Những ông giáo già tuổi 80 vẫn ‘đắm đuối’ nghiệp dạy chữ cho trẻ nghèo

14:19 | 22/05/2018

Ông giáo 80 tuổi miệt mài mang con chữ đến vùng biên

Đã ở tuổi xưa nay hiếm, song hơn 10 năm qua, hằng ngày ông Ngô Tùng Bích (Tân Tiến, Bù Đốp, Bình Phước) vẫn cần mẫn lên lớp uốn nắn từng nét chữ, hướng dẫn từng phép tính cho những học sinh nghèo trong lớp học tình thương của mình.

Học sinh của ông chủ yếu là con em người đồng bào dân tộc thiểu số vùng biên, hoàn cảnh gia đình khó khăn.

Ông Bích chia sẻ, khi mở lớp học này, địa phương rất khó khăn. Trẻ em ở đây đa phần là người dân tộc, các em không theo kịp được chương trình, đôi khi có cháu bỏ học giữa chừng nên ông quyết tâm dốc toàn bộ tâm sức xây dựng lớp học, theo Thanh Niên.

Thầy giáo Bích mang con chữ đến cho các em nhỏ vùng biên ở tỉnh Bình Phước. (Ảnh cắt từ clip)

Ban đầu lớp học dựng lên chỉ là một cái lán nhỏ. Gần 2 năm nay, được sự giúp đỡ của chính quyền địa phương và các Mạnh Thường quân, lớp học của ông khang trang hẳn. Những cây gỗ tạp, tấm tôn cũ, những tấm bạt nilon được thay mới, xây dựng kiên cố hơn.

Dạy trẻ em bình thường đã không phải chuyện dễ, dạy học sinh khuyết tật càng khó hơn.

Trong lớp của ông có em Trần Quốc Cường (10 tuổi) bị bệnh bại não nên không biết đọc, không biết. Những từ ngày đến với lớp học của ông Bích, cậu bé đã có những thay đổi kỳ diệu, nét chữ chưa tròn trịa, phép tính chưa chính xác nhưng đã là sự tiến bộ khó tin so với chính em gần 1 năm trước.

Trong lớp học miễn phí của ông giáo Bích, các em học sinh là đồng bào dân tộc thiểu số. (Ảnh cắt từ clip)

Ông Trương Văn Chung, phụ huynh của em Cường cho biết, điều kiện gia đình quá khó khăn, may mà có lớp học của ông Tư mà bé Cường được đi học, quý hơn là ông giáo không lấy tiền. Đối với anh, việc con được đi học là niềm vinh hạnh và sự biết ơn đối với người thầy giáo già.

Ở tuổi 80, ông Bích chỉ mong có sức khỏe thật tốt, ít ốm đau bệnh tật, tiếp tục đem con chữ tới gần hơn các em nhỏ vùng biên. Để sau này các em có thể đi xa hơn cái nương, cái rẫy của cha mẹ mình.

Ông giáo ân cần dạy phép tính cho học trò của mình là em Cường bị bệnh bại não. (Ảnh cắt từ clip)

Lớp học 15.000 đồng giữa làng đại học ở Sài Gòn

Giữa thành phố phù hoa, chi phí đắt đỏ, lớp học tình thương của ông giáo Tư, tên thật là Huỳnh Văn Phê (77 tuổi, quê gốc ở Bến Tre) ở làng đại học Thủ Đức lại được dân nghèo truyền tai nhau.

Lớp học chỉ thu học phí 15.000 đồng/tháng để đóng tiền điện, nước, mua phấn, bút. Học sinh trong lớp đều là con em của những người lao động nghèo vào Sài Gòn kiếm kế sinh nhai.

Thấy thương xót khi chứng kiến những đứa trẻ không được đi học lông bông quậy phá, cha mẹ thì quần quật làm việc cả ngày không có thời gian bảo ban nên ông quyết định mở lớp học để các em đến được với con chữ.

24 năm qua, ông Tư đã gắn bó cuộc đời của mình với công việc dạy học như thế.

Ông giáo Tư cần mẫn dạy học cho nhiều trẻ em nghèo trong căn nhà của mình ở làng đại học Thủ Đức. (Ảnh: VnExpress)

Lớp học tình thương của ông Tư có chừng 40 học trò. Mỗi trò có hoàn cảnh khác nhau, nhưng đều nghèo khó, cha mẹ làm thuê, làm mướn nên chật vật lắm cũng không lo đủ tiền để cho con đi học ở trường chính quy. Số khác các em vì không có đủ giấy tờ như giấy khai sinh, tạm trú… nên phải ở nhà, không xin đi học.

Những đứa trẻ ở lớp học này không gọi ông Tư là “thầy” mà gọi bằng tên thân thương là “ông Tư”. Hằng ngày lên lớp, ông không cần điểm danh, nhưng chỉ đảo mắt qua là biết ngày đó vắng đứa nào.

Từ ngày mở lớp học, ông Tư không lấy tiền học phí của trò. Song, phụ huynh sợ ông không có chi phí duy trì lớp học nên tự nguyện đóng 15.000 đồng mỗi tháng.

Lớp học tình thương của ông Tư đã duy trì được 24 năm. (Ảnh: Thanh Niên)

Theo một phụ huynh, ông Tư dạy hay lắm, nhờ có lớp học của ông mà bọn nhỏ đều biết đọc. Nếu không chắc họ phải gửi con về quê chứ với mức lương chẳng đủ ăn của công nhân thì không kham nổi cho con đi học.

Ông Tư trải lòng, hơn 20 năm dạy học, bên cạnh những tình cảm biết ơn của mọi người, không ít lần ông Tư phải nghẹn lòng bởi những lời ra tiếng vào của những người xung quanh. “Họ không nói thẳng với ông Tư, nhưng sau lưng họ nói ông Tư mở lớp đặng đi gom tiền. Tui hỏi chứ mở lớp ở đây, 15.000 một tháng thì gom được bao nhiêu?”, theo Thanh Niên.

Tuy nhiên, ông chưa bao giờ nghĩ mình sẽ bỏ lớp học này, bởi ngày nào được đứng lớp, nhìn tụi học trò cặm cụi từng nét chữ là ngày đó ông còn cảm thấy hạnh phúc.

Ông giáo của trẻ thiệt thòi giữa lòng phố cảng

Căn bệnh parkinson khiến cho hai cánh tay run rẩy nhưng sáng thứ Bảy nào ông Hoàng Ánh Hưng, 73 tuổi, cũng chăm chỉ đến trường tiểu học Dư Hàng (phường Dư Hàng, quận Lê Chân, Hải Phòng) để dạy chữ cho trẻ em thiệt thòi.

Được biết, lớp học chỉ có bốn học trò, nhưng lại học theo chương trình các lớp khác nhau, đứa học lớp 1 đứa học lớp 2, theo Giáo dục Việt Nam.

Lứa tuổi khác nhau, trình độ khác nhau, hoàn cảnh cũng không giống nhau. Đứa thì mắc bệnh tự kỷ, đứa bị thiểu năng, và có cả trẻ vì quá khó khăn không thể đến trường. Giờ trên lớp chúng chỉ học 2 môn Toán và tiếng Việt nhưng rất say sưa.

Năm 1993 do sức khoẻ yếu, ông Hưng xin nghỉ hưu sớm. Khi đó, một người bạn là Việt kiều Mỹ muốn giúp một số tiền nho nhỏ để ông mở lớp dạy phổ cập tiểu học, xoá mù chữ cho những trẻ em thiệt thòi, không được đi học.

Và khu vực phường Dư Hàng thời đó vốn là một điểm nóng về tệ nạn ma tuý, có nhiều cháu nhỏ hoàn cảnh gia đình khó khăn không được đến trường.

Thầy Hưng đã chạy đôn đáo xin thủ tục mở lớp học tình thương này và được các đồng nghiệp ủng hộ. Người cho mượn địa điểm, người lại góp công.

Suốt gần 25 năm qua, có cả trăm học sinh hoàn cảnh khó khăn đã qua lớp học tình thương này, trong số đó, có chừng hơn 50 em đã học đến hết cấp trung học cơ sở. Một số em học lên trung học, có em học xong trung cấp nghề.

Ông Hưng cho biết, suốt 25 năm qua luôn trăn trở duy trì lớp học tình thương bởi ông không cam tâm thấy cảnh giữa lòng thành phố cảng lại có những trẻ em mù chữ.

Tuy nhiên, nay sức đã yếu, ông chỉ canh cánh mong tiếp tục có những tấm lòng hảo tâm giúp đỡ, có những thầy cô chung tay với mình để duy trì lớp học để bù đắp phần nào cho những đứa trẻ thiệt thòi.

Chẳng phải chỉ có ông Hưng, ông Bền hay ông Tư mà còn rất nhiều vị giáo già vẫn ngày ngày thầm lặng đưa đò như thế.

Đó không chỉ vì lòng yêu nghề, mà còn nỗi đau đáu dạy nét chữ, nết người cho đám trò nhỏ không được may mắn, là sự mãn nguyện khi thấy các trò vượt khó nên người..

Tổng hợp

Video hay

Cùng chuyên mục

Hành trình đến với danh hiệu Hoa hậu Nhân ái của doanh nhân Nguyễn Thị Phương

Hành trình đến với danh hiệu Hoa hậu Nhân ái của doanh nhân Nguyễn Thị Phương

Lễ ra mắt Chi hội Nữ trí thức khối Văn hóa Nghệ thuật “Những đóa hoa sen Việt Nam”

Lễ ra mắt Chi hội Nữ trí thức khối Văn hóa Nghệ thuật “Những đóa hoa sen Việt Nam”

TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU TỪ DU THUYỀN TRÊN DÒNG LA GIANG

TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU TỪ DU THUYỀN TRÊN DÒNG LA GIANG

Hội An khánh thành dự án tu bổ di tích Chùa Cầu

Hội An khánh thành dự án tu bổ di tích Chùa Cầu

Khai mạc giải cầu lông Tynsport mở rộng lần thứ XIV năm 2024 “Tranh Cúp TC Sport”

Khai mạc giải cầu lông Tynsport mở rộng lần thứ XIV năm 2024 “Tranh Cúp TC Sport”

Giải bóng chuyền Nam thanh niên Công an Hà Tĩnh vào giờ khai cuộc

Giải bóng chuyền Nam thanh niên Công an Hà Tĩnh vào giờ khai cuộc

HÀ NỘI: Tỏa sáng từ mái trường Ngọc Lâm thân yêu

HÀ NỘI: Tỏa sáng từ mái trường Ngọc Lâm thân yêu

PHÓ ĐỨC PHƯƠNG VÀ KHÁT VỌNG SỬ CA

PHÓ ĐỨC PHƯƠNG VÀ KHÁT VỌNG SỬ CA

Khai mạc đại hội thể thao học đường lớn nhất từ trước đến nay

Khai mạc đại hội thể thao học đường lớn nhất từ trước đến nay