Từ tháng 10, nhiều quy định mới có hiệu lực liên quan đến hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19, đào tạo thạc sĩ trực tuyến, miễn học phí, đăng kiểm ô tô, xác nhận mua nhà ở xã hội…
Hỗ trợ người lao động bị ảnh hưởng bởi Covid-19
Theo Nghị quyết số 116 về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, thời gian thực hiện việc hỗ trợ từ ngày 1/10/2021 và hoàn thành chậm nhất vào ngày 31/12/2021. Nguồn kinh phí thực hiện chính sách là khoảng 38.000 tỷ đồng từ kết dư Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp đến hết năm 2020.
Mức hỗ trợ dựa trên cơ sở thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp chưa hưởng trợ cấp thất nghiệp của người lao động.
Cụ thể, người có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp dưới 12 tháng sẽ được hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người. Người có thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng đến dưới 60 tháng được hỗ trợ 2,1 triệu đồng/người; từ đủ 60 tháng đến dưới 84 tháng là 2,4 triệu đồng/người; từ đủ 84 tháng đến dưới 108 tháng 2,65 triệu đồng/người; từ đủ 108 tháng đến dưới 132 tháng 2,9 triệu đồng/người; từ đủ 132 tháng trở lên được hỗ trợ 3,3 triệu đồng/người.
Người sử dụng lao động được giảm mức đóng từ 1% xuống bằng 0% quỹ tiền lương tháng của những người lao động thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Thời gian thực hiện giảm mức đóng là 12 tháng, kể từ ngày 1/10/2021 đến hết ngày 30/9/2022.
Người lao động nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa (Ảnh: Bình Minh).
Được đào tạo thạc sĩ trực tuyến khi có thiên tai, dịch bệnh
Thông tư số 23/2021/TT-BGDĐT về Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ chính thức có hiệu lực từ ngày 15/10/2021. Trong đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo bổ sung các quy định mới, cho phép trong trường hợp thiên tai, dịch bệnh và các trường hợp bất khả kháng khác, cơ sở đào tạo thực hiện đào tạo và đánh giá trực tuyến các học phần theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Trong điều kiện bình thường, các cơ sở đào tạo được tổ chức các lớp học trực tuyến với khối lượng học tập không vượt quá 30% tổng khối lượng của chương trình đào tạo khi đáp ứng các quy định hiện hành về ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và tổ chức đào tạo qua mạng; bảo đảm chất lượng không thấp hơn so với các lớp học trực tiếp.
Ngoài ra, mỗi học viên có một hoặc hai người hướng dẫn luận văn, trong đó phải có một người là giảng viên cơ hữu của cơ sở đào tạo. Tại một thời điểm, một người hướng dẫn độc lập không quá 5 học viên (tính cả số học viên thực hiện học phần tốt nghiệp của chương trình định hướng ứng dụng); trường hợp đồng hướng dẫn 2 học viên được tính tương đương hướng dẫn độc lập một học viên.
Đăng kiểm ô tô có nhiều quy định mới
Thông tư 16/2021 của Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ có hiệu lực từ ngày 1/10/2021 (thay thế Thông tư 70/2015/TT-BGTVT).
Đáng chú ý nhất, những xe kinh doanh vận tải đến 9 chỗ ngồi như xe taxi, xe công nghệ… sẽ được tăng thời gian kiểm định lên 24 tháng đối với chu kỳ đầu và 12 tháng đối với chu kỳ tiếp theo.
Thông tư cũng quy định về mẫu tem kiểm định mới để phân biệt giữa ô tô có kinh doanh vận tải và ô tô không doanh vận tải và điều chỉnh chu kỳ đăng kiểm theo hướng tăng thời gian đối với xe kinh doanh vận tải đến 9 chỗ ngồi.
Từ 1/10, không cần phải xuất trình bảo hiểm trách nhiệm dân sự khi đi đăng kiểm.
Ngoài ra, người đi đăng kiểm không còn phải xuất trình bảo hiểm xe như quy định cũ, mà chỉ cần xuất trình giấy tờ về đăng ký xe hoặc giấy hẹn cấp giấy đăng ký xe. Đồng thời, cần nộp bản chính Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới đối với trường hợp xe cải tạo.
Bốn trường hợp ô tô bị cảnh báo đăng kiểm, gồm: Xe có khiếm khuyết, hư hỏng, kiểm định không đạt; Xe thanh lý không có thông tin trong cơ sở dữ liệu sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, kiểm định thì đơn vị đăng kiểm sẽ xác minh sự phù hợp của xe trên cơ sở dữ liệu về đăng ký xe, qua xác minh, không phù hợp với xe trên thực tế; Xe tạm nhập, tái xuất; Xe vi phạm giao thông quá hạn giải quyết.
Bổ sung nhiều trường hợp học sinh, sinh viên được miễn học phí
Nghị định 81/2021 của Chính phủ về chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập… sẽ có hiệu lực từ 15/10.
Nghị định nêu rõ: Khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh, các sự kiện bất khả kháng do cơ quan có thẩm quyền công bố, tùy theo mức độ và phạm vi thiệt hại, UBND cấp tỉnh trình HĐND cấp tỉnh xem xét, quyết định không thu học phí trong thời hạn nhất định đối với trẻ em học mẫu giáo và học sinh phổ thông công lập, học viên học tại cơ sở giáo dục thường xuyên theo chương trình giáo dục phổ thông thuộc vùng bị thiên tai, dịch bệnh, vùng xảy ra các sự kiện bất khả kháng.
Các tỉnh xem xét, quyết định không thu học phí khi thiên tai, dịch bệnh (Ảnh minh họa).
Nghị định quy định 2 đối tượng không phải đóng học phí gồm: Học sinh tiểu học trường công lập; người theo học các ngành chuyên môn đặc thù đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng, an ninh theo quy định của Luật Giáo dục đại học.
Bên cạnh đó, Nghị định cũng quy định 19 đối tượng được miễn học phí. Đồng thời bổ sung thêm nhiều học sinh, sinh viên thuộc đối tượng được miễn học phí so với quy định trước đây như: Người học chương trình trung cấp, cao đẳng mồ côi cả cha lẫn mẹ, không nơi nương tựa; học sinh cấp hai ở thôn/bản đặc biệt khó khăn; người học các ngành, nghề chuyên môn đặc thù…
Ban hành mẫu giấy xác nhận để mua nhà ở xã hội mới
Thông tư 09/2021 của Bộ Xây dựng hướng dẫn về phát triển và quản lý nhà ở xã hội có hiệu lực từ 1/10/2021. Ban hành kèm thông tư này là các mẫu giấy tờ chứng minh đối tượng, điều kiện để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội mới, thay thế cho các mẫu ban hành kèm Thông tư số 20/2016/TT-BXD.
Sở Xây dựng địa phương nơi có dự án có trách nhiệm kiểm tra, cập nhật danh sách các đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội lên Cổng thông tin điện tử của Sở Xây dựng và Bộ Xây dựng. Nội dung thông tin cập nhật gồm: Họ và tên; số Chứng minh nhân dân hoặc thẻ quân nhân hoặc thẻ căn cước công dân hoặc số hộ chiếu hoặc số đăng ký thường trú; địa chỉ thường trú; những người có tên trong hộ gia đình; tên dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.
Trường hợp người có nhu cầu mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội đã được chủ đầu tư dự án đưa vào danh sách mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội của dự án, nhưng người đó không còn có nhu cầu mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội thì chủ đầu tư dự án đó có trách nhiệm báo cáo Sở Xây dựng để cập nhật lại danh sách đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội trên Cổng thông tin điện tử của Sở Xây dựng và Bộ Xây dựng.
Quy định mới về nghỉ phép của quân nhân chuyên nghiệp, viên chức quốc phòng
Thông tư 109/2021/TT-BQP sửa đổi Thông tư 113/2016 của Bộ Quốc quy định chế độ nghỉ của quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng (có hiệu lực thi hành từ ngày 10/10) quy định, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng được nghỉ phép hằng năm như sau: Dưới 15 năm công tác được nghỉ 20 ngày; từ đủ 15 năm công tác đến dưới 25 năm công tác được nghỉ 25 ngày; từ đủ 25 năm công tác trở lên được nghỉ 30 ngày.
Cán bộ, chiến sĩ công tác tại quần đảo Trường Sa (Ảnh: Trọng Trinh).
Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng đóng quân ở đơn vị xa gia đình (nơi cư trú của vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp; bố, mẹ, người nuôi dưỡng hợp pháp của bản thân, của vợ hoặc của chồng) khi nghỉ phép hằng năm được nghỉ thêm:
Mười ngày khi thuộc một trong các trường hợp sau: Đóng quân cách xa gia đình từ 500 km trở lên; đóng quân ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới cách xa gia đình từ 300 km trở lên; đóng quân tại các đảo thuộc quần đảo Trường Sa và ở Nhà giàn DK1.
Năm ngày khi thuộc một trong các trường hợp sau: Đóng quân cách xa gia đình từ 300 km đến dưới 500 km; đóng quân ở địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới cách xa gia đình từ 200 km đến dưới 300 km và có hệ số khu vực 0,5 trở lên; đóng quân tại các đảo được hưởng phụ cấp khu vực…
Thế Kha
Theo Dân Trí