da-tang-cho-tinh-huu-nghi-viet-nam–nhat-ban-post265501.html

Cùng chuyên mục

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả

Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN