Không chỉ ghi dấu ấn với khán giả qua những vở cải lương, tuồng cổ, NSƯT Vũ Luân còn là người tiên phong lập nên đơn vị xã hội hóa cải lương, tuồng cổ đầu tiên tại TP.HCM.
Nhân dịp NSƯT Vũ Luân tổ chức lễ kỷ niệm 23 năm thành lập đơn vị của mình, Phóng viên đã có buổi trò chuyện với nam nghệ sĩ để được nghe anh chia sẻ về chặng đường 23 năm qua, những kế hoạch mà anh ấp ủ cũng như mong ước đối với sân khấu cải lương, tuồng cổ.
Tạo hình của NSƯT Vũ Luân tại chương trình kỷ niệm 23 năm thành lập đơn vị xã hội hóa cải lương, tuồng cổ. NSƯT Vũ Luân tin rằng khán giả vẫn yêu mến và dành nhiều tình cảm cho cải lương, tuồng cổ. Ảnh: NVCC
23 năm đau đáu với cải lương, tuồng cổ
. Phóng viên: Nhìn lại chặng đường 23 năm hình thành và phát triển mô hình sân khấu cải lương xã hội hóa của mình, anh cảm thấy thế nào?
+ NSƯT Vũ Luân: Trong suốt 23 năm làm nghệ thuật, nhìn lại chặng đường mình đi thì nhiều khi tôi cảm thấy hơi “rùng mình” một chút vì lúc mới bắt đầu tôi chỉ chừng hai mấy gần 30 tuổi thôi.
Khi đó, tôi đến với mô hình xã hội hóa vì đam mê và ước ao có một sân khấu để làm nghệ thuật chuyên nghiệp bởi thời điểm đó người ta chịu lấy tên tôi để họ bán vé chứ không đầu tư nhiều.
Rồi sau mỗi lần đi hát dưới miền Tây, mấy đơn vị tỉnh mời tôi xuống hát tăng cường, hát xong tôi cảm thấy buồn mỗi khi về đến nhà và nghĩ rằng: “Đồng ý là đi kiếm tiền nhưng bỏ thời gian, thanh xuân của mình chạy theo đồng tiền thì nghề của mình sẽ bị mai một” và đó là lý do thúc đẩy tôi trở về Sài Gòn thành lập sân khấu xã hội hóa.
. Chặng đường vừa qua có điều gì khiến anh cảm thấy tự hào?
+ Đó là lúc đó tôi làm xã hội hóa tại rạp Hưng Đạo của Nhà hát Trần Hữu Trang. Thời điểm đó, rạp Hưng Đạo đã xuống cấp, giống như là đóng cửa, thỉnh thoảng những cô chú lớn tuổi cũng chỉ diễn vài suất rồi cứ thế bị bỏ trống nên tôi mới quyết định tập hợp anh em lại để làm rạp sáng đèn trở lại.
Tôi còn nhớ, trưởng rạp là cô Liễu và cô đã cùng Nhà hát Trần Hữu Trang giảm tiền rạp xuống còn tôi giảm giá vé để khán giả không phải bận tâm về giá vé mà đến với cải lương. Nhưng bất ngờ là sự ủng hộ của khán giả dành cho rạp rất lớn và cũng rất thành công.
Đồng thời, trong quãng thời gian đó, tôi cùng nhiều nghệ sĩ khác như Trinh Trinh, Tú Sương… ngày càng “cứng” hơn trong nghề và có những giải thưởng lớn từ phía lãnh đạo, từ những cuộc thi Liên hoan sân khấu toàn quốc, Trần Hữu Trang rồi được những giải thưởng lớn như Mai vàng, được báo bình chọn là “Những nghệ sĩ được yêu thích”, đó là những thành công mà đoàn tôi gặt hái được trong suốt 23 năm qua.
Lên kế hoạch đào tạo thế hệ trẻ kế thừa
. Là người tiên phong mô hình sân khấu xã hội hóa, lý do nào khiến anh chọn cải lương, tuồng cổ để theo đuổi?
+ Chọn theo đuổi cải lương, tuồng cổ bởi vì tôi được trưởng thành và lớn lên trong một tập thể đồng ấu là những người hát cải lương, tuồng cổ giống như nghệ sĩ NSƯT Trường Sơn, thầy của tôi là nghệ sĩ Bạch Long, nghệ sĩ Bửu Truyện…
Tôi từ lò tuồng cổ đi ra nên điều gì biết tôi mới làm, hiểu nó tôi mới đam mê. Chính vì vậy, đơn vị của tôi hầu như làm cải lương, tuồng cổ nhiều hơn là tâm lý xã hội.
. Vậy lớp diễn viên hiện tại của sân khấu anh đa số là những diễn viên gạo cội hay diễn viên trẻ?
+ Hiện tại, đoàn của tôi có những nghệ sĩ tên tuổi Thanh Hằng, Phượng Loan, Tô Châu… Bên cạnh đó, tôi cũng có những êkíp diễn viên trẻ như nghệ sĩ trẻ Khánh Tâm, Chuông vàng vọng cổ Nguyễn Văn Khởi, Võ Ngọc Huyền, Chí Cường Hồng Lan… Tôi luôn hỗ trợ và tạo bước đệm cho thế hệ trẻ tiếp nối con đường tuồng cổ bên đơn vị của mình.
. Và hẳn anh cũng có những kế hoạch đào tạo những lớp diễn viên trẻ để họ kế thừa các thế hệ tiền bối?
+ Tôi sẽ mở một lớp đào tạo cho những diễn viên không chuyên nhưng có đam mê và biết ca vọng cổ vì công ty của tôi đang có tư cách pháp nhân cũng như có các cơ sở vật chất như phim trường, âm thanh, ánh sáng, mặt bằng… Từ đó tôi sẽ giảng dạy và tập cho các bạn ấy hiểu về bộ môn tuồng cổ để tiếp bước theo con đường mà các bậc tiền bối đã đi qua.
Kế hoạch này của tôi lẽ ra đã được thực hiện từ năm 2020 nhưng vì ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên tôi phải dừng lại. Trong năm 2022 này, khoảng một, hai tháng nữa, tôi sẽ mở lớp trở lại, nhằm tạo điều kiện cho các bậc tiền bối không đi hát nữa nhưng đủ sức khỏe để truyền đạt lại kinh nghiệm và mời những giảng sư mà họ có thể dạy cho các diễn viên trẻ có thêm kinh nghiệm trong nghề.
Không chỉ vậy, tôi cũng đang tìm một rạp để đầu tư. Từ đây đến cuối năm 2022, tôi sẽ diễn mỗi tuần và hạ giá vé xuống để khán giả có thể theo mình.
. Cám ơn NSƯT Vũ Luân.
Tri ân nghệ sĩ gạo cội và nghệ sĩ đã mất
Chương trình kỷ niệm 23 năm thành lập sân khấu Vũ Luân được tổ chức vào cuối tháng 3-2022 là vì nhiều khán giả yêu cầu nhằm ôn lại những vai diễn đã in sâu trong lòng của họ. Đồng thời, chương trình nhằm tôn vinh các vị đã từng gắn bó với đoàn từ phục trang, âm nhạc đến các nghệ sĩ lão thành… Đó cũng là dịp tưởng niệm những nghệ sĩ đã mất từng cộng tác với đoàn như nghệ sĩ Tuấn Khang, nghệ sĩ Chinh Nhân… những người nghệ sĩ đã từng hoạt động trong đoàn hát và đã ra đi. Điểm nhấn của chương trình là tặng quà cho các nghệ sĩ tiền bối đã từng tham gia đơn vị để bày tỏ sự biết ơn. |
Minh Quân (TH)