Đó là khẳng định của NSND Trịnh Thúy Mùi trong buổi trò chuyện với tạp chí Văn Hiến Việt Nam trước thềm năm mới 2023 về những thành công của sân khấu năm 2022 và những dự án quan trọng của Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN trong năm mới 2023.
* Năm 2022 có thể gọi là năm trở lại của sân khấu với 8 cuộc liên hoan nghệ thuật sân khấu lớn. Theo bà, đâu là những thành công của sự trở lại rầm rộ này?
– Sau đại dịch Covid và các biến động khôn lường từ tình hình khu vực và thế giới, Việt Nam đã từng bước thích ứng linh hoạt và hiệu quả trong phát triển kinh tế xã hội. Cùng với xu hướng đó, nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật sôi động đã quay trở lại trong sự đón chờ của công chúng sau thời gian dài im ắng. Năm 2022, với 8 liên hoan sân khấu, trong đó có 5 liên hoan Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tham gia phối hợp với Cục Nghệ thuật biểu diễn – Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức: Liên hoan Kịch nói toàn quốc đợt II tại Thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 3-17/01/2022; Liên hoan Tuồng và Dân ca Kịch toàn quốc tại Thành phố Vinh tỉnh Nghệ An từ ngày 17 – 28/05/2022; Liên hoan Chèo toàn quốc tại Hà Nam từ ngày 12 – 28/10/2022; Liên hoan Cải lương toàn quốc tại Long An từ ngày 5 – 20/11/2022; Liên hoan Xiếc quốc tế tại TP. Hà Nội từ ngày 2 – 7/12/2022. Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam phối hợp với TP Hồ Chí Minh tổ chức Cuộc thi tài năng diễn viên sân khấu Cải lương Trần Hữu Trang vào tháng 10/2022 và 02 Liên hoan do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam chủ trì phối hợp tổ chức: Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ V, năm 2022 từ ngày 26/9 đến ngày 2/10/2022; Liên hoan quốc tế sân khấu thử nghiệm lần thứ V, Hà Nội – 2022 từ ngày 15 – 26/11/2022). Thành công của 8 liên hoan với sự tham gia của hàng ngàn nghệ sĩ trong đó có nhiều tài năng trẻ, với nhiều vở diễn có chất lượng cao đã tạo ra những ngày hội sân khấu sôi động, thu hút đông đảo khán giả, góp phần cổ vũ mạnh mẽ công cuộc phục hồi kinh tế – xã hội của đất nước, lan tỏa trong cộng đồng những thông điệp sâu sắc về tình yêu, niềm tự hào dân tộc, về sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước. Có thể nói thành công của Hội nghị văn hóa toàn quốc với sự đánh giá cao vai trò của văn hóa nghệ thuật và sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua đã tạo động lực lớn cho đội ngũ văn nghệ sĩ lao động sáng tạo phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân, khơi dậy, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam. Thật đáng mừng là sau 2 năm dịch dã đóng băng các hoạt động sân khấu, các cuộc liên hoan cho thấy lực lượng nghệ sĩ sân khấu không những không bị sứt mẻ mà vẫn không ngừng phát triển về lượng và chất. Nhiều diễn viên trẻ tài năng xuất hiện, các thế hệ tác giả, đạo diễn và các thành phần sáng tạo khác của sân khấu ngày càng đông đảo, phong phú, làm sân khấu không ngừng đổi mới, vươn tới những đỉnh cao mới. Các liên hoan cũng cho thấy các đơn vị sân khấu truyền thống như tuồng, chèo, cải lương, các bộ môn dân ca kịch dù gặp nhiều khó khăn vẫn đang phát triển, tiến bộ, nhất là chèo và cải lương. Thành công của sự trở lại của sân khấu trong năm 2022 không chỉ thể hiện ở các huy chương ở liên hoan mà còn bằng việc biểu diễn phục vụ nhân dân của của các đơn vị sân khấu không chỉ bằng mà còn hơn thời gian trước đại dịch. Không chỉ sáng đèn thường xuyên hơn ở các nhà hát tại các đô thị mà các đơn vị sân khấu còn thường xuyên tổ chức lưu diễn phục vụ nhân dân các vùng nông thôn, miền núi, còn nhiều khó khăn, thiếu thốn… * Trong những thành công của sân khấu năm 2022, đáng chú ý nhất là khán giả đã quay trở lại với sân khấu. Theo bà, có thể đúc kết bài học thực tiễn gì về câu chuyện khán giả với sân khấu?
– Điều đáng mừng nhất là sự quay trở lại của khán giả với sân khấu. Các buổi diễn trong các đợt Liên hoan luôn đầy ắp khán giả, không những ở liên hoan cải lương, kịch nói, xiếc mà còn cả ở liên hoan chèo, tuồng, dân ca kịch. Có thể thấy rõ nhất tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ V do Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam tổ chức vừa qua tại Hà Nội, các buổi diễn của các đơn vị nghệ thuật tại các rạp Đại Nam, Công Nhân luôn đầy ắp khán giả, ban tổ chức phải kê thêm ghế ở lối đi cho khán giả. Không chỉ ở các liên hoan, các buổi biểu diễn phục vụ của các đơn vị sân khấu cả nước hầu hết đều thu hút được khán giả. Sự sáng đèn thường xuyên hơn ở Nhà hát kịch VN, Nhà hát kịch HN, Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Kim Mã ở thủ đô Hà Nội và các sân khấu Đại Việt, Sen Việt, Idecaf, Hoàng Thái Thanh ở TPHCM biểu hiện rất rõ điều này. Ở nhiều địa phương khác, các buổi diễn bán vé đã nhiều lên bên cạnh các buổi diễn phục vụ theo chỉ tiêu được giao. Chúng ta đều biết khán giả là người quyết định số phận của tác phẩm sân khấu. Trong cuộc cạnh tranh khán giả với các loại hình nghệ thuật khác, muốn thu hút được khán giả để tồn tại và phát triển, không có cách nào khác việc sân khấu phải có nhiều ngôi sao, phải luôn mới mẻ, hấp dẫn. Sự đòi hỏi ngày càng khắt khe của khán giả cũng đã mở ra nhiều hướng tiếp cận mới giúp sân khấu khai thác được những tiềm năng, chọn cách truyền thông phù hợp để có đủ lực “hút” công chúng
* Sự vươn lên mạnh mẽ của sân khấu ngoài công lập, cả nghệ thuật Kịch nói và Cải lương, là một điểm sáng trong đời sống sân khấu năm 2022. Bà đánh giá hiện tượng này như thế nào?
– Trước đây, các cuộc Liên hoan chỉ là sân chơi của các đơn vị sân khấu nhà nước, nhưng hiện nay, đã có sự tham gia của đông đảo các đơn vị nghệ thuật ngoài công lập. Sự góp mặt của nhiều đơn vị sân khấu ngoài công lập tại các cuộc Liên hoan báo tín hiệu vui cho hoạt động sân khấu trong cơ chế thị trường, chúng ta ghi nhận và khâm phục các đơn vị nghệ thuật ngoài công lập ở TPHCM và thủ đô Hà Nội. Thành quả mà các nghệ sĩ hoạt động theo mô hình tư nhân, xã hội hóa có tác động tích cực để giải phóng sự trì trệ trong nhận thức và hành động của các đơn vị nghệ thuật công lập, sống bằng kinh phí bao cấp của nhà nước.
Với cái nhìn toàn cảnh sân khấu hôm nay, có thể thấy TP. Hồ Chí Minh đã thực sự có một đời sống sân khấu năng động và sáng tạo, thể hiện qua hoạt động biểu diễn thường xuyên của các đơn vị nghệ thuật sân khấu ngoài công lập. Nhiều điểm diễn của những đơn vị nghệ thuật sân khấu ngoài công lập như sân khấu kịch Idecaf, 5B Võ Văn Tần, Hoàng Thái Thanh, sân khấu cải lương Sen Việt, Đại Việt… luôn sáng đèn đón khán giả. Họ đang là lực lượng sân khấu chủ đạo trong đời sống sân khấu nhiều năm nay góp phần không nhỏ vào đời sống tinh thần của người dân thành phố. Đặc biệt, Sân khấu kịch Idecaf đến nay vẫn là sân khấu ngoài công lập vững mạnh nhất thành phố. Sân khấu Kịch Idecaf liên tục “cháy” vé với nhiều kịch mục phong phú có phong cách riêng và lượng khán giả chung thủy nhiều năm. Còn ở phía Bắc, những năm gần đây, sân khấu Lệ Ngọc trở thành một “hiện tượng” nổi bật của sân khấu ngoài công lập. Mới ra đời hơn 5 năm qua, Sân khấu Lệ Ngọc liên tiếp cho ra mắt những vở diễn mới với tần suất 5, 6 vở mỗi năm. Vở diễn của Sân khấu Lệ Ngọc đều là các vở chính kịch đề tài dân gian, lịch sử hay hiện đại hoặc các vở kinh điển của thế giới. Tuy vậy, điều được coi là thần kỳ là hầu như vở nào cũng có đời sống sân khấu đáng mơ ước: vở ít nhất cũng 50, 60 buổi diễn, vở nhiều là hàng trăm buổi. Thần kỳ nhất là buổi diễn nào của Sân khấu Lệ Ngọc dù là ở Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, Hải Phòng hay Thái Bình Hà Giang, buổi diễn nào cũng đầy ắp khán giả. Việc Sân khấu Lệ Ngọc diễn ngày 2 xuất diễn cũng là bình thường với 20 xuất trong 10 ngày tại Nhà hát Lớn TPHCM hay mỗi ngày 2 xuất kéo dài cả tháng trời tại rạp Đại Nam, rạp Kim Mã ở thủ đô Hà Nội. Thành công của Sân khấu Lệ Ngọc cho thấy khán giả sân khấu hiện vẫn rất đông đảo, đang chờ đợi sân khấu. Vấn đề là sân khấu có biết tìm đến họ hay không.
* Năm 2022 cũng là năm NSND Trịnh Thúy Mùi trở lại với nghề đạo diễn và rất thành công với bốn vở diễn Chèo đều được người làm nghề và khán giả đánh giá cao tại Liên hoan nghệ thuật Chèo toàn quốc (với 02 huy chương vàng vở diễn). Điều này có ý nghĩa gì với bà?
– Tôi được đào tạo bài bản về đạo diễn và được làm nghề là niềm đam mê của các nghệ sĩ. Khi còn công tác tại Nhà hát Chèo Hà Nội, nhân dịp kỷ niệm 2000 năm ngày sinh Hai Bà Trưng, lần đầu tiên tôi dựng vở “Vương nữ Mê Linh” có quy mô hoành tráng với số lượng đông đảo diễn viên trên sân khấu. Trước đó, trong nghệ thuật Chèo chưa từng có mô hình nào đồ sộ như thế. Tôi cho đây là thách thức, nhưng cũng là một hướng đi để chinh phục được khán giả hiện đại của chèo.. Vở diễn đã nhận được nhiều sự đồng cảm, cổ vũ từ phía đồng nghiệp và khán giả. Năm 2022, nhận lời mời của một số đơn vị chèo, quay trở lại làm đạo diễn, thực sự là một áp lực lớn với tôi. Tôi tự yêu cầu mình phải dàn dựng được những vở diễn có chất lượng cao về nội dung, hình thức, vừa phải đậm “chất” Chèo, phải đúng Chèo vừa phải hấp dẫn khán giả. Cuộc sống đời thường tôi hay xuề xòa, nhưng lại rất kỹ lưỡng trong nghệ thuật, đặc biệt là việc chọn kịch bản. Khi làm việc với tác giả, tôi luôn trao đổi để có sự điều chỉnh về kết cấu và nội dung tác phẩm cho phù hợp với chèo. Tôi cũng luôn coi trọng sự đóng góp của trang trí, phục trang và âm nhạc với sự tham gia của các họa sĩ nhạc sĩ. Tôi rất thích một thứ âm nhạc gần với nhạc chèo. Về thiết kế mỹ thuật yêu cầu sự tối giản nhưng tinh tế, mang dáng dấp, ý nghĩa của vở diễn. Tôi cũng rất kỹ khi chọn trang phục của các nhân vật. Khi dàn dựng mỗi vở diễn, tôi luôn cẩn trọng, tỉ mỉ từng chi tiết và tìm được sự đồng điệu với tác giả, nhạc sĩ, họa sỹ, thiết kế phục trang, diễn viên… để có được chìa khóa mở ra sự thành công. Tôi cũng rất chú ý đến phần ca hát vì chất chèo chủ yếu nằm ở đó nên luôn mời NSND Minh Thu, một giọng hát chèo nổi tiếng tham gia dựng hát, đảm bảo diễn viên hát đúng chèo lại đúng hoàn cảnh, tâm trạng nhân vật. Ngoài kỹ năng dựng hát, NSND Minh Thu còn có khả năng biên tập lời bài hát cho thật đúng làn điệu và chịu khó sửa các tật trong lối hát của diễn viên. Trong bốn vở diễn tham gia Liên hoan Chèo toàn quốc năm 2022, tôi thấy tâm đắc với vở “Ván cờ oan trái” (tác giả Bùi Vũ Minh) – Nhà hát Chèo Hưng Yên. Các nghệ sĩ của Nhà hát Chèo Hưng Yên có sở trường là các vở Chèo cổ và Chèo dân gian, tôi đã khai thác thế mạnh này nên vở diễn được đông đảo khán giả yêu thích và tạo được hiệu quả đời sống tác phẩm. Nhà hát Chèo Hưng Yên cũng mang vở diễn này diễn phục vụ khán giả ở nhiều địa phương trong tỉnh.
* Trước thềm xuân mới, nếu được ước, NSND Trịnh Thúy Mùi sẽ ước điều gì cho sân khấu nước nhà năm 2023 và những năm tới?
– Tôi mong ước khán giả trẻ đến với sân khấu nhiều hơn và mong Đề án “Xây dựng khán giả trẻ cho sân khấu” của Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN xây dựng sẽ sớm được thực hiện. Theo đó, Đề án sẽ có nhiều hội thảo, tọa đàm tìm các giải pháp phát triển khán giả trẻ cho sân khấu. Đồng thời, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam sẽ có nhiều hoạt động triển khai trong thực tế như phát động sáng tác kịch bản sân khấu về đề tài thiếu nhi, tổ chức giới thiệu các loại hình nghệ thuật truyền thống trong hệ thống các trường học. Đầu tư phát triển đối tượng khán giả trẻ cho sân khấu đang là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Đây cũng là nội dung mà Ban Chấp hành Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam khóa IX và đông đảo các hội viên, người làm nghề rất quan tâm, trăn trở. Khán giả chính là thước đo giá trị của vở diễn. Sân khấu nghệ thuật càng bị đẩy vào thế khó, người làm sân khấu càng phải dẹp bỏ tư tưởng than vãn, mà bắt tay vào thực hiện ngay những việc cần thiết, vận dụng nhiều sáng tạo độc đáo, đưa sân khấu trở lại với những đêm diễn chật kín khán giả như sân khấu thời hoàng, trong đó có số đông khán giả trẻ. Để khán giả, đặc biệt là khán giả trẻ đến với sân khấu nhiều hơn, yêu mến, trân trọng, tự hào và cùng góp phần gìn giữ những tinh hoa nghệ thuật dân tộc rất cần sự chung tay, đồng lòng của nhiều ban, ngành, đoàn thể, sự nỗ lực của các nghệ sĩ, đơn vị nghệ thuật… Với cách làm mới trong đề án tiếp cận khán giả trẻ, các chương trình “Sân khấu học đường” cần được đầu tư, chăm chút đúng với tiêu chí của từng vùng miền, đồng thời các đơn vị nghệ thuật sẽ dàn dựng tác phẩm đúng chuẩn dành cho khán giả trẻ, hướng đi này sẽ giúp nghệ thuật sân khấu tăng cường phát triển nguồn lực khán giả trẻ, bởi đây là tương lai của mỗi loại hình nghệ thuật sân khấu.
* Xin trân trọng cảm ơn bà!
Ngọc Anh (VHVN)