Một luồng gió vừa thổi qua ngôi nhà cải lương. Nhật thực đã đem đến sự phấn khởi vì nó mới, lạ, hiện đại, mang ngôn ngữ của người xưa lẫn ngôn ngữ của lớp trẻ thế kỷ 21.
Cách đây hơn 20 năm, vở Diễn kịch một mình đã khuấy động Sân khấu nhỏ 5B tại TP.HCM với tài hoa viết kịch bản của soạn giả Lê Duy Hạnh và tài năng diễn xuất của NSND Bạch Tuyết. Một vở kịch chỉ với một diễn viên, suốt 90 phút mà khán giả say mê theo dõi. Ký ức về sân khấu thể nghiệm 5B đẹp như thế.
Giờ đây đạo diễn Nguyên Đạt (Sân khấu xã hội hóa Sen Việt) đã làm lại Diễn kịch một mình bằng hình thức cải lương, với tên mới là Nhật thực, qua sự chuyển thể của tác giả trẻ Nguyên Phương mới 24 tuổi, quả là bất ngờ và hồi hộp. Điều mà người ta sợ nhất là âm nhạc, vì âm nhạc là xương sống của cải lương, nếu không khéo nó sẽ không còn ra chất cải lương.
Không ngờ nhạc sĩ Võ Thanh Liêm đã phối thật giỏi, những “xang xừ xê cống” vẫn hòa điệu được với âm nhạc đương đại, vẫn trữ tình, ngọt ngào mà không kém sôi động, hấp dẫn. Xử lý được âm nhạc là thành công đến một nửa. Phần còn lại thuộc về không gian trình diễn. Sân khấu ước lệ của hoạ sĩ Lê Văn Định đẹp trong sự giản dị, gọn nhẹ, mà đạo diễn Nguyên Đạt nói anh sẽ dễ dàng đi lưu diễn từ nam ra bắc. Trang phục cũng đầy tính biểu đạt, rất tối giản nhưng vẫn vừa đủ lung linh, vừa đủ sang trọng.
Và bao trùm toàn bộ là tài hoa diễn xuất của NSƯT Trung Thảo. Trụ lại suốt 90 phút, ca, diễn, vũ đạo, khán giả nín thở theo anh. Có nhiều đoạn anh ca liên tục, mà vẫn giữ hơi thật tốt. Vũ đạo thì quá đẹp, mỗi tư thế tạo hình của anh làm rung động trái tim người sành điệu. Bất ngờ nhất là sự hóa thân vào ba nhân vật vua, trung thần, nịnh thần, chứng tỏ sự đa năng của Trung Thảo. Nhưng thích nhất là, gương mặt đẹp ấy đã thể hiện một kiểu nịnh thần đẳng cấp, không phải dạng rẻ tiền chỉ để tìm lợi lộc, mà còn mưu đồ bá nghiệp.
Màn nhung hạ xuống, dư âm để lại là triết lý thẳm sâu về bản chất con người, về quyền lực, chính trị. Con người ai cũng có lý tưởng như lời ông trung thần hay bày tỏ, nhưng bên cạnh đó vẫn có một ông nịnh thần cũng muốn kéo người ta về phía đen tối, và có một ông vua thích hưởng thụ theo bản năng. Mỗi chúng ta bị chi phối ngay trong tự thân như thế. Và cảnh báo về xã hội thì quá rõ, câu thoại của nhân vật nói rằng mỗi vị vua ban đầu thường rất sáng, sau mờ dần. Nhưng cuối cùng vẫn là kết thúc có hậu, rằng cái thiện vẫn thắng.
Theo Thanhnien