Hồi ký kỉ niệm 60 năm ca hát của nghệ sĩ tài danh Lệ Thủy được con trai là ca sĩ Dương Đình Trí lên ý tưởng, dàn dựng và biên tập. Những kỉ niệm vui buồn của nghiệp cầm cacùng sự mến mộ và yêu thương của công chúng với ký ức không thể phai nhòa sẽ được kể lại một cách chân thật nhất qua lời kể của NSND Lệ Thủy và các đồng nghiệp.
NSND Lệ Thủy
* Sức thanh xuân trong nghiệp diễn
Mặc cho thời gian cứ lặng lẽ trôi, sắc xuân trong giọng ca nét diễn của nghệ sĩ nhân dân Lệ Thủy vẫn còn trẻ mãi.Hơn nửa thế kỷ đứng trên sân khấu, nghệ sĩ nhân dân Lệ Thủy là cô đào ngoại lệ của quy luật thời gian, với nét duyên sân khấu mặn mà, chân phương, mộc mạc, kết hợp cùng giọng ca đậm chất thổ pha kim ngọt ngào vẫn làm mê mẩn lòng người mến mộ cải lương.
NSND Lệ Thủy trò chuyện cùng ê kip thực hiện hồi ký
Cho đến tận bây giờ, nghệ sĩ nhân dân Lệ Thủy vẫn không thể ngờ rằng những câu ca trong bài vọng cổ “Cô gái bán đèn hoa giấy” mà chị thuộc nằm lòng khi còn thơ ấu đã mở ra cánh cửa nghệ thuật cho cuộc đời chị, gắn kết chị với nghiệp cầm ca.
Theo các thầy đi học đờn ca, nhờ có chất giọng thiên phú, Lệ Thủy được nhận vào đoàn hát Trâm Vàng, rồi sau đó là đoàn Kim Chung. Năm 16 tuổi, Lệ Thủy đạt HCV giải Thanh Tâm và kể từ đây, tên tuổi và tài năng của Lệ Thủy được thăng hoa, nở rộ, trở thành cô đào sáng giá của sân khấu Cải lương.
NSND Lệ Thủy và NSND Minh Vương trò chuyện cùng ê kip thực hiện hồi ký
Những năm thập niên 60, 70, khán giả đã quá quen thuộc với những vai diễn của Lệ Thủy trong các vở tuồng Hoa Mộc Lan, Chung Vô Diệm, Mạnh Lệ Quân, Xin một lần yêu nhau, Kiếp nào có yêu nhau, Đêm lạnh chùa hoang, Máu nhuộm sân chùa, Tây Thi, Người phu khiêng kiệu cưới, Tiêu Anh Phụng, Kiếm Sĩ Dơi, Manh áo quê nghèo, Mỹ nhân và loạn tướng… Ở vai diễn nào, dù là Tuồng Kiếm hiệp, Hồ Quảng hay tuồng xã hội, Lệ Thủy cũng vào vai tròn trịa và đậm xúc cảm in dấu ấn khó phai mờ đối với khán giả tri âm. Thời hoàng kim của sân khấu Cải lương, Lệ Thủy liên tục được bình chọn là nghệ sĩ Cải lương được yêu thích nhất.
Đóng cặp cùng các nghệ sĩ tài danh như Minh Phụng, Thanh Tuấn, Thanh Sang, Minh Vương, Trọng Hữu… Lệ Thủy đã tạo nên những “cơn sốt” cải lương không những ở miền Nam mà còn khắp cả nước.
Đặc biệt, suốt cuộc đồng hành hơn nửa thế kỷ, đôi giọng ca vàng hiếm có Minh Vương- Lệ Thủy đã góp phần làm đẹp cho nghệ thuật Cải lương bằng chính sự ca diễn mộc mạc, bình dị.
Chất giọng lanh lảnh trẻ trung, không quá trầm buồn, lâng lâng man mác mà lại khắc sâu tình cảm chân phương tồn tại vượt thời gian cùng sắc vóc sáng sân khấu, lại hòa nhịp cùng chiều sâu nội tâm nhân vật của Lệ Thủy khiến người xem không thể lẫn chị với bất cứ ai, tạo nên sức hút lạ lùng, làm nên chất riêng độc đáo của Lệ Thủy.
NSND Lệ Thủy và NSND Thanh Tuấn và ê kíp thực hiện hồi ký
Dù ở nơi lầu son gắc tía, lộng lẫy xiêm ý (Quỳnh Nga- Bên cầu Dệt lụa), Tây Thi- Tây Thi, Dương Quý Phi- Dương Quý Phi, Chiêu Quân- Chiêu Quân cống Hồ, Thiên Kiều- Thiên Kiều công chúa, Châu Long- Lưu Bình Dương Lễ…) hay trong lớp áo bà ba bình dị, chiếc áo dài đằm thắm (Lan- Lan và Điệp, Tô Ánh Nguyệt- Tô Ánh Nguyệt, Diệu- Nửa đời hương phấn, Mai Đình- Hàn Mạc Tử, Kim Anh- Đời cô Lựu, Liên- Cô gái bán sầu riêng, Lan- Tình mẫu tử…), người xem luôn thấy một Lệ Thủy đầy sức thanh xuân trong sáng tạo và chất hồn hậu, gần gũi, dễ thương như chính con người thật của chị.
Mảnh đất quê hương Vĩnh Long đượm hương vị phù sa, xum xuê trái ngọt như bồi đắp thêm cho Lệ Thủy làn hơi ngọt ngào, tràn trề sinh lực mà đậm chất dung dị, thấm đậm tình người. Chị thường hóa thân trong những vai bi kịch, gánh nhiều oan trái bất hạnh, nên mỗi khi tiếng hát đượm buồn của Lệ Thủy cất lên khiến người nghe đồng lòng chia sẻ và rưng rưng niềm thương cảm.
Có thể nói, dù những vai diễn của nghệ sĩ Lệ Thủy đã in đậm trong tâm trí khán giả tri âm, nhưng vai Tô Ánh Nguyệt vẫn là vai diễn đáng nhớ nhất của nữ nghệ sĩ tài danh Lệ Thủy trong lòng các thế hệ khán giả. Một cô Nguyệt “kiên cường và bản lĩnh”, sống trong đau khổ nhưng luôn có nghị lực vươn lên để chống lại định kiến xã hội bất công của cuộc đời. Đức tính dám hy sinh hạnh phúc riêng vì người khác, chấp nhận những thua thiệt, những đắng cay đã làm ngời sáng một tâm hồn cao thượng,vị tha của nhân vật Tô Ánh Nguyệt khiến Lệ Thủy sống mãi trong lòng công chúng.
Cuối tháng 6/2012, trong chương trình “Đêm hội ngộ những tâm hồn cải lương Việt với các ngôi sao Cải lương phương Nam” tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội, nghệ sĩ nhân dân Lệ Thủy đã tái ngộ khán giả Thủ đô với vai diễn Tô Ánh Nguyệt gắn liền với tên tuổi chị.
Những giọt nước mắt thương cảm cho số phận nhân vật và những tràng pháo tay, những đóa hoa tươi thắm cùng sự yêu thương vô bờ bến của rất nhiều người nghệ sĩ trọn đời gắn bó với sân khấu nghệ thuật truyền thống. Khi tập vai Tô Ánh Nguyệt cũng là lúc nghệ sĩ Lệ Thủy mới sinh con trai út được hai tháng. Có lẽ, tình mẫu tử thiêng liêng với chính đứa con ruột đã hòa quyện vào vai diễn tạo nên hiệu quả tuyệt vời.
Nghệ sĩ nhân dân Lệ Thủy cho biết: “Điều đặc biệt là vở diễn này có rất nhiều nam giới đi xem với tâm trạng rất đau khổ. Sau khi xem xong, họ đã tìm gặp tôi để tâm sự, chia sẻ vì vai diễn này đã giúp họ nhớ lại quãng đời có những trắc trở trong tình yêu, gợi nhớ về kỉ niệm xưa và họ cảm thấy day dứt với tình xưa khi không trọn lời ước hẹn”. Kể từ lần đầu tiên vào vai Tô Ánh Nguyệt (năm 1985) đến nay, dễ hơn 1.000 lần nghệ sĩ nhân dân Lệ thủy đã diễn vai Tô Ánh Nguyệt trong suốt hơn 30 năm. Vẫn nếp áo bà ba giản dị ấy, mái tóc ấy, nhưng dù thời gian có phôi pha thì cô Nguyệt của bao năm qua vẫn cứ bắt khán giả trong Nam ngoài Bắc, nông thôn hay thành thị, trong nước hay nước ngoài phải khóc cùng Nguyệt. Nước mắt Tô Ánh Nguyệt chảy suốt mấy mươi năm, niềm vui của nghệ sĩ nhân dân Lệ Thủy lại càng đong đầy theo năm tháng.
NSND Lệ Thủy cùng con trai – ca sĩ Dương Đình Trí và NSND Thanh Ngân
Cho đến giờ, người ta vẫn không thể lý giải được tại sao giọng ca của Lệ Thủy lại buồn, nhưng không bi lụy mà trong suốt, vang xa trĩu nặng ân tình. Không điêu nghệ luyến láy, cứ mộc mạc có sao hát vậy, Lệ Thủy đã chiếm được trọn vẹn tình cảm của đông đảo khán giả trong nước và kiều bào nước ngoài. Cả một đời phấn đấu không ngừng theo nghiệp cầm ca, Lệ Thủy luôn đem tiếng hát của mình sưởi ấm hàng triệu trái tim khán giả mộ điệu sân khấu Cải lương. Năm 2007, nhân kỉ niệm 45 năm theo nghiệp cầm ca của nghệ sĩ nhân dân Lệ Thủy, Chương trình Làn điệu phương Nam lần thứ 24 – Liveshow Đêm Lệ Thủy đã được tổ chức tại Nhà hát thành phồ Hồ Chí Minh với sự góp mặt của đông đảo các nghệ sĩ Cải lương nổi tiếng: Út Bạch Lan, Bạch Tuyết, Minh Phụng, Thanh Sang, Trọng Hữu, Bảo Quốc, Thanh Tuấn… cùng năm đó, hãng phim Trẻ đã giới thiệu ra mắt DVD bộ phim Chân dung Lệ Thủy với những bước thăng trầm của nghiệp cầm ca và những buồn vui trong cuộc đời chị.
Sau chương trình “Những dấu ấn không phai”, nghệ sĩ nhân dân Lệ Thủy lại tiếp tục cùng nghệ sĩ Minh Vương khởi xướng và điều hành chương trình “Sân khấu Vàng” với mục đích quy tụ các nghệ sĩ gạo cội tiếng tăm trong làng Cải lương gây dựng một sân khấu biểu diễn những vở Cải lương nổi tiếng và góp phần làm công tác xã hội, chung tay vì cuộc sống cộng đồng. Chương trình “Sân khấu Vàng” đã tạo được dấu ấn đẹp trong lòng khán giả.
* Khi cánh màn nhung khép lại rồi…
Lệ Thủy rất thích 4 câu thơ của nhà thơ Hoàng Ngọc Liên: “Khép cánh màn nhung danh vọng hết/ Người về lòng rũ sạch sầu thương/ Người vào cởi áo lau son phấn/ Trả hết vinh quang lẫn đoạn trường”. Nếu như trên sân khấu, chị là cô đào sáng giá, thì với gia đình, chị là người phụ nữ đảm đang, chu đáo, yêu chồng, thương con và rất chăm chút, luôn quan tâm, lo lắng cho người thân, bạn bè.Lệ Thủy kết hôn năm 1972 với trung úy Nguyễn Dương Trúc, sinh được ba người con: Con gái lớn Nguyễn Dương Thụy Hiếu học tại Úc và đã lập gia đình, định cư tại Úc. Con trai thứ hai của nghệ sĩ nhân dân Lệ Thủy là Nguyễn Dương Đình Trí (nghệ danh Dương Đình Trí) tốt nghiệp bằng Ngoại thương và Kế toán ở Úc, đang làm việc tại Việt Nam nhưng rất đam mê ca hát và đã sáng tác nhiều bài ca cổ cho mẹ hát, cùng mẹ đồng hành trong nhiều chương trình nghệ thuật đậm dấu ấn sáng tạo và các hoạt động từ thiện.
Mười năm qua, chương trình “Bước chân hai thế hệ” do ca sĩ Dương Đình Trí thực hiện với vai trò tổ chức và sản xuất với sự cố vấn nghệ thuật của NSND Lệ Thủy được khán giả trong và ngoài nước đặc biệt yêu thích. Người con út là Nguyễn Dương Quốc Bảo đã lập gia đình và đang sinh sống làm việc tại Úc. Dù bận đi hát liên miên nhưng Lệ Thủy luôn dành thời gian quan tâm chăm sóc người thân, vì với chị niềm vui cuộc sống gia đình là điểm tựa vững chắc nhất giúp chị thăng hoa trong nghệ thuật.
Với xã hội, Lệ Thủy là người có tấm lòng nhân ái, luôn đến với những mảnh đời bất hạnh bằng trái tim nhân hậu, cảm thông. Đã từ lâu, Lệ Thủy tích cực làm công tác từ thiện. Những vùng sâu, vùng xa nơi chị đặt chân đến, có những bà má tóc trắng pha sương cầm tay chị run run ngấn lệ vui mừng vì “gặp được Lệ Thủy ngoài đời rồi”, có những mái nhà tranh không có gì đáng giá nhưng những tấm hình chân dung của chị được cắt trên các trang báo, tạp chí được bà con treo rất trang trọng, cẩn thận. Thật xúc động và trân trọng biết bao trước những ân tình đáng quý của khán giả tri âm dành cho người nghệ sĩ tài hoa, khả ái đã trọn lòng dâng tiếng hát cho đời.
Một sự nghiệp rạng danh, một gia đình yên ấm và ngập tràn tình yêu thương trong vòng tay mến mộ của công chúng – có lẽ đó là niềm hạnh phúc vô bờ với nghệ sĩ nhân dân Lệ Thủy.
*Nghệ sĩ đầu tiên của Việt Nam ra mắt hồi ký bằng hình ảnh
Sau mấy chục năm, những bài ca cổ, những vở diễn, trích đoạn do chị thể hiện vẫn cứ sống mạnh mẽ và đầy cuốn hút.Tri ân Tổ nghiệp, NSND Lệ Thủy vẫn luôn ấp ủ làm hồi ký về cuộc đời gắn bó nghiệp cầm ca với những bước thăng trầm nhưng luôn ấm áp yêu thương vẹn nguyên tình cảm của khán giả ái mộ. Nam ca sĩ – nhà sản xuất âm nhạc Dương Đình Trí đã đưa ra sáng kiến thực hiện “Hồi ký 60 năm ca hát” của NSND Lệ Thủy lưu giữ lại hình ảnh những vai diễn để đời và hàng nghìn bài tân cổ giao duyên đã thu âm từ năm 11 tuổi cho tới nay với hình thức kể chuyện “live” trực tiếp với nhân vật thay vì viết sách.
Hơn một năm qua, ca sĩ Dương Đình Trí kỳ công thu thập, chuẩn bị rất nhiều tài liệu về quá trình làm nghệ thuật của NSND Lệ Thủy. Hình ảnh, báo chí (trước và sau 1975), băng đĩa các loại và rất nhiều tư liệu quý mà anh và gia đình đã lưu giữ từ lâu được tập hợp đầy đủ.
Chương trình còn có sự góp mặt đặc biệt của những nghệ sĩ thế hệ vàng của sân khấu Cải lương và cũng là những đồng nghiệp thân thiết gắn bó cùng NSND Lệ Thủy trong chặng đường vì nghiệp Tổ: NSND Minh Vương, NSND Thanh Tuấn, NSND Trọng Hữu, NSND Thoại Miêu, NS hải ngoại Chí Tâm, NS hải ngoại Phượng Liên, NSUT Thanh Kim Huệ, NSUT Thanh Điền, NSUT Ngọc Huyền, Diệu Hiền, Thanh Nguyệt, Tô Kim Hồng, Phương Bình, Bích Hạnh, Châu Thanh…
Hồi ký sẽ phân chia theo từng giai đoạn trong cuộc đời làm nghệ thuật, xuyên suốt 30 chương được thực hiện dưới hình thức thu hình trực tiếp để phù hợp với xu hướng nghe – nhìn hiện nay của công chúng.Chương trình do Trung tâm nghệ thuật Bước Chân Hai Thế Hệ giữ bản quyền và phát hành dưới nhiều hình thức. Hồi ký được chiếu trên Youtube và phát hành USB sẽ ra mắt công chúng khoảng giữa năm 2020. Đây sẽ là món quà ý nghĩa dành cho khán giả mộ điệu Cải lương nói riêng và nghệ thuật sân khấu nói chung, góp phần lưu giữ bảo tồn những giá trị tinh hoa của nghệ thuật dân tộc.
Ngọc Anh