Thời phong kiến, vua là tối thượng, mọi thứ liên quan đến vua đều được bảo vệ chặt chẽ, kể cả tên vua và những người thân nên sinh ra lệ kị húy rất phức tạp.
Nước ta, từ thời Trần, đã có lệ kiêng húy, như ông nội của vua đầu tiên đời Trần (Trần Thái Tông) tên là Trần Lý, nên triều đình bắt họ Lý phải đổi ra họ Nguyễn, cũng để nhân dân quên đi sự tồn tại của triều đại trước. Tuy nhiên, thời Trần, chúng ta chỉ thấy kiêng tên chứ chưa thấy địa danh nào phải đổi vì trùng tên vua.
Lệ kiêng tên húy chủ yếu từ thời Lê, nhất là thời Lê Trung hưng khi các vua đều được đặt bằng những tên hay, như do kiêng tên vua Lê Trang Tông là Lê Ninh, nên tất cả các địa danh có chữ Ninh đều phải đổi hết, như huyện Vĩnh Ninh đổi thành Vĩnh Phúc, tức là huyện Vĩnh Lộc, Thanh Hóa ngày nay.
Vua Lê Thế Tông tên thật là Duy Đàm, nên huyện Thanh Đàm phải đổi thành Thanh Trì (Trì là cái ao, Đàm là cái đầm). Vua Lê Chân Tông tên là Duy Hựu, nên huyện Thuần Hựu phải đổi thành Thuần Lộc, nay là huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa.
Lệ kiêng húy còn kéo dài mãi đến tận cuối thế kỷ XIX, khi thực dân Pháp đã áp đặt chế độ bảo hộ, nhưng triều đình nhà Nguyễn vẫn còn cai trị trên danh nghĩa. Đó là trường hợp huyện Chiêu Linh ở Quảng Trị, vì kiêng tên của vua Thành Thái vừa lên ngôi (năm 1889), phải đổi thành huyện Vĩnh Linh. Vua Thành Thái vốn tên thật là Bửu Lân, nhưng khi lên ngôi, triều đình chọn một chữ có bộ Nhật để làm tên chính của nhà vua theo truyền thống, đó là chữ Chiêu.
Thời Lê trung hưng, quyền lực nằm trong tay các chúa Trịnh, nên ở Đàng ngoài còn có lệ kiêng cả tên húy các chúa Trịnh nữa. Theo phần chú giải sách “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi trong bản in năm 1959 thì ở Thanh Hóa thời Lê về trước có tên dãy núi Tùng ở huyện Thụy Nguyên (sau là huyện Thiệu Hóa), sau này vì kiêng tên húy của chúa Trịnh Tùng mà dãy núi không còn tên nữa.
Chúa thứ ba của họ Trịnh là Trịnh Tạc (cai trị trong giai đoạn 1657 – 1682), được vua Lê phong cho tước Tây vương, nên triều thần cũng kiêng húy của ông. Nhưng với vị chúa này, chữ húy được áp dụng vào chữ Tây trong tước hiệu của ông, nên một loạt địa danh có chữ Tây đều phải đổi tên sau đó.
Cụ thể, huyện Tây Chân ở xứ Sơn Nam hạ đổi thành huyện Nam Chân. Huyện này đến thời Nguyễn đổi thành Nam Trực (hai chữ Chân và Trực đều có nghĩa là ngay thẳng). Huyện Nam Trực xưa sau tách thành hai huyện Nam Trực và Trực Ninh tỉnh Nam Định ngày nay.
Cũng vì kiêng chữ Tây, nên xứ Sơn Tây thời đó được gọi là xứ Đoài, còn Hồ Tây ở Thăng Long cũng được gọi là Đoài hồ. Đoài là một cung trong Bát quái, chỉ về hướng Tây.
Sang đến chúa Trịnh Giang (cai trị từ 1729 – 1740) thì số các địa danh phải đổi do trùng tên chúa rất lớn, do chữ Giang rất thông dụng. Rất nhiều huyện ở nước ta được đặt tên theo tên con sông lớn ở địa phương, nên tên huyện có chữ “giang” phía sau và đều phải đổi hết. Như ở Thanh Hóa, một loạt các huyện Lương Giang, Bình Giang, Nga Giang, Tống Giang được đổi thành Thiệu Nguyên (Thụy Nguyên, nay là Thiệu Hóa và Ngọc Lặc), Quảng Bình, Nga Sơn, Tống Sơn (Hà Trung ngày nay).
Riêng tên huyện Quảng Bình, trước đó mang tên Lỗi Giang (Lỗi giang tức là sông Mã) thời Trần, đến thời thuộc Minh đổi thành Bình Giang, tên đó được vua Lê Thánh Tông chính thức chấp nhận, nhưng đến thời chúa Trịnh Giang phải đổi thành Quảng Bình. Thời Tây Sơn, lại kiêng tên vua Quang Trung (vua còn có tên Nguyễn Quang Bình) nên đổi thành Quảng Bằng, và qua thời vua Gia Long đổi trở lại thành Quảng Bình. Sau khi đổi tên nhiều lần thì huyện này không còn tên, nay là vùng đất thuộc huyện Thạch Thành, Thanh Hóa.
Huyện Để Giang ở trấn Sơn Tây (Để Giang là tên chữ Hán của sông Đáy) lúc này phải đổi thành huyện Sơn Dương (nay thuộc tỉnh Tuyên Quang), và phủ Thao Giang đổi ra phủ Lâm Thao. Phủ này gồm các huyện: Thanh Ba, Sơn Vi (sau đổi thành huyện Lâm Thao), Hạ Hoa (sau là Hạ Hòa), Phù Ninh thuộc tỉnh Phú Thọ ngày nay.
Huyện La Giang ở Nghệ An thời này cũng được đổi thành La Sơn (tức huyện Đức Thọ ngày nay), nên sau này danh sĩ Nguyễn Thiếp sống cuối thời Lê và trong thời Tây Sơn mới được gọi là La Sơn phu tử. Huyện Thanh Giang đổi thành huyện Thanh Chương.
Đặc biệt, thời chúa Trịnh Giang trị vì, đất nước còn đang chia đôi, Đàng Trong do chúa Nguyễn quản lý, nhưng nhà Lê vẫn xác nhận đây là đất này là của mình nên tất cả các huyện tên có chữ Giang ở Đàng Trong đều được đổi tên hết trong các văn bản, sách vở ở Đàng Ngoài, như huyện Lê Giang đổi thành Lễ Dương (tức huyện Thăng Bình ở Quảng Nam ngày nay), huyện Nghĩa Giang đổi thành Nghĩa Sơn. Huyện Nghĩa Sơn sau lại được đổi tên thành Chương Nghĩa, ngày nay là huyện Tư Nghĩa và một phần huyện Nghĩa Hành tỉnh Quãng Ngãi.
Ở xứ Kinh Bắc thời đó có huyện Vũ Giang, vốn trước tên là Vũ Ninh, vì kiêng tên húy vua Lê Trang Tông đổi thành Vũ Giang, lúc này phải gọi chệch âm thành Võ Giàng hoặc Vũ Giàng. Tên huyện Võ Giàng được sử dụng đến ngày nay. Xứ Đông có huyện Cẩm Giang cũng vì kiêng tên chúa Trịnh Giang nên được gọi chệch thành Cẩm Giàng từ thời đó, nay huyện thuộc tỉnh Hải Dương.
Sau thời chúa Trịnh Giang trị vì, em ông là Trịnh Doanh kế tiếp. Chúa Trịnh Doanh được vua Lê phong tước Minh Đô vương nên thời đó tiếp tục kiêng chữ Minh, tuy nhiên không hiểu vì sao các tên địa danh có chữ Minh chỉ phải đọc chệch đi mà không phải đổi tên.
Cụ thể, huyện Sơn Minh ở phủ Ứng Hòa, trấn Sơn Tây được đọc thành Sơn Miêng, sau mới đổi thành huyện Sơn Lãng (Ứng Hòa ngày nay). Ở xứ Hải Dương, huyện Tiên Minh cũng vì lí do này, được đọc trại đi thành Tiên Miêng. Sang thời Nguyễn, huyện này đổi tên thành Tiên Lãng, nay thuộc thành phố Hải Phòng.
Theo Giáo dục và Thời đại