“Chúng tôi luôn xác định, mỗi cơ quan báo chí, nhà báo phải tiếp cận để tạo ra được những sản phẩm truyền thông tương thích với nền tảng kỹ thuật, công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu tiếp nhận thông tin của công chúng hiện đại…”.
Đó là nhấn mạnh của Chủ tịch Hội Nhà báo TP. Cần Thơ trong vấn đề nâng cao chất lượng tác phẩm báo chí cho hội viên, nhà báo trên địa bàn.
Tích cực hỗ trợ kỹ năng làm báo hiện đại
+ Thưa ông, được biết, công tác bồi dưỡng nghiệp vụ, tổ chức cho hội viên sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Hội Nhà báo các địa phương, trong đó có Hội Nhà báo TP. Cần Thơ. Hội đã có cách triển khai như thế nào tới hội viên, thời gian qua thưa ông?
– Thời gian qua, Hội Nhà báo TP. Cần Thơ tích cực hỗ trợ kỹ năng làm báo hiện đại, tổ chức cho đội ngũ người làm báo ở thành phố đi thực tế thu thập tư liệu sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao, từ đó có nhiều tác phẩm báo chí chất lượng tốt phục vụ công chúng và tham gia các giải báo chí Trung ương, địa phương. Đặc biệt trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, sự phát triển ồ ạt của công nghệ thông tin, bùng nổ mạng xã hội, gần đây là sự xuất hiện của Chat GPT, đã tác động mạnh mẽ đến tất cả các ngành, lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có báo chí – truyền thông.
Chúng tôi luôn xác định, mỗi cơ quan báo chí, nhà báo phải tiếp cận để tạo ra được những sản phẩm truyền thông tương thích với nền tảng kỹ thuật, công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu tiếp nhận thông tin của công chúng hiện đại. Và thời gian qua, Hội Nhà báo TP. Cần Thơ đã tập trung bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí theo xu hướng: giúp đội ngũ làm báo tiếp cận phương thức làm báo dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất sản phẩm báo chí.
Nhà báo Trương Văn Chuyển.
+ Thưa ông, với lực lượng hội viên đông đảo, rải rác tại các Liên Chi hội, Chi hội, văn phòng, Câu lạc bộ… Việc tập trung bồi dưỡng phóng viên tiếp cận được các phương thức làm báo mới trong bối cảnh hiện nay như thế nào, thưa ông?
– Hội Nhà báo TP. Cần Thơ hiện có 309 hội viên đang sinh hoạt tại 05 tổ chức Hội cơ sở trực thuộc nhưng Ban Thư ký Chi hội, Liên Chi hội và Ban Chủ nhiệm Câu lạc bộ Nhà báo nữ thường xuyên tổ chức tập hợp, sinh hoạt bằng nhiều hình thức đa dạng và phong phú.
Chúng tôi tích cực phối hợp với Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ Báo chí – Hội Nhà báo Việt Nam, các nhà báo, các chuyên gia ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh tổ chức các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí. Trong đó, có những lớp “ôn lại” các thể loại truyền thống như: Phóng sự, phóng sự chân dung; phóng sự điều tra, ký báo chí; hay những lớp chuyên về công tác quản lý tòa soạn…
Nhưng đa số các lớp bồi dưỡng các chuyên đề nghiệp vụ báo chí theo xu hướng báo chí hiện đại, như: Ngôn ngữ và tư duy hình ảnh trong truyền hình, kỹ năng kể câu chuyện bằng hình ảnh, kỹ năng làm báo mạng điện tử, kỹ năng làm báo đa phương tiện, kỹ năng biên tập báo in sang báo mạng điện tử, khai thác mạng xã hội trong tác nghiệp báo chí, tổ chức và quản lý tòa soạn đa phương tiện, phóng sự phát thanh hiện đại, kỹ năng phỏng vấn, kỹ năng thực hiện chương trình phát thanh hiện đại và phát thanh trực tiếp, thực hiện tin, bài truyền hình trên điện thoại di động thông minh, kỹ năng đồ họa thông tin cho báo in, kỹ năng dẫn chương trình phát thanh, truyền hình tương tác…
Không chỉ vậy, với vị trí trung tâm Đồng bằng sông Cửu Long, Hội Nhà báo Cần Thơ không chỉ tổ chức các khóa bồi dưỡng cho những người làm báo trong phạm vi thành phố, mà còn liên kết, mở rộng với các tỉnh thành bạn trong khu vực để phát huy hiệu quả.
Từ năm 2016 đến nay, chúng tôi đã tổ chức và phối hợp tổ chức hàng chục lớp tập huấn với những loại hình báo chí và thể loại báo chí khác nhau cho gần 450 lượt hội viên – nhà báo đang công tác tại các cơ quan báo chí ở Cần Thơ, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Ngược lại, Hội Nhà báo TP. Cần Thơ cũng tạo điều kiện cho hội viên – nhà báo của các cơ quan báo chí tại Cần Thơ tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí ngoài thành phố.
Coi trọng, đầu tư các chuyến đi thực tế
+ Dĩ nhiên việc bồi dưỡng nghiệp vụ với các khóa học chuyên ngành là rất quan trọng. Nhưng thưa ông, những sản phẩm báo chí chất lượng cao đòi hỏi phải được chắt lọc từ thực tiễn, mang hơi thở cuộc sống?
– Đúng vậy. Cho nên, song song với công tác bồi dưỡng nghiệp vụ, hằng năm, từ nguồn kinh phí hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao, Hội Nhà báo thành phố Cần Thơ chúng tôi cũng rất tích cực tổ chức những chuyến cho hội viên đi thực tế thu thập tư liệu sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao. Địa bàn tổ chức các chuyến đi thực tế chủ yếu là ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung, Tây Nguyên.
Và mới đây nhất là chuyến đi thực tế ở Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu. Điều đáng ghi nhận là qua các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, các chuyến đi thực tế đã góp phần nâng cao trình độ chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng làm báo cho hội viên…
Hội Nhà báo Cần Thơ thăm quan và thực tế tại Bảo tàng Súng ở Vũng Tàu.
Từ đó, hằng năm các nhà báo trong Hội Nhà báo TP. Cần Thơ đều có tác phẩm đoạt các giải thưởng Giải Báo chí Quốc gia, Giải Búa liềm vàng, giải báo chí của các Bộ, ngành Trung ương, Giải Báo chí viết về Đồng bằng sông Cửu Long… Ngoài hoạt động bồi dưỡng nghiệp vụ, kỹ năng làm báo, Hội Nhà báo TP. Cần Thơ còn đề xuất Ủy ban nhân dân TP. Cần Thơ nâng Giải Báo chí Phan Ngọc Hiển thành giải báo chí tầm khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Qua các mùa giải, Giải Báo chí Phan Ngọc Hiển ngày càng thu hút các các nhà báo chuyên nghiệp và không chuyên nghiệp trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, TP. Hồ Chí Minh và các cơ quan báo chí đóng trên địa bàn tham gia dự thi, Giải Báo chí Phan Ngọc Hiển thực sự trở thành sân chơi, tạo động lực của những người làm báo ở Cần Thơ và trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
+ Tác phẩm báo chí chất lượng cao đến cuối cùng vẫn là bài toán của hiệu quả gắn với mỗi tác phẩm, với quyền lợi của hội viên, nhà báo… Thưa ông, tới đây, chúng ta sẽ tiếp tục triển khai triển khai Chương trình hỗ trợ báo chí chất lượng cao giai đoạn 2021 – 2025, ông có kỳ vọng gì thời gian tới?
– 6 tháng đầu năm, chúng ta đã có những Hội nghị tổng kết quan trọng ở nhiều khu vực nhằm phân tích, đánh giá hoạt động của các cấp Hội Nhà báo Việt Nam trong công tác hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí trong 5 năm vừa qua, ghi nhận những kết quả đạt được cũng như những khó khăn, vướng mắc trong việc thực hiện Đề án, từ đó rút ra bài học kinh nghiệm để quán triệt, triển khai có hiệu quả Chương trình hỗ trợ trong giai đoạn tiếp theo.
Với Hội Nhà báo Cần Thơ, dù còn khó khăn chung mang tính đặc thù của vùng Đồng bằng sông Cửu Long như sông ngòi chằng chịt, khó khăn trong đi lại, tác nghiệp, nhưng những người làm báo Cần Thơ luôn tâm huyết với với nghề, luôn cố gắng tự học, tự rèn phấn đấu vươn lên. Những lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, những chuyến đi thực tế từ nguồn kinh phí hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao thời gian qua như chắp thêm đôi cánh cho những nhà báo tâm huyết với nghề có thể bay cao hơn, xa hơn.
Chính vì vậy, chúng tôi luôn nỗ lực, cố gắng với công tác Hội, với công tác bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, tổ chức các chuyến đi thực tế, xét hỗ trợ kinh phí sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao cho hội viên. Tuy nhiên, kinh phí hoạt động, kinh phí tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí, kinh phí tổ chức các chuyến đi thực tế vẫn còn là vấn đề khó khăn, trăn trở.
Và tôi nghĩ rằng đây cũng là khó khăn chung của các Hội Nhà báo địa phương trong toàn quốc. Điều đáng mừng là chương trình triển khai giai đoạn mới sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác hỗ trợ báo chí với nguồn kinh phí lớn hơn.
Hà Vân (Thực hiện)
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/boi-duong-nghiep-vu–diem-tua-nang-cao-chat-luong-tac-pham-post252167.html