Nguyễn Tư Nghiêm từng nói nôm na với các đồng nghiệp trẻ quá tôn thờ các trường phái hội họa hiện đại phương Tây như thế. Là người rất am hiểu, chịu khó nghiên cứu học hỏi các trường phái nghệ thuật này nhưng ông không coi chúng là những chuẩn mực mà hội họa Việt Nam phải noi theo. Với Nguyễn Tư Nghiêm, trong di sản văn hóa nghệ thuật truyền thống Việt Nam; sân khấu, âm nhạc, kiến trúc, điêu khắc đình chùa, tranh dân gian…ẩn chứa đầy đủ các yếu tố ấn tượng, xuất biểu, siêu thực, lập thể, thậm chí cả trừu tượng …
Danh họa Nguyễn Tư Nghiêm.
Nguyễn Tư Nghiêm là danh họa cuối cùng còn sống trong bát tú của hội họa Việt Nam hiện đại (Gồm Nguyễn Gia Trí, Tô Ngọc Vân, Nguyễn Tường Lân, Trần Văn Cẩn, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Bùi Xuân Phái). Ông sinh năm 1922 ở Nam Đàn, Nghệ An trong một gia đình có truyền thống Nho học. Cha ông, cụ Nguyễn Tư Tái là một nho sĩ đậu Phó bảng cùng kỳ với cụ Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh Bác Hồ. Năm 1941, Nguyễn Tư Nghiêm ra Hà Nội thi vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, học cùng khóa với Bùi Xuân Phái, Huỳnh Văn Gấm… khóa XV (1941-1946). Trong khóa học này, Nguyễn Tư Nghiêm được coi là sinh viên vẽ chất liệu sơn dầu giỏi nhất. Năm 1944, khi còn là sinh viên, bức tranh “Người gác Văn Miếu” của ông đã được đánh giá là bức tranh sơn dầu xuất sắc nhất của họa sĩ Việt Nam thời bấy giờ và đã được Hội đồng giám khảo Triển lãm Mỹ thuật Salon Unique tặng giải nhất. Cũng trong năm đó, các bức sơn dầu về làng quê Việt Nam như “Cổng làng Mông Phụ”, “Đánh cờ dưới bóng tre” của ông được đánh giá cao. Năm 1948, khi là giảng viên của Trường Mỹ thuật kháng chiến Việt Bắc, Nguyễn Tư Nghiêm đã được tặng giải triển lãm Mỹ thuật kháng chiến toàn quốc lần thứ nhất với bức tranh “Du kích làng Phù Lưu”. Năm 1957, ông lại được tặng giải nhất Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc đầu tiên sau kháng chiến chống Pháp với bức tranh sơn mài nổi tiếng “Con nghé quả thực”. Năm 1985, bức tranh sơn mài “Điệu múa cổ1” của Nguyễn Tư Nghiêm được trao giải chính thức tại Triển lãm Quốc tế nghệ thuật hiện thực ở Sophia (Bungari ). Năm 1987, bức tranh sơn mài “Điệu múa cổ 2” của ông lại được tặng giải chính thức tại Triển lãm hội họa Quốc tế ở Hà Nội. Năm 1990, bức tranh sơn mài “Thánh Gióng” của Nguyễn Tư Nghiêm được tặng giải nhất Triển lãm Mỹ thuật Toàn quốc. Năm 1996, ông vinh dự là một trong những họa sĩ đầu tiên được Nhà nước Việt Nam trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học nghệ thuật đợt 1.
Là một trong những họa sĩ tài năng nhất trong thế hệ họa sĩ hiện đại đầu tiên của Việt Nam qua cánh cửa Trường Mỹ thuật Đông Dương nhưng Nguyễn Tư Nghiêm là một trong số ít họa sĩ đã tìm ra con đường đi riêng của mình: đến với thế giới hội họa hiện đại, hòa nhập với thế giới từ các đề tài cũng như chất liệu truyền thống dân tộc.
Tranh của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm trong bộ sưu tập Gallery Ngàn phố.
Kể từ những sáng tạo đầu tiên trên ghế nhà trường, Nguyễn Tư Nghiêm đã hướng về đề tài nông thôn và nông dân Việt Nam với các bức tranh sơn dầu “Người gác Văn Miếu” , “Cổng làng Mông Phụ”, “Đánh cờ dưới bóng tre”. Trong kháng chiến chống Pháp và những năm sau này về lại Hà Nội, ông bắt đầu chú tâm nghiên cứu các chất liệu hội họa truyền thống dân tộc như sơn mài, sơn khắc, khắc gỗ và sáng tạo nên loạt seri tranh có bản sắc riêng hết sức độc đáo của mình như “Điệu múa cổ”, “Gióng”, “Kiều” và “Mười hai con giáp”. Đây là các seri tranh kết hợp hài hòa tình cảm và lý trí, thấm đượm đạo lý phương Đông và Việt Nam, khai thác kỳ tài hoa văn, chạm khắc đình chùa các thời Lý, Trần, Lê, Nguyễn…
Tác phẩm: Gióng
Cùng với Nguyễn Gia Trí, Nguyễn Sáng, Nguyễn Tư Nghiêm đã đưa sơn mài mỹ nghệ dân tộc lên thành sơn mài hội họa hiện đại trong loạt tranh “Điệu múa cổ” và “Gióng”. Với đường nét đơn giản, khỏe khoắn, được cách điệu theo cái thần của điêu khắc dân gian, Nguyễn Tư Nghiêm đã làm cho nghệ thuật khắc gỗ thăng hoa trong loạt tranh “Kiều”. Còn với loạt tranh “Mười hai con giáp”, Nguyễn Tư Nghiêm lại cho thấy với các danh họa, bột màu không hề là chất liệu hạng hai như có người vẫn nghĩ. Với chất liệu có vẻ bình dân này, Nguyễn Tư Nghiêm đã thể hiện cực kỳ sinh động, biến hóa, hấp dẫn tất cả các con vật trong mười hai con giáp theo quan niệm truyền thống phương Đông và Việt Nam tạo nên những hình tượng hội họa hư hư thực thực tuyệt đẹp.
Tác phẩm: Đêm giao thừa bên hồ Gươm.
Tuy sau cuộc triển lãm đầu tiên và cũng là duy nhất của mình từ năm 1984, đã mấy chục năm nay, Nguyễn Tư Nghiêm hầu như không ra khỏi nhà, tránh mọi giao tiếp ồn ào bon chen để được sống trọn vẹn với những suy tư, chiêm nghiệm, khát vọng hội họa trong thế giới của bút, màu, giấy, gỗ, toan, vóc… Mặc dù thế, bằng tình yêu nghệ thuật thuần khiết cùng sức chinh phục và sự mởi mẻ của các tác phẩm không ngừng ra đời hàng ngày của mình, Nguyễn Tư Nghiêm vẫn là một trong những bậc thầy có ảnh hưởng lớn nhất với các thế hệ họa sĩ hậu sinh
Tác phẩm: Điệu múa cổ.
Ảnh hưởng này càng rõ khi bộ “Sưu tập Thu Giang”, bộ sưu tập mới nhất của tranh Nguyễn Tư Nghiêm ra đời (Nhà xuất bản Mỹ thuật, 2008), lúc bậc danh họa ở ngưỡng cửa tuổi 90. Bộ sưu tập này có 137 tranh Nguyễn Tư Nghiêm vẽ từ năm 1990 đến năm 2008: 24 tranh đề tài “Điệu múa cổ”, 89 tranh đề tài “Mười hai con giáp”, 7 tranh đề tài mới“Bốn mùa” là chất liệu bột màu trên giấy và 17 tranh chân dung Thu Giang là chất liệu phấn màu.
Loạt tranh “Điệu múa cổ” và “Mười hai con giáp” cho thấy với Nguyễn Tư Nghiêm, đây là hai đề tài luôn luôn có cách tiếp cận mới, cách vẽ mới, không có điểm tận cùng. Ở “Mười hai con giáp”, trước đây ông thường vẽ riêng rẽ từng con giáp thì bây giờ Nguyễn Tư Nghiêm vẽ gộp cả mười hai con giáp vào một tranh.Theo nhà thơ, nhà nghiên cứu hội họa Dương Tường, loạt tranh này là những “Tổng họa chiêm nghiệm các quan hệ thiên – địa – nhân cả ngoại giới lẫn nội giới trong những phối kết bất ngờ, những bố cục biến hóa, những tương tác nhiều tầng, nhiều chiều, ăm ắp cộng hưởng”. Còn ở “Điệu múa cổ”, theo nhận xét của họa sĩ Phan Cẩm Thượng, yếu tố tả thực ngày càng phôi pha, cảm giác siêu hình manh nha trước đây đã trở thành yếu tố quán xuyếnvới “các hình người được vẽ nhiều dây, dàn trải và nhập vào nhau tới mức không còn nhận ra các hình riêng, màu sắc được phối vào theo cách riêng, dường như không ăn nhập với hệ thống nét, gợi cảm giác về tính sặc sỡ lễ hội”.
Tác phẩm: Con nghé
“Bốn mùa” là loạt tranh Nguyễn Tư Nghiêm mới bắt đầu vẽ từ năm 2006 với cách tiếp cận và cách thức vẽ giống với các bức “Điệu múa cổ” và “Mười hai con giáp” giai đoạn này của Nguyễn Tư Nghiêm. Ông không vẽ từng mùa một mà vẽ gộp cả bốn mùa trên một bức tranh trong sự chuyển động hài hòa rất đẹp của thời gian và không gian. 7 bức tranh “Bốn mùa” cho thấy Nguyễn Tư Nghiêm ngày càng đi xa hơn vào siêu thực và bước dần đến trừu tượng với những mảng màu trong vắt vừa xô đẩy vừa hòa quyện.
Tác phẩm: Kim Vân Kiều
17 bức tranh vẽ Thu Giang là dấu ấn thiên tài của Nguyễn Tư Nghiêm trong tranh chân dung dù là ký họa hay tác phẩm hoàn chỉnh. Vẽ phấn màu nhưng Nguyễn Tư Nghiêm rất tiết chế màu, có bức rất chi tiết như tranh tả thực nhưng nhiều bức là những chấm phá tài năng của nét và màu để thể hiện vẻ đẹp phong phú rất khó nắm bắt của hình thể và tâm trạng nhân vật…
Chỉ với các chất liệu bột màu và phấn màu trong các đề tài truyền thống dân tộc và cuộc sống gần gũi quanh mình, bộ sưu tập tranh của Nguyễn Tư Nghiêm công bố vào năm ông bước vào tuổi 90 cho thấy tài năng và sức sáng tạo dường như vô tận của nhà danh họa. Bộ sưu tập hội họa còn là bằng chứng sống của chân lý: càng bắt rễ sâu vào truyền thống, hội họa Việt Nam càng sớm tiếp cận thành công với hội họa hiện đại thế giới.
Nguyễn Thế Khoa