Nhân ngày 22.12, lại nhớ ‘Phương khùng’

18:30 | 21/12/2021

Một số người tham gia chiến trường K, sau khi ra quân, bị tâm thần phần lớn là do sốt rét. Có anh suốt ngày miệng “pằng pằng”, tức giả tiếng súng. Nhân ngày thành lập quân đội, tôi xin kể chuyện một anh “khùng” nhưng không phải do sốt rét. Chuyện về anh này, một đồng nghiệp ở Đài PTTH Quảng Ngãi- đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn, làm phim và đoạt giải Cánh diều vàng cho thể loại phim ngắn từ năm 2007. Nhân vật “Phương khùng” thì sống mãi trong bộ phim, còn ngoài đời thì anh ta bặt vô âm tín 14 năm nay rồi. Kể lại câu chuyện này để nhớ về anh, một số phận kỳ lạ, thậm chí vô lý về hành tung, song đó là thực tế của nước ta những năm giặc giã ở hai đầu đất nước.


Phương quê Phú Yên, không rõ huyện nào, cũng không biết họ. Do tưng tưng nên dân Sa Huỳnh gọi là “Phương khùng”. Già trẻ lớn bé gì cũng gọi anh là “thằng”, không phải miệt thị gì nhưng con người mà không biết mình bao nhiêu tuổi, không nhà cửa vợ con, thậm chí quê hương cũng không còn nhớ thì đáng gì để gọi là “anh” là “chú” kia chứ! Là tôi nghĩ vậy, nhưng việc của Phương làm thì phải gọi bằng … ông cố nội. Nói “thằng” là hỗn lắm lắm.

Chắp nối từ nhiều nguồn tin, có thể tóm tắt về “Phương khùng” như sau:

Những năm 1978-1979, ở nhiều vùng nông thôn (không rõ ở các đô thị có vậy không), thường xảy ra chuyện này: em đi lính (gọi một cách thơm tho là đi nghĩa vụ quân sự) thay anh vì anh lúc đó vừa mới … cưới vợ chẳng hạn. Thậm chí, hàng xóm có thể đi lính thay, với điều kiện là xã … giữ bí mật, miễn sao giao đủ quân số cấp trên “khoán” là được. Phương là trường hợp “đi lính thay” như vậy.

Phương khùng khùng nhưng chưa đến mức mất kiểm soát về hành vi nên được một “phú ông” ở một làng quê nào đó của tỉnh Phú Yên chọn lựa để đi nghĩa vụ thay cho con trai ông ta. Cuộc mặc cả về “giá” của việc đi lính thay này không biết bao nhiêu nhưng nhà kia đã bội tín sau khi Phương từ mặt trận về.

Nói “từ mặt trận về” là cho oai vậy chứ Phương thì đánh đấm gì được. Mới đặt chân qua bên kia biên giới, chuẩn bị tiến vào Pnom Penh, sự thật về Phương đã lộ sáng hoàn toàn. Một hôm điểm danh quân số, đại đội trưởng gọi mãi tên Pháp (tạm gọi thế chứ Phương không nhớ. Pháp là con phú ông nọ mà Phương đi lính thay) nhưng chả có ai trong hàng quân đáp lại “có”, như bao tên khác cả. Đại đội xác định tên Pháp đã đào ngũ rồi. Những năm đó, đào ngũ là chuyện bình thường, dù anh nào cũng được gắn cái mác là “quân tình nguyện”. Nhưng quái lạ, khi những người có mặt đứng sang một bên thì đại đội trưởng phát hiện ra … thừa một người. Người thừa trong hàng quân ấy mang tên Phương chứ không phải tên Pháp. Thôi thì Phương hay Pháp gì chả được, miễn là bắn được AK và phân biệt quân Polpot nó khác với quân ta thế nào dù có khi là … đen như nhau. Đại loại thế.

Nhưng khi vào việc, như tập đội hình, thậm chí nhận các khẩu lệnh để thực hiện thì Phương lớ ngớ chả hiểu gì. Đưa anh ta xuống nuôi quân chỉ mỗi việc nhặt rau mà cũng không phân biệt được lá xanh với lá úa nữa. Thế này mà cho ra mặt trận đánh nhau với Polpot có khi lính mình chết vì đạn từ AK của Phương cũng không chừng. Thế là … xuất ngũ. Ăn chưa hết bao gạo đã ra quân. Vẫn được tiếng là lính chiến trường K về, oai hơn… cóc tía.

Về đến nhà, Phương đòi số tiền mà phú ông đã hứa nhưng phú ông không “thanh lý hợp đồng” vì ông ta cho rằng “mày ra quân là do khùng chứ không phải là “hoàn thành nghĩa vụ quân sự”, nghĩa là con tao vẫn phải đi lính bất cứ lúc nào!”.

‘Phương khùng’.

Sự bội tín ấy mở đầu cho một hành trình dài dặc mà Phương đã phải trải qua mấy mươi năm sau đó. Không rõ bằng cách nào mà Phương dạt ra cảng cá Quy Nhơn. Hằng ngày việc của anh là nhặt số cá rơi vãi để trả cho chủ. Chủ nào tốt bụng thì cho Phương luôn. Lấy cá vụn ấy ra đổi cơm. Lay lắt sống vậy nhưng Phương không bị … xô xuống biển nhờ vào sự thật thà và chăm chỉ của mình.

Thế nhưng, riết rồi đám giang hồ ở cảng cá Quy Nhơn chúng chẳng tha cho con người tội nghiệp này. Không biết mâu thuẫn thế nào mà bọn chúng nện cho ông khùng ấy một trận ra trò. Thấy máu me đầm đìa, mấy chị buôn bán cá ở cảng có quê ngoài Tam Quan bèn “nhặt” Phương về. Phương theo họ dạt ra cảng cá Tam Quan, rồi từ Tam Quan trôi tiếp ra Sa Huỳnh, “định đô” luôn ở đó cho đến ngày anh … lên phim.

Đi xin ăn ở các cảng cá đâu chỉ mình Phương nhưng anh được “lên phim” là bởi, anh cưu mang hai thằng cu bụi đời ở chợ Sa Huỳnh nữa. Lá rách lại đùm lá nát là đây chớ đâu. Họ biến các sạp hàng trong chợ này thành “ngôi nhà” của ba anh em/ chú cháu. Ba số phận ấy gắn bó với nhau như ba người ruột thịt. Nếu không có sự cưu mang của “Phương khùng” bằng tiền kiếm được từ những buổi lặn biển mò sắt vụn và gánh cá thuê của anh ở cảng Sa Huỳnh thì hai thằng nhóc kia chết đói chứ chả chơi. Là mấy cô mấy dì ở chợ Sa Huỳnh nói vậy chứ Phương không “kể lể thành tích”. Anh lên phim là từ việc làm xả kỷ này.

Giải thưởng cho phim năm đó nghe đâu được 10 triệu, đạo diễn Nguyễn Anh Tuấn đã san sẻ cho Phương 3 triệu bằng một sổ tiết kiệm. Thay vì tiêu tắc cú như bắn đạn AK thời tập bắn đạn thật, anh chơi liên thanh hết nhẵn băng đạn ba triệu ấy luôn! Ba anh em được bữa no say túy lúy. Rồi mất hút từ bấy-14 năm rồi.

Phương đi lính thay, nghĩa là khái niệm “yêu nước” không tồn tại trong việc làm ấy của con người này. Nhưng anh lại biết yêu thương “đồng đội”, không phải đồng đội thời quân ngũ mà “đồng đội cơ nhỡ” ở chợ Sa Huỳnh.

Tôi cứ lẩn thẩn nghĩ, nếu để Phương ở luôn trong quân ngũ dạo ấy, có khi giờ anh lên tướng cũng nên. Bao người chả thương đồng đội gì cũng lên tướng đó thôi. Nhưng nhiều người trong số tướng lĩnh đó nay đã đi thẳng vào nhà tù. Còn Phương khùng thì ở trong “nhà tù thương nhớ” của bao người dân Sa Huỳnh suốt mấy chục năm qua.

 

Theo Đương Phạm/VHVN

Video hay

Cùng chuyên mục

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

Bắc Giang: Khai mạc Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam năm 2024

Giới thiệu bộ sách thưởng thức triết học

Giới thiệu bộ sách thưởng thức triết học

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Khai mạc Giải vô địch Cầu mây quốc gia năm 2024

Khai mạc Giải vô địch Cầu mây quốc gia năm 2024

Tổ chức cuộc thi “Trạng Nguyên nhỏ tuổi” tri Ân các Vua Hùng

Tổ chức cuộc thi “Trạng Nguyên nhỏ tuổi” tri Ân các Vua Hùng