Sân khấu du lịch cần giải pháp đồng bộ

10:25 | 22/06/2022

Tại buổi tọa đàm trực tuyến “Sân khấu truyền thống với du lịch” do CLB Nhà báo Sân khấu thuộc Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam tổ chức mới đây, các sân khấu công lập đã đề xuất một số giải pháp để sản phẩm du lịch gắn với sân khấu truyền thống


Theo các nghệ sĩ, lâu nay sân khấu truyền thống ở các nước trong khu vực châu Á làm rất tốt việc giới thiệu với du khách những chương trình nghệ thuật, vừa quảng bá được nét đặc trưng của đất nước vừa mang lại doanh thu cho các đoàn nghệ thuật.

Luật biểu diễn nghệ thuật

Thế nhưng, sân khấu truyền thống của Việt Nam vẫn chưa có nhiều chương trình nghệ thuật, những sản phẩm phù hợp để phục vụ khách du lịch. Đây là điều mà các nghệ sĩ sân khấu truyền thống quan tâm, các đơn vị lữ hành du lịch cũng trăn trở.

Chương trình “Sắc ấn ngọc phương Nam” – một trong những chương trình nghệ thuật được Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP HCM đầu tư cho sân khấu du lịch

Tại TP HCM có các chương trình sân khấu du lịch đang tạo được sức hấp dẫn đối với du khách đó là: “À ố show”, “Teh Dar” (diễn tại Nhà hát Thành phố), “Mekong show” (diễn tại rạp bạt xiếc Công viên Gia Định) và “Múa rối truyền thống Việt Nam” (diễn tại sân khấu rối nước Rồng Vàng – Cung Văn hóa Lao Động); vé của các suất diễn thời điểm hiện nay đều đã bán hết.

Sự khởi sắc này cho thấy nhu cầu được xem nghệ thuật khi đến TP HCM của du khách là rất lớn. Theo ông Huỳnh Anh Tuấn (Sân khấu IDECAF), cần có chiến lược để phát triển, trong đó việc thay đổi trong chủ trương, chính sách mới, nhất là ban hành luật biểu diễn nghệ thuật để xây dựng nền móng sân khấu, phát huy được năng lực sân khấu, trong đó có sân khấu truyền thống dành cho du lịch.

“Năm 2015, Luật Điện ảnh ra đời với nhiều quy định mới, tạo một không gian phát triển cho nền điện ảnh nước nhà. Riêng lĩnh vực nghệ thuật sân khấu, mọi chuyện vẫn chưa thấy rục rịch. Từ sau năm 1975 tới nay, tất cả nghệ sĩ sân khấu, giới làm nghệ thuật TP HCM nói riêng và nghệ sĩ cả nước nói chung vẫn đang cần một luật về nghệ thuật biểu diễn. Mặc dù đã có những chỉ đạo kịp thời của Đảng, Nhà nước phù hợp với từng thời kỳ nhưng chúng tôi đã biểu diễn mà không có luật đi kèm, dẫn đến nhiều bất cập trong hoạt động làm nghề” – ông Huỳnh Anh Tuấn trăn trở.

NSƯT Ca Lê Hồng cho rằng sân khấu du lịch tại TP HCM cần có sự trợ vốn để đầu tư chất lượng nghệ thuật đỉnh cao. Sân khấu tư nhân nếu được vay ưu đãi sẽ tạo điều kiện để các thương hiệu đầu tư sản phẩm du lịch tốt. Theo bà, đây là một yêu cầu chính đáng, nhất là khi thị trường biểu diễn nghệ thuật hiện nay đang đối mặt với nhiều khó khăn, “chôn vốn” vào sân khấu du lịch như cách làm của “À ố show” phải mất nhiều năm trời bù lỗ để giữ thương hiệu.

“Nếu có luật biểu diễn thì các bộ, ngành sẽ có trách nhiệm rõ ràng trong thực hiện các chính sách, thúc đẩy nền sân khấu nghệ thuật phát triển, trong đó có sân khấu du lịch” – NSND Trần Minh Ngọc nhận định.

“Tổng chỉ huy” nghệ thuật

Ông Phạm Ngọc Tuấn, Giám đốc Nhà hát Tuồng Việt Nam, cho rằng nghệ thuật tuồng bắt tay với du lịch trong nhiều năm qua nhưng vẫn chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng. Nguyên nhân là do cơ chế, chính sách để tạo động lực còn thiếu; chưa khuyến khích được các công ty du lịch và lữ hành khai thác sân khấu truyền thống đưa vào các tour du lịch.

Ở một góc nhìn khác, Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, NSND Nguyễn Thị Bích Ngoan, cho biết: “Chúng tôi đã hợp tác với các tour đưa du khách Nhật, Hàn, các nước châu Âu đến xem. Kết quả bước đầu là khả quan. Tuy nhiên, hơn 2 năm qua do dịch Covid -19 nên chương trình phải tạm dừng. Hiện chương trình đang được khởi động lại song vẫn còn nhiều bất cập như kinh phí đầu tư cho bộ phận truyền thông tiếp thị không có nên hoạt động này của nhà hát hiện rất hạn chế, các trang web chỉ có tiếng Việt, không có tiếng Anh nên không thể quảng bá đến khách du lịch quốc tế. Việc bán vé qua hình thức trực tuyến cũng chưa thực hiện được”.

“Do điểm diễn của Nhà hát Múa rối Việt Nam nằm ngay ở khu vực phố cổ nên có thuận lợi trong việc kéo khán giả đến xem nhưng về lâu về dài, nhà hát vẫn cần được đầu tư một điểm biểu diễn đầy đủ hơn, tiện nghi hơn cho khán giả” – NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam, bày tỏ.

Theo các nhà quản lý nghệ thuật, chương trình sân khấu du lịch tại Hà Nội vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của du khách. Các đơn vị nghệ thuật truyền thống vẫn hoạt động theo kiểu “mạnh ai người nấy làm”, vì thế du khách rất khó để lựa chọn.

“Phải sớm có một “tổng chỉ huy” để tạo sức bật cho nghệ thuật truyền thống phát triển. Chiến lược quảng bá cần được đầu tư và có sự điều phối giữa các loại hình nghệ thuật để tạo nên tính hấp dẫn, đa dạng cho sân khấu du lịch” – NSND Nguyễn Tiến Dũng đề xuất.

Bài và ảnh: THANH HIỆP

Nguồn báo điện tử Người lao động

https://nld.com.vn/van-nghe/san-khau-du-lich-can-giai-phap-dong-bo-2022062121093892.htm

Cùng chuyên mục

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự ‘Ngày hội Văn hóa vì hòa bình’ của Hà Nội

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự ‘Ngày hội Văn hóa vì hòa bình’ của Hà Nội

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Miễn phí đường bộ đối với xe chở hàng cứu trợ

Miễn phí đường bộ đối với xe chở hàng cứu trợ

TÌNH NGƯỜI TRẢI QUA NHỮNG NỖI ĐAU TỪ BÃO LŨ

TÌNH NGƯỜI TRẢI QUA NHỮNG NỖI ĐAU TỪ BÃO LŨ

Chung tay cùng Tạp chí Văn hiến Việt Nam chia sẻ khó khăn với bà con vùng bão lũ

Chung tay cùng Tạp chí Văn hiến Việt Nam chia sẻ khó khăn với bà con vùng bão lũ

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Ngày Kỉ niệm 79 năm Quốc khánh của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Perth

Ngày Kỉ niệm 79 năm Quốc khánh của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Perth

Vĩnh Linh – Viết tiếp bài ca truyền thống

Vĩnh Linh – Viết tiếp bài ca truyền thống