“Ở quần đảo Trường Sa, mỗi con người, mỗi cảnh vật, hay cả những con vật dường như cũng đều là một câu chuyện khiến tôi phải suy ngẫm và trân trọng. Có đi, có tận mắt chứng kiến những khó khăn mới thấu hiểu được lòng dũng cảm, sự hy sinh, tình yêu quê hương, đất nước của những chiến sĩ Trường Sa”.
Nhà báo Cao Thùy Giang xúc động chia sẻ về chuyến tác nghiệp tại quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
+ Lần đầu tiên ra tác nghiệp tại Trường Sa, hẳn là với một nhà báo có rất nhiều cảm xúc. Chuyến tác nghiệp này, đối với chị có ý nghĩa như thế nào trong hành trình nghề nghiệp?
– Tôi đã từng tham gia nhiều chuyến công tác đến các vùng đảo của Việt Nam như: đảo Cô tô, đảo Lý Sơn, đảo Phú Quốc, Côn Đảo… Nhưng có lẽ lần đầu tiên được tham gia tác nghiệp trên hải trình đến với quần đảo Trường Sa đối với tôi đó dường như là một chuyến đi lịch sử, chuyến đi đọng lại trong tôi nhiều cảm xúc hơn cả. Những ngày lênh đênh trên biển, ngắm trời, ngắm biển đảo của Tổ quốc là một trải nghiệm để tôi thêm tự hào, thêm yêu đất nước hơn.
Ở đó là tình yêu với biển đảo, là sự khâm phục những người lính đang ngày đêm canh giữ biển đảo Tổ quốc, là sự tri ân- biết ơn những người chiến sĩ đã dũng cảm hy sinh thân mình trong cuộc chiến đấu bảo vệ chủ quyền biển đảo tại quần đảo Trường Sa. Tôi nhận thức được rằng, để có được một cơ hội đến với Trường Sa không phải ai ai cũng có, với công việc ở một cơ quan báo chí, nên có lẽ cơ hội đối với các phóng viên, nhà báo được tạo điều kiện hơn. Bởi vậy, khi nhận được thông báo mình sẽ được tham gia đoàn công tác ra Trường Sa năm nay tôi vô cùng háo hức, phấn khởi và chuẩn bị một tâm thế và sức khoẻ để có chuyến công tác sao cho hiệu quả nhất.
Nhà báo Cao Thùy Giang tác nghiệp tại Trường Sa.
+ Tôi khá ấn tượng về hành trình “lần đầu tiên” ra Trường Sa, lênh đênh trên sóng nước Trường Sa có 6 ngày mà chị liên tục có các bài viết, phóng sự, phóng sự ảnh, ký sự, megastory… Tác phẩm nào cũng nhiều thông tin, nhiều tình yêu với Trường Sa, nhiều chi tiết đắt và những câu chuyện, những hình ảnh “níu giữ” độc giả. Chị đã có 1 tuần lao động như thế nào để tay máy, tay bút, tay bàn phím… một cách tốc lực như vậy?
– Chuyến tác nghiệp này, đối với tôi có ý nghĩa đặc biệt không thể quên trong hành trình nghề nghiệp. Bởi với tôi, ngay từ thời điểm bước chân lên Tàu 571 bắt đầu hải trình đến với Trường Sa đã là một “kho tài nguyên” sống động về thực tiễn để tôi có thể khai thác. Từ khi con tàu nhổ neo rời khỏi Quân cảng Cam Ranh, với tôi, mỗi một sự việc, mỗi người mà tôi tiếp xúc, tôi gặp hay cảnh vật, đều có thể trở thành đề tài để mình có những bài viết liên quan đến đề tài biển đảo, về những người lính hải quân, những chiến sỹ làm công việc bảo vệ chủ quyền biển đảo đất nước và về tâm tư của những con người dân đất Việt trong đoàn công tác khi được đến với Trường Sa.
Trước chuyến đi, tôi đã tìm hiểu rất nhiều, hỏi han những người đã từng đi trước về Trường Sa, kinh nghiệm để làm sao có được hiệu quả làm việc tốt nhất. Vì vậy, 1 tuần hành trình trên biển và tới các điểm đảo, dường như tôi hoạt động hết công suất của mình, cứ đi gặp mọi người, hòa vào các hoạt động, tham gia cùng mọi người rất nhiều công việc khác nhau vừa để phụ giúp mọi người trong các công việc, vừa để nói chuyện, giao lưu với các thành viên trong đoàn và tranh thủ phỏng vấn, ghi lại những tâm tư, những cảm xúc của mọi người trong chuyến hải trình. Tôi cố gắng để tham gia tất cả các hoạt động của đoàn, để không bỏ sót bất kỳ một hoạt động nào.
Tôi tâm niệm, chuyến đi này là hiếm hoi, nên mình cứ tranh thủ, tranh thủ chụp ảnh thật nhiều và thu thập hết khả năng có thể của mình những tư liệu, thừa dù sao vẫn hơn thiếu, cứ lấy tư liệu dày dày và đầy đủ để khi về đỡ “hối hận” và sẽ dùng sao cho hợp lý. Nên bên mình tôi luôn sẵn sàng 2 chiếc điện thoại, 1 quyển sổ + 1 chiếc bút để lúc nào cũng sẵn sàng “tốc ký” ghi chép lại, ghi âm lại, chụp ảnh lại mọi sự việc mình đang gặp trên hành trình.
Điều khó khăn nhất là tới mỗi điểm đảo nhỏ, thời gian hầu như chỉ có 1-2 tiếng để tác nghiệp trên đảo, nên tôi và các đồng nghiệp khác mọi người đều phải tranh thủ bố trí thời gian sao cho hiệu quả nhất. Chúng tôi vừa tham dự cuộc họp với các chiến sĩ tại các đảo để lấy thông tin đoàn giao lưu, thăm, tặng quà nhưng ngay sau đó là phải nhanh chóng việc phỏng vấn riêng các chiến sĩ đang công tác tại đảo để làm sao có được những thông tin đầy đủ nhất.
Thực sự, sau khi kết thúc chuyến hải trình, tôi mới có nhiều thời gian để sắp xếp lại tư liệu của mình. Hành trình 6 ngày lênh đênh trên biển, hầu như không có sóng điện thoại, khi tới các điểm đảo lớn sẽ có một chút sóng điện thoại nhưng cũng khá chập chờn, khi ấy, mọi người có thể tranh thủ gọi điện về nhà hỏi thăm người thân, tuy nhiên, với những nhà báo như chúng tôi, cứ tới các điểm đảo là như khoảng thời gian bận rộn nhất để lấy tư liệu, chụp ảnh, phỏng vấn các chiến sĩ về cuộc sống và công việc ngoài đảo xa. Bởi vậy, khi tàu cập vào bờ, kết thúc hải trình, ngay sau đó một vài tiếng tôi ngồi làm liền tù tì 3 tin bài cho kịp tính thời sự các sự kiện của chuyến đi… còn những sự kiện không thời sự tôi để đó làm sau.
Nhà báo Cao Thùy Giang và các đồng nghiệp tại Trường Sa.
+ Ai cũng nói rằng, tác nghiệp ở Trường Sa không dễ bởi rất nhiều thử thách, sóng nước, sóng điện thoại, sóng biển… và nhiều thứ khác nữa. Điều gì đã giúp chị vượt qua những khó khăn đó để hoàn thành nhiệm vụ?
– Quả thực, tác nghiệp ở Trường Sa không dễ bởi rất nhiều thử thách, như việc tác nghiệp trên sóng nước khi ở trên tàu cứ bồng bềnh làm mình dần phải thích nghi nhanh để còn hòa vào với công việc. Đặc biệt, thời gian tác nghiệp trên các đảo thì rất ngắn, chỉ có từ 1-2 giờ đồng hồ… Điều đó đã giúp mình vượt qua những khó khăn đó để hoàn thành nhiệm vụ đó chính là tâm niệm đã đi ra Trường Sa là một cơ hội hiếm có, mình cần phải khắc phục mọi khó khăn để làm sao đạt được hiệu quả công việc nhất.
Thêm nữa, khi tới các điểm đảo chứng kiến sự vất vả, sự kiên cường của các chiến sỹ tại các đảo mình càng nhận ra sự vất vả của mình có đáng là bao so với những cống hiến của các chiến sỹ với những khó khăn họ phải đối mặt như xa nhà, xa gia đình, chống chọi với mưa bão hay canh cánh thường trực tâm thế sẵn sàng chiến đấu để giữ và bảo vệ biển đảo Tổ quốc. Khi đó, mình nhận thấy, những khó khăn của mình không đáng là bao so với các chiến sĩ và mình càng phải cố gắng hơn nữa để làm sao có những bài viết chất lượng nhất.
+ Không ít câu chuyện về nghề nhưng không phải chuyến tác nghiệp nào cũng làm nên kỉ niệm. Và với chị, chuyến tác nghiệp Trường Sa ấy… đọng lại điều gì cho đến bây giờ?
Trong hải trình năm nay, vượt hơn 1.000 hải lý, đoàn chúng tôi là các đại biểu và Kiều bào đã đến thăm bốn điểm đảo gồm Sinh Tồn Đông, Len Đảo, Đá Tây B, Trường Sa và Nhà giàn DK1/16 Phúc Tần. Mỗi điểm đến với tôi nhớ như in trong tâm trí. Những ngày đi trên biển đã cho tôi thấy và hiểu hơn được về vùng biển Đông của chúng ta tươi đẹp, giàu tài nguyên gặp và tiếp xúc với những người lính đang ngày đêm làm nhiệm vụ canh giữ biển đảo cho tôi thấy một sự can trường, bản lĩnh của những người lính đầy sự khâm phục.
Tiếp xúc với những thành viên trong đoàn chúng tôi giao lưu, chia sẻ ở đó là sự đoàn kết, là sự cởi mở, chân thành, gắn kết những người con đất Việt con người như xích lại gần nhau hơn với nhau, dù là trong nước hay Việt kiều ở khắp 5 châu. Ở quần đảo Trường Sa, mỗi con người, mỗi cảnh vật, hay cả những con vật dường như cũng đều là một câu chuyện khiến tôi phải suy ngẫm và trân trọng.
Có đi, có tận mắt chứng kiến những khó khăn mới thấu hiểu được lòng dũng cảm, sự hy sinh cũng như tình yêu quê hương, đất nước của những chiến sĩ Trường Sa. Cùng nhau đi qua hơn 1.000 hải lý, điều đọng lại là tình yêu Tổ quốc, yêu đất nước, về một cuộc sống có trách nhiệm. Đó là sự gắn kết tình đồng chí đồng đội, tình quân dân và gắn kết những người con đất liền với tình yêu biển đảo.
+ Trân trọng cảm ơn nhà báo!
Hà Vân (Thực hiện)
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/co-di-moi-thau-hieu-duoc-long-dung-cam-su-hy-sinh-cua-nhung-chien-si-truong-sa-post266449.html