Tình cờ tôi được nghe nhà thơ Nguyễn Quang Thiều chơi đàn bầu trong một video (Facebook). Khúc nhạc tựa dòng suối chảy róc rách mơ màng cùng tiếng chim kêu vượn hót. Tôi sực nhớ những câu thơ của anh: “Năm năm trôi dạt dặm trường/ Soi gương thì khóc, đập gương lại cười/ Đêm đêm ngồi tựa bóng người/ Gảy lên một khúc đau mười kiếp sau” (Người chơi đàn bầu làng Chùa). Nghe nói anh còn thổi sáo rất hay…
Bộ sưu tập nhạc cụ độc đáo
Thật tò mò tôi tìm đến nhà Nguyễn Quang Thiều khi hay tin anh còn giữ lại bộ sáo các cỡ và những nhạc cụ dân gian như đàn bầu, sáo, nhị, tiêu, đàn nguyệt và cả cây kèn chơi cho đám ma. Cùng với nhạc cụ dân tộc anh còn sưu tầm đàn măng đô lin, ghi ta và kèn tây. Gần đây anh còn mua một chiếc kèn Ô-boa (Hautbois) để chơi những bản nhạc buồn. Riêng cây tiêu bằng gỗ mun mà anh thửa cách đây dăm năm được bọc đồng có âm thanh ấm áp ngân nga như trong dàn nhạc lễ nhà thờ. Độc đáo nhất là bộ sáo được sưu tầm trong nước và nước ngoài mỗi khi đi công tác. Tôi hoa mắt với những cây sáo các kích cỡ. Nào sáo Nhật, sáo Châu Phi, sáo Tây (mấy loại), sáo trúc, sáo mèo…
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều kể từ bé đã thích chơi sáo trong ban nhạc bát âm. Những ký ức đột ngột dội về qua những câu thơ ám ảnh đeo đẳng anh cho đến suốt đời. Tình yêu những điệu kèn đám ma đã mê hoặc anh. Trong bài thơ “Âm nhạc” anh đã đau đáu nỗi niềm trong cõi tâm linh: “Con yêu những chiếc kèn, những chiếc trống và những chiếc nhị kia thổn thức/ Tất cả cùng con buồn bã lo âu”. Tuổi thơ ấy mê muội với những âm thanh sầu thảm: “Cỗ xe tang trôi mãi vào cơn mê/ Những con rồng gỗ vảy vàng bay lên trong tiếng kèn, tiếng trống.”. Tâm hồn non tơ nhập đồng với phường kèn bát âm quay quắt với sự chia xa: “Chúng con bay theo những lá cờ đuôi nheo và những lá phướn/ Về gò đất cuối làng ta trong tiếng hát cầu hồn”.
Nguyễn Quang Thiều lớn lên trong tiếng ru bà nội và những âm thanh đồng quê của đội chèo làng Chùa. Đó là những đêm trăng thổi sáo cùng bạn trên đê và những buổi chăn trâu ngoài đồng.
Anh kể trong làng có một nhạc công đoàn chèo Hà Tây đã dậy lũ trẻ trong làng thổi sáo. Từ đó cây sáo được giắt lưng và cùng lớn lên theo thời gian qua những câu thơ Nguyễn Quang Thiều. Anh bồi hồi nhớ cách đây chừng mươi năm mình vướng vào một chuyện buồn khó giải thoát. Tâm trạng luôn xáo trộn day dứt. Một buổi chiều ngồi bên đường vắng bỗng gặp một người mù thổi sáo đi qua. Ông ta thổi sáo dạo để bán những cây sáo mình làm ra. Nguyễn Quang Thiều đã giữ chân người thổi sáo lại và xin nghe ông ta tấu một khúc nhạc tâm tư.
Lúc này điệu sáo bay lên trời xanh trong khúc ca thanh bình. Giai điệu réo rắt hoan ca như lời an ủi và xua tan những nặng trĩu âu lo. Cột âm thanh dựng đứng vút lên không trung như một cây nêu nối với vũ trụ bao la. Một bức tranh thiên nhiên hiện ra trước mắt tươi mới tràn ngập niềm vui. Một sự khác lạ ập đến với Nguyễn Quang Thiều bát ngát và bao la xanh thắm. Anh có cảm giác mình là một con người khác đã quẳng hết âu lo phiền muộn: “Giai điệu cuối cùng của tình yêu này ngân lên và khẽ khàng đặt con vào mặt đất/ Rồi dắt con theo con đường hoa cỏ may nở trắng/ Trở về nhà mẹ rửa mặt cho con”. (Âm nhạc-Sự mất ngủ của lửa).
Những khúc cảm và bài ca
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã từng được học chơi đàn dương cầm nhưng cây sáo và chiếc đàn bầu gắn bó với Nguyễn Quang Thiều suốt một chặng đường dài. Những bản nhạc anh đã tấu lên những giai điệu vui buồn trong cuộc sống luôn tạo niềm hứng khởi và gọi những ký ức trở về. Chính vì thế tiếng sáo của anh đã vang lên đây đó, trong nước cũng như nước ngoài, đã đem lại những niềm vui, vỗ về cho những số phận còn nhiều ước vọng phía trước. Anh đã từng được hai HCV cho độc tấu sáo và đệm thơ trong hội diễn (vào giữa thập niên 80 khi còn làm việc ở Bộ Công an). Những khúc dân ca điệu lý ngày nào luôn được ánh xạ trong tâm hồn Nguyễn Quang Thiều. Đó là căn nguyên gây dựng nhịp điệu ngôn ngữ trong sáng tạo thi ca của anh.
Trong thơ Nguyễn Quang Thiều luôn xuất hiện tiếng rì rào lũy tre và sóng vỗ của con sông quê hương. Những xúc cảm âm thanh luôn vang dội trong thơ và góc nhìn cuộc sống phong phú của anh. Người đọc thường bắt gặp những nhịp điệu âm nhạc cuộn chảy như làn sóng trào dâng. Khi là bản “Xô nát hoàng hôn trên biển”, “Một bài hát về tình yêu của làng Chùa”, “Mười một khúc cảm”; hay còn đó “Âm nhạc” cùng “Bài hát về cố hương”; hoặc có thể là “Bài ca những con chim đêm” chuyển động với “Nhịp điệu châu thổ mới” và “Đoản ca về buổi tối”…
Ở những thi phẩm đó luôn có dòng suối âm thanh muôn điệu ngân vang. Do vậy hình ảnh trong thơ anh gây bất ngờ và ấn tượng bởi những khúc thức riêng bên trong. Ta có thể bắt gặp ở đâu đó: “Trong tiếng thở dài như dòng sông cạn/ Trong tiếng ho như con đường xóc/ Tôi đi tìm em/ Em nằm nghiêng trong đêm/ Như con thuyền cô đơn nép mình bên bến cát/ Tôi cởi áo mình ra căng một cánh buồm” (Cánh buồm). Thơ anh luôn có trường lực lôi cuốn cho dù có những câu thơ ngỡ như áng văn xuôi: “Đâu đây có tiếng nói mê đàn ông bên mé tóc đàn bà/ Đâu đây thơm mùi sữa bà mẹ khe khẽ tràn vào đêm/ Đâu đây những bầu vú con gái tuổi mươi lăm như những mầm cây đang nhoi lên khỏi đất” (Bài hát về cố hương). Cũng trong bài thơ này sự chuyển động của nhạc điệu trong mỗi khổ thơ lại đổi khác. Đó là câu: “Tôi hát, tôi hát bài ca về cố hương tôi/ Trong những chiếc tiểu sành đang xếp bên lò gốm/ Một mai đây tôi sẽ nằm trong đó/ Kiếp này tôi là người/ Kiếp sau phải là vật/ Tôi xin ở kiếp sau làm một con chó nhỏ/ Để canh giữ nỗi buồn-báu vật cố hương tôi”.
Riêng những câu thơ dài Nguyễn Quang Thiều cũng thường đính lại nốt lặng giữa những hình ảnh để nhạc điệu của ngôn ngữ chuyển động. Đọc tập “Dưới trăng và một bậc cửa càng thấy rõ nét nổi trội này với những câu thơ: “Những con sâu những vệt sáng ngắn chảy từ gốc lên cành/ Chúng ngoan ngoãn liếm trăng trên những chiếc thìa lá mạ bạc” (Dưới trăng và một bậc cửa). Hoặc có câu lại dẫn dụ người đọc ở nhạc cảm tự sự: “Mọi con đường tháng Tư biến mất, chỉ còn lại tôi đứng trên con đường này và quanh tôi bạt ngàn những cây kèn cô đơn/ Tôi phải chơi thay những nhạc công đã chết/ Và những cây kèn bị lãng quên trong bóng tối cánh đồng” (Hồi tưởng). Đây là những mạch thơ được khai thác trên nền nhạc đã hình thành từ trước. Đó là những câu thơ đẹp cả về ngữ điệu lẫn hình ảnh: “Sông Đáy ơi! Chiều nay tôi trở lại/ Những cánh buồm cổ tích đã bay xa về một niềm tức tưởi/ Em đã mang đôi môi mầu dâu chín sang đò một ngày sông vắng nước/ Tôi chỉ gặp những bẹ ngô trắng trên bãi/ Tôi nhớ áo em tuột rơi trên bến kín một trăng xưa” (Sông Đáy). Đó là những bài thơ luôn được ghim chặt bằng giai điệu bí ẩn. Mỗi khi đọc âm nhạc lại rung lên từ những thi ảnh huyền ảo trong thơ Nguyễn Quang Thiều.
Người thổi sáo
Tiếng sáo của người mù năm xưa luôn vang vọng trong tâm tưởng mỗi khi Nguyễn Quang Thiều gặp phải những biến động đường đời. Điệu dân ca Lý Hoài Nam dẫn dụ tâm hồn anh qua những cung điệu buồn bã lưu luyến với hình ảnh tiễn bạn qua đèo rừng. Và giờ đây cây sáo cũng lại là khởi nguồn cho những sắc mầu hội họa dâng lên trong tâm hồn thi nhân. Nguyễn Quang Thiều bắt đầu cầm bút vẽ thật tình cờ và khá muộn màng. Nhưng bức vẽ khai mở và thành công đầu tiên của anh chính là hình ảnh người thổi sáo. Tiếng sáo lại ngân vang khi trong trẻo thanh khiết, khi lại trầm ấm trong sắc mầu. Bởi vậy triển lãm đầu tiên của Nguyễn Quang Thiều vào đầu năm 2021 chính là cái tên “Người thổi sáo”.
Hơn bốn mươi bức tranh “Người thổi sáo” là những tâm tình về cuộc sống cùng những triết lý nhân sinh gửi trao tới người xem. Đó là những cung buồn và nhịp điệu trong thơ được tái hiện bằng sắc mầu sâu thẳm nỗi đời. Mỗi bức tranh là một bất ngờ với cây sáo, bình gốm và chim muông. Khi ấy những câu thơ Nguyễn Quang Thiều lại hiện lên đầy huyền ảo: “Đến nơi chín rũ một mùa khóc/ Đến nơi khô quắt một mùa cười/ Nơi bầu vú ăn vào đá sỏi/ Cứ nâu dần sau mỗi tiếng u…u”. Những nhịp điệu sắc mầu hòa quyện với thi ca. Và ai cũng lắng nghe tiếng sáo trong mỗi bức tranh bừng lên câu hát: “Chàng ơi, Đêm đã trải tấm khăn của tình yêu xuống rồi/ Sao xanh/ Sao xanh/ Bay về đồng cỏ/ Nụ cười trinh trắng của em/ Nước mắt trinh trắng của em…” (Một bài hát tình yêu của làng Chùa)
Vương Tầm/VHVN