Nhà báo Phạm Phú Bằng – người lữ hành lặng lẽ

14:26 | 05/07/2024

Đại tá, nhà báo lão thành Phạm Phú Bằng vừa từ trần ngày 17/3/2024, hưởng thọ 95 tuổi. Đay là một trong những nhà báo tôi kính trọng nhất ở báo Quân Đội Nhân Dân mặc dù khi tôi về báo, ông đã nghỉ hưu. Xin gửi đăng lại bài báo tôi viết về ông từng đăng trên Vietnamnet năm 2006 như một nen hương tưởng nhớ ông.

Bạn, nếu là một phóng viên trẻ, trong một ngày nào đó gặp lão già vai gầy mình hạc, khoác chiếc bị cói tha thẩn ở một vùng núi phía Bắc để săn tin hoặc làm từ thiện thì hãy ngả mũ chào đi. Nhà báo Phạm Phú Bằng đó!

Con người ấy buộc chúng ta phải kính trọng, bởi chỉ còn 3 năm nữa là đến tuổi 80, nhưng ông vẫn mải miết đi, đi xa Hà Nội, mỗi tuần một xã, một huyện miền núi.

Nào mấy ai biết ông đi để làm gì, riêng chúng tôi, những người đang làm báo Quân đội nhân dân, cơ quan cũ của ông, được ông cho xem vài tấm ảnh lúc ông tặng cầu mây cho một bản miền núi phía Bắc, lúc đại diện cho cơ quan nào đó tặng ti vi, máy phát điện cho một xã nghèo Hà Tĩnh…

Những ngày ở nhà, lặng lẽ như một người đưa thư, ông đến đưa người này người khác tờ báo mà ông đang cộng tác, như ngầm nhủ: này, viết cho chúng tớ với nhé! Hơn 50 năm cầm bút, nhà báo Phạm Phú Bằng có lẽ là một trong ít nhà báo còn sống tận mắt chứng kiến những sự kiện lịch sử của đất nước, những trận đánh mà mình trực tiếp cầm súng chiến đấu: Điện Biên Phủ 1954, Gianxơn Xiti (Junction City) năm 1967, Mậu thân 1968, Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975…

Biết nhiều, viết cũng không ít, tay nghề ai cũng thừa nhận là cao, nhưng ông không bao giờ trả lời phỏng vấn một ai, kể cả những nhà báo ông thân quen. Ông khiêm nhường, khiêm nhường quá nên đôi lúc làm cho cánh trẻ chúng tôi nghi ngờ…

TS. Phạm Phú Tiết, nguyên Tổng đốc Bình Phú, nguyên Chánh án Tòa án quân sự Liên khu 5, sau 1954 ra Bắc làm chuyên viên Bộ Văn hóa, chuyên nghiên cứu Tuồng và dịch thơ Bác Hồ, cha nhà báo Phạm Phú Bằng.

Cho đến một hôm, trong khi đối ẩm với ông ở một quán trà Nhật Bản trên phố Lý Nam Đế, tôi dại đột buông một câu: Chú ạ, bọn cháu rất kính trọng chú, nhưng chú lặng lẽ với thời cuộc quá. Phải chăng, thế hệ các chú quá lạm dụng từ “nhẫn”?

Nhà báo Phạm Phú Bằng nhận huy hiệu 75 năm tuổi Đảng

Dường như bị chạm vào nỗi thầm kín trong lòng, giọng ông bỗng gay gắt, khác hẳn với bản tính điềm đạm hằng ngày: “Nhẫn, nhẫn nào? Anh đã biết gì về tôi mà nhẫn? Tôi từng cãi nhau với một cán bộ cao cấp, làm cho ông ta đỏ mặt tía tai cũng chỉ bởi yêu cầu ông ta tôn trọng trang viết của tôi. Như vậy tôi nhẫn hay không nhẫn?”.

Nghe nói sau vụ đó, Phạm Phú Bằng đã chuẩn bị chiếc bơm xe đạp để kiếm sống. Nhưng rồi ông giữ được thăng bằng.

Nghề báo, như một nhà báo đã từng nói, như người đi trên dây. Báo Quân đội nhân dân thời của ông vốn là nơi tập trung nhiều tinh hoa trong quân đội về tụ hội, nhưng cũng là nơi sóng gió nhất trong làng báo miền Bắc. Nhiều bậc đàn anh, nhiều bạn đồng nghiệp của ông bị vĩnh viễn treo bút. Riêng ông sau vụ cãi nhau đó, mặc dù lý lịch ghi thành phần Đại địa chủ phong kiến, vẫn bình an cầm bút cho đến bây giờ. Ông nhẫn nại, hay giỏi giữ thăng bằng?

Phạm Phú Bằng xuất thân trong một gia đình “Danh gia vọng tộc”. Cụ nội của ông là quan Thượng thư Phạm Phú Thứ, từng là Tổng trấn Hải Yên (gồm 4 tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Yên) dưới triều Nguyễn. Là nhà canh tân đất nước với những ý tưởng táo bạo và khoa học, nhưng cụ đã từng bị đi tù, đi làm lính trơn bởi những tư tưởng vượt khỏi tầm suy nghĩ của vua chúa và thời đại lúc bấy giờ. Cha đẻ của ông là Tiến sĩ Phạm Phú Tiết, Tổng đốc Bình Phú (Bình Định và Phú Yên), sau Cách mạng tháng Tám được Bác Hồ phong cấp đại tá Quân đội nhân dân Việt Nam, Chánh án toà án quân sự Liên khu V, kiêm nhiệm chánh án hội đồng phúc án toà dân sự liên khu V. Sau năm 1954, cụ tập kết ra Bắc, làm chuyên viên Bộ Văn hóa tham gia Ban Nghiên cứu Tuồng, viết cuốn sách nổi tiếng “Hội thoại về nghệ thuật tuồng”, tham gia dịch “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh… Như vậy, Phạm Phú Bằng sinh trưởng trong gia tộc khoa bảng, nhưng không hiểu sao ông theo học trường sở rất ít, lý lịch phiên ngang chỉ ghi lớp 6…

Nhà báo Phạm Phú Bằng và tác giả bài viết Hồng Sơn

“Anh cứ tưởng tượng, mẹ tôi đẻ 15 đứa con, thì cũng có đứa dốt, đứa hư hỏng chứ! Vả lại, có phải quan tổng đốc nào cũng giàu sang phú quý để cho con ăn học đến nơi đến chốn đâu”- ông nói.

16 tuổi, chàng thiếu gia Phạm Phú Bằng hăm hở theo đoàn quân cách mạng cướp chính quyền ở Huế, rồi nhập ngũ theo đoàn quân Nam tiến… Năm 1950, khi báo Quân đội nhân dân được thành lập, từ chiến trường ông được triệu tập về làm phóng viên. Học hành không nhiều, tay nghề non nớt, 19 bài đầu tiên ông viết được Ban biên tập cho thành… di cảo. Hồi đó, ông chưa ý thức rõ về nghề nghiệp, chỉ biết rằng nhiệm vụ nào được phân công cũng phải hoàn thành cho tốt. Nhưng sự nghiêm khắc của cấp trên buộc ông phải lao vào tự học, học ở đồng nghiệp, học ở cơ sở, và nghề báo bắt đầu ngấm vào máu của ông.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông được cử sang Trung Quốc học nghề báo 3 năm. Ông bảo, ông học nghề rất lớt phớt, chỉ chú tâm học chữ và đi chơi. Ông sang Siberia đục băng câu cá, ra đồng tưới ruộng với bà con nông dân. Sau này khi vào chiến truờng, dù gian khổ mấy, ông vẫn dành thời gian học tiếng Anh và đi thực tế xuống đơn vị. Đó là cách học nghề của riêng ông, vì thế mà sau này ông là một trong rất ít các nhà báo Quân đội hiểu được 3 ngoại ngữ: Pháp, Anh, Trung Quốc.

“Tôi chưa bao giờ tự coi mình là nhà báo, và vì thế anh hỏi chuyện làm báo thì nó không nằm trong mạch của tôi. Những điều tôi sống, tôi trải qua trong cuộc đời này đã không nằm trong bài viết của tôi”.

Ông đang giận mình chăng? Có những trận đánh nổi tiếng ông tham gia như trận Gianxơn Xiti 1967, khi cơ quan đầu não của ta đã rút sang bên kia biên giới, ông và một vài nhà báo ở lại cùng cầm súng cùng với quân ta chống càn. Vậy mà ông chỉ viết được vài ba bài nho nhỏ, trong khi những người khác 6 tháng sau mới quay trở lại để viết những những bút ký và phóng sự để đời.

Quả là nếu tìm kiếm ở nhà báo Phú Bằng những tác phẩm lớn nào để lại cho hậu thế, những bài báo nào từng đưa ông lên đỉnh cao nghề nghiệp… thì hầu như rất ít. Nhưng không hiểu sao, chúng tôi luôn tôn trọng ông, coi ông là một nhà báo lớn về cả nhân cách và nghề nghiệp. Không tôn trọng sao được khi tờ Quân đội nhân dân Thứ bảy ra đời, mặc dù đã về hưu, ông vẫn được Ban biên tập vời ra làm cố vấn giữa những nhà báo tài hoa được chọn về.

Ngắn gọn, súc tích, nhiều ẩn dụ và ý tưởng, cho dù trong thời chiến nước sôi lửa bỏng hay thời bình kinh tế thị trường nhộn nhịp, giữa những giọng văn hùng tráng đôi lúc lên gân của nhiều đồng nghiệp, các bài viết của ông vẫn điềm tĩnh, sẻ chia, đầy ắp những chi tiết và hoài niệm xưa. Ông nhớ mùi súng đạn khét lẹt, mùi bùn đất pha lẫn mùi máu trên đường phố Sài Gòn Mậu Thân 1968, nhớ cánh rừng Tây Ninh ngụt ngàn và ẩm mốc, nhớ mùi nước đái ấm nóng của cô du kích vùng ven khi cùng ông ở dưới hầm bí mật… Hoài niệm đó qua các bài báo ngắn mà tôi được đọc, nó như tia chớp xẹt qua, làm tôi phải bàng hoàng..

“Nhưng mà này, đừng coi tôi là nhà báo- ông lại nói – Anh hỏi tôi sự nghiệp báo chí của tôi thế nào, tôi sẽ trả lời tôi không coi báo chí là sự nghiệp. Thế thôi. Về hưu tôi vẫn viết nhiều là để kiếm sống. Hồi bao cấp, tôi từng 12 năm nuôi lợn. Ngay dưới gầm giường tôi lúc nào cũng có con lợn hơn một tạ. Kinh tế thị trường mở ra, tôi phải nhao vào đó để kiếm sống, để tôi và gia đình tôi tồn tại. Tôi viết nhiều cho báo chí trong Nam ngoài Bắc để kiếm tiền. Cũng phải làm cách nào đó để kiếm 6 triệu đồng một tháng chứ! Mà thân già như tôi thì làm gì được ngoài viết báo? Cho nên, không dài dòng, lão già này trả lời là viết báo vì yêu nghề và yêu tiền!”

Cũng chẳng có gì đáng phải xấu hổ khi viết để kiếm tiền, bởi đồng tiền đó cũng từ mồ hôi nước mắt và tài năng của ông mà có, chứ không như một vài kẻ khác bẻ cong ngòi bút viết để kiếm bổng lộc. Ông bảo, nếu ông nghe lời người này người khác thì lên một cấp hoặc được thêm một cái nhà thì cũng dễ thôi. Nhưng ông không làm thế. Bằng ngòi bút của mình, ông xây nhà, dựng vợ gả chồng, nuôi con đi du học nước ngoài. Thế mới thấy sức lao động và tính chuyên nghiệp của ông như thế nào.

Giờ thì Phú Bằng vẫn đi, mỗi tuần một tỉnh với cái thẻ Hội viên Hội nhà báo Việt Nam trên tay. Sau mỗi chuyến đi, có tác phẩm hay không là không quan trọng với ông. Ông bảo: thực ra, những cái chưa viết được còn phong phú gấp nhiều lần những điều đã viết ra. Người cầm bút nào cũng vậy thôi!

Hồng Sơn

Cùng chuyên mục

Thế giới nội tâm Sophie Trịnh –  Một tài năng tương lai!

Thế giới nội tâm Sophie Trịnh – Một tài năng tương lai!

PHÓ ĐỨC PHƯƠNG VÀ KHÁT VỌNG SỬ CA

PHÓ ĐỨC PHƯƠNG VÀ KHÁT VỌNG SỬ CA

Sáng mãi ánh Sao Khuê – Chùm thơ nhiều tác giả

Sáng mãi ánh Sao Khuê – Chùm thơ nhiều tác giả

Trời Tây xa lắc

Trời Tây xa lắc

Về một bài thơ của nhà thơ Vũ Đình Liên tặng hai người phụ nữ Bình Định

Về một bài thơ của nhà thơ Vũ Đình Liên tặng hai người phụ nữ Bình Định

“Nếu có kiếp sau…tôi vẫn kết phận người Hải Phòng” – (Đọc trường ca “Người Hải Phòng”

“Nếu có kiếp sau…tôi vẫn kết phận người Hải Phòng” – (Đọc trường ca “Người Hải Phòng”

Lê Khánh Mai và hành trình nhà thơ nữ bứt phá

Lê Khánh Mai và hành trình nhà thơ nữ bứt phá

Thu Bồn – Tráng sĩ hề… dâu bể

Thu Bồn – Tráng sĩ hề… dâu bể

Nhà văn anh hùng Nguyễn Ngọc Tấn

Nhà văn anh hùng Nguyễn Ngọc Tấn