NSND Vương Duy Biên: Đừng im lặng bỏ qua, nhưng hãy ứng xử có văn hóa!

20:13 | 24/06/2023

Nghệ sĩ không nên im lặng, bỏ qua những hành vi xâm phạm bản quyền, nhưng cũng không nên phản ứng thái quá mà cần ứng xử có văn hóa… Đó là những chia sẻ với Báo NB&CL của NSND, Phó Chủ tịch chuyên trách Hội VHNT Việt Nam, nguyên Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Vương Duy Biên.


Công nghệ “tiếp tay” cho hành vi đạo, nhái
+ Đã có nhiều đánh giá cho rằng, câu chuyện xâm phạm bản quyền trong VHNT không mới và đã gây ra nhiều hệ lụy, nhưng đến nay vẫn còn nhiều vấn đề chưa thể giải quyết trong một sớm một chiều. Xin ông đánh giá về tình trạng vi phạm bản quyền tác giả trong lĩnh vực VHNT thời gian qua?

– Vấn đề vi phạm bản quyền tác giả chỉ mới được nói đến trong những năm gần đây, khi quá trình hội nhập của chúng ta bắt đầu. Ngày xưa, ở một hoàn cảnh lịch sử khác không ai nghĩ đến bản quyền tác giả nhưng bây giờ thì vấn đề này phải đặt ra. Bởi nếu không được bảo vệ thì những sáng tạo của những nghệ sĩ trong nước sẽ bị vi phạm và làm cho sự sáng tạo bị thui chột, nghệ sĩ không còn hứng khởi để sáng tạo nữa.

NSND Vương Duy Biên và một tác phẩm điêu khắc của ông. Ảnh: Đình Trung

Với việc hội nhập sâu rộng như hiện nay, quyền tác giả không chỉ cần được bảo vệ ở trong nước mà cả ở nước ngoài; ngược lại, những tinh hoa những sáng tạo trí tuệ của thế giới vào Việt Nam cũng phải được bảo vệ, không có chuyện được “xài chùa” nữa. Khi tham gia đàm phán TPP cũng như CPTPP sau này, vấn đề sở hữu trí tuệ, vấn đề bản quyền cũng là một nội dung mà Việt Nam phải cam kết thực hiện. Thế giới họ đã đi trước chúng ta rất lâu rồi, thế nên chúng ta phải làm quen với những quy định của thế giới, cũng như có nhiều thứ chúng ta phải học họ. Chơi với thế giới, chúng ta phải bình đẳng.

Thế nhưng thời gian qua, tình trạng vi phạm bản quyền vẫn khá phổ biến, nhất là trên không gian mạng. Bây giờ lên mạng cái gì cũng có. Người ta đạo cả văn, đạo cả thơ, đạo cả tranh, cả tượng, rồi phim ảnh, nhiếp ảnh… Đã có chuyện bức ảnh của ông này sau đó “biến” thành tranh của một ông khác, giống y nguyên, chỉ có chuyển đổi chất liệu thôi. Hay về điêu khắc, chỉ cần một động tác đơn giản là gõ từ khóa “Gustav Vigeland” là có ngay một bộ sưu tập đầy đủ của nhà điêu khắc nổi tiếng này, nếu anh nào lười sáng tác là dựa vào đó mà nhái. Thêm nữa, hiện nay có sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo, việc ăn cắp rất nhanh, rất tinh vi. Làm tượng, chép tranh, viết văn… chỉ cần một máy tính và một bàn phím là xử lý được hết. Có thể nói, với sự hỗ trợ của công nghệ, sự ăn cắp càng tinh vi, sự xâm phạm bản quyền càng phổ biến và được che lấp bởi các yếu tố kỹ thuật.

Việc vi phạm bản quyền còn “đánh” trực tiếp vào nhà sản xuất. Chẳng nói đâu xa, thời gian vừa qua rất nhiều bộ phim vừa ra rạp xong là đã có chuyện ăn cắp, chuyện băng đĩa lậu khiến họ không thể yên tâm mà sản xuất. Đó là ở điện ảnh, còn nhìn rộng ra ở lĩnh vực VHNT nào cũng vậy.

Không “lấy” của người khác là tự bảo vệ mình
+ Trước thực trạng vi phạm “tràn lan” như vậy, theo ông, các cơ quan chức năng phải làm gì?

– Theo tôi, không có cách nào khác là chúng ta phải tăng cường thực hiện công tác bảo vệ bản quyền, nhưng quan trọng phải có sự đồng bộ. Trước hết, phải hoàn thiện hệ thống pháp lý, phải đảm bảo các quy định của pháp luật phải “quét” được hết các vấn đề, kể cả những vấn đề mới phát sinh. Trước sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, chúng ta phải thích ứng, cập nhật những vấn đề mới từ cuộc sống để đưa vào luật rất nhanh. Các cơ quan quản lý nhà nước phải nắm rất chắc, phải đưa ra một hành lang pháp lý cụ thể, chặt chẽ.

Thứ hai, cần tăng cường năng lực cho bộ máy vận hành ở lĩnh vực này. Hiện nay, về thiết chế, chỉ có Bộ VH-TT&DL có Cục Bản quyền tác giả, các Sở đều không có đầu mối quản lý và theo tôi được biết, các địa phương thậm chí không bố trí cán bộ theo dõi về mảng này, bộ máy bên dưới hoàn toàn trống. Mà muốn quản lý được tốt thì trước hết phải có mạng lưới bao phủ, phải có nhân sự, phải có bộ máy, không chỉ ở Trung ương. Rồi phải có Tòa án, có con người đủ trình độ để thực thi.

Ví dụ, tòa án phân xử vụ kiện một bộ phim bị “tố” đạo nhái một bản nhạc ở một nước nào đó, thì anh phải xác định được là ảnh hưởng bao nhiêu phần trăm, ảnh hưởng đến mức độ nào thì gọi là nhái. Từ đó có thể thấy, người phân xử không chỉ cần có trình độ về mặt chuyên môn của tòa án mà còn đòi hỏi có sự am hiểu nhất định về văn hóa, nghệ thuật.

Tác phẩm sắp đặt “Bình yên” mang thông điệp yêu chuộng hòa bình của NSND Vương Duy Biên. Ảnh: Đình Trung

Thứ ba, cần xây dựng ý thức tự giác tôn trọng sự sáng tạo của mỗi con người, cả người sáng tạo, cả người sử dụng sản phẩm văn hóa. Hiện nay, phim lậu trên mạng đầy rẫy, ai cũng xem được. Phía nhà quản lý khuyến cáo công chúng không nên xem, nhưng ai thực hiện lời khuyến cáo đó chưa, hay là mặc kệ, tôi không mất tiền tôi cứ xem? Ta ra phố Nguyễn Thái Học mua một bức tranh, mặc dù biết tranh giả đấy nhưng vẫn mua, vì nó rẻ. Rồi có những làng chuyên sản xuất hàng nhái nhưng vẫn tiêu thụ được, xã hội vẫn chấp nhận. Ta đã biết tẩy chay hàng giả, hàng nhái chưa? Tôi khẳng định là chưa. Cho nên ý thức của người dân, ý thức của văn nghệ sĩ là rất quan trọng. Ý thức là chuyện không áp đặt được, pháp luật không quy định nhưng phải hiểu rằng, ta không xâm phạm của người khác nghĩa là ta đang tự bảo vệ mình.

Mà để xây dựng được ý thức thì phải tuyên truyền, phải truyền thông nhiều hơn để cho mọi người trong xã hội hiểu được giá trị của sở hữu trí tuệ, tôn trọng bản quyền trong đó có anh. Anh không tôn trọng người khác thì sáng tạo của anh sẽ có lúc bị xâm phạm.

Tiếp nữa là cần phải xử lý những vi phạm để làm gương. Hầu như hiện nay việc xử lý chưa được bao nhiêu, nếu có cũng chỉ rất nhẹ nhàng.

Không thể “khoán trắng” cho một vài đơn vị
+ “Việc xử lý chưa được bao nhiêu, nếu có cũng chỉ rất nhẹ nhàng”, vậy thì ở đây có gì vướng mắc, thưa ông?

Có những chuyện rất khó. Cách đây vài năm, lúc đó tôi còn ở Bộ VH-TT&DL, có một nhà sưu tập công bố sẽ tổ chức triển lãm tranh của các họa sĩ Đông Dương với một loạt các danh họa Lê Phổ, Mai Trung Thứ, Vũ Cao Đàm… Nếu triển lãm này thành công thì có thể nói các tác phẩm ông ấy trưng bày sẽ được khi tranh đã chính thức được triển lãm ở bảo tàng.

Bất ngờ là trước lúc khai mạc, có người phát hiện, cho rằng đây là tranh giả. Tranh cãi nổ ra nhưng cũng chẳng có quy định pháp luật nào để Bộ có thể can thiệp vào chuyện đó được cả. Theo kinh nghiệm của mình thì mình cho rằng tranh giả, nhưng họ cứ khẳng định là thật… Bất cập là chưa có một thứ máy móc nào để soi chiếu xem tranh thật giả ra sao…

Sau đó, Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và triển lãm cùng một số cơ quan vào tư vấn, nhưng cũng không có tư cách để phán xử cái nào giả, cái nào thật, mà chỉ có thể đưa ra khuyến cáo. Mà về lý, khuyến cáo thì người ta có thể nghe, có thể không. Cho nên bảo vệ quyền tác giả chỉ kinh nghiệm thôi chưa đủ, trong khi đây lại là bài toán khó.

+ Vậy còn vai trò của Liên hiệp các Hội VHNT cũng như các đơn vị khác, việc đứng ra bảo vệ quyền tác giả ra sao, thưa ông?

– Liên hiệp các Hội VHNT không phải là cơ quan quản lý, có chăng cũng chỉ là khuyến cáo các văn nghệ sĩ thôi. Hội VHNT 63 tỉnh, thành cũng vậy, tiếng nói của những đơn vị này không có nhiều sức nặng. Trước đây cũng có một vài trường hợp các đơn vị này đứng ra bảo vệ quyền lợi hội viên khi bị vi phạm bản quyền nhưng tiếng nói của các Hội cũng ở mức độ. Thực tế là, những tranh chấp này thường được đưa lên một cấp khác để giải quyết.

Cũng có một số cơ quan đứng ra bảo vệ quyền tác giả nhưng chưa có bàn tay của Nhà nước, chủ yếu hoạt động theo cách là thu phí để trả cho các tác giả có tác phẩm được sử dụng, và có giữ lại một phần để làm dịch vụ. Đây cũng là một cách bảo vệ quyền tác giả nhưng chưa đầy đủ. Thực tế là họ nặng về thu tiền (mà có khi cũng chưa hẳn đã minh bạch) chứ chưa đủ thẩm quyền để đứng ra phân xử những trường hợp vi phạm bản quyền.

Một điều nữa là việc bảo vệ quyền tác giả như các đơn vị nói trên thường hoạt động theo mô hình của nước ngoài, trong khi những nước đó thể chế chính trị khác với Việt Nam.

Theo quan điểm của tôi, ở Việt Nam, việc bảo vệ quyền tác giả hay thậm chí thu phí để trả lại công sức cho người sáng tác phải là đơn vị có sức mạnh, phải có bàn tay của Nhà nước. Bảo vệ quyền tác giả không thể “khoán trắng” cho một đơn vị bên ngoài. Phải có sự tham gia của liên ngành, có thể là Cục Bảo vệ quyền tác giả của Bộ VH-TT&DL, an ninh văn hóa Bộ Công an, Cục An toàn thông tin của Bộ Thông tin truyền thông chẳng hạn. Từ đó, việc bảo vệ hay thu phí tác quyền mới có thể minh bạch, đầy đủ, ít nhất là trong thời điểm này.

+ Về phía nghệ sĩ, người bị vi phạm quyền tác giả nên có thái độ như thế nào khi phát hiện tác phẩm của mình bị đạo, nhái? Có nên im lặng bỏ qua hay là kêu ca, làm toáng lên cho mọi người biết?

– Đúng là có rất nhiều nghệ sĩ, người sáng tạo khi biết tác phẩm của mình bị xâm phạm thì im lặng bỏ qua. Ngay cả bản thân tôi cũng có tác phẩm bị nhái, ví dụ tượng cụ Trần Hưng Đạo, bây giờ hầu như cả nước làm, nhất là làng nghề đúc đồng rồi người ta đục bằng gỗ nữa. Biết nhưng mình cũng tặc lưỡi, thôi kệ, người ta thích thì cứ làm, để mình còn làm việc khác.

Nhưng ở một thái cực khác, việc phản ứng thái quá cũng không nên. Phản ứng kiểu gì thì cũng phải nên ứng xử có văn hóa. Đã có những trường hợp một nhà tổ chức họ chuẩn bị diễn thì bị người ta nhảy xổ lên sân khấu để phá, đó là những hành vi phản cảm, không có văn hóa. Chúng ta không thiếu cách để giải quyết chuyện đó, ngay cả điện ảnh bây giờ còn hậu kiểm cơ mà. Người ta diễn xong mình vẫn có thể nói chuyện đàng hoàng được vậy tại sao phải phản ứng cực đoan như vậy? Thêm nữa là việc phản ánh phải đúng nơi, đúng chỗ tức là những cơ quan quản lý để bảo vệ cho mình. Chứ còn thực tế thì hiện nay nghệ sĩ khó có thể tự bảo vệ mình nếu không nhận được sự hỗ trợ. Tôi tin rằng, nếu cơ quan quản lý liên ngành được thành lập và trang bị đủ mạnh, thì dần dần mọi thứ sẽ đi vào quy củ.

+ Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thế Vũ (Thực hiện)

Nguồn: Congluan.vn

https://www.congluan.vn/nsnd-vuong-duy-bien-dung-im-lang-bo-qua-nhung-hay-ung-xu-co-van-hoa-post252569.html


Cùng chuyên mục

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả