Thi nhân hẳn phải khác thầy đồ. Một người sáng tạo chữ – thi nhân. Người kia truyền đạt chữ – thầy đồ. Chức nghiệp khác nhau ắt diện tướng cũng rất khó để giống nhau. Chưa kể, người sáng tạo chữ đó lại là Nguyễn Du – một thiên tài ngôn ngữ, người đã vượt khỏi định biên ranh giới quốc gia để đến và sống giữa đời sống nhân loại.
Thì vẫn biết, ở thời Nguyễn Du sống, thầy đồ bên cạnh chức nghiệp chính dạy chữ và giảng nghĩa chữ, những lúc rỗi rãi ngẫu hứng lại làm thơ không phải là chuyện hiếm gặp. Ngay cả người thơ Nguyễn Du cũng từng có lúc dạy học. Thế nhưng, nếu lấy chuyện đấy ra để quy chiếu, rồi tạc tượng chân dung Nguyễn Du ăn vận áo dài, đầu đội khăn xếp, tay cầm bút lông, ánh mắt toát lên nét thanh cao, e rằng chưa thật thỏa đáng với một con người có tầm vóc vượt xa thời đại của mình như Đại thi hào Nguyễn Du. Trên thực tế, đã có những mẫu tượng tạc chân dung Nguyễn Du kiểu nhà Nho tài tử: cốt người uy nghi, đầu đội khăn xếp, thân mang áo dài, tay cầm bút lông, dáng vẻ nhã nhặn, thư sinh. Một số mẫu tượng thì phá cách ở một đôi chi tiết, khi khắc tạc chân dung Đại thi hào Nguyễn Du như đi trong gió: vầng trán cao, mắt quắc thước, tóc bay bay…
Nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng. Ảnh: Bá Nhân
Tự nghiên cứu qua suy tư gương mặt Nguyễn Du (tác giả của kiệt tác Truyện Kiều không có di ảnh để lại cho hậu nhân), rồi nghiền ngẫm thêm ở một số mẫu tượng phác thảo về Đại thi hào Nguyễn Du, nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng (TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) vẫn cảm thấy: “… chưa thỏa lòng sáng tạo!”. Im lặng và im lặng. Miên mật (không gián đoạn, không ngưng nghỉ) đục phá tư duy, ông bỗng gặp ý tưởng: “… khắc trên tảng đá một lỗ thủng của mọi thời đại xuyên qua đá tụ vô cực, vô thủy, vô chung, vô vọng đọng lại một giọt nước mắt (cũng có thể là giọt sương, hay giọt mồ hôi) bằng thủy tinh trong suốt. Trên tảng đá ấy, tạo thêm những đường vạch, rạch, chém vào đá được biểu thị bằng những nhát dao là những thanh thép inox không gỉ. Phía dưới những đường vạch, rạch, chém là câu thơ mở đầu Truyện Kiều: “Trăm năm trong cõi người ta”, cùng câu thơ kết thúc của Đoạn trường tân thanh: “Mua vui cũng được một vài trống canh”, nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng chia sẻ.
Phác thảo Đại thi hào Nguyễn Du của nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng
Nó là sự biệt tài ở Phạm Văn Hạng, tả chất chân dung Nguyễn Du mà như không hề tả, nói đến Truyện Kiều mà gần như không thấy đả động gì. Ông để cho ngôn ngữ tối giản của tượng tự tạc nên một siêu-chân-dung Đại thi hào Nguyễn Du – người có “con mắt trông thấu cả sáu cõi” và “tấm lòng nghĩ suốt ngàn đời”. Trên tất cả, Nguyễn Du đã cưu mang niềm cảm thông lớn với mọi kiếp người, từ chính “lỗ thủng của mọi thời đại”, từ những vết thương, vết chém của lưỡi dao thời cuộc tụ lại thành giọt nước mắt thương người và yêu đời. Chính kiệt tác Truyện Kiều là minh chứng rõ nhất cho tâm cảm: yêu đời và thương người của Nguyễn Du, đúng như trước kia Mộng Liên Đường chủ nhân đã nhận xét: “… lời văn tả ra hình như máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm trên tờ giấy, khiến ai đọc đến cũng phải thấm thía ngậm ngùi, đau đớn như đứt ruột”. Thật kinh ngạc và nể phục, nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng đã “bắt” đúng tinh thần của Nguyễn Du, rồi thị hiện chúng bằng ngôn ngữ điêu khắc gọn, sắc, chính xác đến tối giản.
TRỊNH CHU