Gieo chữ cho những học sinh bình thường nơi miền sơn cước đã khó, neo lại hành trình học hành cho các em khuyết tật nơi đây còn gian truân trăm bề. Nhưng với tình yêu với trẻ em vùng cao, thầy giáo trẻ Ma Đức Long ở huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang vẫn kiên trì, nhẫn lại nuôi dưỡng nên những ước mơ.
Trên cung đường ngoằn ngoèo dẫn lên thôn Khau Pồng, xã Yên Hoa, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang, sau hơn 2 giờ đồng hồ chật vật với “ổ voi, ổ gà”, chúng tôi có mặt tại nhà em Sằm Phùng Kiên (15 tuổi), cậu bé mắc chứng khuyết tật nghe, nói. Trước đây, khi đang theo học lớp 9 tại trường Phổ thông Dân tộc bán trú Trung học cơ sở (PTDTBT THCS) Yên Hoa, Kiên là một trong những học sinh vượt lên khó khăn để lấy con chữ, nhưng do hoàn cảnh gia đình quá khó khăn cùng với tự ti bệnh tật, Kiên nghỉ học giữa chừng.
Với chất giọng khàn đặc và mộc mạc của người vùng cao, ông Sằm Văn Hiệu (bố của Kiên) chia sẻ: “Nó sinh ra đã khổ. Thương nó nhiều lắm nhưng gia đình tôi có hoàn cảnh khó khăn quá, cộng với sự tự ti nên cháu không dám lên lớp. Mấy hôm nghỉ học, ban ngày thì giúp bố mẹ làm việc đồng áng, tối đến lại mở sách vở ra xem. Có những hôm nó ra ám hiệu là nó nhớ lớp, nhớ các bạn mà tôi thấy thương”. Dù giao tiếp bằng ký hiệu nhưng tất cả mọi việc trong nhà, kể cả việc đồng áng, Kiên đều rất thành thạo. Có những ngày bố mẹ xuống chợ hay lên rừng, việc nhà bố mẹ đều phó mặc cho Kiên.
Là giáo viên chủ nhiệm đứng lớp nhiều năm, thầy giáo Ma Đức Long hiểu rất rõ tính cách, cử chỉ từng học sinh của mình. Theo thầy, Kiên là một học sinh đặc biệt. Đặc biệt bởi trong gia đình 3 anh em của Kiên, thì cả Kiên và em gái 13 tuổi Sằm Thị Thu Cúc cùng mắc chứng khuyết tật nghe, nói bẩm sinh.
Thầy Long trải lòng: “Đây là chuyến vận động Kiên trở lại trường học lần thứ 2 của tôi và nhà trường. Kiên khá thông minh, học tốt nhưng do không thể nghe và nói nên tất cả các hoạt động trao đổi với Kiên đều thông qua chữ viết hoặc thủ ngữ. Kiên viết ra giấy những điều Kiên muốn nói và đọc trên giấy những gì Kiên muốn “nghe””.
Đại diện Ban Giám hiệu nhà trường, thầy giáo Nguyễn Hồng Phong – Phó Hiệu trưởng Trường PTDTBT THCS Yên Hoa cho biết, mối bận tâm lớn nhất không phải là những học sinh có học lực yếu, kém mà chính là những học sinh mắc các chứng khuyết tật bẩm sinh, đòi hỏi người thầy phải kiên trì, nhẫn nại hơn.
Là 1 trong số hơn 10 thầy, cô giáo có mặt ở Yên Hoa để mang “con” chữ đến với trẻ em miền núi, vùng cao, thầy Phong tâm sự: “Cuối năm 2004, khi bắt đầu sự nghiệp tại trường điểm ở xã vùng cao của huyện Na Hang, tôi đã muốn “bỏ của chạy lấy người”. Bởi trường học quá đơn sơ, điểm trường quá xa và mọi điều kiện, cơ sở vật chất đều khiến cảm xúc của mình đi từ thất vọng đến đau đáu”. Và điều neo giữ các anh bám nghề sau những chuyến đi dài ngày, những khoảng thời gian đằng đẵng vắng mặt ở nhà để theo đuổi sự nghiệp giáo dục nơi rẻo cao ấy chính là ánh mắt trong sáng, “khát khao” được học của học sinh vùng cao.
Với các thầy, cô ở Yên Hoa, sau nhiều năm có mặt ở vùng cao để theo đuổi sự nghiệp giáo dục thì những nếp trường mái lá đơn sơ, hay những đợt gió lạnh lùa qua vách lớp xiêu vẹo đã không còn là mối bận tâm, lo lắng mà với họ, những cuộc vận động học sinh trở lại trường học thành công hay những kỳ tích với các em học sinh khuyết tật mới là nỗi lòng đau đáu trên hành trình gieo “con” chữ nơi rẻo cao…
Theo Công thương