Phạm Duy: Lá rụng về cội

17:20 | 06/10/2021

Ngày 17/5/2005 là một ngày đáng nhớ trong cuộc đời nhiều biến cố của nhạc sĩ Phạm Duy: ngày ông chính thức về định cư tại đất nước. Ông nói rằng 30 năm lưu lạc nơi đất khách quê người vừa qua là cả một đêm dài, rất dài và ớn lạnh. May thay, ở tuổi 85, ông đã có một cuộc trở về, để sau một đêm mở mắt ra là được thấy mặt trời quê hương…

30 năm trước, khi cất bước ra đi, Phạm Duy những tưởng rằng đây là một chuyến đi biệt xứ. Và ở một nghệ sĩ đầy chất Việt như ông, chắc chắn linh cảm đó là nỗi đau lớn nhất. Ý nghĩ trở về chỉ đến với ông 13 năm sau đó, năm 1988, khi ông thấy từ Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh những tín hiệu về sự cởi mở của đất mẹ. Hy vọng trở về được ông thể hiện hào hứng trong ca khúc “Hẹn em năm 2000”: “Hẹn em nhé, năm 2000 sẽ hai bên cửa hé cho anh trở về”.

Hoàng Cầm & Phạm Duy sau bao năm xa cách

Thực tế là từ năm 2000, ông đã được về nước, trong lặng lẽ, với tư cách là một Việt kiều Mỹ. Từ đó, đến trước cái ngày 17/5 đáng nhớ trên, ông đã về nước đến 10 lần, trung bình mỗi năm 2 lần. Tôi từng được gặp ông đôi lần trong những chuyến hồi hương còn có vẻ rất “bí mật” khoảng năm 2001. Dù đã hơn 80 tuổi, “ông già” Phạm Duy lực lưỡng vẫn tỏ ra ham sống và phóng đãng lắm. Ông về thăm “nhà tôi 47 Hàng Dầu”, ông lang thang cùng Nguyễn Thụy Kha, Nguyễn Trọng Tạo, Ngọc Đại…gần như trắng đêm, hết mình, không mệt mỏi qua các quán xá Hà Nội. Tuy vậy, trong những cuộc vui, thỉnh thoảng, từ đôi mắt sắc sảo và tinh quái của ông, tôi đọc được một nỗi buồn thật xa xôi. Bây giờ, tôi hiểu ra, đấy có lẽ là nỗi buồn của một người phải làm khách ngay trên chính quê hương xứ sở. Có lần, ông nói trong thất vọng rằng ông muốn cùng các con về ở hẳn trong nước nhưng chắc là khó được phép. Nguyễn Thụy Kha động viên ông: “Nếu anh muốn được về, trước sau gì rồi cũng được”.

Nhà thơ Hữu Loan (trái) và nhạc sĩ Phạm Duy

Những chuyến về nước của ông Nguyễn Cao Kỳ trong năm 2004, của Thiền sư Thích Nhất Hạnh đầu năm 2005 và đặc biệt là việc con trai ông, ca sĩ Duy Quang, được các cơ quan chức năng cho phép về biểu diễn và thu âm trong nước làm cho Phạm Duy tin rằng cơ hội của mình đã đến. Tết Ất Dậu, Phạm Duy về ăn cái Tết Việt đầu tiên sau 30 năm xa xứ. Nhà thơ Hoàng Cầm, bạn chiến đấu thời Vệ quốc đoàn của Phạm Duy, kể rằng sau bữa cơm tối mồng một tết tại nhà ông, Phạm Duy đã run run thổ lộ cùng ông quyết định trở về của mình: “Tết này, mình vừa vui vừa xao xuyến, bồi hồi từ suốt hôm 28 tết, vì mình cứ nung nấu cái ý nghĩ trở về. Thật thế, phải trở về thôi. Nửa đời người trên đất Mỹ, vài ba năm nay, mình thấy ớn lạnh. Ớn lạnh thật. Mình phải trở về sống những năm cuối đời ở quê hương mình, ở Việt Nam. Mình về lần này là chính thức đệ đơn lên Nhà nước xin được về định cư trên đất mẹ. Vì mình vẫn là con của mẹ Việt Nam mà”.

Hoàng Cầm rất vui và “dõng dạc” nói với Phạm Duy: “Cái quyết định như vậy chắc chắn sẽ cứu vớt lại cả một đời nghệ sĩ tài hoa của mày. Tao xin ký cả đầu tao, và cả cái cơ thể gầy còm này nữa vào cái đơn xin “tái hồi” này”…

Nhạc sĩ Phạm Duy

Bây giờ thì Phạm Duy đã thực hiện được ước vọng trở về là một công dân nước Việt, được ngẩng đầu sống trên quê hương xứ sở. Sẽ trở về cùng ông là phần trong sáng nhất, đáng tự hào nhất trong cuộc đời sáng tác âm nhạc của ông, những “Bà mẹ Gio linh”, “Bà mẹ quê”, “Con đường cái quan”, “Tình hoài hương”, “Nhạc tuổi xanh”, “Về miền Trung”, “Quê nghèo”, “Ngày trở về”…khi ông đứng trong đội ngũ những chiến sĩ kháng chiến. Sẽ trở về cùng ông là những tác phẩm thấm đẫm tâm linh Việt, khát vọng Việt của một trong những nhạc sĩ được coi là Việt nhất trong các nhạc sĩ Việt Nam hiện đại: trường ca “Hàn Mặc Tử”, bộ “Kiều ca”, “Hương ca”…
“Lá rụng về cội”, sau một đêm dài tuyệt vọng dằng dặc, tác giả của “Tình ca”, “Bà mẹ Gio Linh”, “Việt Nam Việt Nam” bất hủ đã thức dậy trong ánh mặt trời của quê hương xứ sở. Phạm Duy nói rằng ông đang “bắt đầu một Phạm Duy mới ở tuổi 85”…

(nhân 100 năm sinh nhạc sĩ Phạm Duy 5/10/1921 – 5/10/2021)

Nguyễn Thế Khoa


Cùng chuyên mục

Trường THCS Thân Nhân Trung: Lá cờ đầu trong khối trung học cơ sở của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang

Trường THCS Thân Nhân Trung: Lá cờ đầu trong khối trung học cơ sở của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bắc Giang

Tuyên truyền hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam

Tuyên truyền hưởng ứng Ngày Pháp luật Việt Nam

TRƯỜNG ĐH LUẬT HÀ NỘI: Ngày hội Hiến máu nhân đạo “Bão Hồng 27”

TRƯỜNG ĐH LUẬT HÀ NỘI: Ngày hội Hiến máu nhân đạo “Bão Hồng 27”

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

“Lòng yêu nước” cần những biểu hiện tôn nghiêm, đúng mực, đúng chỗ

“Lòng yêu nước” cần những biểu hiện tôn nghiêm, đúng mực, đúng chỗ

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Thủ tướng chung vui lễ khai giảng tại ngôi trường đặc biệt của Thủ đô

Thủ tướng chung vui lễ khai giảng tại ngôi trường đặc biệt của Thủ đô

Thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi ngành giáo dục nhân dịp khai giảng

Thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi ngành giáo dục nhân dịp khai giảng

EduCom vinh dự nhận giải thưởng Top 10 Thương hiệu tiêu biểu Châu Á – Thái Bình Dương 2024

EduCom vinh dự nhận giải thưởng Top 10 Thương hiệu tiêu biểu Châu Á – Thái Bình Dương 2024