Nỗi lòng của một khán giả khi xem vở tuồng “LỤC VÂN TIÊN VÀ KIỀU NGUYỆT NGA”

14:02 | 11/10/2024

Tôi ngồi xem vở tuồng trong cái nhìn rất mới của một khán giả. Từ rất lâu tôi đã mê vũ đạo Tuồng, nghệ thuật cách điệu và ước lệ. Không gian đa chiều trong nghệ thuật sân khấu Tuồng đã đưa đến cho khán giả những màn diễn hấp dẫn, lý thú. Bước xiến của đôi hài đế chỉ nhỏ bằng ngón tay, cách hát Tuồng bài bản và rõ lời của các diễn viên trẻ, có nghề đã thu hút tôi ngồi xem từ đầu đến cuối vở diễn.

Cảm xúc ngưỡng mộ sự lao động nghệ thuật của Ê kíp làm tôi rưng rưng một tình cảm khó tả đối với Diễn viên, Đạo diễn, Nhạc sĩ và dàn nhạc, Hoạ sĩ, Biên đạo múa và Tác giả kịch bản. Tất cả đã làm nên một vở diễn thành công.

Chất thơ trong vở Tuồng này đã được Đạo diễn NSUT Hoàng Minh Tâm thổi vào hồn nhân vật Nguyệt Nga và Lục Vân Tiên đầy sáng tạo, ở chỗ khi Lục Vân Tiên gặp Kiều Nguyệt Nga lần đầu tiên, khi Vân Tiên cứu Kiều Nguyệt Nga khỏi bọn cướp trên đường đi. Mang ơn người đã cứu mình Nguyệt Nga tặng chàng chiếc trâm đang cài trên đầu nhưng Vân Tiên không dám nhận, nàng mới nghĩ ra một kế là làm thơ tặng chàng. Thơ có câu rằng:

“Bỡ ngỡ trao trâm luống thẹn mình
Phun châu dám sánh bậc tài danh
Tuốt gươm vì nghĩa chàng ra sức
Nâng bút đề thơ thiếp tỏ tình”.

Khi đọc xong Vân Tiên thốt lên: “Hay hay lắm! Ôi bài thơ của nàng hay quá!

Năm vần bút thảo quá nhanh, bảy bước người xưa khó ví. Nàng đã ngỏ ý, ta há vô tình”. Nói xong chàng đề thơ đối lại nàng:

“Điểu mai hoà vận bạn bên mình
Ả tạ nàng ban khó sánh danh
Lưỡi kiếm dọc ngang mong cứu nạn
Câu thơ ấp ủ biết bao tình”. 

Nguyệt Nga ngâm thơ xong đáp lại Vân Tiên rằng:

“Chao ôi là hay… Như ân nhân là: Võ thao long, lược hổ rất tình/ Văn khởi phụng, đằng giao khó sánh”.

Dạ thiếp xin vô cùng bái phục.

Màn đề thơ làm quen trong từng ánh mắt biểu diễn của nhân vật, từng động tác vũ đạo của nét bút đề thơ trên chiếc quạt rất tuồng, rất mới và vô cùng lãng mạn.

Chất thơ ở đây là đội múa nữ, dưới bàn tay biên đạo tài hoa của Biên đạo múa Kim Tiển như một nét chấm phá duyên dáng cho vở diễn, làm mê hoặc lòng người.

Âm nhạc là một dòng chảy xuyên suốt vở diễn. Nhạc sĩ Hữu Trí đưa vào vở diễn những giai điệu du dương,nhẹ nhàng và mãnh liệt, lột tả tính cách của nhân vật và những xung đột của vở diễn. Chất thơ của âm nhạc ở đây trong các vũ đạo múa khi Lục Vân Tiên bị Trịnh Hâm xô xuống sông rồi Phật bà xuất hiện cứu độ. Chất thơ của vở diễn còn được thể hiện trong cảnh Nguyệt Nga nhớ Lục Vân Tiên muốn vẽ hình người mình yêu dấu mà không biết vẽ sao, nàng ngồi cầu Phật Bà giúp đỡ. Màn múa đưa Phật Bà xuống dương gian giúp nàng Nguyệt Nga vẽ tranh Lục Vân Tiên thật cảm động và lãng mạn. Lúc này âm nhạc, vũ đạo tuồng kết hợp cùng đội múa với trang phục đẹp lộng lẫy đã làm cho sân khấu Tuồng sáng lên nhẹ nhàng và đầy chất thơ. Người xem mỉm cười thấu hiểu và hoà mình vào với cảnh diễn. Một sự kết hợp tự nhiên như duyên sinh duyên khởi giữa diễn viên và khán giả hoà tình cảm trong sáng tinh khiết quyện vào ánh sáng sân khấu tạo nên một màn diễn ám ảnh đầy sinh động.

Chất thơ trong vở diễn là điều Tác giả muốn gửi gắm vào kịch bản mà Đạo diễn Hoàng Minh Tâm với sự sáng tạo đầy tài năng đã đưa vào vở kịch trong tính cách từng nhân vật thể hiện tính nhân văn của một thời đại, của lịch sử ra đời của Tác phẩm.

Chất thơ đầy nhân văn trong vở diễn còn đọng lại trong hai câu thơ : “Trai thì trung hiếu làm đầu/ Gái thì tiết hạnh làm câu trau mình“, câu thơ đã tồn tại mãi trong lòng nhân gian từ xưa đến nay.

Nói đến Lục Vân Tiên chúng ta nhớ đến Thi hào Nguyễn Đình Chiểu với câu nói bất hủ: “ Dù đui mà giữ đạo nhà “. Chi tiết Lục Vân Tiên bị mù mắt vì khóc mẹ trên đường đi thi rồi gặp Trịnh Hâm hãm hại xô xuống sông, nhưng rồi chàng đã được Phật Bà cứu độ ­ Thật nhân văn và phù hợp với truyền thống của người Việt Nam: “Ở hiền gặp lành”.

Chất thơ còn có trong cảnh nàng Kiều Nguyệt Nga xuống thuyền đi cống nạp mình cho tướng giặc ngoại bang ­ nàng nhảy xuống sông tự vẫn. Đạo diễn đã dùng hai giải lụa trắng trên sân khấu để xử lý cảnh này đầy sáng tạo trên sân khấu ước lệ.

Tính nhân văn còn được thể hiện rõ trong cảnh một bà mẹ hiền từ sống ven sông đã cưu mang nàng Nguyệt Nga cho đến khi nàng gặp lại Lục Vân Tiên.

Lúc này lời hát vang lên:
“Trai thì trung hiếu làm đầu
Gái thì tiết hạnh làm câu trau mình”.

Câu hát Tuồng cổ thấm vào lòng khán giả một tình cảm trân trọng quý thương. Truyền thống đạo lý làm người của dân tộc Việt Nam.

Tôi là khán giả xem Tuồng, những vở Tuồng như Khương Linh Tá qua đèo, Nguyệt Cô hoá cáo v.v… đã ám ảnh tôi vì sức cuốn hút của nghệ thuật Tuồng ước lệ và cách điệu.

Kịch bản vở Tuồng Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga của cố tác giả Tống Phước Phổ. Ông đã được Nhà nước phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 1996.

Hôm nay ngồi xem vở Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga tôi chứng kiến các diễn viên trên sân khấu đã sống hết lòng với nhân vật, các em ấy hát, múa, diễn miệt mài không biết mệt nhưng tôi biết là các em rất vất vả.

Sau khi biểu diễn xong, diễn viên đóng vai Lục Vân Tiên xuống sân khấu, tôi lại gần em bắt tay và xin chụp một pô ảnh kỷ niệm. Em rất vui nhận lời, tôi đứng cạnh em, chiếc áo bào bằng nhung em mặc để đóng vai ướt sũng mồ hôi. Trời rất nóng, tôi đứng cạnh mà mồ hôi của áo em thấm ướt một bên vai áo tôi.

Tôi chạnh nghĩ lao động nghệ thuật của diễn viên Tuồng không đơn giản. Ngoài tài năng và lòng nhiệt tình với nghề các em phải có một sức khoẻ tốt để duy trì được trong suốt quãng đường làm diễn viên của mình.

Chất thơ của con người làm nghệ thuật thấm vào tôi như những giọt mồ hôi các em đã đổ xuống trong từng buổi tập và từng đêm diễn.

Chất thơ cũng luôn có trong lòng người đạo diễn, hoạ sĩ, nhạc sĩ, biên đạo múa và tác giả kịch bản để có được những vở diễn hay phục vụ công chúng, phục vụ đời sống VHNT của nhân dân.

Chất thơ của cuộc sống thăng hoa nhờ vào tài năng và sự cống hiến không mệt mỏi của Văn nghệ sĩ thật đáng trân trọng.

Khép lại màn nhung, diễn viên, nhạc công, hậu đài về hết. Còn tôi đứng lại với dãy ghế không còn ai, lòng bỗng rưng rưng. Dư âm vở diễn vẫn còn vang lên trong tôi. Một vở diễn thành công.


TH.S HOÀNG THANH TÚ
VĂN HIẾN VIỆT NAM – SỐ 7+8 (354+355) 2024


Cùng chuyên mục

Bài thơ kính đề Nam thiên đệ lục động của Giáo thụ Trần Hữu Đáp

Bài thơ kính đề Nam thiên đệ lục động của Giáo thụ Trần Hữu Đáp

Ngô Thì Nhậm bàn về thế sự qua một bài thơ

Ngô Thì Nhậm bàn về thế sự qua một bài thơ

Hợp tác sân khấu quốc tế trong thời đại mới

Hợp tác sân khấu quốc tế trong thời đại mới

Truyện lịch sử: Người vợ của đảng trưởng

Truyện lịch sử: Người vợ của đảng trưởng

“Lòng yêu nước” cần những biểu hiện tôn nghiêm, đúng mực, đúng chỗ

“Lòng yêu nước” cần những biểu hiện tôn nghiêm, đúng mực, đúng chỗ

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Người rời thành phố vào sáng sớm

Người rời thành phố vào sáng sớm

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Phó Đức Phương và khát vọng sử ca

Phó Đức Phương và khát vọng sử ca