Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

10:52 | 14/10/2024

Tổng Bí thư Lê Duẩn thường nói ông bước vào con đường cách mạng từ sự tủi nhục của một người dân nô lệ nghèo khó. Từ thủa thanh niên, ông đã bị cuốn hút bởi tư tưởng từ bi bác ái với con người của Phật giáo VN và sau đó ông đến với chủ nghĩa Mác cũng bởi sự hấp dẫn của mục tiêu giải phóng con người khỏi mọi sự nô dịch, áp bức, bóc lột, thực hiện bình đẳng xã hội, tạo điều kiện cho con người phát triển toàn diện. Tư tưởng từ bi bác ái của Phật giáo, các triết lý nhân bản của chủ nghĩa Mác cùng tư tưởng Hồ Chí Minh đã hòa quyện trong tư duy sáng tạo của nhà cách mạng Lê Duẩn, biến thành những “hạt vàng” góp phần làm nên đinh cao, chiều sâu, tầm xa của tư tưởng chính trị Lê Duẩn, làm nên “sự sáng suốt Lê Duẩn” trước những bước ngoặc của lịch sử, trong những tình thế hiểm nghèo của cách mạng mà Đảng ta từng ca ngợi.

Tổng bí thư Lê Duẩn với các chiến sĩ quân đội.

Trong hệ thống lý luận của Lê Duẩn về cách mạng giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa, con người luôn là điểm tựa, là trung tâm, là động lực, là mục tiêu. Chính ý thức sáng rõ về sức mạnh của tinh thần yêu nước và dân chủ trong truyền thống lịch sử bốn nghìn năm cũng như sự đồng cảm sâu xa khát vọng độc lập tự do, thống nhất của con người Việt Nam trước hiểm họa bị tái nô lệ và chia cắt đã là nền tảng để Lê Duẩn hình thành “Đề cương cách mạng miền Nam”, đề ra chiến lược kết hợp đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang, kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại đưa sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhát đất nước đến thắng lợi toàn vẹn.

Cũng chính quan niệm biện chứng mẫn cảm Tổng bí thư Lê Duẩn với các chiến sĩ quân đội. Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam về con người như một thực thể sống không thể phá vỡ trong mối quan hệ thống nhất giữa cái riêng và cái chung, giữa lý trí và tình cảm, giữa cá nhân và xã hội là cơ sở để tư tưởng về xây dựng chủ nghĩa xã hội của Lê Duẩn ít sa vào giáo điều cực đoan như một số lãnh đạo khác mà luôn giàu tinh thần nhân văn, giàu ý nghĩa thực tiễn và rất gần với chân lý.

Có thể nói, một trong những đóng góp quý giá nhất của Tổng bí thư Lê Duẩn vào kho tàng lý luận không những của Đảng ta là lý luận xây dựng chế độ “Làm chủ tập thể” và xây dựng con người “Làm chủ tập thể” tâm đắc của ông.

Nhận thức sâu sắc cảnh báo của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Mác đã xây dựng học thuyết của mình trên một hiện thực nhất định của lịch sử. Nhưng lịch sử nào? Lịch sử châu Âu. Mà châu Âu là gì? Đó chưa phải là toàn nhân loại. Mác cho ta biết rằng sự tiến triển của các xã hội phải qua ba giai đoạn: chế độ, nô lệ, chế độ nông nô, chế độ tư bản…Chúng ta hãy coi chừng! Các dân tộc Viễn Đông có trải qua hai giai đoạn đầu không?”, Tổng Bí thư Lê Duẩn sớm nhận ra rằng sẽ là lợi bất cập hại nếu cứ áp dụng một cách sơ lược giản đơn và khiên cưỡng mọi lý thuyết Mác – Lênin vào hoàn cảnh cụ thể của cách mạng Việt Nam.

Ông từng nói với GS Tương Lai: “Anh em ta nhiều khi vội vã và sơ lược quá. Làm cho dễ hiểu những tư tưởng triết học của Mác nhiều khi lại dung tục hóa lý luận của Mác. Phải làm sao hiểu cho được thực chất điều Mác định nói, hiểu được dòng tư duy của nhà triết học ấy, rồi gắn với hiện thực của nước mình, suy nghĩ về hiện thực của mình, vận dụng vào thực tiễn đất nước”.

Một trong những luận điểm của Mác mà Lê Duẩn băn khoăn suy nghĩ nhiều là luận điểm về “chuyên chính vô sản”. Lê Duẩn thường nói với những người thân cận rằng ông không thích khái niệm “chuyên chính vô sản” bởi bản chất của nó chỉ là thay áp bức này bằng một áp bức khác và thật ra, theo Mác, “chuyên chính vô sản” cũng chỉ cần thiết trong một giai đoạn nhất định và trong những hoàn cảnh nhất định nào đó của cách mạng. Lê Duẩn đặt vấn đề: đối với thực tiến cách mạng Việt Nam, thành công được tạo nên bởi sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn thể dân tộc, toàn thể nhân dân, không phân biệt tôn giáo, giai cấp, vị trí xã hội.

Khi cách mạng thành công, chính quyền về tay nhân dân thì không thể nói “chuyên chính vô sản” được bởi chẳng lẽ lúc đó “vô sản” lại dùng chính quyền để “chuyên chính” lại với nhân dân. Giống như Bác Hồ, điều thao thức lớn nhất trong hai mươi sáu năm trên cương vị cao nhất của Đảng Cộng sản VN là vấn đề dân tộc, khối đại đoàn kết toàn dân, cội nguồn mọi thắng lợi của cách mạng VN dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Năm 1975, đến Sài Gòn, sau đại thắng mùa xuân, ông đã có một câu nói xúc động tâm can cả dân tộc: “Chiến công vĩ đại này là chiến công chung của toàn dân tộc Việt Nam, không của riêng ai”. Ông cũng thường nói với cán bộ đảng viên: “Bây giờ ta đã có cả đất nước trong tay, không làm cho dân ta đỡ nghèo, đỡ khổ, không làm cho đất nước ta, dân tộc Viêt Nam ta bứt lên không thua kém với bất cứ nước nào là ta có tội với tổ tiên, với xương máu của biết bao nhiêu người đã đổ ra. Tôi lạ là nhiều cán bộ đảng viên ta bây giờ kể công ghê lắm, cứ nghĩ mọi việc có được ngày nay là do mình. Quy công vào mình là có tội với đất nước đấy. Công là công của cả dân tộc, của nhân dân”. Những tư tưởng và tình cảm lớn đó là lý do sâu xa của việc Lê Duẩn không đồng tình áp dụng cứng nhắc lý luận về “chuyên chính vô sản” vào thực tế cách mạng VN. Ông hướng đến việc xây dựng một hình thức chính quyền đảm báo “quyền hành và lực lượng đều nơi nhân dân”, mọi người dân đều có thể là “chủ nhân ông” như Bác Hồ hằng mong muốn. Hình thức chính quyền này không chỉ là công cụ trong một giai đoạn như “chuyên chính vô sản” mà còn là mục đích lâu dài của cách mạng. Từ đó Lê Duẩn đã dày công suy nghĩ đề ra hệ thống lý luận về xây dựng chế độ “làm chủ tập thể” và con người “làm chủ tập thể” đầy sáng tạo

Nếu Bác Hồ nói: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội phải có con người xã hội chủ nghĩa” thì Tổng bí thư Lê Duẩn cũng khẳng định để xây dựng được chế độ làm chủ tập thể phải xây dựng cho được con người làm chủ tập thể.

Bác Hồ và Tổng bí thư Lê Duẩn với các cháu nhi đồng ngày trung thu.

Theo ông, những phẩm chất cơ bản của con người làm chủ tập thể là “Con người yêu lao động, giàu tình thương là con người biết trọng lẽ phải, nhận thức được chân lý. Để làm chủ tiến trình xây dựng xã hội mới, người lao động không những phải thiết tha gắn bó với sự nghiệp đó, mà còn phải hiểu biết quy luật phát triển của nó để có thể từng bước làm chủ thiên nhiên, làm chủ bản thân, tiếp cận và chiếm lĩnh được cái đúng, cái tốt và cái đẹp của cuộc sống”.

Lê Duẩn cho rằng xây dựng con người làm chủ tập thể không những phải “hấp thu những thành tựu mới nhất của nền văn minh hiện đại mà còn phải kế thừa những đức tính tốt đẹp tiêu biểu cho tâm hồn của con người Việt Nam được hun đúc suốt 4000 năm lịch sử”. Có thể thấy Lê Duẩn vô cùng tự hào về những truyền thống tốt đẹp của con người Việt Nam, đạo lý Việt Nam, văn hóa Việt Nam.

Ông nhiều lần nhắn nhủ thiết tha: “Thương nước ­thương nhà, thương người­ thương mình là tình cảm lớn làm nên vẻ đẹp của con người, lối sống và nền văn hoá Việt Nam. Tình thương lớn ấy cần phải được bồi dưỡng và nâng lên trong các mối quan hệ của chế độ làm chủ tập thể”“Dân tộc ta có một truyền thống đạo lý rất cao quý. Đó là đạo lý ham học, thương người, từ bi, bác ái, thủy chung, giỏi việc nước, đảm việc nhà. Làm sao những cái đẹp trong đạo lý truyền thống của dân tộc cần được đề cao và vận dụng trong xây dựng CNXH”.

Trong những giá trị truyền thống của con người Việt Nam, Lê Duẩn đặc biệt hướng chúng ta chú ý đến nét đẹp của người phụ nữ Việt Nam, người mẹ Việt Nam. Với Lê Duẩn, người mẹ Việt Nam không chỉ là biểu tượng tập trung của các phẩm chất mà ông muốn xây dựng ở con người làm chủ tập thể hôm nay: Yêu lao động, giàu tình thương, trọng lẽ phải, nhiều đức hy sinh mà còn là người gìn giữ lưu truyền có hiệu quả nhất đạo lý dân tộc, văn hóa dân tộc.

Ông viết: “Ngoài nghĩa cả đối với Tổ quốc, đối với cách mạng, có tình cảm nào thiêng liêng hơn tình mẹ con. Có sự hy sinh tận tuỵ nào bằng sự hy sinh tận tuỵ của người mẹ đối với con? “Dạy con từ thuở còn thơ”, đứa trẻ tiếp thu văn hoá loài người, đầu tiên chính là qua người mẹ… Dạy con biết nói, biết cười, ru con bằng những điệu hát đầy ý nghĩa, khuyên bảo con những lẽ phải điều hay v.v…, chính bằng cách đó, người mẹ đã góp phần gìn giữ và lưu truyền văn hoá dân tộc từ đời này sang đời khác” .

Lê Duẩn rất chú ý đến vai trò của gia đình trong việc xây dựng con người làm chủ tập thể và không ít lần nhấn mạnh đến vai trò của gia đình: “Lòng thương mến gia đình là cơ sở của lòng thương đồng bào, yêu đất nước;… không có tình thương cha, nhớ mẹ, tình thương yêu con cái thì không thể có tình yêu nhân dân, tình yêu đất nước…”.

Lê Duẩn cũng mong muốn con người làm chủ tập thể là con người kết hợp thống nhất trong mình những mặt đôi khi được coi là không dễ dung hòa: “Dân tộc, giai cấp, gia đình là nhất trí; yêu nước, yêu nhân dân, yêu gia đình là nhất trí; độc lập, dân chủ, tự do, chủ nghĩa xã hội là nhất trí; chủ nghĩa yêu nước chân chính, chủ nghĩa quốc tế vô sản là nhất trí; tất cả những cái đó không tách rời nhau mà kết hợp chặt chẽ với nhau”.

Là một nhà lý luận luôn coi chìa khóa của mọi thành công là việc phải nắm vững và tôn trọng quy luật của tự nhiên, con người, xã hội, trong xây dựng lý luận về chế độ làm chủ tập thể, con người làm chủ tập thể như một triết lý của sự phát triển, phải nói Lê Duẩn nhiều lãng mạn nhưng cũng rất thực tế. Ông ý thức rõ đây là một công việc hết sức khó khăn lâu dài, phức tạp.

Ông viết: “Con người là sản phẩm lịch sử của một xã hội nhất định, khi chuyển qua một xã hội khác phải căn cứ vào con người của xã hội cũ mà nói cho đúng, đưa cái cũ lên cái mới cho sát, nếu không làm thế sẽ hỏng việc. Nhưng ác một nỗi, là người Việt Nam, nhưng ta chưa hiểu hết con người Việt Nam, lại lệ thuộc vào lý thuyết bên ngoài một cách công thức, nên tư tưởng về xây dựng con người vẫn chưa thực tế”.

Như thế, Lê Duẩn cho rằng hiểu hết con người VN, hiểu đúng con người VN và không lệ thuộc vào lý thuyết nước ngoài là những tiền đề quan trọng, những cơ sở vững chắc để đề ra một triết lý phát triển đúng trong hôm nay và tương lai.

Con người VN không chỉ có cái hay cái đẹp mà cũng có không ít hạn chế tiêu cực gây cản trở cho phát triển. Theo ông, không chỉ nông dân, thị dân, mà cả công nhân, trí thức của nước ta cũng là sản phẩm của một xã hội tiểu nông cá thể, tủn mủn hạn hẹp, thậm chí khép kín, tù túng. Rồi cán bộ đảng viên cũng từ cái gốc ấy mà ra nên khi có quyền trong tay là rất dễ thoái hóa, hư hỏng. Thật đáng buồn là khi đã có tất cả trong tay rồi thì lại lắm bê tha hư hỏng. Ông nhấn mạnh: Nhưng phải thấy đó là quy luật, xây dựng khó hơn phá bỏ nhiều lắm. Bởi thế, xây dựng chế độ làm chủ tập thể, con người làm chủ tập thể thực chất là xây dựng một xã hội kiểu mới khác hẳn với những xã hội trước đây, xã hội không có người áp bức nguời, người thống trị người, một xã hội trong đó mọi người đều làm chủ vận mệnh của mình, làm chủ thiên nhiên, làm chủ xã hội, làm chủ bản thân như Mác và Angghen đã từng nói đến và là mơ ước của bao thế hệ cộng sản VN, sẽ là cả một cuộc cách mạng trường kỳ, có thể phải trải qua rất nhiều thế hệ, phải làm từng bước, không thể nóng vội.

Chỉ điểm qua sơ lược vài khía cạnh trên cũng có thể thấy lý luận về xây dựng chế độ làm chủ tập thể, con người làm chủ tập thể của Lê Duẩn dù có thể chưa hoàn thiện, dù còn thiếu những cơ sở thực tế nhưng đã là một đóng góp quý giá vào kho tàng lý luận về xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Sự quý giá không chỉ ở bản thân lý luận mà còn ở sự quả cảm vạch ra những hạn chế bất cập của kinh điển để bù đắp bằng những lý luận mới tổng kết từ thực tiễn sinh động của cách mạng trong niềm tin “Chân lý là cụ thể, cách mạng là sáng tạo”.

Điều đáng tiếc là sau khi Tổng bí thư Lê Duẩn mất, lý luận ấy không những không được trân trọng nghiên cứu nghiêm túc, kỹ càng nhằm bổ sung, hoàn thiện để góp phần vào việc xây dựng chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội trong giai đoạn mới ở nước ta mà còn bị nhiều dè bĩu nông cạn cùng những xuyên tạc ác ý. Tiêu biểu là một số ý kiến phê phán lý luận ấy của Lê Duẩn là chủ quan, duy ý chí, tuyệt đối hóa chủ nghĩa tập thể, triệt tiêu vai trò cá nhân, đề cao cái chung phủ định cái riêng.

Có thể thấy đó là những ý kiến vô căn cứ bởi từ tình yêu, niềm tin vào con người cùng tư duy biện chúng đã giúp Lê Duẩn xây dựng lý luận về chế độ làm chủ tập thể, con người làm chủ tập thể với những mối quan hệ hài hòa sâu sắc giữa cá nhân và tập thể, giữa quyền lợi chung và lợi ích riêng, giữa một người và mọi người, giữa dân tộc và thời đại.

Nhà lý luận cộng sản luôn công phá quyết liệt mọi thành trì của chủ nghĩa cá nhân, mọi biểu hiện, biến thái của thói tư lợi vị kỷ ấy lại bảo vệ rất triệt để cái riêng của con người. Ông nhiều lần khẳng định: “Đã là một con người thì phải có cái riêng của con người, không thể có con người siêu hình. Không thể phá vỡ đơn vị con người. Không còn cái riêng của con người nữa thì xã hội sẽ mất hết ý nghĩa, mất cơ sở tồn tại”.

Cũng từ ý thức đó, Lê Duẩn đã đưa ra một định nghĩa nổi tiếng về nghệ thuật: “Nói nghệ thuật tức là nói quy luật riêng của tình cảm. Nghệ thuật vận dụng quy luật riêng của tình cảm”. Đây có thể coi là một trong những định nghĩa sâu sắc nhất có sức cổ vũ to lớn nhất về nghệ thuật của một nhà lý luận chính trị, không những thể hiện sự thấu hiểu bản chất của nghệ thuật mà còn bộc lộ sự tôn trọng tuyệt đối cái riêng của con người, nhất là trên các lĩnh vực sáng tạo tinh thần. Sự tôn trọng đó còn được thể hiện nhất quán ở quan điểm của Lê Duẩn đòi hỏi cuộc cách mạng tư tưởng văn hóa phải là cuộc cách mạng tự nguyện, một cuộc cách mạng “biết chờ đợi”, tuyệt đối không được dùng bạo lực, phải tránh mọi áp đặt thô bạo, trói buột vô lối.

Tư tưởng nhân văn đó của Lê Duẩn giúp chúng ta hiểu vì sao ông rất dị ứng với đường lối văn nghệ Diên An và rất bất bình với cuộc đại cách mạng văn hóa do những người cộng sản thực hiện ở nước láng giềng. Chính trong những kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ với cương vị Bí thư Xứ ủy và Bí thư Trung ương cục miền Nam, Lê Duẩn không những không để cải cách ruộng đất xảy ra ở Nam bộ, cũng không cho phép phổ biến học tập đường lối văn nghệ Diên An mà ông cho là sai lầm ở đây.

Câu chuyện về sự ưu ái đặc biệt của Lê Duẩn dành cho nhà thơ Nguyễn Bính thời gian này là một ví dụ điển hình cho sự mẫn cảm và thái độ trọng thị, bảo vệ sâu sắc của một nhà lãnh đạo chính trị đối với một tài năng đặc biệt về nghệ thuật. Người ta kể rằng sau khi được biết về Nguyễn Bính, Lê Duẩn hiểu ngay một nhà thơ được đông đảo nhân dân ngưỡng mộ như thế cần cho cách mạng, kháng chiến thế nào. Ông đã chỉ thị các cơ quan tuyên huấn văn nghệ tìm cách đưa Nguyễn Bính đến và giữ chân nhà thơ ở lại với kháng chiến.

Để nhà thơ yên tâm phục vụ kháng chiến, không bận tâm đến những lôi kéo bằng “tiền tình” của chính phủ tự trị Nam kỳ lúc ấy luôn tìm mọi cách đưa Nguyễn Bính “dinh tê” về lại Sài Gòn, Lê Duẩn còn trực tiếp tìm vợ kháng chiến cho Nguyễn Bính và trực tiếp đứng làm chủ hôn. Thậm chí, khi Nguyễn Bính và người vợ đảng viên do chính Lê Duẩn mổi mai đổ vỡ, không thể sống được với nhau nữa, ông cũng cho phép các cơ quan chính quyền kháng chiến để họ chính thức ly hôn. Có thể hiểu vì sao một nhà thơ tuyệt đối coi trọng tự do như Nguyễn Bính lại tuyệt đối kính trọng các lãnh tụ cách mạng mà ông gọi là “những người của ngày mai” và trở thành nhà thơ số 1 của Nam bộ kháng chiến.

Trong hồi ký của một cán bộ từng gần gũi với Tổng bí thư Lê Duẩn, có kể một kỷ niệm nhiều ý nghĩa. Ấy là ngay sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, trong một buổi nói chuyện với cán bộ, Lê Duẩn đặt ra một câu hỏi: Theo các đồng chí vì sao ta đánh thắng Mỹ? Mọi người tiếp nhau trả lời: Nhờ sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng ta, nhờ quân dân ta đoàn kết chiến đấu dũng cảm không sợ hy sinh gian kho. Nghe xong, Lê Duẩn nhẹ nhàng nói: Các đồng chí nói đúng cả nhưng chưa đủ, còn thiếu một điều quan trọng, đó còn là vì kẻ thù đã không hiểu được sức mạnh của con người Việt Nam, của văn hóa Việt Nam.

Tổng bí thư Lê Duẩn là vậy, trong tâm trí vị lãnh tụ luôn kiên định đến cùng mục tiêu độc lập tự do cho dân tộc, toàn vẹn lãnh thổ cho đất nước, dân chủ hạnh phúc cho nhân dân, nhà lý luận sáng tạo vĩ đại của cách mạng Việt Nam ấy luôn tràn dâng tinh yêu, niềm tin và lòng tự hào vô bờ bến về cái đẹp và sức mạnh không gì khuất phục được của con người và văn hóa Việt Nam luôn trăn trở nung nấu nỗi khao khát xây dựng một chế độ xã hội mới tốt đẹp xứng đáng với con người và văn hoá Việt Nam.

Muốn xây dựng thành công một chế độ xã hội như thế, Lê Duẩn từng căn dặn các cán bộ lý luận chính trị và văn hóa của Đảng ta: “Các anh cần nhớ kỹ một điều, chỉ lúc nào chúng ta độc lập và sáng tạo, xuất phát từ thực tiễn của đất nước, từ lợi ích của dân tộc, lúc ấy chúng ta mới thắng lợi; lúc nào chúng ta lệ thuộc, giáo điều sao chép của người ta, lúc ấy cách mạng phải trả giá nặng nề. Chúng ta không được quên điều đó, những người làm công tác lý luận càng không được quên điều đó, vì lý luận rất dễ giáo điều, sao chép”.

Không biết có còn nhiều người ghi nhớ lời căn dặn tâm huyết này của Tổng bí thư Lê Duẩn?


PHƯƠNG ANH
VĂN HIẾN VIỆT NAM – SỐ 7+8 (354+355) 2024

Cùng chuyên mục

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Bài thơ kính đề Nam thiên đệ lục động của Giáo thụ Trần Hữu Đáp

Bài thơ kính đề Nam thiên đệ lục động của Giáo thụ Trần Hữu Đáp

Ngô Thì Nhậm bàn về thế sự qua một bài thơ

Ngô Thì Nhậm bàn về thế sự qua một bài thơ

Hợp tác sân khấu quốc tế trong thời đại mới

Hợp tác sân khấu quốc tế trong thời đại mới

Truyện lịch sử: Người vợ của đảng trưởng

Truyện lịch sử: Người vợ của đảng trưởng

“Lòng yêu nước” cần những biểu hiện tôn nghiêm, đúng mực, đúng chỗ

“Lòng yêu nước” cần những biểu hiện tôn nghiêm, đúng mực, đúng chỗ

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám