Với những nguy cơ lần lượt bị loại trừ thì những đồn đoán về việc thế giới đứng bên bờ vực chiến tranh khó có khả năng xảy ra.
Dù gửi thông điệp cảnh cáo mạnh mẽ cho chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad, cuộc tấn công của liên quân phương Tây được chuẩn bị kỹ lưỡng để tránh kích động Iran và Nga.
Tối 13.4, liên quân Anh, Mỹ và Pháp đồng loạt cho máy bay, tàu chiến phóng tên lửa tấn công vào những cơ sở bị nghi có liên quan đến chương trình vũ khí hóa học của Syria. Chiến dịch nhằm đáp trả cuộc tấn công nghi sử dụng vũ khí hóa học ở thành phố Douma hôm 7.4 khiến ít nhất 60 người thiệt mạng mà phương Tây cáo buộc Syria đã ra tay.
Trước đòn trả đũa này, xuất hiện nhiều đồn đoán cho rằng chiến tranh thế giới thứ ba có thể sẽ nổ ra khi các bên liên quan đáp trả lẫn nhau. Tuy nhiên, diễn biến nói trên khó có thể xảy ra nếu phân tích kỹ những chi tiết liên quan đến cuộc tấn công của phương Tây, theo tờ The Guardian.
Cụ thể, những mục tiêu bị tấn công tối 13.4 chỉ giới hạn ở các sân bay, cơ sở nghiên cứu và lưu trữ vũ khí hóa học nghi liên quan đến vụ việc ngày 7.4. Mục đích chính là tránh những căn cứ của Iran và Nga càng xa càng tốt để không khiến cho xung đột leo thang. Trong cuộc họp báo sau đó, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Joseph Dunford cũng tuyên bố với nội dung tương tự.
Bên cạnh đó, phía Mỹ cũng cảnh báo trước với Nga rằng cuộc tấn công sắp xảy ra và những khu vực không phận sẽ được sử dụng dù không cho biết cụ thể những mục tiêu.
Sau cuộc tấn công, mục tiêu của Mỹ tại Syria, như lời Tổng thống Donald Trump tuyên bố trước đó là rời khỏi nước này ngay sau khi đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), vẫn không thay đổi.
Ngoài ra, hành động lần này cũng không nhằm thay đổi chế độ tại Syria khi mà nơi ở của Tổng thống Assad không nằm trong danh sách bị oanh tạc.
Về phía lực lượng của liên quân phương Tây, dù có nhiều nguy cơ từ hệ thống phòng không của Syria nhưng không có thiệt hại nào xảy ra, nhờ đó tránh gây leo thang tình hình.
Theo Thanh niên