Tại lễ bế mạc Liên hoan phim châu Á – Đà Nẵng (DANAFF), bộ phim “Những đứa trẻ trong sương” (tựa đề tiếng Anh: Children of the Mist) – bộ phim tài liệu Việt Nam của đạo diễn Hà Lệ Diễm, xuất sắc giành giải Phim châu Á. Thêm một lần “Những đứa trẻ trong sương” được tôn vinh.
Tối 13/5, Liên hoan phim châu Á – Đà Nẵng (DANAFF) lần thứ 1 năm 2023 đã trao 14 giải thưởng thuộc 2 hạng mục Phim châu Á dự thi và Phim Việt dự thi. Cả hai giải cao nhất tại DANAFF đã thuộc về những đạo diễn và nhà sản xuất Việt Nam khi Những đứa trẻ trong sương được xướng tên ở hạng mục Phim châu Á, còn Nhà bà Nữ của Trấn Thành chiến thắng ở hạng mục Phim Việt. Đây có thể xem là động lực để những nhà làm phim, đạo diễn Việt Nam tự tin tiếp tục cho ra đời những tác phẩm điện ảnh xuất sắc hơn.
Đạo diễn Hà Lệ Diễm chia sẻ cảm xúc khi được trao giải thưởng phim hay nhất hạng mục Phim châu Á dự thi.
Thắng lớn tại nhiều liên hoan phim quốc tế
Chiến thắng của Những đứa trẻ trong sương của đạo diễn Hà Lệ Diễm thực ra không quá bất ngờ, bởi bộ phim từng ghi điểm kể từ khi ra rạp cách đây hơn hai năm.
Trước khi đến với khán giả Việt Nam vào giữa tháng 3/2023, Những đứa trẻ trong sương đã có buổi chiếu chính thức ra mắt thế giới lần đầu tiên tại “Liên hoan phim tài liệu quốc tế Amsterdam” (IDFA) vào tháng 11/2021, đây được xem là “Liên hoan phim tài liệu lớn nhất thế giới”.
Tại đây, nữ đạo diễn Hà Lệ Diễm đã đoạt giải “Đạo diễn xuất sắc nhất” – Giải thưởng cá nhân quan trọng nhất tại liên hoan phim và giải Tuyên dương của Ban Giám khảo cho phim đầu tay xuất sắc nhất.
Từ đó đến nay, Những đứa trẻ trong sương đã tham gia hơn 100 liên hoan phim trên thế giới, ra rạp tại Mỹ, Đài Loan (Trung Quốc), Hà Lan và Singapore. Đặc biệt, Những đứa trẻ trong sương đã vượt qua 143 tác phẩm đến từ nhiều nước trên thế giới để lọt vào danh sách rút gọn Top 15 Oscar 2023 ở hạng mục Phim tài liệu dài xuất sắc. Tác phẩm cũng có điểm “tươi” 94% từ 18 bài đánh giá của giới phê bình, theo thống kê của Rotten Tomatoes.
Bộ phim của nữ đạo diễn 9x cũng nằm trong danh sách 20 bộ phim tài liệu năm 2022 của tạp chí Paste Magazine; nhận giải thưởng của Liên Hợp Quốc tại Thụy Sĩ và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp quốc tại Nhật Bản, giải thưởng của Liên hoan phim Giáo dục tại Pháp.
Những đứa trẻ trong sương cũng trở thành bộ phim được các trường Đại học tại Mỹ mời chiếu cho sinh viên và được chiếu tại các hệ thống trường Đại học ở Pháp. Bộ phim đã giành được 34 giải thưởng tại các liên hoan phim quốc tế khác và hành trình của phim tới khán giả vẫn đang tiếp tục.
Nhân vật Di trong phim. Ảnh: Beta
‘Những đứa trẻ trong sương’: Tuổi thơ bị đánh cắp
Kịch bản của bộ phim xoay quanh Di, sống trong một ngôi làng ở vùng núi Sa Pa. Khi tới tuổi dậy thì tính cách của Di thay đổi rõ rệt. Cô gái nhỏ vô tư trở nên bốc đồng, nhạy cảm và thường xuyên xung đột với mẹ, người đang cố gắng giữ Di tránh xa những mối quan hệ mà em chưa đủ trưởng thành để xử lý.
Một ngày mùa xuân, Di đi chơi hội và bị một cậu bé hơn tuổi bắt về làm vợ. Cô cố gắng chống cự và nhất quyết không lấy chồng, muốn được tiếp tục đi học.
Phim gây ấn tượng mạnh nhờ câu chuyện về số phận của bé gái dân tộc thiểu số và tình trạng tảo hôn. Ở đầu phim, Di cùng đám bạn vui vẻ chơi trò cướp vợ, không biết phong tục đó có thể hoàn toàn thay đổi số phận của mình. Trong mắt chúng, việc một ngày có chàng trai nào đó kéo đi như một điều tự nhiên, không tồn tại sự lựa chọn khác.
Đạo diễn tập trung khai thác những biến đổi tâm lý của Di trong ba năm, dẫn đến cao trào khi cô bé bị một chàng trai mới quen bắt về làm vợ lúc 14 tuổi. Bộ phim trở thành cuộc xung đột về ý thức giữa các thế hệ, xoay quanh câu hỏi về phong tục tập quán và quyền con người. Di không muốn thuận theo tục cướp vợ, nhưng cô cũng sợ cha mẹ phải xấu hổ với làng xóm khi đi ngược nét văn hóa cổ truyền.
Đạo diễn Hà Lệ Diễm thể hiện góc nhìn trung dung, không phán xét khi khai thác đề tài dân tộc. Bộ phim không phải câu chuyện về hung thủ hay nạn nhân. Tác phẩm có nhiều phân đoạn đắt giá là các cuộc phỏng vấn ngắn giữa đạo diễn và các nhân vật. Qua lời giải thích của họ, khán giả thấu hiểu hơn suy nghĩ của người H’Mông về phong tục cướp vợ, về mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình. Tất cả đặt dấu hỏi nghi ngại nhưng không chống lại hành động đã tồn tại bao đời. Vàng – chàng trai kéo Di về làm vợ – nói: “Hình như nước đi này sai sai. Em cũng không biết sao lại bắt nó. Em vẫn còn trẻ”.
Cha mẹ Di hay Vàng không ép buộc các con phải sống theo kiểu cũ. Khúc mắc giữa họ và lũ trẻ cũng giống như bao bậc cha mẹ, xuất phát từ tình yêu thương con.
Bộ phim cũng thể hiện sự tiếp cận của chính quyền, nhà trường tới đời sống tinh thần của người dân tộc thiểu số. Thầy cô, công an địa phương xuất hiện can thiệp khi sự việc trở nên căng thẳng, nhưng chỉ dừng ở mức tư vấn, tuyên truyền, không ép buộc. “Bây giờ cưới mà đẻ là không làm giấy khai sinh cho con được đâu đấy”, một cô giáo nói khi gặp mặt hai gia đình.
Bên cạnh câu chuyện của Di, đạo diễn Hà Lệ Diễm ghi lại những khoảnh khắc chân thực về cuộc sống người H’Mông ở Sa Pa. “Người Mèo thì chắc chắn là nghèo thôi”, một nhân vật trong phim nói khi mẹ Di hỏi thông tin về gia đình cậu bé kéo con gái mình về làm vợ. Người dân nơi đây phải tính toán từng tiểu tiết, như việc có nên đổi con gà nhà mình lấy con gà khác to hơn. Tuy nhiên, họ luôn lạc quan, chăm chỉ lao động và tận hưởng cuộc sống.
Ngoài việc thể hiện nội dung hấp dẫn, Những đứa trẻ trong sương còn có những hình ảnh đẹp mắt và cách kể chuyện, cắt dựng hấp dẫn. Khung cảnh rừng núi phía Bắc Việt Nam hiện lên trong các khung hình giàu tính nghệ thuật.
Vân Anh
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/nhung-dua-tre-trong-suong–phim-chau-a-hay-nhat-tung-lot-top-15-oscar-2023-post247620.html