Nuôi trai ngọc nước ngọt gắn với phục vụ du lịch sinh thái, trải nghiệm là mô hình mới lạ ở thị xã Sơn Tây khiến nhiều người hiếu kỳ muốn tìm hiểu. Nơi nuôi trai ngọc là vùng nước giáp hồ Đồng Mô, thôn Lòng Hồ, xã Kim Sơn (thị xã Sơn Tây).
Anh Nguyễn Kiêm Khánh, hộ dân nuôi trai ngọc nước ngọt tại thôn Lòng Hồ chia sẻ: “Sau khi rời quân ngũ, tôi nghĩ mình phải làm một việc gì đó và cơ duyên đến với nghề nuôi trai ngọc là sau chuyến đi Phú Quốc năm 2018. Nhận thấy việc nuôi trai ngọc là nghề mới, nhiều tiềm năng, tôi đã “khăn gói quả mướp” về Ninh Bình học nghề để xây dựng mô hình bài bản. Qua học hỏi kinh nghiệm, tham quan nhiều mô hình nuôi trai ngọc trên biển và các vùng nước ngọt khác nhau, nhận thấy thôn Lòng Hồ, xã Kim Sơn (thị xã Sơn Tây) khí hậu ôn hòa, nguồn nước ổn định, thuận lợi phát triển nghề và có thể thực hiện quanh năm; chất lượng ngọc cũng cao, viên ngọc tròn đều, sáng bóng…”.
Với quyết tâm xây dựng thành công mô hình nuôi trai lấy ngọc ở vùng đất Sơn Tây, gần 5 năm qua, anh Khánh đã mạnh dạn đầu tư kinh phí. Anh Khánh cho rằng, mô hình này không dành cho nông dân muốn xóa đói, giảm nghèo bởi chi phí đầu tư trong 3-5 năm đầu tiên không nhỏ.
“Gia đình tôi đầu tư với quy mô nuôi 100.000 con, mức đầu tư ban đầu khoảng 600-800 triệu đồng. Đây là nghề cần trường vốn, chu kỳ nuôi kéo dài, ngắn cũng phải 2-3 năm. Để có ngọc tốt, phải mất 3-5 năm. Ngoài ra, các chi phí phát sinh, duy trì chăm sóc, nhân công… lên tới 50-80 triệu đồng/tháng. Bù lại, ngọc trai có dư địa thị trường rất lớn, giá bán hiện nay đối với ngọc loại 1 có thể lên tới 20.000 USD/kg…”, anh Khánh nói.
Nuôi trai ngọc nước ngọt gắn với phục vụ du lịch sinh thái ở Sơn Tây.
Ngoài bán cho khách du lịch tại địa phương, đầu ra cho sản phẩm ngọc trai cũng rất phong phú. Hiện, việc xuất khẩu ngọc trai sang các thị trường: Nhật Bản, Trung Quốc… rất thuận lợi. Thời gian qua, anh Khánh còn hỗ trợ đào tạo khoảng 20 người học nghề nuôi trai nước ngọt nhưng đến nay chỉ 4 người là có thể gắn bó “dài hơi”…
Bí thư Đảng ủy xã Kim Sơn Vũ Huy Nam cho hay: Để bảo vệ môi trường tự nhiên xanh, sạch đẹp… tại các vùng phát triển du lịch cần chọn mô hình chăn nuôi, nuôi trồng gắn với bảo vệ môi trường. Việc nuôi trai ngọc vừa phát triển kinh tế, vừa không xâm hại môi trường nước, bởi thức ăn của trai chủ yếu là các loài phù du, tảo… sẵn trong tự nhiên.
Nuôi trai lấy ngọc còn làm cho môi trường nước trong lành, giảm ô nhiễm nguồn nước, có thể kết hợp nuôi cá. Ngoài sản phẩm chính là ngọc trai, thịt con trai cũng được dùng làm thực phẩm hoặc thức ăn trong chăn nuôi; vỏ trai dùng làm nguồn phân bón… tạo mô hình nông nghiệp tuần hoàn khép kín gắn với du lịch để phát triển bền vững…
Theo Trưởng Ban Tuyên giáo thị xã Sơn Tây Hà Việt Phong, địa phương nên tận dụng đặc điểm văn hóa, nghề truyền thống và lối sống của người dân thôn Lòng Hồ để xây dựng các tour du lịch trải nghiệm cộng đồng.
Với khoảng cách không quá xa, chưa đầy 1 giờ lái xe từ trung tâm Thủ đô Hà Nội, thôn Lòng Hồ trở thành điểm du lịch mới, hấp dẫn. Thôn có diện tích đất tự nhiên 90ha, giữ được nhiều nét hoang sơ đặc biệt. Qua 5 năm đầu tư, phát triển, mô hình nuôi trai lấy ngọc ở thôn Lòng Hồ đã được địa phương hỗ trợ xây dựng thương hiệu Ngọc Khánh PEARL và mô hình trở thành điểm tham quan thú vị khi đến thôn Lòng Hồ.
Nơi đây, ngoài tập trung nuôi, chế tác, trưng bày ngọc trai, cảnh quan môi trường cũng rất hấp dẫn, phù hợp với khách tham quan kết hợp trải nghiệm thực tế. Với khu vườn rộng gần 4.000m2 phủ kín cây cảnh, diện tích mặt nước lên đến 12.000m2, Ngọc Khánh PEARL đem đến cho du khách trải nghiệm độc đáo, mới lạ.
T.H
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/nuoi-trai-ngoc-nuoc-ngot-gan-voi-phuc-vu-du-lich-sinh-thai-o-son-tay-post254613.html