Nhà văn anh hùng Nguyễn Ngọc Tấn

15:34 | 18/07/2024

Cùng với nhà văn Chu Cẩm Phong, nhạc sĩ Hoàng Việt, nhà thơ Lê Anh Xuân và Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ, nhà văn liệt sĩ Nguyễn Ngọc TấnNguyễn Thi được truy phong Anh hùng Lực lượng Vũ trang, chúng ta vui mừng vì Đảng và Nhà nước đã khẳng định đóng góp của đội ngũ văn nghệ sĩ trong cuộc đấu tranh lâu dài giải phóng đất nước, đồng thời cũng lắng nghe trong đó lời nhắc nhở thiết tha và xúc động của Nhà nước đối với lớp người viết trẻ hôm nay: Bằng chính tác phẩm và cách sống, cuộc sống của mình hãy tiếp tục xứng với niềm tin yêu và hy vọng của nhân dân.

Tin nhà văn – liệt sĩ Nguyễn Thi được Nhà nước tuyên dương Anh hùng lực lượng vũ trang tới trong những ngày Tạp chí Văn nghệ Quân đội – Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang – chuẩn bị kỷ niệm 55 năm ngày xuất bản số đầu tiên (tháng 01/1957) không chỉ mang lại niềm vui lớn cho gia đình và người thân mà còn là lời động viên có ý nghĩa nhắc nhở trách nhiệm đối với những người cầm bút ở trong Quân đội.

Trong đời sống văn học nước nhà, dù đã hy sinh 43 năm, tên tuổi và tác phẩm Nguyễn Thi chưa bao giờ bị lãng quên. Ông được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học và Nghệ thuật năm 2000. Tác phẩm của ông vẫn liên tục được xuất bản: Các tập ký và truyện ngắn, truyện các anh hùng Út Tịch, Nguyễn Thị Hạnh, Phạm Văn Cội, sổ tay ghi chép, thư từ và nhật ký, các tác phẩm còn viết dở rồi Toàn tập tác phẩm. Có mấy tác phẩm đã được dựng thành phim. Tác phẩm của ông là đề tài thường trực của các cuộc thi trong các kỳ thi Phổ thông các cấp. Tập tiểu luận Nguyễn Thi- gương mặt còn lại của nhà phê bình Nhị Ca từng được Giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam. Đã có một con đường và mấy trường học ở thành phố Hồ Chí Minh mang tên Nguyễn Thi, Hội đã tổ chức trọng thể kỷ niệm 70 năm sinh và 30 năm ngày ông hy sinh. Và với sự trợ giúp thiết thực và tận tâm của các Cựu chiến binh ở một tổ chức kinh tế, trên nền nhà cũ đã đến hồi dột nát ở Khu tập thể số 3 Ông Ích Khiêm (Quận Ba Đình) một căn hộ mới tươm tất đã được xây lại cho con trai, cháu và chắt nội ở và làm nơi thờ tự nhà văn. Nhưng những đồng đội cầm bút và bạn đọc hiểu biết về cuộc đời và tác phẩm của ông đều mong muốn Nhà nước có một hình thức tưởng thưởng xứng đáng hơn giành cho nhà văn liệt sĩ.

Buổi tiễn đưa các nhà văn quân đội đi chiến trường tại trụ sở tạp chí Văn nghệ Quân đội.

Trong hai cuộc kháng chiến lớn của dân tộc, đã có hàng trăm văn nghệ sĩ, trong đó có mấy chục nhà văn hy sinh ở khắp các chiến trường. Nhưng có một khối lượng tác phẩm lớn, trong đó có nhiều truyện ký đặc sắc về các anh hùng trong chiến đấu và đến lượt mình đã ngã xuống trong tư thế của một người khi đấu súng với kẻ thù như nhà văn Nguyễn Ngọc Tấn- Nguyễn Thi là trường hợp ít ỏi.

Tên khai sinh của Nguyễn Thi là Nguyễn Hoàng Ca, sinh ngày15/5/1928. Quê ở làng Quần Phương Thượng thuộc Hải Hậu, Nam Định. Ông là kết quả của tình yêu mãnh liệt mà ngang trái của hai chiến sĩ yêu nước là cụ Nguyễn Bội Quỳnh và bà Thành Thị Du. Lên 9 tuổi, cha ông mất vì bệnh lao mắc sau nhiều năm lăn lộn hoạt động cách mạng. Mấy năm sau mẹ đi bước nữa, phải gửi con trai cho người thân xa gần. Học hành dở dang, sớm phải sống tự lập, có mấy năm ông tham gia Ban Đồng Ấu đi hát và diễn ở mấy tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Năm 15 tuổi, ông vào Sài Gòn ở với người anh cùng cha. Vừa làm vừa học, nhưng thời gian ngắn ngủi đó đã giúp ông chuẩn bị thêm vốn liếng về văn hóa cũng như chút kiến thức về nhạc họa sẽ là hành trang trong cuộc sống sau này. Chàng trai 17 tuổi đón Cách mạng Tháng Tám 1945 như đến với một giấc mơ. Rất may, giữa bao thế lực khá phức tạp và rối rắm của Sài Gòn chưa kịp vui vì Cách mạng đã phải tổ chức kháng chiến chống sự trở lại của thực dân Pháp, ông đã sớm tham gia đội Du kích Cảm tử mang tên vị tướng huyền thoại Nguyễn Bình rồi chuyển vào Bộ đội chiến đấu. Những năm kháng chiến chống Pháp, đơn vị ông đã liên tục chiến đấu ở nhiều tỉnh đông và tây Nam Bộ, truy kích địch sang cả Campuchia. Từ một chiến sĩ trẻ, do thành tích trong chiến đấu lại có chút năng khiếu văn nghệ, ông được cử đi học rồi được làm Chính trị viên Trung đội. Do biết ca hát lại có khả năng sáng tác, trong một dịp có Đoàn Văn công Mặt trận về biểu diễn, ông xung phong lên trình bày một bài ca mới sáng tác. Đệm đàn accoocdeon cho ông là một nữ sinh vừa từ nội thành Sài Gòn hoạt động bị lộ phải ra vùng kháng chiến. Buổi gặp nên duyên. Sau mấy lần qua lại, tổ chức đồng ý cho họ kết hôn. Mái ấm hạnh phúc của họ là một căn chòi tự dựng giữa rừng Tha La Tây Ninh. Như một điềm báo không lành, mùa rẫy đầu tiên trồng mía, trồng sắn của họ đã không mọc. Sau Hiệp định Geneve 1954, ông theo đơn vị tập kết còn bà được bố trí ở lại hoạt động. Ngày ông lên tàu ra Bắc, bà sinh con gái. Theo lời hẹn trước, con gái có tên là Nguyễn Trang Thu. Miền Nam trước sau năm 1960, cách mạng và những người yêu nước bị đàn áp dữ dội. Theo một tài liệu đã được công bố, chỉ riêng 6 tỉnh miền Đông Nam Bộ, khi tập kết, có 21 nghìn Đảng viên ở lại nhưng tới Đồng khởi cuối năm 1960 chỉ còn non 900 người. Trong những ngày phải lẩn tránh sự truy đuổi ráo riết của kẻ thù, bà lỡ có con với một đồng chí cùng hoạt động.

Gian trưng bày nhà văn Nguyễn Ngọc Tấn tại Bảo tàng Văn học Việt Nam.

Tập kết ra Bắc ở Tiểu đoàn 301, anh cán bộ chính trị tiếp tục làm thơ đăng báo Quân đội Nhân dân. Nói tiếp tục vì những bài thơ đầu tiên của ông đã từng tập hợp trong tập Hương đồng nội, tác phẩm được tặng Giải thưởng Cửu Long từ năm 1952. Và đó là cơ sở để năm 1956, ông được điều về Phòng Văn nghệ Quân đội, có mặt trong Ban biên tập đầu tiên của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, là Hội viên sáng lập của Hội Nhà văn Việt Nam tháng 5/1957. Ông thuộc thế hệ những người lính trực tiếp cầm súng chiến đấu được bồi dưỡng thành lớp nhà văn quân đội đầu tiên. Tên tuổi và tác phẩm của họ đã làm nên một thời kỳ văn học sôi động. Đó là Thanh Tịnh – Văn Phác, Chinh Hữu – Vũ Cao – Từ Bích Hoàng, Hồ Phương – Hữu Mai, Nguyên Ngọc – Nguyễn Khải, Nguyễn Minh Châu – Xuân Thiều, rồi Xuân Sách, Hải Hồ, Mai Ngữ, Nhị Ca, Doãn Trung, Nguyễn Trọng Oánh, Nam Hà, Thu Bồn, Liên Nam… Trong đội hình đông vui đó, dù xuất phát từ một cơ bản văn hóa thấp, nhờ nỗ lực tự học sau một thời gian ngắn, bút danh Nguyễn Ngọc Tấn đã vươn lên tốp đầu với hàng loạt truyện ngắn được dư luận đánh giá cao. Hai tập Trăng sáng (1960) và Đôi bạn (1962) không chỉ được chú ý bởi ngôn ngữ nghệ thuật, mà quan trọng hơn là vào những năm tháng Cách mạng còn đang phải tìm đường giải phóng Miền Nam thống nhất đất nước, người dân sống trong tâm trạng lo âu và chờ đợi, thì Nguyễn Ngọc Tấn đã phát hiện ra một chủ đề mới của văn học, đó là Lao động. Chỉ có lao động xây dựng Miền Bắc vững mạnh mới làm cơ sở chắc chắn cho công cuộc giải phóng Miền Nam. Nguồn cảm hứng mới này đã tạo ra các tác phẩm đặc sắc Rẻo cao của Nguyên Ngọc, Cỏ non của Hồ Phương, Mùa lạc của Nguyễn Khải. Sau Đồng Khởi, các nhà văn cũng sớm có mặt trong đội hình chiến sĩ chi viện cho Miền Nam. Trở lại quê nhà ở Miền Bắc, ông đã gặp lại mẹ và các anh em một thời ly tán. Ông cũng đã xây dựng một gia đình mới và có một con trai mới sinh. Sức khỏe cũng không được tốt. Nhưng tiếng gọi thiêng liêng từ chiến trường xưa đã giục ông vượt qua mọi quy định ngặt nghèo một thời để kịp có mặt trong đội hình đầu tiên các nhà văn quê ở Miền Nam trở lại chiến trường. Chia tay bạn văn Nguyên Ngọc ở lai Khu Năm để đi tiếp vào Nam Bộ, hai người có hẹn nhau quyết bám trụ cho đến ngày trở về Thủ đô trên quốc lộ Một. Lời hẹn ấy đã không thành hiện thực.

Nhà văn Nguyễn Ngọc Tấn

Chúng ta nhớ lại, buổi đầu chống Pháp, cả một thế hệ nhà văn tiền chiến đi vào kháng chiến với ý thức tự cải tạo mình, họ cảm phục và muốn học tập tinh thần lạc quan trong chiến đấu, đức hy sinh quên mình vì nhân dân, sức chịu đựng gian khổ và ý chí kiên cường của người lính (tâm sự trong nhật ký của Trần Đăng, Nam Cao, Nguyễn Đình Lạp…), thì đến thế hệ đi vào chống Mỹ đã có một vị trí và tư thế khác. Họ là những cán bộ chính trị vững vàng, và những tác phẩm văn học đặc sắc được viết ngay tại chiến trường đã biến họ thành những biểu tượng đẹp cho nhiều người noi theo. Nguyễn Ngọc Tấn khi vào chiến trường lấy tên con trai làm bút danh, Nguyễn Thi là một người như thế. Nhưng đó là chuyện của mấy năm về sau. Việc trước mắt và đầu tiên là góp sức gây dựng và tổ chức lực lượng văn nghệ còn tản mác và non trẻ. Vốn là cán bộ chính trị lại có năng khiếu, ông đã tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng từ viết tin, viết báo, viết văn cho tờ báo Quân Giải phóng, tạp chí Văn nghệ Quân Giải phóng vừa ra đời, rồi mở các lớp dạy ca cải lương, dạy hát, dạy vẽ và cả dạy múa. Tranh thủ thời gian giữa các công việc nghiệp vụ, ông xông xáo đi về các địa phương để nắm tình hình thực tế. Đó là các chuyến đi về Long An, Mỹ Tho, Đồng Tháp, Bến Tre, An Giang, vào cả Củ Chi. Mỗi địa danh nói đến thật nhẹ nhàng nhưng ngày ấy, khi mạng lưới ngụy quyền còn vững mạnh và trùm lấp, mỗi bước đi qua vùng địch chiếm, dưới trời đạn bom và máy bay các loại, nhiều đồng đội cùng đi đã hy sinh, mới thấy quyết tâm bám sát thực tế chiến trường chứa giữ bao nhiêu tâm huyết của một người viết văn. 24 cuốn sổ tay ghi chép mà nhờ may mắn còn giữ được sau khi ông hy sinh đã cho ta biết một thực tế đấu tranh quyết liệt giữa ta và địch và cả trong nội bộ nhân dân, nhiều điều chưa thể viết được trong chiến tranh giúp ta hiểu thêm về tầm nhìn và sự chuẩn bị của một nhà văn lớn. Phải hơn ba năm sau khi trở lại chiến trường, bạn đọc mới được đọc các truyện ký của Nguyễn Thi. Và lập tức tên ông được chú ý, bởi đó là tác giả có văn phong linh hoạt, kịp thời viết về chuyện xảy ra ở những vùng chiến sự ác liệt, nơi có những con người lạc quan, bình tĩnh và hồn nhiên lập nên nhiều chiến công phi thường, làm cho quân thù khiếp sợ. Đó hầu hết là những con người có thật, các Dũng sĩ ở đất thép Củ Chi, là chị Út Tịch và những đứa con, là anh hùng Nguyễn Thị Hạnh… Truyện anh hùng và chiến sĩ thi đua được in khá nhiều trong những năm chiến tranh, nhưng được đọc rộng rãi và nhớ như Người mẹ Cầm súng, Những sự tích ở đất thép, Ước mơ của đất và nhiều truyện ký của Nguyễn Thi không nhiều. Bằng tác phẩm của mình, nhà văn đã tạc nên những tượng đài của bao nhiêu anh hùng có tên và không tên. Nhưng không chỉ có thế. Mấy tác phẩm còn viết dở được công bố sau khi ông mất càng làm cho bạn đọc thấy tầm vóc vượt trội của một nhà văn lớn: Ở xã Trung Nghĩa, Cô gái đất Ba Dừa, Sen trong đồng, Ước mơ của đất. Đó là cuộc khám phá hào hứng và tràn đầy lạc quan về lòng yêu quê hương, yêu gia đình, yêu nước, về tinh thần cách mạng của những người nông dân Nam Bộ hồn hậu, trung thực mưu trí, dũng cảm. Trong những năm cách mạng thoái trào, giữa muôn trùng vây của một thế lực cầm quyền đang hồi mạnh mẽ, với một niềm tin mãnh liệt vào lý tưởng, họ đã không quản ngại nhận mọi hy sinh, để bảo vệ Đảng, bảo vệ cách mạng. Trong sổ tay ghi chép của Nguyễn Thi, không giấu nổi cảm phục ông viết: Mai ngày giải phóng, đất nước thống nhất, công việc đầu tiên chưa phải là xây dựng những tượng đài ghi công to lớn mà là chăm lo đời sống vật chất tinh thần cho những người dân đã hết lòng vì cách mạng những năm tháng này. Đang viết Ước mơ của đất về nữ anh hùng Nguyễn Thị Hạnh, lại lo thường trực bài vở cho Tạp chí Văn nghệ Quân Giải phóng, không được tham gia Tổng tấn công Mậu Thân đợt một, nhưng không thể chờ đợi, ông theo Tiểu đoàn 6 vào đợt hai. Trong một trận chiến đấu không cân sức, đơn vị bị thiệt hại nặng, ông đã chủ động nhận quyền chỉ huy, tập họp chiến sĩ tổ chức phản công. Bị một quả tên lửa từ trực thăng bắn bị thương nặng, trước khi cho anh em còn lại rút lui ông đã nói rõ về mình và nhờ gửi về đơn vị chiếc bòng có mấy bản thảo còn viết dở. Anh em đặt vào tay ông khẩu súng đã lên đạn và dặn: Từ phút này ai tới là kẻ thù. Hôm đó là ngày 09/5/1968. Đó là một trong những lời kể lại của đồng đội về trường hợp hy sinh của ông. Cho đến nay, sau rất nhiều nỗ lực tìm kiếm, nơi ông hy sinh, ngày ông hy sinh vẫn còn là một câu hỏi chưa có lời đáp. Trên mộ gió của ông trong nghĩa trang Liệt sĩ Thành phố Hồ Chí Minh đề ngày hy sinh là 24/5/1968, có lẽ cũng là một giả định. Cũng như bao anh hùng và liệt sĩ, điều đó dệt nên một huyền thoại về cuộc đời nhà văn.

NGÔ THẢO

Cùng chuyên mục

Trời Tây xa lắc

Trời Tây xa lắc

Về một bài thơ của nhà thơ Vũ Đình Liên tặng hai người phụ nữ Bình Định

Về một bài thơ của nhà thơ Vũ Đình Liên tặng hai người phụ nữ Bình Định

Lê Khánh Mai và hành trình nhà thơ nữ bứt phá

Lê Khánh Mai và hành trình nhà thơ nữ bứt phá

Thu Bồn – Tráng sĩ hề… dâu bể

Thu Bồn – Tráng sĩ hề… dâu bể

Bạn bè một thuở

Bạn bè một thuở

Thành Chương Việt Phủ – bức tranh quê hương

Thành Chương Việt Phủ – bức tranh quê hương

Lục bát LÊ THỊ MÂY

Lục bát LÊ THỊ MÂY

Nước mắt Lệ Thuỷ trước biển Nha Trang

Nước mắt Lệ Thuỷ trước biển Nha Trang

Đặc điểm nội dung kịch bản cải lương

Đặc điểm nội dung kịch bản cải lương