Khúc 1: Cao bồi già lạc sang Việt Nam.
Có một lão cao bồi già ở điền trang Bắc Mỹ lạc sang Việt Nam. Bên ấy lão sống trên lưng ngựa bát ngát thảo nguyên. Sang đây, đất hẹp người đông, phố xá chật chội. Bực mình, lão chuyển sang nghề chăn nhạc. Lão không nhong nhong trên con xe Jep du ca khắp miền đất nước như thằng bạn thân Trần Tiến của lão đâu mà lão lang thang phố, lang thang biển, lang thang rừng … lạc vào tận Tây Nguyên xây “tượng đài” Nguyễn Cường ở đấy.
Học đại học mỏ thì đi khai thác quặng, than, đồng, chì hay thiếc cho xong chuyện mà lại xông vào nhạc viện Hà Nội học đánh đàn cello. Cái thứ đàn ồ ồ trầm buồn bỏ cụ, đã thế lại to vật vã chứ không nho nhỏ xinh xinh như mấy em violon, viola đâu. Thầy dậy lão là ông anh thân thiết của tôi. Thân đến mức đã phổ tới 5 ca khúc thơ Thế Hùng.
Ông này không cần nói tên mà cứ hát lên “ Hà Nội ơi, hướng về thành phố xa xôi, ánh đèn giăng mắc muôn nơi…” (Hướng về Hà Nội) là người yêu nhạc sẽ: Ồ, giáo sư, nhạc sỹ Hoàng Dương. Tôi với cụ Dương cùng dậy ở nhạc viện Hà Nội từ những năm 1997 cơ. Cụ bảo: Thằng Cường nó học tớ nhưng trước sau nó cũng bỏ tớ để theo nghiệp sáng tác. Quả đúng thế, chưa ra trường lão đã nổi tiếng như cồn. Nổi đến mức ông hiệu trưởng Trọng Bằng nói: Cậu cần gì phải ấy bằng tốt nghiệp vì đã quá nổi tiếng rồi.
Mà lão không thèm lấy bằng thật. Lão thú thật với tôi là lão học tại chức mà còn nợ môn ký xướng âm thì mùa quýt mới được nhận bằng… Ấy, cái giống nghệ thuật nó thế. Tài mới quan trọng, nên tại chức, chuyên tu mà có tài thì chính quy là cái đinh. Cái câu: “Dốt như chuyên tu, ngu như tại chức” áp dụng cho nghệ thuật là sai. Nguyễn Cường là ví dụ.
Lão là trai Hàng Bạc chính hiệu (số nhà 94) tận trên tầng hai thông lên tầng ba. Mỗi lần trèo lên chơi với lão là toát cả mồ hôi hột.
Gần đây, lão phát nghiệp, không thèm viết ca khúc cò con nữa mà chuyên viết các tác phẩm đỉnh cao của âm nhạc, các vở nhạc kịch: Operet. Tôi hỏi: Ông viết thanh xướng kịch thế này thì ma nó nghe à? Nửa chèo Tây, nửa tuồng ta, nửa opera, nửa Oratorio. Loại nhạc kịch này bên châu Âu họ đã làm từ những năm 1600 rồi bố ạ. Lão bảo: Hùng nhà quê. Ừ, tôi quê đấy, quê tôi ở Ninh Bình cơm cháy tái dê, quê bà tổ sẩm Hà Thị Cầu đấy.
Khúc 2: Duyên kiếp mũ
Chơi với lão mấy chục năm chưa bao giời tôi thấy lão rời cái mũ. Mũ là thương hiệu Nguyễn Cường, giống như hoa hậu phải đội vương miện. Mũ theo lão từ sớm tinh mơ đến khi mặt trời xuống núi. Từ lúc canh năm gà gáy đến nửa đêm, khi lũ chó xổng chuồng làm nhiệm vụ canh nhà chống trộm. Không biết lúc tắm hay lên giường ôm vợ lão có rời mũ không?
Lão “ chơi” mũ khi nào tôi không biết nữa. Chỉ biết chiếc ảnh tôi đang có trên tay đây thì lão còn nguyên bộ tóc đen nhánh. Ấy là năm 1998, đêm nhạc Nguyễn Cường Thế Hùng ở hội trường ký túc xá mễ trì trường đại học tổng hợp, nơi tôi giảng dạy.
Tôi võ đoán rằng, chắc tóc bạc và rụng nhiều nên mũ là cứu cánh. Duy bộ ria mép rậm như rừng Amazôn thì đen nhánh, đen khủng khiếp, đen bất tận… hóa ra lão nhuộm, lão đảo ngói, lão cố vớt vát cái thời thanh xuân yêng hùng hoành tráng khi tuổi cụ kỵ của lão đã vào ngưỡng tám chục đuôi hai (82). Nhiều lúc tôi nghĩ, cứ để cho bạc trắng tự nhiên như Dương Trung Quốc hay muối tiêu như Thế Hùng mà lại hay.
Khúc 3: Tình bạn hơn một phần ba thế kỷ
Trong gia tộc nhà Cường Quốc, tôi thân cả hai (Cường là anh ruột vợ Quốc). Dù hai cụ hai màu khác nhau nhưng tôi như con “tắc kè hoa” biến ảo khôn lường. Hoàn cảnh tạo ra cá thể. Đi với bụt thì mặc áo cà sa, đi với cha thì chơi bộ đen tuyền cho kính chúa.
Đi với ông nghị Dương Trung Quốc phải nghiêm văn nghiêm, đúng chất thầy Hùng trên bục giảng. Điềm đạm, nghiêm trang, văn hóa, ý tứ, nói chung rất chi là hàn lâm viện. Nhưng đi với Nguyễn Cường thì chất nghệ nổi lên ầm ầm, không phải ý tứ gì sất, miệng nói đã đành, mắt nói, tay nói, bođì nói mà nói thật thoải mái, văng thoải mái thậm chí còn hơi hơi tục, tục nhưng mà thanh, hiện tượng đánh lừa bản chất, nghe rất là khoái, vui tai, chỉ có thân nhau mới thế. Kiểu như mày tao, nó, thằng, đ… gì, vứt mẹ nó đi. Vân vân và vân vân …
Tối ngày 21 tháng 8 năm 2024 vừa qua, anh em chúng tôi nêu cao tinh thần thể dục thể thao, rủ nhau đi bộ quanh khu đô thị times city nơi chúng tôi ở.
– Thế Hùng, 19 giờ 45 sang Cường đi bộ nhé.
– Nhất trí (tòa nhà tôi trước tòa nhà anh đúng 100 mét).
Thế là dung dăng dung dẻ mấy vòng chắc cũng 3 cây số, dễ đến một tiếng đồng hồ. Qua câu chuyện, tôi thấy Hằng vợ Quốc nhận xét anh trai mình quá đúng: “Em nể nhất bác Cường về kỷ luật tập luyện”. Thảo nào mà “cậu thanh niên” 82 tuổi này săn chắc và khỏe thế. Giọng nói như ba mươi, dáng người như bốn mươi, bản mặt cũng trẻ đến khó tin. Hóa ra, hàng ngày chàng dành 4 tiếng để luyện tập các kiểu đều như vắt chanh: soa bóp Yoga, khí công, bơi, đi bộ (mà vừa đi bộ vừa xoa bụng, bóp tay). Cả khu tôi đều quen quen với ông nhạc sỹ đầu đội mũ cao bồi tối nào cũng xăm xăm đi bộ.
Xưng hô ông tôi, Cường Hùng là láo. Nhưng ông anh cho phép bình đẳng. Chứ đúng ra tôi phải gọi bằng anh xưng em vì chơi với Quốc (cùng 1947) và vì Nguyễn Cường sinh năm 1943, hơn tôi tận 4 tuổi. Cường bảo: “Anh em đ… gì. Cứ Cường – Hùng cho khoái. Ở đời hơn nhau cái khoái. Mày vẽ tranh cho khoái, tao viết nhạc cũng khoái. Khoái mới viết”. Nguyễn Cường thường xuyên mày tao vì là đàn anh. Còn Hùng tôi không bao giờ dám. Bố bảo cũng không dám. Chỉ con nhà mất dạy, vô giáo dục mới hỗn.
Trên đường đi tôi hỏi:
– Cường còn yêu không?
- Yêu chứ, không yêu chết mịa nó đi, sống làm đ… gì, không còn yêu thì sáng tác thế quái nào được.
- Cường viết được bao nhiêu tác phẩm rồi?
- Không nhớ, nhớ làm gì?
– Đã in tập nhạc hay tuyển, tổng tập Nguyễn
– Cường chưa?
- Dở hơi à, vô nghĩa, vớ vẩn!
- Thế ca sỹ cần bản nhạc của ông để hát thì tìm ở đâu?
– Kệ mẹ chúng nó, nghe nhau mà hát theo. Đến bằng tốt nghiệp nhạc viện tao còn không lấy nữa là. À, sau này có lấy vì đối tác thuê viết, hợp đồng 3.000 Đô la cần bằng đại học.
– Những ca khúc nào hay nhất?
- Hò biển, Mái đình làng biển, Hơren lên rẫy, Ơi M’Drak, Có yêu nhau thì về Buôn Mê Thuật…
- Ca khúc nào viết nhanh nhất?
- “Mái đình làng biển”. Trời cho, thần đình cho. Tao hát lên trong giây lát, may vớ được giấy bút của ông Cát Vận ghi vội lời, còn nhạc đã nằm gọn trong đầu.
- Operet nào Cường ưng nhất?
- Đam San, Hùm thiêng Yên Thế, Phật hoàng Trần nhân Tông.
- Đam San là kịch hát, thanh xướng kịch thì phải gọi là Oratorio chứ?
- Hổng dám đâu. Operet thôi.
- Ai dậy Cường sáng tác?
- Thầy Đàm Linh.
- Ai dậy Cường đàn Cello?
-Thầy Hoàng Dương.
- Ai là thuốc súng để Cường nổ thành quả bom âm nhạc đề tài Tây Nguyên
- Thằng Trần Tiến. Năm ấy… Thằng Tiến được Tây Nguyên mời lên sáng tác. Nhưng nó bận không lên được. Gọi ra Hà Nội bảo tao vào. Nó dẫn tao giới thiệu với họ rồi nó về Sài Gòn bỏ lại mình tao. Tao ở lại và viết một loạt ca khúc về miền đất ấy. Thấy được, tao thâm canh luôn tạo nên thương hiệu Nguyễn Cường.
Anh em tôi hợp cạ nên thân nhau. Nguyễn Cường nhiều bè nhưng rất ít bạn thân. Thân nghĩa là hay gặp nhau chén chú chén anh, caffé, báo tin vui về sáng tạo nghệ thuật và thành quả lao động. Thấy tôi mở lớp dậy vẽ, Cường hay sang vẽ cho vui. Có hôm hứng lên alo Cường sang hành cho một tiếng được ngay bức chân dung rất oách. Vẽ Cường rất dễ chỉ cần chiếc mũ cao bồi, đôi kính và bộ ria thật rậm là xong.
Hôm Hùng mua cây đàn Piano 3 chân, mời Cường sang đánh thử. Cường khen tiếng hay và múa một đoạn. Tặng Cường cuốn “Tuyển tập Thế Hùng 2 ” gồm 3 phần: Thơ nhạc họa nặng gần 4 cân. Cường bảo khủng, Việt Nam chưa có. Chơi được bền với nhau mấy chục năm là trọng nhau ở nhân cách và nể nhau bởi tài năng biểu hiện bằng tác phẩm. Sáng 22 tháng 3 năm 2024. Nghe tin Thế Hùng mổ mắt. Nguyễn Cường gọi hỏi thăm đầu tiên.
Anh em tôi giống nhau mấy điểm:
– Sáng tạo đến lúc… ấy, dù bát thập mà cả hai chưa hưu ngày nào.
– Cùng “ chơi” ria (ria Cường rậm hơn, tỉa tót hơn).
– Cùng viết nhạc (Hội viên Hội Nhạc sỹ Việt Nam).
– Cùng không mê rượu, chỉ mê gái.
– Cùng thân với GS NS Hoàng Dương (Cường học Cello thầy Dương ở nhạc viện Hà Nội, Hoàng Dương thân với Thế Hùng).
– Cùng thân với Dương Trung Quốc (Quốc lấy cô em thứ 4 của Nguyễn Cường) .
– Cùng thân với Nhạc sỹ Trần Tiến Cùng đi ngủ lúc 22g đêm dậy rất sớm sáng tác.
– Cùng chăm tập thể thao hàng ngày. Cường đi bộ 8.500 bước, bơi 500m. Hùng đánh bóng bàn, đi bộ.
– Cùng lao động như trâu (khoảng 100 ca khúc, 2 vở Ôperet, 1 vở Opera, 3 đại hợp xướng).
Tôi hỏi đùa:“ Cuối đời , Cường để lại một đống nhạc. Hùng để lại một đống tranh. Ai hơn?”.
Cường cười: “ Hùng hơn vì bán được tranh” Mai kia lụ khụ. Cụ Hùng chống gậy (cụ Quốc cho) đến kính biếu cụ Cường mấy trăm đô để caffe nhé. Hai tên cười ha ha. Đùa vậy thôi, chứ mấy Opera, Operet của Cường là mấy tỷ đấy ạ. Không đùa với anh tôi, bạn tôi được đâu!
Nguyễn Cường là nhạc sỹ nổi tiếng với những ca khúc viết về Hà Nội và Tây Nguyên: Mãi vẫn là tuổi thơ tôi Hà Nội, Em muốn sống bên anh trọn đời, H’ren lên rẫy, Ơi M’Drak, Còn thương nhau thì về Buôn Mê Thuật… Đấy mới là phần nổi phần thanh nhạc. Gia tài lớn nhất của ông là khí nhạc, là những bản: Đại hợp xướng Đà Giang, các vở nhạc kịch Operet Đam San. Hùm thiêng Yên Thế, Phật hoàng Trần Nhân Tông (ở trường nhạc không dậy viết ca khúc, chỉ dậy sáng tác khí nhạc thôi).
Không biết có thân hay không mà cứ lâu lâu không gặp là thấy sao sao ấy… nên có thơ rằng:
“Nhà tôi ở cạnh nhà chàng
Cách nhau chỉ có một hàng mồng tơi
Lâu lâu chàng không sang chơi
Là tôi thấy nhớ Cường ơi hỡi Cường”.
(Trích trong KÝ ỨC THẾ HÙNG sắp xuất bản)
THẾ HÙNG