Sau đợt 1 Liên hoan Kịch nói toàn quốc năm 2021, các nhà chuyên môn và nghệ sĩ vẫn còn nhiều băn khoăn.
Với sự tham gia của 14 đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp – 20 vở diễn dự thi, Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021 khép lại giữa tuần qua tại Hải Phòng với 6 vở đoạt HCV, 3 vở HCB và 6 vở HCĐ. Giới nghệ sĩ dù có phần hồ hởi nhưng vẫn còn nhiều băn khoăn về chuyện sống còn của đời sống sàn diễn sau liên hoan trong bối cảnh dịch Covid-19 vẫn còn phức tạp.
Những điều đọng lại
Nói về những trăn trở sau liên hoan kịch, ở vai trò giám khảo lần này, PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái cho rằng bà cảm thấy tiếc vì quá ít vở diễn mang tính đối thoại với vấn đề thiết thực trong cuộc sống mà người dân đang quan tâm, đó là đại dịch Covid-19.
“Bên văn học, để có một “Nỗi buồn chiến tranh” thì phải đi qua cuộc chiến khốc liệt, có độ thẩm thấu từ những góc nhìn chân thật nhất mới được nhà văn đưa vào tác phẩm. Trong khi đó, ở lần liên hoan này, các đơn vị không đưa những vở kịch nói về nhiều vấn đề của đại dịch vào là vì chất lượng kịch bản văn học chưa cao. Lý thuyết khoảng cách là một minh chứng cho việc ít có tác giả đủ sức chạm tới những vấn đề thời sự bởi cần một thời gian lắng đọng để viết” – PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái nhận xét.
Theo NSND – đạo diễn Trần Minh Ngọc, Chủ tịch Hội đồng Giám khảo, điều mà ông tiếc nuối là do dịch bệnh nên không thể tổ chức cuộc hội thảo để người làm nghề ngồi lại, lắng lòng, chia sẻ những trải nghiệm quý giá từ liên hoan kịch lần này.
“Các đoàn không có kinh phí lưu trú tại Hải Phòng lâu hơn để cùng xem vở diễn của nhau. Vì thế, việc giao lưu, khoe nghề, tạo sự tương tác giữa nghệ sĩ với khán giả đã không diễn ra như mục đích của liên hoan. Nên chăng, ban tổ chức cần nghiên cứu hỗ trợ kinh phí để các nghệ sĩ xem vở của nhau mà học hỏi kinh nghiệm ở những liên hoan sau” – NSND Trần Minh Ngọc đề xuất.
Trong 6 tác phẩm đoạt HCV – gồm: “Con đò của mẹ” (Nhà hát Công an Nhân dân), “Điều còn lại” và “Thiên Mệnh” (Nhà hát Kịch Việt Nam), “Làng song sinh” (Nhà hát Kịch Hà Nội), “Hố đen” (Nhà hát Kịch nói Quân đội), “Làm vua” (Công ty TNHH Nghệ thuật sân khấu Lệ Ngọc) thì “Điều còn lại” được PGS-TS Nguyễn Thị Minh Thái ghi nhận là cuộc đối thoại hiếm hoi với đời sống đương đại đạt chất lượng nhất. Vở kịch này nói về đề tài chiến tranh nhưng có nhiều tình huống cho phép khám phá đời sống nội tâm của nhân vật. Theo bà, đây là một vở diễn đã đạt tới sự thanh lọc về cảm xúc bi kịch.
NSND Trần Minh Ngọc nhận định một trong những yếu tố làm nên thành công về mặt nghệ thuật của liên hoan kịch lần này là đạo diễn. Hội đồng Giám khảo nhận thấy có hai dòng chủ lưu của công tác đạo diễn. Một dòng là đạo diễn theo phong cách tạo hình hoành tráng, gây ấn tượng mạnh về thị giác – như cách dàn dựng của NSND Lê Hùng, NSND Trần Ngọc Giàu, NSND Trung Hiếu, đạo diễn Lê Quý Dương… Dòng còn lại theo phong cách tả thực tâm lý, chú trọng khắc họa nội tâm – như cách dựng của NSƯT Đỗ Kỷ, NSƯT Minh Hiếu, NSƯT Sĩ Tiến.
“Tôi cho rằng những góc nhìn của các đạo diễn trong đời sống đã phần nào gỡ lại điểm yếu hiếm vở diễn mang đề tài đương đại đạt chất lượng. Thay vào đó là sự kế thừa những tinh hoa trong dàn dựng từ thế hệ nghệ sĩ đi trước, mang đến nhiều hy vọng cho sự phát triển lâu dài của nghệ thuật sân khấu kịch nói Việt Nam” – NSND Trần Minh Ngọc nhấn mạnh.
Đâu là chuẩn của HCV?
Giới chuyên môn không khỏi ngỡ ngàng khi thấy liên hoan lần này, lần đầu tiên HCV nhiều hơn HCB. Điều đó cũng có nghĩa là 6 vở diễn đoạt HCV đã đặt ra các chuẩn mực để liên hoan đợt 2 tại TP HCM học hỏi.
“Tôi cảm nhận sâu sắc sự yêu nghề của các diễn viên. Họ đã gạt đi những lo toan để đến với liên hoan bằng tất cả sự đam mê. Được rèn luyện qua thực tiễn kinh nghiệm với nghề nên những sáng tạo của họ luôn chân thực. Tuy nhiên, góc độ chuẩn của HCV chính là những vấn đề đáng bàn về hình thức dàn dựng của đạo diễn. Sân khấu của ta vẫn còn thiếu nhiều trang thiết bị, chưa áp dụng công nghệ 4.0 thật hiệu quả vào dàn dựng. Để thu hút khán giả đến rạp sau liên hoan vẫn là một bài toán khó của sân khấu kịch” – NSND Trần Minh Ngọc phân tích.
Nhìn lại diện mạo sân khấu kịch tại TP HCM khi chuẩn bị cho liên hoan đợt 2 – được tổ chức vào tháng 1-2022, NSND Trần Minh Ngọc nhìn nhận: “Kịch tại TP HCM bán vé để khán giả cùng xem với ban giám khảo. Điều này có sự tương tác giữa nghệ sĩ và người xem nên kỳ vọng vào sự chuẩn mực của người làm nghề, vì vở diễn đạt chất lượng còn có một kênh thông tin để kiểm chứng là khán giả mua vé”.
Ngoài ra, ông Ngọc còn kỳ vọng về một hội thảo của giới sân khấu với cái nhìn thẳng thắn của người làm nghề trong đại dịch: “Phải ngồi lại với nhau xem 20 vở diễn của 15 đơn vị xã hội hóa và 1 đơn vị công lập tại TP HCM nhằm tìm ra hướng đi mới để vận hành đời sống sân khấu trong điều kiện mới. Lý luận phê bình sân khấu rất cần thiết trong giai đoạn này để tìm ra những chuẩn mực từ các vở diễn đoạt HCV, HCB. Đừng để sau liên hoan, các vở lại cất kho. Kịch sẽ đi về đâu nếu không có đời sống thật sự?”.
NSƯT Mỹ Uyên, Giám đốc Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM – đơn vị sẽ tham dự 2 vở, cho rằng Liên hoan Kịch đợt 2 sẽ là cuộc “so găng” đầy kịch tính. Khi sàn diễn được sáng đèn thì một số vở sẽ được “thử lửa” qua các suất diễn để đo hiệu ứng tích cực của khán giả.
“Hội đồng Nghệ thuật sẽ “chọn mặt gửi vàng” để đưa vở đạt chất lượng tham dự đợt 2. Tại TP HCM, ban giám khảo sẽ đến các điểm diễn kịch để chấm thi, số còn lại sẽ tranh tài ở một điểm thi mà ban tổ chức liên hoan đợt 2 bố trí. Tôi tin chất lượng tác phẩm, vai diễn được trao HCV phải thực sự xứng đáng là vàng để tạo sự kích thích, động viên những người làm nghệ thuật giữa bối cảnh dịch bệnh còn diễn biến khó lường” – NSƯT Mỹ Uyên mong mỏi.
Theo Người lao động