Muối làm từ cỏ thơm, trứng kiến chỉ có ở Gia Lai có hương vị độc đáo. Còn loại bún ngũ sắc ở Cao Bằng cũng có hương vị thơm ngon, đặc trưng.
Đặc sản độc lạ chỉ có ở Gia Lai: Muối làm từ cỏ, trứng kiến
Không chỉ nổi tiếng với cà phê, Gia Lai còn có những đặc sản nức tiếng độc, lạ không nơi nào có được. Báo Dân Việt cho hay, thứ muối được làm từ trứng kiến, cỏ thơm,… chỉ có ở Gia Lai.
Muối cỏ thơm được làm từ một loại cỏ thơm, mùi cay nồng. Loại cỏ này rất hiếm, vài năm mới xuất hiện một lần và chỉ mọc ở những cánh rừng ẩm ướt, có khí hậu mát lạnh. Còn muối kiến vàng là một loại muối được làm từ xác kiến và trứng kiến, tạo nên hương vị cân bằng, độc đáo.
Bún ngũ sắc Cao Bằng hút khách dịp Tết
Bún ngũ sắc là đặc sản nức tiếng ở Cao Bằng. Báo Dân Việt cho biết, cứ đến dịp cận Tết, nhiều người lại tìm mua bằng được bún khô ngũ sắc Cao Bằng để ăn hoặc làm quà biếu Tết.
Đây là loại bún được chế biến từ gạo tẻ kết hợp với các nguyên liệu tự nhiên như ngô, lá chùm ngây, hoa đậu biếc, lá cẩm, gấc… tạo thành sản phẩm “bảy sắc cầu vồng” hút khách. Trên thị trường, bún ngũ sắc Cao Bằng được bán với giá từ 50-70 nghìn đồng/kg và được rất nhiều người yêu thích bởi màu sắc đẹp, sợi vừa dai vừa mềm và hương vị thơm ngon, đặc trưng.
Cho chè ‘ăn’ trứng gà thu về cả nghìn USD mỗi kg
Xã Tức Tranh – nơi có vùng chè Khe Cốc được mệnh danh là tứ đại danh trà Thái Nguyên – quy tụ nhiều nông dân lão luyện, giàu kinh nghiệm. Đây là một vùng chè sạch nguyên bản không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Nhiều người dân tại Tức Tranh áp dụng việc bón trứng gà, mật ong cho những cây chè. Phương pháp này lúc đầu khiến nhiều người hồ nghi nhưng khi chứng kiến thành quả ai nấy đều trầm trồ về độ ngon, ngọt và hương vị của sản phẩm chè này.
Giá bán mỗi hộp chè loại này từ 23-25 triệu đồng/kg. Nhiều gia đình mỗi tháng có thể thu về từ 3-5kg chè thượng hạng từ cách làm trên.
Độc đáo phiên chợ huyền bí họp lúc nửa đêm
Chợ Âm – Dương nằm ở địa phận làng Ó, nay là làng Xuân Ổ (xã Võ Cường, TP. Bắc Ninh). Báo Tiền Phong thông tin, mỗi năm, chợ chỉ họp một lần vào đêm mồng 4 rạng ngày mồng 5 tháng Giêng Âm lịch. Phiên chợ dựa trên quan niệm dân gian cho rằng người dương đi chợ với người âm, cùng mua may bán rủi, những người đi chợ không dám nói cười ồn ào, vì sợ linh hồn hoảng sợ; không dám thắp đèn vì sợ gà sẽ cất tiếng gáy, làm linh hồn tan tác… Đặc biệt, tại phiên chợ này, người mua, kẻ bán không mặc cả, không đếm tiền.
Tương tự, chợ Gò (thị trấn Tuy Phước, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định) mỗi năm chỉ họp duy nhất vào ngày mồng 1 tết Âm lịch nhưng thu hút hàng vạn người đến mua lộc cầu may và vui xuân. Sản phẩm được đem ra bán chủ yếu là “cây nhà lá vườn” của những cư dân quanh vùng nuôi trồng được. Đã thành nét đẹp văn hóa truyền thống, người bán tại chợ Gò không hề nói thách, còn người mua cũng không trả giá.
Làng trồng bí đao ‘khổng lồ’, nặng hơn nửa tạ/quả ở Bình Định
Bao đời nay, người dân làng Chánh Trạch 1, 2 (xã Mỹ Thọ, huyện Phù Mỹ, Bình Định) luôn tự hào bí đao khổng lồ của làng là “độc nhất vô nhị” ở Việt Nam, bởi bình quân mỗi quả bí nặng từ 40-60 kg. Báo Dân Trí cho hay, đến nay, chưa có nhà khoa học nào lý giải vì sao bí đao ở vùng đất Chánh Trạch lại cho quả to đến vậy.
Còn người làng Chánh Trạch cho rằng giống bí độc nhất vô nhị cho trái to khổng lồ là do thổ nhưỡng hiếm có và một phần “bí kíp” chọn giống, cách trồng truyền thống.
Đàn trâu trắng muốt độc đáo ở Quảng Nam
Một nông dân ở Quảng Nam đang sở hữu 6 con trâu trắng quý giá. Đàn trâu độc đáo này của bà Lê Thị Bửu (62 tuổi, Phú Ninh, Quảng Nam). Đây là đàn trâu trắng nhiều nhất Quảng Nam.
Giống trâu trắng được gia đình bà Bửu nuôi có màu trắng sáng hồng vô cùng lạ mắt và trên lưng có nhiều cặp xoáy đối xứng. Đặc biệt, chân trâu khuỳnh to, bước đi nhanh, chắc chắn nên khả năng cày bừa của trâu trắng vô cùng giỏi.
Món bánh ‘cầu duyên’ đặc biệt, mỗi năm chỉ bán đúng 1 lần
Tại TP.HCM, có một món bánh khác vô cùng đặc biệt, mỗi năm chỉ bán đúng một lần vào dịp Tết Nguyên Đán, đó chính là món bánh lựu cầu duyên. Doanh Nghiệp và Tiếp Thị cho hay, món bánh này có nguồn gốc từ Quảng Châu, được những người Hoa mang về bán ở khu vực Chợ Lớn cách đây hơn 30 năm.
Các nguyên liệu chủ yếu gồm bột gạo, có nơi dùng thêm bột mì và mạch nha để làm vỏ bánh. Nhân bánh thì gồm có đậu phộng rang, cốm nếp, hạt sen và đường mạch nha…
Lão gàn “hô biến” gốc tre thành rồng bay, phượng múa
Nhiều người coi các gốc tre là thứ phế phẩm hay chỉ để làm củi đun nhưng theo Báo Dân Trí, ông Trần Văn Hùng (ở Quảng Nam) đã “hô biến” chúng thành rồng bay, phượng múa.
“Việc chế tác các sản phẩm thủ công từ tre đến với tôi như một cơ duyên. Trong lần chẻ tre làm nhà, những gốc tre uốn lượn đẹp mắt làm tôi ấn tượng. Nên tôi mới nảy ra ý tưởng sẽ “biến” chúng thành những đồ vật lạ mắt”, ông Hùng nói. Đến nay, ông đã có hàng trăm tác phẩm, mỗi tác phẩm mỗi kích thước, hình dáng khác nhau, tác phẩm nào cũng sống động.
Rau sạch nhất Việt Nam, trồng trên ruộng đá tưới nước giếng cổ
Từ nguồn nước sạch tự nhiên trong giếng cổ hàng nghìn năm tuổi có từ thời vương quốc Chăm Pa, người dân ở xã Gio An, (huyện Gio Linh, Quảng Trị) đã trồng ra một loại rau có tên xà lách xoong (còn gọi là rau liệt).
Đặc biệt, loài rau này chỉ tươi tốt khi sống ở các vùng nước trong veo, mát lành, sạch sẽ. Chỉ cần dính dù chỉ một chút bùn lầy hoặc nước bẩn thì sẽ tự úa vàng và chết đi.
Khánh Hà/Văn hiến Việt Nam