NHỚ PHAN BÁ CHỨC

17:20 | 05/07/2024

Bất ngờ nghe tin nhà báo, nhạc sĩ nổi tiếng của báo Thanh Niên Phan Bá Chức vừa từ trần hồi 6h50 sáng 5/7/2024 tại TPHCM qua FB cháu tôi, Đoàn Ngọc Thành, bạn thân của anh. Thương nhớ người bạn đồng hương quê mẹ Phú Yên tài hoa, khiêm nhường, xin đưa lại bài tôi từng viết về anh 9 năm trước, coi như nén nhang tiễn đưa anh về cõi vĩnh hằng.

Nhà báo – nhạc sĩ Phan Bá Chức

PHAN BÁ CHỨC VÀ “MAI HÒA BÌNH”

Theo đề nghị của Ánh Tuyết, Phan Bá Chức chậm rãi nâng ghi ta và khe khẽ cất tiếng hát: “Mai hòa bình em có bình yên/Đứng đón chuyến tàu xuôi miền Bắc/Hay bóng con đò về mạn ngược/Có anh chờ em dù ở nơi nao/Mai hòa bình anh có còn đôi chân/Đạp xe qua đèo cao hay dốc thẳm/Hay ở với em dưới mưa Hà Nội/Sợ anh về với chiếc nạng thôi…”. Đây là “Mai hòa bình”, bài hát được Ánh Tuyết cho là sáng tác hay nhất của nhạc sĩ Phan Bá Chức. …

Tôi nghe người ta gọi Phan Bá Chức là nhà báo – nhạc sĩ đã lâu, nhưng vẫn nghĩ cái danh xưng nhạc sĩ của anh có lẽ đến từ bản “nhạc chế” mang tên “Trách phận” mà Phan Bá Chức và Nguyễn Hữu Ninh, bạn học thời Trung học đệ nhị cấp ở Tuy Hòa, “đặc chế” từ một bản bài chòi Phú Yên: “Thân sao chớ lận đận/Số phận chứ sao hẩm hiu/Bởi thân tui, tui cực khổ tui eo nghèo/Nên vợ tui nó không ở nữa, nó theo cái nẫu rầu/Em ơi chứ bây giờ kìa em ở nơi đâu/Để cho qua trông đứng, trông ngồi rầu canh khuya/Chớ hầu nào trái chín chín cũng cắn làm ba/Trái cam tươi cũng cắn làm bốn, nửa trái cà cũng cắn làm năm/Chớ bây giờ em lấy nẫu em ăn nằm/Em bỏ qua hiu quạnh mà năm canh qua một mình…”. Bản nhạc có nguồn gốc bài chòi ,đặc sệt chất “Nẫu” về ngôn ngữ ấy từng rất phổ biến, làm mọi người cười ngả trời nghiêng đất tại các buổi gặp gỡ, các cuộc hội hè, nhậu nhẹt ở các tỉnh phía Nam sau 1975, trở thành bài “độc” của danh hài Hoài Linh, các danh ca Quang Linh, Đào Đức và rất gắn bó với tên tuổi nhà báo Phan Bá Chức bởi anh không những là tác giả mà còn là người hát hay nhất bài hát ngộ ngĩnh này.

Chỉ mới đây, một buổi tối giữa tháng 3/2015, nhân chuyến công tác TPHCM, được ca sĩ Ánh Tuyết mời về chơi tại khu nhà vườn của chị ở Hóc Môn, gặp lại Phan Bá Chức ở đây, tôi mới biết anh là một nhạc sĩ thực thụ, gia tài âm nhạc của Phan Bá Chức không chỉ có một “Trách phận”.

Ánh Tuyết kể rằng lúc đã thân thiết với Phan Bá Chức sau khi anh giúp hòa âm, dàn dựng thành công nhiều chương trình ca nhạc cho phòng trà ca nhạc ATB nổi tiếng của Tuyết, tình cờ chị phát hiện ra Phan Bá Chức không chỉ là một người hòa âm, dàn dựng hợp xướng tuyệt vời mà còn là chủ nhân của cả một kho ca khúc rất hay cất trong ngăn tủ ở văn phòng báo Thanh niên. Là người rất nhạy cảm và luôn khát khao giới thiệu những giá trị âm nhạc đang bị khuất lấp, Ánh Tuyết “sướng” quá, chị “bê” cả đống giấy nhạc bị phủ bụi ấy về nhà rồi chọn ngay 10 ca khúc thực hiện album “Hát cho yêu thương” để giới thiệu với công chúng người nhạc sĩ chị yêu mến. Nhờ album của Ánh Tuyết, nhiều ca khúc của Phan Bá Chức như Hát cho yêu thương, Bầy chim xưa đã trở về, Tình quê, Vạt nắng trong chiều, Tìm nhau nơi chân trời, Tôi có em chiều thu, Lời đêm…đã nhanh chóng phổ biến và được người yêu nhạc trong nước và hải ngoại yêu thích.

Tuy vậy, theo Ánh Tuyết, album “Hát cho yêu thương” chưa phải đã là tất cả tinh hoa ca khúc của Phan Bá Chức. Anh còn nhiều thiếu nhi ca hay như Nói với em, Đàn kiến nó đi, Lời vịt nhà, Hè ơi em yêu lắm…đã được thu âm trong khá nhiều băng đĩa. Về quê hương ca, tình ca, Phan Bá Chức còn có các bài được giới ca nhạc đánh giá cao như Bên bờ (ACM trình bày)… Nhưng ca khúc hay nhất của Phan Bá Chức lại là một ca khúc vẫn nằm im trên trang giấy, chưa được ai dàn dựng phổ biến. Đó là ca khúc “Mai hòa bình”. Ngồi trên xe từ quận III về Hóc Môn cùng tôi, nhạc sĩ Trần Tấn Ngô, Ánh Tuyết khẳng định như thế và nói rằng ca khúc này hay đến độ chính chị cũng không dám chọn hát khi thực hiện Album “Hát cho yêu thương” bởi tự thấy mình không đủ sức hát thành công. Khi một người đầy tự tin như Anh Tuyết, ca sĩ được coi là “chuyên trị” các ca khó của dòng nhạc xưa, nhạc quê hương, nhạc đỏ nói thế, thì “Mai hòa bình” chắc chắn “chẳng phải dạng vừa”!…

Phan Bá Chức lại nhắm nghiền mắt, thả hồn trong tiếng hát: “Mai hòa bình em có được vui không/Về quê xưa mẹ cha đang đón chờ/Hay cỏ xanh ngàn thu trên mộ/Thì biết tìm đâu hội làng xưa/Mai hòa bình anh sẽ cười vang/Dẫu một bên mặt anh đã nám/Dẫu một cánh tay gãy ngoài trận địa/Anh cùng em qua phố đông người/Mai hòa bình, chim bồ câu bay trắng một trời/Tin bình yên lòng ta như mở hội/…Người lính năm xưa ôm lại tay cày/Lúa với lòng người trỗi dân ca mới….”

Tôi, Trấn Tấn Ngô và những bạn bè của Ánh Tuyết, những nhạc sĩ, ca sĩ, nghệ sĩ sân khấu, điện ảnh, họa sĩ, kiến trúc sư khá nổi tiếng ở TPHCM, những người ít nhiều đều đã trải qua những năm tháng chiến tranh từ phía bên này hay bên kia, như lặng đi trong tiếng hát của Phan Bá Chức. Bài hát của anh đang gợi lại nỗi khát khao hòa bình thống nhất luôn thao thức của mỗi chúng tôi trong những năm tháng đó. Nó chứa đựng bao lo lắng, buồn đau, mộng mơ, tin tưởng của con người Việt Nam một thời, vừa u uất vừa trong trẻo, vừa thực tế vừa lãng mạn, vừa tuyệt vọng vừa lạc quan, làm chúng tôi bàng hoàng ngẩn ngơ suốt buổi tối hôm ấy.

Phan Bá Chức sáng tác “Mai hòa bình” vào khoảng giữa những ngày “mùa hè đỏ lửa” năm 1972, khi tình hình chiến sự đang diễn ra hết sức khốc liệt trên khắp miền Nam, nhất là ở Quảng Trị. Lúc ấy, anh đang sống và dạy học tại Đà Lạt, có nhóm bạn văn nghệ vừa qua tuổi hai mươi như Phạm Cao Hoàng,Trần Minh Triền, Lan Khanh, Duy Thoán, Hồng Nam, Nguyễn Khắc Nhượng…Trong nhóm bạn đó, Phan Bá Chức và Phạm Cao Hoàng là đôi bạn thân, họ là đồng hương Phú Yên, đồng nghiệp giáo viên, lại rất đồng điệu về tâm hồn. Khi ấy, Phan Bá Chức vừa trình làng tập ca khúc Bầy chim xưa đã trở về, là linh hồn của ca đoàn Tiếng nói, rất nổi tiếng về tài dàn dựng hợp xướng, còn trẻ măng mà đã dàn dựng và chỉ huy nhiều hợp xướng lớn của Viện Đại học Đà Lạt như Trường ca sông Lô, Du kích sông Thao… Còn Phạm Cao Hoàng đã là một hiện tượng thơ nổi bật ở miền Nam với tập thơ Đời như một khúc nhạc buồn và rất nhiều thơ đăng trên các tạp chí thời danh như Văn, Vấn Đề, Khởi Hành, Bách Khoa, Ý Thức Thời Tập, Tuổi Ngọc…Có người gọi Phạm Cao Hoàng là một Nguyễn Nho Sa Mạc mới (Nguyễn Nho Sa Mạc (1944-1964), người Quảng Nam, được coi là nhà thơ trẻ tài năng nhất ở miền Nam trước 1975). Cũng như Nguyễn Nho Sa Mạc, ngoài tình ca, Phạm Cao Hoàng cón nhiều bài thơ phản chiến, đòi hòa bình thống nhất cho đất nước. Nếu Nguyễn Nho Sa Mạc có những câu thơ tha thiết như “Trời tháng giêng những ngày sầu nổi gió/ nhớ Sài Gòn thương Hà Nội mây bay” thì Phạm Cao Hoàng cũng đầy day dứt ám ảnh với những câu thơ “Vỡ vỡ chiều nay tôi sắp vỡ/chiến tranh chiến tranh bao giờ thôi” hay “Vâng, anh sẽ khoác áo mưa,xuống phố/uống cốc cà phê thơm ngát khói hòa bình” và đặc biệt là trong bài thơ “Mai hòa bình” với những lời thơ sẽ thành ca từ sau này. Phan Bá Chức kể rằng năm 1975, khi chiến tranh Việt Nam lên đến điểm tột cùng thì cũng là lúc Phạm Cao Hoàng và anh linh cảm rõ ngày hòa bình đang đến rất gần với đất nước, không gì ngăn cản nổi, bởi các anh nghĩ mọi thứ đã vượt ngưỡng, người không thể chết thêm nữa, máu không thể đổ thêm nữa, và “cùng tắc biến, biến tắc thông”…

Bởi thế, từ Đà Lạt, vùng đất mà cho đến lúc đó, chiến tranh như chưa động đến, Phạm Cao Hoàng đã có bài thơ rất hay dự báo về sự biến tốt đẹp sắp đến với đất nước, một “Mai hòa bình” và Phan Bá Chức đã lập tức phổ nhạc rất hay bài thơ đó. Có lẽ, vùng đất bình yên, xứ sở của mộng mơ và tình yêu đã giúp các anh cảm nhận rõ ràng hơn, sâu sắc hơn sự vô lý của chiến tranh, chia cắt cũng như vẻ đẹp, sự cần thiết, cái tất yếu của hòa bình, thống nhất.

Nghe “Mai hòa bình” của Phan Bá Chức – Phạm Cao Hoàng, tôi tin đây chắc chắn là một trong những ca khúc phản chiến hay nhất tại miền Nam trước năm 1975 và cũng là một trong những ca khúc hay chào đón hòa bình thống nhất trên cả nước ta. Nó cần được dàn dựng, phố biến rộng rãi, chứ không thể mãi nằm im trên giấy hoặc năm thì mười họa được tác giả trình diễn theo yêu cầu…

Nguyễn Thế Khoa


Cùng chuyên mục

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự ‘Ngày hội Văn hóa vì hòa bình’ của Hà Nội

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự ‘Ngày hội Văn hóa vì hòa bình’ của Hà Nội

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái

TÌNH NGƯỜI TRẢI QUA NHỮNG NỖI ĐAU TỪ BÃO LŨ

TÌNH NGƯỜI TRẢI QUA NHỮNG NỖI ĐAU TỪ BÃO LŨ