Những chuyện chưa biết về tiền giọt dầu ở đền Bạch Mã

10:04 | 24/03/2019

Theo sách Việt điện u linh, Tô Lịch là tên một vị trưởng thôn ven sông chảy sát chân thành Đại La xưa. Vì có nhiều công lao nên khi ông mất, người dân nhớ ơn lấy tên ông đặt thành tên sông, tên làng và lập đền ở vị trí như ngày nay (76 phố Hàng Buồm) tôn là “Tô Lịch giang thần”. 


Đền Bạch Mã trên phố Hàng Buồm, Hoàn Kiếm, Hà Nội chính là trấn Đông kinh thành Thăng Long xưa

Khi người phương Bắc xâm chiếm nước ta, Tiết độ sứ An Nam là Cao Biền thấy sông Tô Lịch có lúc lại chảy ra sông Hồng nên cho là “nghịch thủy”. Lo sợ sự không bình thường, Cao Biền đã tổ chức tế lễ ở đền thờ “Tô Lịch giang thần” và phong ông là “Đô Phủ Thành hoàng thần quân”.

Truyền thuyết kể rằng, khi Lý Công Uẩn dời đô từ Hoa Lư ra xây thành Thăng Long trên nền thành Đại La đổ nát, nhưng cứ xây lại đổ. Ngài bèn sai người tới đền thờ Tô Lịch cầu đảo thì thấy có một con ngựa trắng từ trong đền đi ra. Ngựa trắng đi đến đâu để lại vết chân tới đấy, sau đó thì quay trở lại vào trong đền. Thấy vậy, vua liền cho xây thành, đắp đê theo đúng theo dấu chân ngựa và thành công, từ đó đền có tên mới là Bạch Mã (đền ngựa trắng).

Khi lấy Long Đỗ (rốn rồng) ở Núi Nùng để xây chính điện, vua Lý Công Uẩn đã chuyển đền Long Đỗ ra đền Bạch Mã và phong là “Quốc đô định bang Thành hoàng đại vương”. Bạch Mã trấn giữ phía Đông kinh thành và là một trong bốn ngôi đền thuộc Thăng Long tứ trấn. Hình ảnh ngựa trắng được thờ bên trong đền từ lâu đã trở thành biểu tượng rất linh thiêng của ngôi đền, được dân chúng bao đời tôn sùng.

Bên trong đền còn là nơi lưu giữ nhiều di vật cổ có giá trị, đặc biệt là hình ảnh 15 tấm văn bia ghi lại những điển tích, thần thoại trong việc xây dựng đền, những nghi lễ cúng thần và các lần trùng tu tôn tạo lại đền rất chi tiết. Đầu thế kỷ XX, chính quyền Pháp ở Hà Nội trưng mua đất ở các phố cổ để nắn thẳng phố, nhưng họ vẫn để nguyên ngôi đền vì không muốn đụng chạm vào nơi thờ thành hoàng Hà Nội. Và ngày nay, riêng ngôi đền này vẫn trồi ra gần hết hè phố trong khi các căn nhà bên cạnh phải thụt vào.

Thường các ngôi chùa, đền ở những vùng quê xưa đều được triều đình phong kiến cấp ruộng và hoa lợi thu trên diện tích đất đó dùng để mua sắm đồ phục vụ tế lễ như: Cờ, lọng, trống, nghi trượng, nến, oản, xôi… Nhưng riêng chùa, đền ở Thăng Long vì không có ruộng nên phải trông chờ vào lòng tốt của dân chúng tới lễ, gọi là tiền “giọt dầu”. Trong cuốn “Chuyện cũ bên dòng sông Tô” (thực chất là gia phả và ghi chép của dòng họ Nguyễn Đình sinh sống ở phố Hàng Ngang từ thế kỷ XVII và những chuyện quanh khu vực này) chép về tiền giọt dầu ở đền Bạch Mã rất cụ thể.

Vào mùng 1 và ngày rằm, dân trong phố ra đền lễ, ai giàu có thì bỏ vào đĩa bồng 1-2 đồng. Ai khá giả bỏ vài hào, nhà bình thường thì bỏ vài trinh tùy tâm. Còn người nghèo không có cũng không ai phàn nàn gì. Thế nhưng, chỉ trông chờ vào lòng hảo tâm của dân chúng thì nhà đền phải rất tùng tiệm mới đủ chi cho các hoạt động. Vì vậy, nhà đền đã nghĩ ra một cách…

Từ tháng Chạp, nhà đền đặt làm 8 chiếc đèn vuông và một chiếc đèn lồng. Mỗi mặt của đèn vuông có 4 chữ “Tam dương khai thái” (tên một quẻ trong Kinh dịch, biểu thị cho may mắn trong năm) có tua xanh đỏ. Đèn lồng thì lợp the điều có 3 chữ “Phúc, Lộc, Thọ” bằng trang kim dưới có tua chỉ ngũ sắc.

Từ ngày mùng 1 đến ngày mùng 7 Tết, khi ngày hạ cây nêu, đèn lồng được treo ở trước nhà Đại bái, xung quanh là 8 chiếc đèn vuông. Đến rằm tháng Giêng, nhà đền tổ chức đấu giá đèn vuông và đèn lồng. Nhà đền thường mời các nhà buôn lớn và các gia đình khá giả xung quanh đến dự thầu. Giá làm ra chiếc đèn vuông chỉ từ 3-4 tiền được nhà đền đặt 1 quan, còn đèn lồng được đặt 1 quan 3 tiền. Giá khởi điểm là như vậy, nhưng khi đưa ra đấu giá, một chiếc đèn vuông có thể lên 3 hay 4 quan tiền, còn đèn lồng thậm chí lên đến 10 quan.

Thời vua Tự Đức, trong nhiều năm liền, hai gia đình giàu có nhất Hà Nội ở phố Hàng Gai là Cống Sùng và Cống Vẽ (dân Hà Nội có câu “nhất Cống Sùng, nhì Cống Vẽ” là nói về sự giàu có) thay nhau trả giá cao mua đèn lồng. Tuy nhiên họ cũng muốn dành lộc cho người khác nên sau đó người trúng liên tục là ông Hàm Chương, chủ hiệu buôn chè và thuốc Diên Thái ở phố Hàng Ngang. Người trúng thầu được nhà đền và hào mục trong phường rước đèn về tận nhà.

Với nhà đền, số tiền lớn đó dùng để chi cho lễ hội đền tổ chức vào ngày 12 và 13-2 (Âm lịch). Nhưng trước hội đền, nhà đền tổ chức lễ rước nước từ sông Hồng về để lau rửa đồ thờ. Lễ rước nước rất hoành tráng nên cũng tốn kém. Đi đầu là 4 lá cờ ngũ hành, tiếp đến là  đội ngũ trống chiêng. Chiếc trống cái của đền Bạch Mã rất to, đường kính mặt da là 1m và phải đặt lên xe 4 bánh để kéo.

Tiếp đến là dàn cà rùng, dàn nghi trượng lỗ bộ, phường bát âm, long đình đặt đèn hương có lọng che, sau cùng là kiệu Thần cùng tàn quạt. Đi theo có kỳ mục phường Hà Khẩu và cuối cùng là 2 anh chàng khăn nón, áo the nhà Nho, chân đi cà kheo cao lêu đêu, tay phe phẩy chiếc quạt mua vui cho hàng phố.

Người nhiều tiền mua đèn lồng không phải làm ơn cho đền mà họ tin rằng treo đèn trong nhà là được khước, cả năm buôn bán gặp người quân tử, tránh kẻ tiểu nhân. Như vậy nhà đền có tiền và người  trúng  cũng vui vẻ. Năm 1882, Pháp đánh thành Hà Nội lần thứ 2 rồi sau đó Hà Nội loạn giặc Cờ Vàng nên nhà đền không dám tổ chức nữa. Từ đó tục đấu giá đèn lồng của đền Bạch Mã không còn.

 

Theo ANTĐ

Video hay


Cùng chuyên mục

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024