Argentina đã khởi động chiến dịch tiêm đại trà vắcxin Sputnik V của Nga, trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Mỹ sử dụng vắcxin này để ngừa bệnh viêm COVID-19.
Ngày 29/12, Argentina đã khởi động chiến dịch tiêm đại trà vắcxin Sputnik V của Nga, trở thành quốc gia đầu tiên ở châu Mỹ sử dụng vắcxin này để ngừa bệnh viêm COVID-19.
Argentina cũng là nước thứ 4 ở Nam Mỹ tiến hành tiêm chủng đại trà, sau Mexico, Costa Rica và Chile.
Bộ trưởng Y tế Gines Gonzalez Garcia cho biết việc tiêm chủng được bắt đầu đồng thời trên khắp cả nước và các nhân viên y tế là những người được ưu tiên. Dự kiến cần vài tháng để vắcxin phát huy hiệu quả trên diện rộng.
Trước đó, 300.000 liều vắcxin Sputnik V đã được chuyển đến Argentina vào ngày Giáng Sinh. Mỗi người cần tiêm hai liều.
Theo kế hoạch, 19,7 triệu liều sẽ được giao trong hai tháng đầu năm 2021. Ngoài ra, Argentina cũng đã ký một thỏa thuận mua vắcxin của Đại học Oxford và công ty AstraZeneca phối hợp sản xuất, đồng thời đang thương lượng mua vắcxin của Pfizer/BioNTech.
Cùng ngày, Bộ trưởng Y tế Indonesia Budi Gunadi Sadikin cho biết nước này sẽ có đủ vắcxin ngừa COVID-19 cho 181,5 triệu người vào năm 2021 nhằm đạt miễn dịch cộng đồng và phá vỡ chuỗi lây lan virus SARS-CoV-2 gây bệnh.
Phát biểu tại cuộc họp báo trực tuyến, Bộ trưởng Sadikin cho biết ngoại trừ những người mắc nhiều bệnh cùng lúc, bệnh nhân COVID-19 và phụ nữ có thai, Indonesia còn khoảng 181,5 triệu người.
Cũng theo ông, trong số 269 triệu người đang sống tại Indonesia hiện nay, có 188 triệu người ở độ tuổi từ 18-59.
Nếu mỗi người phải tiêm hai liều và tính cả vắcxin dự trữ thì Indonesia cần khoảng 426 triệu liều.
Hiện Chính phủ Indonesia đã mua được 125 triệu liều vắcxin của công ty dược phẩm sinh học Trung Quốc Sinovac Biotech, 130 triệu liều của công ty công nghệ sinh học Novavax của Mỹ.
Bên cạnh đó, Indonesia đang hợp tác mua 100 triệu liều vắcxin của hãng AstraZeneca (Anh-Thụy Điển) và 100 triệu liều của công ty Pfizer/BioNTech (Mỹ-Đức).
Trong khi đó, Indonesia cũng hợp tác để có khoảng 16-100 triệu liều vắcxin miễn phí từ Cơ chế tiếp cận vắcxin toàn cầu COVAX, một chương trình do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khởi xướng./.
Theo TTXVN