Dựng nhà, lập bản dưới những ngọn núi của dãy Trường Sơn hùng vĩ, tộc người Ma Coong sống cùng nhau trên địa giới hành chính thuộc xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, điểm dừng chân cuối cùng của tộc người Ma Coong trên tiến trình thiên di ra phía Bắc. Trải qua bao trầm luân, gian khổ, bây giờ, người Ma Coong với sự sát cánh của cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Roòng, BĐBP Quảng Bình đã biết định canh, định cư, trồng cây lúa nước, cây mắc ca để nở trên môi nụ cười no ấm trong cuộc hành trình “xóa đói, giảm nghèo” tuy gian khó nhưng cũng tràn đầy niềm vui.
Từ chuyện làm ruộng lúa nước
Từ Đồn Biên phòng Cà Roòng, xuôi theo Tỉnh lộ 569 khoảng hơn 10km, sau đó đi bộ qua vài con suối, mấy cái dốc cao là tới được bản Chăm Pu, quãng đường không dài nhưng độ khó khăn thì hiếm nơi nào sánh kịp. Đi cùng tôi đến bản là Trung úy Trần Hữu Vương, Đội trưởng Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Cà Roòng bởi nếu không có anh đi cùng, chắc chắn tôi sẽ gặp rất nhiều trở ngại để tìm đến được nơi đây.
Bản Chăm Pu có 33 nóc nhà sàn tựa lưng vào núi và hướng mặt về phía con suối nhỏ cũng mang tên Chăm Pu. Già làng Đinh Bột năm nay đã bước vào tuổi 66, nhưng đôi chân vẫn còn đủ mạnh, ngày ngày đi vào rừng chặt cây tre, cây mây về đan Cụ Tôộc (Mâm đựng cơm), A Nuộc (vợt bắt cá)… để sử dụng và ghé thăm ruộng lúa nước của gia đình mình.
Hôm nay tiết trời mưa lạnh nên ông ở nhà, vì thế tôi mới được nghe câu chuyện làm ruộng lúa nước từ ký ức của ông. Ông Đinh Bột kể rằng: “Núi rừng Trường Sơn cho người Ma Coong củ mài, củ chụp, cây đoác, cây măng để cái bụng vơi đi cơn đói nhưng cơn sốt rét cùng với những hủ tục lạc hậu đã cướp đi nhiều sinh mạng của người Ma Coong. Cái khổ, cái nghèo nhiều như lá cây trên rừng, đếm mãi không hết. Đôi chân mỏi mệt vì phải lang thang tìm đất phát rẫy, tìm cây làm nhà. Tộc người Ma Coong sẽ cứ khổ mãi nếu như không có cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Roòng vào tận hang núi, rừng sâu gọi dân về lập bản, định canh, định cư”.
Việc định canh, định cư mà già làng Đinh Bột kể là một quá trình đầy gian khó bởi thói quen du canh, du cư đã ăn sâu vào tiềm thức của người Ma Coong bằng cái lý: “Rừng rộng, đất rộng nên ưng bụng chỗ mô thì dựng nhà mà ở thôi”. Rồi cứ thế, họ đi khắp mọi cánh rừng như con nai, con hoẵng, song, sự kiên trì của những người chiến sĩ Biên phòng đã níu chân họ dừng lại lập bản mới bên con suối Chăm Pu. Từ đây, cuộc đời của người Ma Coong bước sang một trang mới và họ lại càng vui hơn khi Ban Dân tộc cùng Bộ Chỉ huy BĐBP Quảng Bình đã đầu tư cho bản một cánh đồng lúa nước rộng 2 héc ta.
Năm 2002, công trình khởi công và vụ hè thu năm 2003, bản Chăm Pu được mùa lớn nên niềm tin về một phương thức sản xuất mới càng bám rễ sâu hơn trong suy nghĩ của họ. Thế nhưng, do người dân không quen làm lúa nước, trình độ tiếp thu kỹ thuật hạn chế nên liên tiếp những vụ sau, lúa cho năng suất thấp và họ lại trở về với phương thức phá rừng làm rẫy. Thêm một lần nữa, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Roòng lại trở thành những “kỹ sư nông nghiệp” để giữ lại cánh đồng Chăm Pu.
Với phương châm “Bám dân, bám thời vụ, cụ thể, sát thực tế, vừa làm, vừa hướng dẫn”, cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Roòng kiên trì thuyết phục để rồi cánh đồng Chăm Pu, cây lúa đã trở lại màu xanh. Từ năm 2006 đến nay, mỗi năm 2 vụ, cánh đồng Chăm Pu cho năng suất từ 3,5 đến 4 tạ/ha. Niềm vui lớn nhất là người Ma Coong đã tiếp cận được khoa học kỹ thuật tiên tiến, sử dụng máy móc vào canh tác nên năng suất lúa luôn được giữ vững và họ đã làm chủ hoàn toàn các khâu sản xuất lúa nước từ các cán bộ, chiến sĩ Biên phòng chuyển giao. Bà Y Lắp, 61 tuổi chia sẻ: “Nhà mình thoát được nghèo là nhờ làm ruộng lúa nước đấy”.
Đến việc trồng cây mắc ca, một hướng phát triển mới
Bản 61 của bà Y Xu Ni có 37 hộ với 168 nhân khẩu, con suối A Ky từ bao đời nay chảy qua bản đã chứng kiến tất thảy những gì mà dân bản đã trải qua, cái khổ có nhiều nhưng cái vui cũng dâng đầy trong bụng người già, con trẻ. Bữa cơm bây giờ không còn phải độn củ sắn, củ chụp chát đắng như ngày xưa nhưng bảo là khá và giàu thì bản còn phải phấn đấu nhiều lắm.
Tôi đến bản 61 đúng vào dịp Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đang diễn ra tại Thủ đô Hà Nội nên cả bản rợp đỏ trong sắc cờ Tổ quốc. Già làng Đinh Liễn, 58 tuổi chia sẻ với tôi trong niềm tự hào: “Mấy hôm nay, ai cũng đi làm về sớm xem ti vi để theo dõi diễn biến của Đại hội Đảng. Đất nước phát triển thì người Ma Coong cũng sẽ hết cái khổ, cái nghèo”.
“Mà người Ma Coong ở bản 61 cũng sắp hết cái khổ, cái nghèo rồi đấy, bởi cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Roòng đang đem đến cho họ một mô hình sản xuất mới, đó là trồng cây mắc ca trên những thửa đất nghèo chất dinh dưỡng” – Già làng Đinh Liễn cho biết.
Năm 2018, sau khi tìm hiểu về đặc tính của cây mắc ca, Đồn Biên phòng Cà Roòng tiến hành khảo sát vị trí, mời cán bộ chuyên môn lên nghiên cứu thổ nhưỡng, tổ chức phát quang, đào hố, liên hệ với Hiệp hội mắc ca Việt Nam xin cây giống về trồng và bón phân, chăm sóc. Thiếu tá Nguyễn Chí Thanh, Chính trị viên Đồn Biên phòng Cà Roòng chia sẻ: “Việc trồng cây mắc ca ở vùng đất này là chưa có tiền lệ nên lúc đầu cũng lo lắng lắm anh ạ, bởi thành công thì vui, song lỡ khi thất bại thì chẳng biết giải thích thế nào để cho dân tin. Rất vui là hơn 400 cây giống được trồng trên diện tích 2 héc ta đã thành công hơn dự kiến sau hơn 2 năm, tỷ lệ cây sống và phát triển tốt đạt gần 100%. Thời gian tới, chúng tôi sẽ dần chuyển giao cho người dân tự chăm sóc và mở rộng diện tích dưới sự hướng dẫn về kỹ thuật của cán bộ đơn vị”.
Một cánh đồng Chăm Pu, một mô hình sản xuất mới đang dần hình thành, bám trụ và phát triển trên miền biên cương Thượng Trạch xa xôi và cách trở. Rồi đây, trên khuôn mặt của 318 hộ với 1.518 nhân khẩu tộc người Ma Coong ở các bản Chăm Pu, 61, Troi, Tuộc, Aky, Cờ đỏ, 51, Nôồng cũ, Nôồng mới và Bụt do Đồn Biên phòng Cà Roòng phụ trách sẽ rạng tươi nụ cười, hướng đến sự thoát nghèo bền vững.
Theo Bienphong