Ô Nhật Bản truyền thống được truyền lại hàng ngàn năm như thế nào?

8:50 | 18/01/2022

Ô Nhật Bản (wagasa) là một loại ô giấy dầu truyền thống, được tạo ra theo phương pháp cổ xưa hàng nghìn năm. Chiếc ô cũng là một phần quan trọng của kabuki, trà đạo và các khía cạnh văn hóa khác của cuộc sống Nhật Bản.


Cô gái và chiếc ô Nhật Bản truyền thống. (Ảnh: Piqsels).

Nhà làm phim Lauren Shamo của trang Business Insider (Hoa Kỳ), gần đây đã đến thăm nghệ nhân chuyên nghiệp Kotaro Nishibori để hỏi về cách làm ô dù Nhật Bản thủ công. Đối với ông, đây không chỉ là một nghề thủ công mà còn là một di sản của văn hóa Nhật Bản.

Ngày nay vẫn có những thợ thủ công làm ô Nhật Bản truyền thống nhưng rất hiếm. Ông Nishibori là một trong số ít thợ thủ công có thể thực hiện quy trình làm một chiếc ô truyền thống Nhật Bản từ đầu đến cuối. Ông luôn tuân theo phương pháp truyền thống 1.200 năm tuổi.

Những chiếc ô này đồng thời cũng là những tác phẩm nghệ thuật có thể bán được với giá từ 300 USD đến 3.000 USD (tương đương khoảng từ 7 triệu đồng đến 70 triệu đồng cho mỗi chiếc).

Trong một đoạn video ngắn do nhà làm phim Shamo sản xuất, nghệ nhân Nishibori đã giới thiệu với khán giả về quá trình chế tạo ô của mình. Thông qua loại hình nghệ thuật ô truyền thống, ông đã kết nối thế giới với di sản Nhật Bản truyền đời này.

Bước đầu tiên để làm một chiếc ô Nhật Bản là thu thập tre tự nhiên. Các nan tre phải được đánh bóng và cắt thành từng dải mỏng, mỗi dải này dày khoảng 2 đến 3 mm. Sau đó chúng được dùng kim khâu vào lõi gỗ (temoto rokuro) để tạo thành khung cơ bản của ô.

Những dải tre này được sử dụng để dán giấy thủ công (washi), số lượng dải tre được dùng tùy thuộc vào loại ô. Lấy loại ô Bangasa làm ví dụ, nó có tổng cộng 48 dải tre.

Sau khi khung cơ bản hoàn thành, bước tiếp theo là kết nối các dải tre lại với nhau bằng kim và chỉ. Đây luôn là một bước quan trọng. Nếu các dải tre này không được phân bổ đều, ô sẽ không thể đóng mở bình thường hoặc sẽ bị rách sau một vài lần sử dụng.

Tiếp theo, ông Nishibori sẽ dùng keo tự chế của mình để dán giấy washi vào các dải tre và dùng dao cạo để cắt bỏ phần thừa. Đây là bước đòi hỏi độ chính xác nhất. Giấy washi phải được dán đúng vị trí và không được sai lệch. Nếu bị lệch đi, keo sẽ nổi lên và có thể nhìn thấy được trong sản phẩm cuối cùng, sẽ rất khó để bán được chiếc ô như vậy.

Keo cần phải khô qua đêm. Ngày hôm sau, ô đã được định hình, cho phép nó có thể đóng mở một cách linh hoạt. Sau đó còn cần dán một tờ giấy Nhật vào đầu ô. Lúc này ông Nishibori chỉ sử dụng nước, không dùng keo dính.

Một trong những bước cuối cùng bao gồm sơn chiếc ô với một lớp dầu lanh để giúp tránh thấm nước. Trước khi thực hiện bước trang trí cuối cùng, những chiếc ô cần phải được phơi khô trong ít nhất 2 tuần.

Ô truyền thống kết nối văn hóa Nhật Bản với thế giới

Ô Nhật Bản truyền thống kết nối văn hóa quốc gia này với thế giới. (Ảnh: Piqsels).

Thông thường ở Nhật Bản, ô được chạm bởi nhiều nghệ nhân, mỗi người sẽ điêu luyện trong một công đoạn cụ thể. Loại hình nghệ thuật này cũng được lưu truyền trong một gia đình từ đời này sang đời khác. Nghệ nhân Nishibori có cơ hội gia nhập ngành công nghiệp này thông qua gia đình vợ, điều đó giúp ông tiếp xúc với một phần văn hóa truyền thống của Nhật Bản.

Mặc dù lớn lên ở Nhật Bản nhưng ông Nishibori đã học tiếng Anh từ cha mình khi còn nhỏ. Sau khi học xong trung học ở Nhật Bản, ông chuyển đến Canada.

Ông cho biết: “Nhiều bạn bè của tôi (ở Canada) hỏi tôi về văn hóa Nhật Bản hoặc lịch sử Nhật Bản nhưng tôi không biết về điều đó, bởi vì tôi không tìm hiểu quá sâu về lịch sử Nhật Bản. Tôi là người Nhật nhưng tôi không biết về Nhật Bản.”

Mãi cho đến khi trở về quê hương, gặp vợ và bắt đầu học làm ô, ông mới tìm thấy điều mà ông hằng tìm kiếm. Ông Nishibori đã học được cách làm ô Nhật Bản có từ ngàn đời trước, sau đó đảm nhận việc điều hành cơ sở kinh doanh Hiyoshiya của gia đình. Giờ đây, Hiyoshiya đã có cơ sở khách hàng toàn cầu, đồng nghĩa với việc ông Nishibori có thể chia sẻ văn hóa Nhật Bản của mình với thế giới.

Ông Nishibori đã làm ô truyền thống Nhật Bản hơn 25 năm nhưng ông vẫn luôn cần học hỏi về loại hình nghệ thuật này. Mặc dù đã dẫn dắt nhiều học viên khác nhưng ông không coi mình là một “bậc thầy”.

“Trong thế giới thủ công Nhật Bản, không ai tự gọi mình là ‘bậc thầy’… Tôi nghĩ ‘bậc thầy’ mang ý nghĩa tượng trưng. Tôi có thể nói rằng mình là một nghệ nhân, một nghệ nhân chuyên nghiệp”, ông Nishibori chia sẻ.

 

Mộc Lan/Trithucvn

Video hay

Cùng chuyên mục

“MỆNH LỆNH TỪ TRÁI TIM” VÀ ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

“MỆNH LỆNH TỪ TRÁI TIM” VÀ ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP

Hà Tĩnh: Trưng bày hình ảnh “Từ huyền thoại tới tương lai”

Hà Tĩnh: Trưng bày hình ảnh “Từ huyền thoại tới tương lai”

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”