Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo được coi là bộ từ điển sống lớn nhất của đờn ca tài tử Nam Bộ và âm nhạc truyền thống VN, nghệ sĩ biểu diễn và đóng đàn thiên tài các cây đàn kìm, cò, thập lục, bầu và nhiều nhạc cụ dân tộc khác, vị giáo sư được hâm mộ nhất về nhạc cụ cũng như nhạc lý, nhạc sử âm nhạc truyền thống Nam Bộ của nhiều thế hệ học trò trong nước cũng như nhiều nước trên thế giới hơn 70 năm qua. Ông sở trường về “đờn ta” (đàn tranh, kìm, cò, gáo, bầu…) nhưng cũng rất thuần thục “đờn Tây” (mandoline, guitar, violon, piano…). Hiếm có một nhà hoạt động âm nhạc trên thế giới nào lại kiệt xuất ở cả ba vai nghệ sĩ biểu diễn, nghệ nhân làm đàn và giáo sư âm nhạc đỉnh cao như nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo.
Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo
Nhạc sư Vĩnh Bảo tên thật là Nguyễn Vĩnh Bảo, sinh ngày 19-8-1918 tại làng Mỹ Trà, quận Cao Lãnh, tỉnh Sa Đéc (nay là tỉnh Đồng Tháp), mất ngày 7-1-2021 tại Đồng Tháp, thọ 103 tuổi. Ông là con trai áp út trong một gia đình Nho học có 7 người con (4 trai, 3 gái). Cụ thân sinh là ông Nguyễn Hàm Ninh vốn là địa chủ, Hội đồng thẩm phán địa phương. Ông Nguyễn Hàm Ninh chơi nhạc tài tử rất hay, nhất là 3 cây đàn Kìm, Tranh và Cò, đồng thời cũng rất rành hát bội. Ông Ninh thường mời nhạc sĩ cổ nhạc họp mặt đàn ca tại nhà, nên Vĩnh Bảo được sớm tiếp cận với âm nhạc tài tử Nam Bộ. Từ nhỏ ông đã học đờn với các thầy Hai Lòng (Vĩnh Long), Sáu Tý, Năm Nghĩa (Trà Ôn)…Lên 5 tuổi, Vĩnh Bảo bắt đầu chơi được đàn Đoản; năm 12 tuổi có thể chơi đàn Kìm, Tranh, Cò, Gáo và Độc huyền. Năm 1938, ông đàn vọng cổ nhịp 16 thu đĩa Béka – Hãng John Keller (Đức) cho cô Ba Thiệt (chị cô Năm Cần Thơ) ca. Trong đĩa này, ông đàn Gáo, nhạc sĩ Năm Nghĩa (Trà Ôn) đàn Tranh, nhạc sĩ Ba Cân đàn Kìm. Ở tuổi 20, tên tuổi Vĩnh Bảo đã đứng cùng với các nhạc sĩ cổ nhạc trứ danh lúc bấy giờ. Năm 1955, ông cải tiến cây đàn tranh từ 16 dây thành đàn 17, 19 và 21 dây rất tiện lợi để có thể đờn các loại “hơi, điệu” mà không cần phải sửa dây, kéo nhạn. Cây đàn tranh này đã được chấp nhận, các tiệm đóng đàn cũng theo khuôn mẫu của ông. Từ đó cây đàn tranh 16 dây không còn được sử dụng tại Việt Nam đến tận ngày nay.
Từ 1955 tới năm 1964, ông được bổ nhiệm chức vụ Trưởng ban cổ nhạc miền Nam ở Trường Quốc gia âm nhạc Sài Gòn. Năm 1963, ông được mời tham dự hội nghị về âm nhạc với 11 nước Đông Nam Á tại Singapore. Năm 1970, ông được Đài truyền hình NHK của Nhật Bản mời sang Tokyo để thuyết trình về nhạc cổ truyền Việt Nam với phần minh họa đàn tranh.
Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo và vợ là bà Trâm Anh khi còn trẻ
Năm 1972, nhạc sư được Trung tâm Nghiên cứu âm nhạc Đông phương tại Pháp (Centre d’Etudes de Musique Orientale) mời sang cùng Giáo sư Trần Văn Khê đàn thu âm nhạc tài tử Nam Bộ cho Collection Ocora của Đài phát thanh Pháp và cho tổ chức UNESCO tại Paris. Cũng trong thời gian ở Pháp năm 1972, ông đến nói chuyện nhạc tài tử Nam Bộ và nghệ thuật đóng đàn của ông tại Trung tâm Âm thanh nhạc học (Laboratoire d’Acoustique Musicale) thuộc Đại học Jussieu (Paris VI) tại Paris theo lời mời của Giáo sư âm thanh nhạc học lừng danh Émile Leipp. Giáo sư Leipp là bậc thầy âm thanh học và kỹ thuật đóng đàn phương Tây, là tác giả của Essai sur la lutherie (Khảo luận về kỹ thuật đóng đàn) xuất bản năm 1946 tại Paris. Sau khi nghe nhạc sư Vĩnh Bảo nói về kỹ thuật đóng đàn Tranh của chính nhạc sư, Giáo sư Leipp đã tỏ ra vô cùng thán phục. Giáo sư Leipp đã ký tặng nhạc sư quyển sách nêu trên với dòng chữ bằng tiếng Pháp, xin lược dịch: “Tặng người đồng nghiệp Vĩnh Bảo, người ở phía bên kia của chân trời, cũng đóng đàn như tôi”.
Nhạc sư Vĩnh Bảo vừa chơi đàn vừa chính tay đóng đàn. Ông làm việc rất khoa học. Để đóng đàn hay, ông đòi hỏi người thợ đóng đàn phải là một thợ mộc giỏi, cao cấp, tức thợ mộc cao tay nghề có thể tạo ra những tác phẩm nghệ thuật. Và như thế, với ông, mỗi cây đàn làm ra là một tác phẩm nghệ thuật thật sự. Theo ông, thợ đóng đàn cũng phải có kiến thức về âm thanh học và vật lý học để có thể chọn gỗ, hiểu gỗ, hiểu âm thanh, thẩm âm cho tốt… Ông đòi hỏi người thợ đóng đàn cũng phải biết chơi đàn, bởi vì như thế có thể tự tay kiểm định âm thanh của tiếng đàn chứ không lệ thuộc vào ai khác. Và chính ông đã làm được những điều đó.
Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo được coi là “di sản sống” về âm nhạc của vùng Nam Bộ
Những năm 1971 – 1972, ông là Giáo sư biệt thỉnh giảng dạy đàn Tranh và cổ nhạc miền Nam tại Đại học Southern Illinois (Hoa Kỳ). Trong giai đoạn này, nhạc sư đã cùng nhạc sĩ Phạm Duy, Giáo sư Trần Văn Khê có nhiều hoạt động quảng bá âm nhạc Việt Nam tại Mỹ.
Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo là một trong những người tiên phong trong việc dạy đàn cho người nước ngoài qua phương pháp hàm thụ. Từ những năm 1960 đến 2004, ông đã ghi âm tiếng đàn vào băng cassette gửi ra nước ngoài qua đường bưu điện. Sau này những học trò của ông đã trang bị cho thầy dàn máy vi tính, Mp3, máy in… để ông chuyển sang dạy trực tuyến (online) cho học trò nước ngoài. Tới tuổi 98, nhạc sư vẫn tiếp tục dạy đờn trên mạng internet cho một số người Việt hay ngoại quốc (Pháp , Bỉ, Hà Lan, Thụy Sĩ, Mỹ…). Ông có thể tự mở Skype để gọi video, rồi ông giảng dạy qua mạng bằng tiếng Việt, tiếng Anh hoặc tiếng Pháp tùy vào đối tượng học trò sử dụng tiếng gì. Có học trò ở nước ngoài cũng tranh thủ về tận nhà ông để học đàn. Điển hình như trường hợp vợ chồng TS Minh Đăng sinh sống tại Singapore. Mỗi tháng, cặp vợ chồng này về Việt Nam một lần để học đàn với nhạc sư. Khi nhạc sư đã về sinh sống tại Cao Lãnh, thì đôi vợ chồng này cũng tiếp tục về Việt Nam xuống tận Cao Lãnh để học đàn. Theo đôi vợ chồng này kể lại, thì thật ra họ sống và làm việc tại Mỹ. Nhưng vì để tiện về Việt Nam học đàn với nhạc sư thường xuyên nên họ đã quyết định xin về làm việc tại Singapore.
Năm 2006, tại hội thảo Dân tộc nhạc học thế giới lần thứ 51 ở Honolulu (Hawaii, Mỹ), GS-TS Nguyễn Thuyết Phong qua bài tham luận “Nỗi quan tâm đến vận mạng của đờn ca tài tử: Nguyễn Vĩnh Bảo, người bảo vệ sau cùng của truyền thống” đã đề nghị tôn vinh nhạc sư Vĩnh Bảo là một trong sáu nhạc sư của thế giới có công đóng góp cho nhạc dân tộc và nổi tiếng nhất trong nước. Năm 2008, Tổng thống Pháp tặng ông huy chương văn học nghệ thuật (médaille des Arts et des Lettres) bậc “officier”. Ở Việt Nam chỉ có hai người được huy chương bậc này là GS-TS Trần Văn Khê và nhạc sư Vĩnh Bảo.
Trong năm 2015, ở tuổi 98, nhạc sư, “Đệ nhất danh cầm” Nguyễn Vĩnh Bảo nhận được một vinh dự lớn. Ông được trao tặng Giải thưởng văn hoá Phan Chu Trinh lần thứ 9 hạng mục Vì sự nghiệp Văn hóa – Giáo dục, vì những thành tựu trong sưu tầm, sáng tạo, truyền bá âm nhạc truyền thống Nam Bộ.
Trong buổi lế, phát biểu về nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo, thay mặt Hội đồng Giải thưởng Phan Chu Trinh, nhà văn Nguyên Ngọc nhận xét đầy trân trọng:
“Chúng ta đều biết trong văn hóa có một vấn đề lớn và sâu là mối quan hệ biện chứng, tinh tế, phong phú và phức tạp, tác động lẫn nhau giữa bộ phận gọi là bác học được coi là ở bên trên và phần gọi là dân gian ở bên dưới. Trong đó, một trong những khía cạnh quan trọng là khi ở tầng bên trên có những xao động, bất ổn định, rối ren …, thì chính ở bên dưới, trong văn hóa dân gian lại là nơi gìn giữ, bảo toàn những giá trị căn bản, lâu dài, thậm chí cho những khả năng và cơ hội phục hưng. Trong dân gian, những giá trị đó thường tản mác, không chỉ để nhìn thấy, phát hiện chúng, mà ngay cả để hiểu thấu và cả gìn giữ chúng, cần có những chuyên gia uyên thâm và tâm huyết đến mức hiến trọn vẹn cả một cuộc đời dài cho chúng. Hôm nay Quỹ Văn hóa của chúng ta rất vui mừng và vinh dự được tôn vinh đúng một một con người như vậy, Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo…
Nếu Phan Huy Vịnh ca ngợi người kỹ nữ tài ba “học đàn từ thưở 13”, thì còn sớm hơn, Nguyễn Vĩnh Bảo học đàn từ năm lên 7, và từ đó, gần tròn 90 năm từng ngày gắn bó với đờn ca tài tử Nam Bộ như chưa từng có bất cứ một người nào làm được như thế. Ông là một trong những nghệ sĩ hàng đầu của nền nghệ thuật độc đáo này. Nhà nghiên cứu âm nhạc nổi tiếng Trần Văn Khê gọi ông là “Đệ nhất danh cầm”, biết sử dụng ở trình độ cao tất cả các nhạc khí chính của đờn ca tài tử, đặc biệt đặc sắc với đàn Tranh và đàn Kìm (đờn nguyệt) “có ngón đàn điêu luyện, gân guốc và sâu sắc”, đã từng hòa đờn cùng các danh cầm lớn nhất, biết rõ lai lịch của hầu hết nhạc sĩ, nhạc sư cả miền Nam. Một tượng đài, nói thế không hề quá đâu, và một pho sử sống của đờn ca tài tử Nam Bộ. Nhà nghiên cứu âm nhạc, GS.TS Nguyễn Tuyết Phong thì gọi ông là “Người bảo vệ cuối cùng của truyền thống”. Về mặt này, Nguyễn Vĩnh Bảo cũng cho chúng ta những bài học thật sâu sắc. Bảo vệ không chỉ, không phải là gìn giữ khư khư. Bảo vệ phải đi cùng với sáng tạo, bằng sáng tạo. Bảo vệ không mâu thuẫn với phát triển, bảo vệ để phát triển, phát triển để mà bảo vệ. Đương nhiên chỉ có thể làm được điều đó khi và chỉ khi có một tình yêu tha thiết và một hiểu biết uyên thâm đối với di sản; có lẽ còn hơn thế nữa, cả một hiểu biết rộng rãi âm nhạc thế giới. Chính trên cơ sở như vậy mà Nguyễn Vĩnh Bảo đã vượt qua lối ký âm theo solfège phương Tây, sáng tạo ra cách ký âm đặc biệt rất tinh vi cho nhạc khí Việt Nam theo phong cách “tablature” – như cách gọi của GS Trần Văn Khê, hoàn toàn thích hợp với nhạc dân tộc Việt; lại kết hợp linh hoạt, tinh tế với cách truyền khẩu, truyền ngón riêng độc đáo trong đời sống âm nhạc truyền thống của người Việt.
Ông còn là nhà sáng tạo nhạc khí tài năng; là tác giả đầu tiên của cây đàn tranh 17 dây (để về sau có thêm những cây đàn tranh 19, 21, 25 dây). “Đờn tranh Vĩnh Bảo” hoàn chỉnh, đặc sắc, nổi tiếng đến mức được nhà thanh học lừng danh Émile Leipp coi là hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc thanh học (accoutisme) và thậm chí được sánh với Violon Stradivarious huyền thoại của phương Tây.
Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo có hàng trăm học trò trong nước và trên khắp thế giới; cách truyền dạy của ông cũng rất sáng tạo, kết hợp nhuần nhuyển lối truyền khẩu, truyền ngón dân gian Việt Nam với lối dạy hiện đại hàm thụ qua thư từ và internet, hoặc giảng dạy trực tiếp ở nhiều trường đại học nước ngoài, Paris, Tokyo, Singapour, Illinois… Năm 2008, Tổng thống Pháp đã trao tặng ông Huy chương Officier des Arts et des Lettres, Hiệp sĩ Nghệ thuật và Văn chương. Ông thật xứng đáng với danh hiệu ấy”.
Đáp từ phát biểu của nhà văn Nguyên Ngọc, nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo tâm sự: “Âm nhạc gắn liền với cuộc sống sâu kín của tôi nên tôi ôm chầm lấy nó. Tôi được cái may mắn thụ hưởng một số vốn âm nhạc. Tôi tự cho mình là người cộng tác đương thời, nơi nương tựa của hậu thế.
Như Quý vị biết, hiện nay có một số nhạc từ nước ngoài du nhập vào Việt Nam, làm cho giới trẻ say mê, quay lưng với âm nhạc dân tộc. Ai ai cũng nhìn nhận nhu cầu tất yếu là bảo tồn Kho tàng âm nhạc mà Cha Ông lưu lại. Nhưng khi nói đến bảo tồn bằng cách nào thì chỉ nói qua loa, do đó giới trẻ không thấy được cái tầm quan trọng của Kho tàng này. Lại thêm một số bậc cha mẹ cho rằng nhạc tây phương hay hơn, chẳng những không khuyến khích con em học đàn dân tộc mà lại còn cấm đoán.
Thật ra, chúng ta không thể cho nhạc này hay hơn nhạc kia. Vì nhạc là sản phẩm của một xã hội, tiếng nói của một dân tộc. Dân tộc nào đã phát minh ra nó dĩ nhiên là cảm thấy thấm thía khi nghe nó. Thầy dạy đàn thì nhiều, nhưng mỗi cách dạy mỗi thầy mỗi kiểu, không ai giống ai. Đừng nghĩ đó là điều tiêu cực mà phải hiểu lý do tồn tại ngàn năm của nó. Bản đàn không có viết ra, và dù có viết ra thì người đọc vẫn phải học trực tiếp với ông thầy qua cách dạy truyền khẩu, truyền ngón như ngày xưa. Bởi đó là phương pháp hay nhứt, tốt nhứt của truyền thống Việt Nam.
Giáo dục âm nhạc, sử dụng ký âm (solfège) nào cho bản đàn đóng một vai trò rất quan trọng. Có người nghĩ nên mượn ký âm do ré mi fa sol của tây phương. Tôi nhìn nhận ký âm tây phương khoa học và chính xác cho một số trường hợp, nhưng không phải cho tất cả. Vì đối với Việt Nam thì vấp phải những điều bất lợi như sau:
1: Ký âm tây phương chỉ ghi ra cái sườn bản (la mélodie principale de la pièce), không ghi ra cái tinh thần của bản (sentiment de la pièce).
2: Nhạc sĩ tây phương lên dây đàn dựa theo cao độ âm thanh mẫu (diapason), nốt đàn có cao độ cố định (hauteur déterminée). Nhạc sĩ Việt Nam tự ý chọn cao độ mình thích, cao độ nốt đàn khi vầy khi khác. Nếu nốt đàn Việt Nam hò xư xang xê cống, xướng âm là do ré fa sol la thì người nhạc sĩ tây phương sẽ cho nhạc sĩ Việt Nam hát sai, lên dây đàn sai (fausses notes).
3: Nhạc sĩ tây phương quan niệm bản đàn là một thực thể cố định, bất biến, viết sao đàn vậy. Một bản đàn, nhạc sĩ Việt Nam không chỉ là người diễn tấu đơn thuần mà còn có tính người, theo tâm tư tình cảm trong lúc đàn, ứng tác ứng tấu, tô điểm nốt đàn, để mang lại sức sống mới cho bản đàn. Một bản đàn qua đàn lại đều có ít nhiều khác nhau. Người ta gọi là dị bản, và đánh giá người nhạc sĩ qua những dị bản cá nhân.
4: Nhà trường nếu áp dụng ký âm tây phương là loại bỏ những thầy hay, vô tình triệt tiêu sức sáng tạo của nhạc sinh. Ra ngoài đời nhạc sinh sẽ mất cơ hội học cái hay của từng thầy mà mình muốn học.
Muốn lôi kéo giới trẻ quay về với nhạc Dân tộc thì hãy cho chúng thấy những nét tinh vi, hay ho độc đáo của nhạc Việt Nam. Chương trình giảng dạy phải do người có trách nhiệm về văn hóa, có nắm vững truyền thống, biết hướng đi của nó, biên soạn ra để các nhạc sĩ theo đó mà dạy.
Trên 100 tuổi vẫn miệt mài truyền dạy âm nhạc
Âm nhạc chung, trách nhiệm chung. Sự đóng góp của mỗi người tuy có khác nhau, nhưng sẽ được đời sau tôn vinh nếu có giá trị.
Tôi thiết nghĩ cũng càng nhắc nhở giới trẻ là khi vinh danh một nước, người ra nhìn vào cái tinh thần của dân tộc nước ấy, cớ không phải diện tích hay dân số.
Trong tương quan quốc tế hiện nay, giao lưu văn hóa là trong những nhịp cầu ngắn nhứt để các dân tộc gần gũi với nhau, gắn bó vơi nhau, học hỏi lẫn nhau.
Mọi cải tiến đều nên cả, miễn là đậm nét dân tộc, không tách rời truyền thống, cái hôm nay hơn cái hôm qua là đạt yêu cầu”.
Tự hào vì tên tuổi và nhân cách của nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo, từ năm 2018, khi ông sang tuổi 101, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp quê hương đã cho đón nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo và gia đình từ một hẻm nhỏ ở gần chợ Bà Chiểu, TPHCM về sống trong một ngôi nhà khang trang trên 200 m2 mặt đường, bên một dòng kênh trong xanh, do tỉnh và một số doanh nghiệp mến mộ Nhạc sư góp vốn xây dựng tại thành phố Cao Lãnh.
Và dù đã trên trăm tuổi, nhạc sư vẫn miệt mài truyền dạy âm nhạc trực tiếp hoặc qua mạng. Các thế hệ học trò ông vẫn thường xuyên tới lui để đàn ca với ông. Các nhà nghiên cứu, các nghệ nhân đờn ca tài tử cũng thường tới nhà ông để nghe ông nói chuyện âm nhạc và đàn ca với ông. Bảo tàng tỉnh Đồng Tháp cũng thường tổ chức những buổi nói chuyện để ông truyền nghề tại Nhà lưu niệm của chính ông trong khuôn viên Bảo tàng Đồng Tháp tại Cao Lãnh (Nhà trưng bày Nguyễn Vĩnh Bảo – Giai điệu và cuộc đời). Nơi đây hiện đang gìn giữ bộ sưu tập không lồ về cổ nhạc miền Nam do Nhạc sư sưu tầm nghiên cứu trong 90 năm. Cùng với bộ sưu tập vô giá này là danh sách hơn 200 nhạc sư – nhạc sĩ miền Nam mà ông có dịp tiếp xúc học hỏi từ nam 1925. Với mỗi người, ông đều có ghi chép cẩn thận về tên tuổi, bút danh, quê quán, loại đàn sử dụng, sở trường, sở đoản… Danh sách này cùng là độc nhất vô nhị.
NGUYỄN THẾ KHOA