Những dấu son của ngành văn hóa năm 2021

14:26 | 10/01/2022

Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021 diễn ra tốt đẹp; Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phê duyệt “Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030; Nghệ thuật Xòe Thái được UNESCO vinh danh; Di sản phi vật thể đại diện của nhân loại; Núi Chúa và Kon Hà Nừng ghi danh Khu dự trữ sinh quyển thế giới và hai danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Xuân Hương UNESCO vinh danh “Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2022 – 2023”… là những dấu son của ngành văn hóa năm 2021.


Một tiết mục trong Chương trình nghệ thuật “Niềm tin và khát vọng” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức chào mừng Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.

“Hội nghị Diên Hồng” ngành văn hóa

Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021 diễn ra ngày 24/11, cổ vũ giá trị sáng tạo để nâng cao tầm vóc của con người Việt Nam hội nhập quốc tế. Không chỉ tham quan triển lãm “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực Ban bí thư Võ Văn Thưởng còn trực tiếp chủ trì Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021.

Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021 là hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ ba, sau hai hội nghị văn hóa toàn quốc được tổ chức vào năm 1946 và 1948. Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021 nhằm triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13 về lĩnh vực văn hóa, hệ thống lại các quan điểm của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa từ trước đến nay và xây dựng hệ giá trị con người Việt Nam.

Hội nghị văn hóa toàn quốc 2021 diễn ra trong bối cảnh Việt Nam đang tích cực hội nhập quốc tế một cách sâu rộng và bền vững. Văn hóa muốn hòa nhập mà không bị hòa tan, thì mỗi đất nước đều phải xác định rõ ràng vai trò then chốt của văn hóa. Nói cụ thể hơn, văn hóa là bước tiến đầu tiên và cũng là chốt chặn sau cùng cho sự tồn vong của mỗi xứ sở, mỗi dân tộc.

Hội nghị Văn hóa toàn quốc đã đánh giá một cách tương đối toàn diện việc triển khai đường lối, chủ trương, các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng về công tác văn hóa, văn nghệ thời gian qua; kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới đất nước và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045.

Đồng thời, Hội nghị là diễn đàn để lắng nghe và là dịp cổ vũ, động viên các các nhà văn hóa, trí thức, văn nghệ sĩ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong ý chí, hành động; liên kết các lực lượng làm công tác văn hóa, văn nghệ trong và ngoài nước tạo thành một mặt trận đồng lòng, dốc sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại, triển khai thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Với những kết quả to lớn đạt được, Hội nghị được kỳ vọng sẽ tạo động lực khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; phát huy ý chí và sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, kết hợp với sức mạnh thời đại.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam nhấn mạnh việc cần đánh giá đúng những gì đã đạt được, nhìn thẳng vào bất cập, thiếu sót, để thống nhất nhận thức, từ đó chấn hưng văn hóa.

Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa ký Quyết định 1909/QĐ-TTg ngày 12/11/2021 phê duyệt Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030.

Mục tiêu chung: Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam toàn diện, phù hợp với xu thế thời đại, yêu cầu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những tác động to lớn với kinh tế, xã hội và con người của thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng…; Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong các lĩnh vực của đời sống xã hội. Không ngừng nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, từng bước thu hẹp khoảng cách về hưởng thụ văn hóa giữa thành thị và nông thôn, giữa các vùng miền, các đối tượng chính sách và yếu thế; chú trọng phát triển văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số; Hoàn thiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực văn hóa gắn với nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng, lợi thế; Có cơ chế đột phá để thu hút, trọng dụng nhân tài, huy động nguồn lực để phát triển văn hóa, con người.

70% di tích quốc gia sẽ được tu bổ, tôn tạo.

Đến năm 2030, ngành văn hóa phấn đấu 100% đơn vị hành chính cấp tỉnh có đủ 3 loại hình thiết chế văn hóa, gồm: Trung tâm Văn hóa hoặc Trung tâm Văn hóa – Nghệ thuật, bảo tàng, thư viện; 100% đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã có Trung tâm Văn hóa – Thể thao; Phấn đấu ít nhất 95% di tích quốc gia đặc biệt và khoảng 70% di tích mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được xây dựng đề án, chương trình bảo vệ và phát huy giá trị. Có ít nhất 5 di sản được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp quốc (UNESCO) ghi danh theo các Công ước của UNESCO; Bảo đảm ít nhất 75% người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, 80% các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi được hưởng thụ và tham gia các hoạt động văn hóa, nghe, xem các kênh phát thanh, kênh truyền hình của quốc gia và địa phương;

Bảo đảm khoảng 85% các địa phương, cơ quan, đơn vị đạt được các danh hiệu văn hóa trong Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và các phong trào thi đua, cuộc vận động về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở. Kế thừa và phát huy tinh hoa của văn hóa gia đình truyền thống để xây dựng văn hóa gia đình hiện đại, văn minh; Hằng năm có từ 10 – 15 công trình nghiên cứu lý luận phê bình văn hóa, nghệ thuật chất lượng được công bố; có 2 tác giả đạt giải thưởng văn học ASEAN và khoảng 20 – 30 tác phẩm, công trình văn hóa, văn học nghệ thuật về lịch sử dân tộc, lịch sử đấu tranh cách mạng và công cuộc đổi mới của đất nước. Xây dựng Chương trình sáng tác, nghiên cứu về văn hóa – nghệ thuật Việt Nam trong 100 năm (1930 – 2030) dưới sự lãnh đạo của Đảng; Phấn đấu tin học hóa 100% các đơn vị thực hiện hoạt động văn hóa, nhất là các đơn vị quản lý nhà nước về văn hóa – nghệ thuật, thực hành, trình diễn văn hóa nghệ thuật; Phấn đấu giá trị gia tăng của các ngành công nghiệp văn hóa, nhất là các ngành điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, du lịch văn hóa, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo đóng góp 7% GDP; mức tăng trưởng giá trị gia tăng hàng năm trung bình đạt 7%. Phấn đấu có từ 01 đến 03 thành phố sáng tạo thuộc mạng lưới các thành phố sáng tạo UNESCO ở các lĩnh vực thiết kế, âm thực, thủ công và nghệ thuật dân gian, nghệ thuật truyền thông nghe nhìn, điện ảnh, văn học, âm nhạc; Phấn đấu tăng mức đầu tư cho văn hóa tối thiểu 2% tổng chỉ ngân sách hằng năm.

Nhiệm vụ thời gian tới, ngành văn hóa tập trung nâng cao nhận thức, đẩy mạnh tuyên truyền về phát triển văn hóa; Hoàn thiện thể chế, chính sách, khung khổ pháp lý, Xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện; Xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế, Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động văn hóa, Bảo vệ và phát huy di sản văn hóa dân tộc, Hoàn thiện cơ chế thị trường trong lĩnh vực văn hóa, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp văn hóa, Chủ động hội nhập, tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế về văn hóa…

Các di sản, thi nhân được vinh danh

Nghệ thuật Xòe Thái được ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại lúc 17 giờ 11 ngày 15/12 tại Phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 16 tại Paris (Pháp).

Nghệ thuật Xòe Thái được ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại.

Trong tiếng Thái, “Xòe” có nghĩa là múa với các động tác tượng trưng cho các hoạt động của con người trong nghi lễ, sinh hoạt văn hóa, cuộc sống, lao động. Xòe được trình diễn trong các nghi lễ, trong đám cưới, lễ hội, các sự kiện văn hóa của cộng đồng. Chủ thể của Nghệ thuật Xòe Thái là cộng đồng người Thái, cư trú ở vùng núi Tây Bắc Việt Nam. Họ là một trong 54 dân tộc sinh sống ở Việt Nam, chủ yếu canh tác trồng lúa nước. Những người thực hành Xòe là thành viên của cộng đồng người Thái, không phân biệt giới tính, lứa tuổi, nghề nghiệp và địa vị xã hội. Xòe được bà con người Thái thực hành ở 4 tỉnh Yên Bái, Lai Châu, Sơn La và Điện Biên.

Nghệ thuật Xòe Thái là di sản văn hóa phi vật thể thứ 14 của Việt Nam được UNESCO ghi danh và cũng là danh hiệu thứ 5 của Việt Nam được tổ chức này vinh danh trong năm nay (cùng với hai hồ sơ Núi Chúa và Kon Hà Nừng ghi danh Khu dự trữ sinh quyển thế giới và hai danh nhân Nguyễn Đình Chiểu, Hồ Xuân Hương được UNESCO vinh danh “Danh nhân văn hóa và sự kiện lịch sử niên khóa 2022 – 2023). Điều này không chỉ thể hiện những đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với những giá trị di sản, văn hóa dân tộc của Việt Nam mà còn thể hiện sự đóng góp của Việt Nam vào nỗ lực của UNESCO trong bảo tồn di sản, các giá trị văn hóa, thúc đẩy phát triển bền vững.

 

 

Theo PLVN

Video hay


Cùng chuyên mục

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam