Nuôi dưỡng tình yêu sách và văn hóa đọc

11:30 | 15/04/2022

Tại địa điểm trung tâm của TP HCM sẽ là không gian “Thành phố sách” – trưng bày và giới thiệu những tựa sách hay, bổ ích, đa dạng thể loại; đặc biệt còn có không gian chuyển đổi số giới thiệu mô hình sách nói, sách điện tử, sách 3D…

Nhiều hoạt động đặc sắc

Lễ khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần I – 2022 và công bố Quyết định số 1862/QĐ-TTg ngày 4-11-2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam sẽ diễn ra lúc 20 giờ ngày 19-4 tại đường Nguyễn Huệ, TP HCM. Chương trình do Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), UBND TP HCM, Ban Tuyên giáo Trung ương, Hội Xuất bản Việt Nam thực hiện. Chương trình mở đầu cho chuỗi hoạt động của Ngày Sách Việt Nam trên phạm vi toàn quốc.

Một không gian sách tại đường sách Nguyễn Văn Bình, TP HCM.

Theo thông tin từ Cục Xuất bản, In và Phát hành – Bộ Thông tin và Truyền thông, Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần I – 2022 sẽ có nhiều hoạt động đặc sắc để hiện thực hóa mục tiêu “Chấn hưng văn hóa và phát triển văn hóa đọc”.

Không gian “Thành phố sách” tại đường Nguyễn Huệ ngoài việc trưng bày và giới thiệu sách, còn có các buổi giao lưu với tác giả, tọa đàm chuyên đề về sách, chương trình văn nghệ. Hội sách cũng dành một không gian để giới thiệu các mô hình văn hóa đọc như tủ sách cơ quan, tủ sách doanh nghiệp, tủ sách dòng họ, gia đình, trường học, thư viện thông minh…

Cũng tại không gian “Thành phố sách”, giới trẻ mê công nghệ sẽ hài lòng và thích thú với những giải pháp, không gian trải nghiệm về sách gắn với công nghệ mới, trí tuệ nhân tạo; khám phá các tác phẩm sách nói, sách điện tử trên nhiều lĩnh vực văn hóa, chính trị, kinh tế, văn học, nghệ thuật, kỹ năng sống…; đặc biệt là tiếp cận, tương tác sách nói, sách 3D, thực tế ảo…

Trước đây, hội sách thường được tổ chức tại Công viên Thống Nhất (TP Hà Nội), năm nay chương trình diễn ra tại đường Nguyễn Huệ, TP HCM. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, 2 năm qua, hội sách trực tuyến được thực hiện như giải pháp thay thế vào tháng 4 hằng năm. Năm nay, dịch Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát nên Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam đã có thể trở lại tại TP HCM. Song song đó, hội sách trực tuyến quốc gia vẫn được thực hiện từ ngày 16-4 đến 20-5 tại địa chỉ Book365.

Ông Nguyễn Nguyên – Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành – cho biết: “Ngành xuất bản đã nhanh chóng thích ứng chuyển đổi số, thương mại điện tử được đẩy mạnh tạo thuận lợi cho việc mua bán xuất bản phẩm. Ngoài ra, nhiều đơn vị làm sách cũng nỗ lực nâng cao chất lượng một số mảng sách trước đây ít được quan tâm đầu tư như sách lịch sử, khoa học…, đồng thời tăng cường quảng bá, xuất bản trên internet”.

Thói quen đọc sách trong gia đình

Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần I – 2022 tổ chức nhằm khẳng định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của sách đối với việc nâng cao kiến thức, kỹ năng, phát triển tư duy, giáo dục và rèn luyện nhân cách con người; khuyến khích và phát triển phong trào đọc sách trong cộng đồng, tạo dựng môi trường đọc thuận lợi; hình thành thói quen đọc sách trong gia đình, trường học, cơ quan, tổ chức, góp phần xây dựng xã hội học tập.

Ngoài Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần I – 2022 ở TP HCM thì ở TP Hà Nội, các hoạt động chào mừng sự kiện này cũng diễn ra từ ngày 21-4 đến 1-5 tại phố sách Hà Nội và Thư viện quốc gia Việt Nam. Trong đó có các hoạt động đáng chú ý như tọa đàm “Chuyển đổi số trong hoạt động xuất bản” diễn ra ngày 19-4; lễ phát động phong trào đọc sách ngày 21-4; tọa đàm “Sách với gia đình” ngày 22-4; tọa đàm “Doanh nhân với sách, sách với doanh nhân” ngày 23-4…

Bên cạnh đó, các cơ quan thuộc Bộ VH -TT-DL cũng có nhiều hoạt động: giới thiệu sách, kể chuyện và làm theo sách, vẽ tranh theo sách, xếp sách nghệ thuật, giao lưu, tọa đàm về sách, quyên góp ủng hộ và trao tặng sách… Việc tổ chức các CLB đọc sách được thúc đẩy với chủ đề “Chấn hưng văn hóa và phát triển văn hóa đọc”.

Ông Phạm Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Thư viện (Bộ VH-TT-DL), cho rằng: “Thông qua các cuộc thi, giải thưởng là cách trực tiếp giúp văn hóa đọc không bị suy thoái; tiếp tục nuôi dưỡng tình yêu với sách trong nhân dân”.

Một số hoạt động nhằm góp phần quảng bá văn hóa đọc, hỗ trợ các đơn vị phát hành sách cũng được triển khai trong dịp này như: Tháng phát hành sách chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam, Tuần lễ phát hành sách chào mừng Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam sẽ được tổ chức trên toàn quốc từ ngày 15-3 đến 1-5.

Người mê sách ở TP HCM có nhiều lựa chọn tại Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần I – 2022 trên đường Nguyễn Huệ như: tọa đàm “Sách nói với phát triển văn hóa đọc cộng đồng” diễn ra ngày 19-4; tọa đàm “Phát triển văn hóa đọc trong thanh niên” ngày 20-4; giới thiệu các bộ sách mới của TP HCM ngày 21-4…; hay khám phá đường sách Nguyễn Văn Bình, quận 1 – địa điểm được mệnh danh là “ không gian sống chậm của giới trẻ”.

Theo Người lao động

https://nld.com.vn/van-nghe/ngay-sach-va-van-hoa-doc-viet-nam-lan-i-2022-nuoi-duong-tinh-yeu-sach-va-van-hoa-doc-20220414214251924.htm


Cùng chuyên mục

ĐIỂM TỰA VỮNG CHẮC NƠI BIÊN THÙY

ĐIỂM TỰA VỮNG CHẮC NƠI BIÊN THÙY

QUẢNG BÌNH: Ông Trần Phong làm Chủ tịch UBND tỉnh

QUẢNG BÌNH: Ông Trần Phong làm Chủ tịch UBND tỉnh

ĐẮK LẮK: Thành phố Buôn Ma Thuột chú trọng phát triển du lịch cộng đồng

ĐẮK LẮK: Thành phố Buôn Ma Thuột chú trọng phát triển du lịch cộng đồng

Triển lãm ảnh nghệ thuật “Quân đội Anh hùng – Cựu Chiến binh gương mẫu”

Triển lãm ảnh nghệ thuật “Quân đội Anh hùng – Cựu Chiến binh gương mẫu”

Tăng cường đảm bảo an ninh, xây dựng biên giới “đoàn kết – hòa bình – hữu nghị”

Tăng cường đảm bảo an ninh, xây dựng biên giới “đoàn kết – hòa bình – hữu nghị”

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám