Nghĩa trang thai nhi Bến Cốc (thôn Bến Cốc, xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội) có hàng trăm ngôi mộ không tên, mỗi ngôi mộ chôn cất hàng ngàn thai nhi xấu số.
Đều đặn chủ nhật 2 tuần mỗi tháng, nghĩa trang thai nhi Bến Cốc lại đón trên dưới 700 thai nhi bị bố mẹ từ chối được gom từ các bệnh viện, phòng khám xung quanh khu vực TP Hà Nội về chôn cất.
Tất cả là lỗi của mẹ
Nằm sâu cuối thôn Bến Cốc, nghĩa trang thai nhi Bến Cốc lọt thỏm phía sau nghĩa trang Công giáo. Những ngôi mộ trắng xóa không tên, không tuổi, không địa chỉ cứ thế mọc lên ngày càng nhiều. Nơi đây là ngôi nhà chung của những sinh linh bé bỏng chưa kịp cất tiếng khóc chào đời đã bị cha mẹ chối bỏ ở các phòng khám, bệnh viện quanh địa bàn TP Hà Nội được các nhóm thiện nguyện hay cá nhân gom về chôn cất.
Nơi đây lúc nào cũng nghi ngút hương khói. Nhiều người từ nơi xa tìm đến thắp hương, cầu nguyện hay đưa những món đồ chơi trẻ em là các hộp sữa, đồ ăn vặt của trẻ con hay những con búp bê… đến với những ngôi mộ. Nhiều người hy vọng các sinh linh tội nghiệp kia có thể thấy được món đồ mà thực tế chúng chưa bao giờ biết đến.
Nghĩa trang thai nhi Bến Cốc đã có lịch sử 12 năm cũng là 12 năm ròng ghi dấu chân của vợ chồng bà Nguyễn Thị Nhiệm và ông Nguyễn Văn Yên (ngụ xã Thanh Xuân). Họ đến gõ cửa từng bệnh viện, phòng khám trên địa bàn Hà Nội để xin các thai nhi bị cha mẹ từ bỏ về chôn cất. “12 năm qua chưa một ngày nào vợ chồng tôi cùng rời khỏi TP. Như một ước định, nếu chồng có việc đi xa thì tôi phải ở nhà để phòng khi có trẻ sơ sinh hay thai nhi bị bỏ rơi thì đến thật nhanh để mang về. Đây là công việc thầm kín, vì các thai nhi cũng là một sinh linh” – bà Nhiệm chia sẻ.
Ở nghĩa trang này có đặt một cuốn nhật ký, lưu giữ những tình cảm của chính cha mẹ những sinh linh vô tội. “Con à, hôm nay ngày rằm mẹ lên đây thăm con cùng các em ở đây. 17 ngày nữa là ngày giỗ của con, mẹ không biết nói gì, chỉ mong con được bình yên, siêu thoát và… tha thứ cho mẹ. Con vô tội, tất cả là do mẹ, do mẹ hết” – một trang nhật ký ghi.
Những đứa trẻ bị bỏ lại
Cách nghĩa trang Bến Cốc vài trăm mét có một dãy nhà tình thương được xây dựng đã vài năm nay. Nơi đây mỗi năm cưu mang hàng chục thai phụ khắp cả nước, vì nhiều lý do khác nhau họ lỡ mang thai nhưng không muốn bỏ đi giọt máu của mình.
Chị H. (quê Thái Bình) mang thai nay đã gần 9 tháng, chỉ còn vài ngày nữa là sinh bé trai đang chòi đạp từng ngày trong bụng. Chị H. bỏ trốn từ quê lên Hà Nội xin vào đây lưu trú đã 5 tháng. Chồng chị mất do uống rượu nhiều rồi bệnh tật vài năm trước, số phận đưa chị gặp lại người yêu cũ ngày xưa và cả 2 có tình cảm, một ngày chị phát hiện có thai.
“Tôi không biết phải làm sao cả, tôi không nghĩ được nhiều, bỏ đi đứa con thì lương tâm tôi không cho phép. Tôi trốn lên đây mong khi con ra đời sẽ cho một gia đình nào đó tốt, nuôi nấng con thành người và cuộc đời tôi vẫn sẽ dõi theo con” – chị H. nói.
Đồng cảnh ngộ với chị H. còn rất nhiều phụ nữ khác cũng lưu trú tại đây. Chị H. tâm sự: “Tôi vào đây mới mấy tháng nhưng đã gặp nhiều trường hợp đồng cảnh ngộ, chúng tôi cùng chung những sai lầm nhưng đều khao khát được sinh đứa con của mình ra đời, mong muốn đứa con của mình lớn lên sẽ giống như những đứa trẻ bình thường khác”.
Có những thai phụ lưu trú ở đây nhưng khi sinh đứa trẻ ra đời thì lại bỏ con ở lại, để rồi những người dân nơi đây như bà Nhiệm không còn cách nào khác lại đưa về nuôi nấng. Bà Nhiệm hiện đang nuôi bé gái Xuân Nh. “Con bé gọi tôi là mẹ, tôi đi đâu cũng đòi đi theo mới chịu. Xuân Nh. nay mới 3 tuổi, nó còn quá nhỏ để nhận thức được những thứ xung quanh nhưng lớn lên dần cháu cũng sẽ biết được sự thật. Chúng tôi coi cháu như một thành viên trong gia đình, một người con của quê hương” – bà Nhiệm nói.
Xuân Nh. không phải là trường hợp duy nhất bị mẹ bỏ lại cho người dân thôn Bến Cốc nuôi. Bà Nguyễn Thị Phúc (60 tuổi, chị dâu bà Nhiệm) hiện đang nuôi bé Xuân Tr. (3 tuổi). “Cháu gọi tôi là bà, gọi vợ chồng con gái tôi ở cạnh bên là bố mẹ. Một tay tôi nuôi nấng, cho nó bú mớm từ khi vừa lọt lòng đến bây giờ. Ngày trước chỉ nghĩ nuôi nó một thời gian rồi sẽ cho gia đình nào đấy nhưng càng nuôi thì càng thương không nỡ đưa đi. Khi lớn lên, vợ chồng tôi cũng sẽ cắt đất, lo gia đình cho cháu như những đứa con khác. Nhiều lần gia đình tôi không biết phải làm cách nào nên đã liên lạc với bố mẹ cháu nhưng họ quyết không nhận” – bà Phúc tâm sự.
Nghĩ tới là đau lòng Nghĩa trang thai nhi Bến Cốc hiện đang được người dân nơi đây xây dựng lại và ngày càng có nhiều cá nhân, tập thể góp sức vào công việc thầm lặng tại nghĩa trang. “Chúng tôi không muốn có thêm một thai nhi nào phải đưa vào Bến Cốc, càng không muốn phải nghe những cuộc điện thoại báo có người vừa phá thai nữa. Chúng tôi sẽ không đếm những con số cụ thể các thai nhi đã an nghỉ ở Bến Cốc vì mỗi lần nghĩ tới là một lần đau lòng. Các thai nhi cũng là con người!” – bà Nhiệm ngậm ngùi. |
Theo NLĐ