Khắc khoải… phận tuồng

13:00 | 25/06/2022

Được biết đến là loại hình nghệ thuật sân khấu độc đáo, tuồng từng có một thời kỳ hoàng kim với những vở diễn được hàng nghìn khán giả đón xem. Tuy nhiên, nghệ thuật tuồng bây giờ đang gặp rất nhiều khó khăn khi khán giả ngày một “xa” rạp diễn và đời sống người nghệ sĩ còn có quá nhiều âu lo…


Tứ bề đều… khó

Cuối tháng 5 vừa qua, có một sự kiện quan trọng của những người làm tuồng cả nước, đó là Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc 2022, tổ chức tại tỉnh Nghệ An. Đây là hoạt động định kỳ được tổ chức 3 năm một lần. Ngoài mục tiêu giữ gìn, phát huy, quảng bá nghệ thuật tuồng, Liên hoan còn nhắm tới việc xây dựng hướng phát triển đối với các đơn vị sân khấu tuồng trong vài năm tới.

Mục tiêu lớn lao là vậy, nhưng sau những cái bắt tay vồn vã mừng vui gặp mặt, câu chuyện của những nhà quản lý, của những nghệ sĩ lại chùng xuống vì những vấn đề nan giải đặt ra với tuồng vẫn còn nguyên đó. Cái khó lại càng khó hơn khi vài năm qua, các nhà hát tuồng lúc đóng, lúc mở với nơm nớp nỗi lo dịch bệnh, khán giả đã thưa vắng nay lại càng thưa vắng.

Trích đoạn tuồng “Ông già cõng vợ đi xem hội” do các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam trình diễn tại phố đi bộ Hà Nội, tối 5/6/2022. Ảnh: Đình Trung.

Theo ông Phạm Ngọc Tuấn – Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam, được biết đến là loại hình nghệ thuật sân khấu độc đáo, tuồng từng có một thời kỳ hoàng kim với những vở diễn được đông đảo khán giả chờ đón. Tuy nhiên, cùng với những loại hình nghệ thuật cổ truyền khác, tuồng đang đứng trước nguy cơ mai một, mà “lỗ hổng” lớn nhất là bởi đội ngũ những người làm tuồng cứ dần teo tóp.

“Đội ngũ nghệ sĩ, diễn viên tuồng ngày càng ít đi. Do không đảm bảo được cuộc sống, nhiều nghệ sĩ, diễn viên dù yêu nghề vẫn phải ngậm ngùi dứt nghiệp để lo cuộc sống mưu sinh. Trong khi đó, nghệ sĩ trẻ theo nghiệp tuồng thì ngày càng hiếm”, ông Tuấn nói.

Cho rằng còn hàng loạt bất cập đối với nghệ thuật tuồng, ông Tuấn cho biết, để trở thành một diễn viên tuồng vô cùng khó khăn, bởi họ phải được đào tạo cơ bản và lao động nghệ thuật tuồng cực nhọc vào loại nhất trong số những loại hình nghệ thuật truyền thống.

Dù con đường làm nghề vô cùng nhọc nhằn nhưng thu nhập của nghệ sĩ tuồng lại rất thấp. Hiện chỉ có Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh đào tạo diễn viên tuồng, chủ yếu hệ trung cấp, nhưng mỗi khóa thường cách nhau cả chục năm do không tuyển được người học. Bằng trung cấp nên ra trường, nghệ sĩ chỉ được trả lương hệ số 1,86, thấp hơn cả lương tối thiểu vùng.

“Phấn đấu mãi, làm nghề cả đời, tột bậc là nghệ sĩ nhân dân nhưng do quy định về bằng cấp nên có khi sắp về hưu, nghệ sĩ vẫn chỉ được trả lương hạng 3, hạng 4, tối đa được hệ số 4,06. Kể cả có thêm khoản vượt khung 14-15%, phụ cấp thanh sắc nữa thì thu nhập mỗi tháng cũng chỉ chừng 6-7 triệu đồng. Trong khi đó, nhu cầu cuộc sống ngày càng tăng, sinh hoạt đắt đỏ, thu nhập ấy sao có thể sống nổi”.

Vở tuồng cổ “Triệu Đình Long cứu chúa” do các nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Việt Nam trình diễn.

Ông Tuấn cho biết, cả nhà hát 106 người nhưng hầu như tất cả đều không sống được bằng nghề. Đạo diễn, nhạc sĩ, diễn viên, nhạc công… ngoài công việc ở nhà hát, đều phải “chạy” thêm ở bên ngoài để “nuôi nghề”. Người thì đi hát văn, gõ trống ở các đình chùa, lễ hội, thậm chí cả các sự kiện khai trương, động thổ; người thì tham gia đóng phim; người thì nhận hợp đồng hợp tác làm chương trình với các đoàn nghệ thuật khác…

Đời sống của ngay cả các nghệ sĩ đã thành danh còn phải vất vả, bươn chải như vậy nói gì đến lớp trẻ. Thế nên, việc tuyển sinh đối với tuồng đã khó, tuyển người vào nhà hát cũng chẳng dễ dàng gì. Ông Tuấn chia sẻ, mặc dù nhà hát vẫn thiếu người và đã mở rộng cửa để tuyển nhưng vẫn khó. Năm 2014, sau rất nhiều nỗ lực, nhà hát mới phối hợp với Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh tuyển được một lớp diễn viên tuồng hơn 30 em. Khi học, các em được nhà hát hỗ trợ nhiều khâu, nhưng trong quá trình học đã rơi rụng vài em. Đến khi tuyển viên chức, đã trúng tuyển rồi lại thêm vài em bỏ…

Các cụ nói “thầy già, con hát trẻ”. Không có người thì bảo tồn bằng cái gì đây? Tôi cũng rất mệt mỏi với việc giữ người rồi. Nếu không được tháo gỡ, giải quyết một cách căn cơ, chúng ta sẽ mất đi mãi mãi những giá trị truyền thống quý giá”, ông Tuấn tâm tư.

Nhưng đó mới chỉ là một trong hai vấn đề “đau khổ” nhất của tất cả các đơn vị sân khấu truyền thống, đó là thu nhập của nghệ sĩ và khán giả. Thời khán giả chen chúc chật ních trong những đêm tuồng đã qua lâu rồi. Trước dịch COVID-19, mỗi tuần rạp Hồng Hà còn đỏ đèn hai buổi, không bán vé, toàn phát vé mời nhưng cũng chỉ được bốn năm chục người ngồi xem. Còn từ khi dịch bùng phát, các đêm diễn ở đây đã gần như dừng hẳn. “Dựng vở mới ư, kinh phí hạn hẹp, cố lắm mỗi năm chúng tôi chỉ làm một vở. Còn hằng tháng, dù chẳng mấy ai xem, chạnh lòng đấy nhưng chúng tôi cũng cố gắng diễn một vở kinh điển để bảo tồn và để đỡ… nhớ nghề”, ông Tuấn bày tỏ.

Chia sẻ thêm, ông Tuấn cho biết, Nhà hát Tuồng Việt Nam là đơn vị ở Trung ương còn như vậy, các đơn vị ở địa phương còn khó khăn hơn nhiều. “Liên hoan vừa rồi, lãnh đạo nhiều đoàn tâm sự rằng dựng vở mới chỉ với nguồn kinh phí rất ít ỏi, nghệ sĩ đi tập vở còn không được chi tiền bồi dưỡng. Lại thêm việc sáp nhập các đoàn nghệ thuật, cứ đà này, tuồng càng yếu thế”.

Nặng lòng với nghiệp

Đánh giá tuồng là “quốc bảo”, là “nghệ thuật gốc”, nhà nghiên cứu Nguyễn Thế Khoa – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Bảo tồn phát huy văn hóa dân tộc cho rằng, cần coi tuồng là di sản và phải ứng xử với tuồng như ứng xử với một di sản, cụ thể là Nhà nước cần có chính sách để bảo tồn loại hình nghệ thuật này. Dù vậy, ông Khoa cũng cho rằng, “đất” của tuồng là ở nông thôn, bằng chứng là ở miền Trung, nhiều đội tuồng vẫn có hàng trăm suất diễn mỗi năm, có những lễ hội “không thể không có tuồng”.

Ông Khoa thống kê có đến hơn 10 đội tuồng bán chuyên nhưng hoạt động lại rất chuyên nghiệp, giữ được nhiều mảng miếng tuồng cổ rất quý. Những đội tuồng này sống được là do đáp ứng đúng thị hiếu người dân, dù không bán vé nhưng trong những lễ hội, người dân ủng hộ “thướng thẻ” (mua thẻ tre, mỗi thẻ 50, 100 nghìn đồng) khá tốt.

Sinh viên các trường đại học tìm hiểu về nghệ thuật tuồng tại Nhà hát Tuồng Việt Nam.

Về phía những đơn vị tuồng Nhà nước, vẫn còn nhiều nghệ sĩ nặng lòng với nghiệp, tìm mọi cách để cứu tuồng, cứu mình. Như Nhà hát Tuồng Việt Nam, ngoài lịch diễn ở rạp Hồng Hà, đơn vị còn có 2 suất diễn trên phố đi bộ vào tối thứ 6 và chủ nhật hàng tuần, mới đây cũng đã được mở lại. Trước đó, trong giai đoạn cao điểm của dịch, Nhà hát đã đẩy mạnh quảng bá vở diễn trên các nền tảng số như YouTube, fanpage…

Đặc biệt, vài năm nay, Nhà hát đã xây dựng chương trình “Giới thiệu nghệ thuật tuồng với khán giả trẻ”. Đó là việc Nhà hát mang các vở tuồng đến các trường đại học, nhưng không chỉ có diễn mà còn giao lưu, trao đổi…, để giúp các khán giả trẻ tiếp cận, cảm nhận cái hay, cái đẹp của nghệ thuật tuồng truyền thống, nhằm kéo gần hơn khoảng cách giữa khán giả trẻ với nghệ thuật tuồng – một loại hình nghệ thuật bác học, khó xem và không phải ai cũng hiểu được những giá trị độc đáo của nó.

Theo ông Phạm Ngọc Tuấn, đáng mừng là qua chương trình này, khán giả trẻ không tỏ ra thờ ơ với tuồng mà ngược lại, họ rất hào hứng – những điều này trực tiếp các bạn sinh viên đã chia sẻ trên website của Nhà hát. Gần đây, số lượng khán giả trẻ trong các đêm diễn của Nhà hát Tuồng Việt Nam đã chiếm đến quá nửa.

Tuy nhiên, một vài điểm sáng chưa thể xóa được đêm đen. Phía sau sự lấp lánh của những tấm huy chương, giải thưởng của Liên hoan vừa rồi, các nghệ sĩ, diễn viên tuồng vẫn trăn trở, khắc khoải mong chờ một ngày tươi sáng.

Khánh Ngọc

Nguồn Báo Công Luận

https://congluan.vn/khac-khoai-phan-tuong-post199507.html


Cùng chuyên mục

Hà Tĩnh: Sai phạm tại Di tích văn hoá Đền Truông Bát “Sinh con rồi mới sinh cha – Sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông”

Hà Tĩnh: Sai phạm tại Di tích văn hoá Đền Truông Bát “Sinh con rồi mới sinh cha – Sinh cháu giữ nhà rồi mới sinh ông”

Bế mạc Festival “Về miền Ví, Giặm – Kết nối tinh hoa di sản”

Bế mạc Festival “Về miền Ví, Giặm – Kết nối tinh hoa di sản”

Hội thảo Quốc gia về “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh”

Hội thảo Quốc gia về “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh”

Thiếu tướng Hoàng Sâm – Người con ưu tú của quê hương Quảng Bình

Thiếu tướng Hoàng Sâm – Người con ưu tú của quê hương Quảng Bình

Thủ tướng chỉ đạo tăng cường các giải pháp điều hành tín dụng năm 2024

Thủ tướng chỉ đạo tăng cường các giải pháp điều hành tín dụng năm 2024

Quy định mới về nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông áp dụng từ 1/1/2025

Quy định mới về nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát chỉ huy, điều khiển giao thông áp dụng từ 1/1/2025

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Thủ tướng: Đại đoàn kết để mang lại sản phẩm, hiệu quả cụ thể, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân

Thủ tướng: Đại đoàn kết để mang lại sản phẩm, hiệu quả cụ thể, không ngừng nâng cao đời sống nhân dân

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều