Nguyễn Thế Khoa
“Bộ trưởng hát rong” hẳn là một danh hiệu riêng của nhạc sĩ Trần Hoàn, vị bộ trưởng có một không hai… Có người từng nhận xét Trần Hoàn là một người lãnh đạo bẩm sinh. Vốn thông minh, ham học, lại nghị lực hơn người, chàng trai nghèo Nguyễn Tăng Hích (tên thật của Trần Hoàn), quê Hải Lăng, Quảng Trị, tham gia cách mạng năm 17 tuổi, đã được cử làm Đội trưởng Tuyên truyền kháng chiến Khu C ở Huế, rồi sau đó là lãnh đạo Đoàn Tuyên truyền Khu 4, Khu 3. Chống Pháp thành công, ông là Giám đốc Sở Văn hóa Hải Phòng. Vào chiến trường chống Mỹ, ông là Khu ủy viên Trị Thiên – Huế. Sau đại thắng 1975, ông là Trưởng ty Văn hóa, Trưởng ban Tuyên huấn Bình Trị Thiên rồi Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Phó Trưởng ban Văn hóa Văn nghệ TƯ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Văn hóa – Thông tin, Phó Trưởng ban Tư tưởng văn hóa Trung ương và khi mất năm 75 tuổi, ông đang là Chủ tịch Đoàn Chủ tịch Liên hiệp các hội VHNT Việt Nam. Hết mình với lý tưởng, sắc sảo về trí tuệ, miệng nói tay làm, làm việc không ngừng nghỉ, có sức chinh phục lớn là những phẩm chất nổi bật của nhà lãnh đạo Trần Hoàn trong những cương vị mà ông đã trải qua…
Nhạc sĩ Trần Hoàn khi đang là Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin
Nhưng có lẽ, cái đặc sắc nhất trong con người Trần Hoàn lại là một bản năng, một tài năng âm nhạc thiên phú mãnh liệt. Năm 17 tuổi, lúc còn đi học ở Huế, khi còn chưa thành thạo ký xướng âm, chàng trai nghèo xứ Hải Lăng đã sáng tác bài hát Học sinh vui tươi và giành ngay một giải thưởng âm nhạc ở Huế tháng 12.1945. Phấn khởi trước thành quả ban đầu, Trần Hoàn say sưa viết tiếp và năm 1946, sáng tác khác của anh, bài hát Hồn nước lại tiếp tục nhận được một giải thưởng nữa ở Bình Trị Thiên. Bài hát này sau đó đã được vinh dự gửi tặng Bác Hồ khi Người đang dự Hội nghị Fontainebleau.
Hai năm sau, giữa khói lửa kháng chiến, Trần Hoàn có tiếp hai bài hát mà sau này được coi là hai “tình khúc vượt thời gian”: Sơn nữ ca và Lời người ra đi. Khi mới ra đời, hai bài hát này bị coi là “lãng mạn tiểu tư sản”, bị cấm phổ biến trong vùng kháng chiến, nhưng đã được các nhạc sĩ lớn Nguyễn Xuân Khoát, Văn Cao hết sức khen ngợi và hai ông dự đoán tác giả hai bài hát này, chàng nhạc sĩ mới vừa 20 tuổi, sẽ còn tiến xa trên con đường âm nhạc. Không phụ lòng tin của các bậc tiền bối, trong hơn 50 năm đồng hành với sự nghiệp cách mạng, Trần Hoàn tiếp tục cho ra đời những ca khúc rất được yêu thích như: Kể chuyện người cộng sản, Mưa rơi, Chiều trên Gio Cam giải phóng, Lời ru trên nương, Em thương người trong Huế đấu tranh, Mưa xuân, Tìm em, Một mùa xuân nho nhỏ, Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò Nghệ Tĩnh, Khúc hát người Hà Nội, Thăm bến Nhà Rồng, Lời bác dặn trước lúc đi xa…
Cho đến ngày vĩnh viễn đi xa, ngày 23.11.2003, Trần Hoàn đã sáng tác trên 1.000 ca khúc. Gần như trên đất nước ta không địa phương nào không có một vài bài hát của ông. Những nơi ông đặt chân đến trên thế giới, châu Á, châu Âu, Nam Mỹ, châu Phi… Trần Hoàn cũng đều có bài hát. Như một phản xạ tự nhiên, ông đi tới đâu, bài hát “bật” ra ở đó. Sáng tác ca khúc, với ông là một nhu cầu không thể thiếu, như ăn cơm, uống nước hàng ngày, như một cách để thổ lộ những rung động trước thiên nhiên, con người, cuộc đời và tự nhắc nhở mình sống tốt hơn, đẹp hơn. Lúc nào cũng có một cây đàn ghita tìm được ở đâu đó, ông không chỉ sáng tác mà còn tự trình bày sáng tác của mình rất hay, rất say đắm, đầy sức cảm hóa.
Nhạc sĩ Trần Hoàn và vợ khi còn trẻ
Trần Hoàn có thể hát bất cứ nơi đâu và bất cứ lúc nào, khi ông thấy nơi đó, lúc đó cần tiếng hát của ông, dù chỉ để giảm sự căng thẳng trong một cuộc họp, cho người dân vùng bị thiên tai nguôi bớt nỗi đau, hay cho mọi người đỡ mệt trên những chặng đường công tác… Năm 1986, khi Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng ra Hà Nội chuẩn bị cho chuyến đi biểu diễn tại Liên Xô, ở tại Nhà khách Hóa chất, đường Đặng Thái Thân, Trần Hoàn khi ấy là Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội đã tìm tới thăm ca sĩ Ánh Tuyết, vốn là người quen của ông thời ở Huế. Ông lại bảo tìm cho ông một cây ghita và trò chuyện ca hát với các nghệ sĩ của Hải Đăng tới tận khuya.
Bởi vậy, người quý Trần Hoàn thì ca ngợi trong nhà chính khách Trần Hoàn luôn có một nghệ sĩ Trần Hoàn. Còn người ghét ông thì nói Trần Hoàn làm Bộ trưởng không nghiêm túc, lúc nào cũng đàn đúm hát hò, Bộ trưởng mà chẳng khác gì một gã hát rong.
Còn nhớ mùa xuân năm 1996, khi tôi đứng ra tổ chức chương trình nghệ thuật mang tên “Khúc tăng gô mùa xuân” về sự nghiệp âm nhạc của Trần Hoàn tại Nhà hát Trưng Vương TP Đà Nẵng, lúc gặp Trần Hoàn để xin ý kiến, ông có vẻ lo lắng vì chương trình quá quy mô hoành tráng và vé lại bán giá rất cao. Ông nói rất chân thành: “Cậu làm chương trình to quá, vé bán cao quá, liệu có nên không và có được mọi người hưởng ứng không? Mình trước sau gì thì cũng chỉ là một người viết nhạc nghiệp dư, một chương trình nho nhỏ, ấm cúng hợp với mình hơn”. Tuy vậy, tôi không thể “chấp hành” ông, bởi tất cả đều đã sẵn sàng trên bệ phóng: 5 xe âm thanh ánh sáng hiện đại nhất từ TPHCM đã ra, các ngôi sao ca nhạc của hai miền Nam Bắc đã về đủ. Nhưng không chỉ là sức thu hút mạnh mẽ của các ca khúc vượt thời gian, dàn ca sĩ rất được hâm mộ cùng sự tân kỳ của âm thanh ánh sáng, bản thân Trần Hoàn cũng là một điểm ngời sáng khi ông xuất hiện trên sân khấu cùng vợ là chị Thanh Hồng. Khán giả rất bất ngờ khi thấy ông Bộ trưởng kiêm nhạc sĩ lừng danh với hình ảnh và những lời lẽ bình dị, khiêm nhường đến thế. Những tràng vỗ tay dành cho hai vợ chồng ông còn lớn và dài hơn cả những ca sĩ ăn khách nhất của chương trình như Lê Dung, Ngọc Sơn, Hồng Hạnh. Mỹ Linh …
Nhạc sĩ Trần Hoàn bên vợ những năm sau này…
Năm 2001, Trần Hoàn được nhận Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật, trao cho các sáng tác âm nhạc tiêu biểu của mình. Gặp phỏng vấn Trần Hoàn sau vinh dự lớn ấy, tôi nhận xét rằng ông là nhạc sĩ nghiệp dư duy nhất và cũng là người duy nhất không được đào tạo chính quy về âm nhạc được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh. Trần Hoàn mỉm cười nói: “Đúng là tôi có thiệt thòi đó. Tôi mê đàn hát từ nhỏ nhưng chưa qua trường lớp nào. Sau kháng chiến chống Pháp, nhiều người trong chúng tôi được đưa đi đào tạo âm nhạc chính quy trong và ngoài nước. Riêng tôi được phân công công tác Đảng và Chính quyền ở miền Bắc rồi được cử vào phục vụ chiến trường miền Nam nên không có cơ hội học hành. Và cũng đúng là hơn 50 năm qua, tôi chưa bao giờ có được thời gian chuyên tâm cho âm nhạc. Nhưng âm nhạc là tình yêu của tôi và với tình yêu thì dù khó khăn, bậnrộn thế nào, người ta vẫn có thể hết mình, trọn vẹn với nó”.
Vâng, để có thể sống hết mình trọn vẹn với tình yêu âm nhạc, chính khách Trần Hoàn, Bộ trưởng Trần Hoàn chẳng hề ngần ngại làm một người hát rong bình thường ở bất cứ đâu, bất cứ khi nào khi có cơ hội, để sáng tác và cầm đàn tự hát lên tình yêu của mình với quê hương đất nước, với Bác Hồ, với bè bạn năm châu. Đó là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn của cuộc đời ông.