Lệ Thủy

22:44 | 02/09/2021

Nếu không có dịch dã, đêm nay cả huyện Lệ Thủy không ngủ.

Con cháu của làng từ mọi miền quê trên cả nước, quan chức, doanh nhân thành đạt, cán bộ, công nhân, nam thanh nữ tú làm ăn xa thì hôm nay cũng đã có mặt.
Nhà nhà làm cỗ. Vui còn hơn tết vì đông đủ hơn tết. Nhà này mời nhà kia, hoan hỉ vào vào ra ra trên đường làng, ai cũng ngời ngời gương mặt cười, bắt tay, ôm vai, kéo nhau vào nhà, lên mâm cỗ bàn, ăn và uống và hát hò.
Có lẽ ở Lệ Thủy, ăn tết độc lập to nhất nước.
Và cũng ở Lệ Thủy  nhà nào cũng có bàn thờ Tổ Quốc.
Xóm này, làng kia, trên bờ, dưới sông ngân vang những làn điệu hò khoan.
Lệ Thủy, như tôi vẫn khoe với bạn bè mình, về Lệ Thủy đi, vào bất cứ nhà nào, gặp ai, họ cũng có thể hát cho bạn một làn điệu hò khoan. Lệ Thủy như là cái nôi để sinh ra những giọng hát, những nghệ sĩ tài năng, rồi từ đây tỏa rộng ra cả nước, đặc biệt là ở Huế, những Nhà hát nghệ thuật Huế không thể thiếu vắng các nghệ sĩ tài năng của Lệ Thủy.
Đêm nay, như những năm không dịch dã, Lệ Thủy chả ngủ được.
Sự kiện khổng lồ nhất, ấn tượng nhất, phấn khích nhất trong tết Độc lập hàng năm chính là hội đua thuyền.
Ai về Lệ Thủy dịp Tết Độc lập 2.9 thì khó đễ cưỡng lại Hội đua thuyền ở đây.
Năm nào cũng thế. Sông Kiến Giang là nơi để thuyền đua các xã tụ về. Đua thì phải thắng thua, phải cổ vũ, phải quyết chiến, tất nhiên rồi, nhưng tôi nhận ra sau tiếng hò reo cổ vũ đội nhà, thì người dân Lệ Thủy đứng kín dày hai bờ sông Kiến Giang như đang cổ vũ cho chính mình, cổ vũ cho chính quê hương yêu dấu, khó quên được tiếng hò reo, khó quên được những dòng người nối nhau lấn ra cả mép nước, khoát nước, đập nước, reo lên, kêu lên, cả dòng sông Kiến Giang trở thành một dòng sông âm thanh náo nức, với đủ sắc áo, và nón, ngàn ngàn cái nón trắng vẫy nước, vẫy gió, vẫy lời theo đoàn thuyền đua.
Hiếm có địa phương nào lại có văn hóa rất đẹp, văn hóa chơi chung, hát chung, cỗ chung như thế này.
Bạn cứ về, hòa vào không khí ấy đi, bạn sẽ thấy mình không xa lạ, sẽ bị cuốn ngay vào không khí vui Tết Độc lập ấy, hân hoan và phấn khích tham gia vào các câu lạc bộ hò khoan Lệ Thủy, tham gia vào các mâm cỗ tiệc tùng, tham gia vào cuộc đua thuyền khổng lồ trên sông Kiến Giang, không giới hạn, không khách khí, không khoảng cách, như chính bạn cũng là người Lệ Thủy.
Ở một huyện có tới 2 Di sản đặc biệt: Hò khoan Lệ Thủy- Hội đua thuyền.
Nơi còn có thêm một Di sản của lòng dân: Ngôi nhà lưu niệm nơi sinh thành Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Xa về phía biển còn có một địa chỉ gợi nhớ lịch sử cuộc chiến tranh vệ quốc: Đội nữ pháo binh Ngư Thủy.
Bên dòng Kiến Giang, làng An Xá xã Lộc Thủy là một làng Việt cổ ở phía tây bắc Mũi Viết, thị trấn Kiến Giang, huyện Lệ Thủy… Xa xa là dãy Trường Sơn, với ngọn núi “Đầu Mâu vượng khí” mang hình ngọn bút hướng ra phá Hạc Hải như nghiên mực, cảnh quan hưng thịnh với “Đầu Mâu vi bút, Hạc Hải vi nghiên, Trường Sơn vi bản”…
Cũng bởi địa linh nên vùng đất ấy đã sinh ra nhiều nhân kiệt. Những danh tướng, hiền tài như tiến sĩ Phạm Đại Kháng, Dương Văn An, Nguyễn Hữu Cảnh, Lê Đa Năng, Nguyễn Trường Cửu, Vũ Xuân Hán, Nguyễn Đăng Hành, Lê Đại, Võ Khắc Triển… Chỉ trong mấy trăm năm triều Nguyễn mà đã có đến 10 vị Thượng thư là người Lệ Thủy. Một cái Tổng Đại Phong nhỏ bé với vài địa danh như làng Đại Phong, Tuy Lộc, An Xá mà đã cống hiến cho đời cả chục con người kiệt xuất.
Chỉ từ câu hát dân ca Lệ Thủy này thôi, bài Hò Lỉa trâu ( như tâm sự của người sơn tràng với con trâu nhà kéo gỗ) là có thể nhận ra phẩm chất, tâm sự, đạo lý của người Lệ Thủy rồi: ” Là hố…trâu ơi, lưng dài, vai rộng, chân bấm cổ cò, nghe giọng chàng hò, khom lưng mà tấn tới…trâu ơi….là hò lên….ăn con cá dưới bể thì đổ mồ hôi sôi cát trắng,  ăn hạt gạo trong đồng thì cất một nắng hai sương, ăn một hai ba bốn chút của rừng, nước mắt lại rưng rưng, nghĩ mà thương cha…nhớ mẹ….ơ hơ hờ…dạ quá chừng đắng cay….Là hò lên…Ngó ra ngoài bể đông nước trong leo lẻo…cha già mẹ héo rồi con phải chịu cảnh mồ côi…mây xanh mai đem tạc hình trâu mẹ ở trên trời để nghé con lụi cụi…lụi cụi ở lại chịu cuộc đời gió mưa…trâu ơi…trâu ơi…Hò lên…rừng rậm núi non, trèo đèo vượt dốc, con đa đa gáy dưới dốc, con cuốc cuốc kêu lộn ngươc đầu cành, từ cái ngày nam bắc phân tranh,, tâm can hoài cố quốc….ơ hờ…bụng dạ đoạn đành nhớ thương….Là hò lên…rú rậm truông cao, đường trường xa ngái, trâu đó ta đây nặng cái ngãi sơn tràng, mai mốt ta về hạ bạn xêng xang, rơm thơm cỏ ngọt …trâu ơi…trâu ơi….”: https://www.youtube.com/watch?v=jHem9U94xkQ
Ôi, giá như không dịch dã, đêm nay Lệ Thủy trắng đêm vui hát hò và tưng bừng cỗ bàn đón bạn.
Và ngày mai, trên sông Kiến Giang, náo nức Hội đua thuyền.
Ôi mong cho dịch dã tan đi để tôi lại về đây, ngay không gian Mũi Viết của Lệ Thủy yêu thương để cùng ekip của mình dàn dựng Chương trình nghệ thuật sân khấu thực cảnh ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP- NGƯỜI CON CỦA LÀNG vào dịp 22.12.
Nguyễn Quang Vinh

Cùng chuyên mục

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào